Với 5 tập thơ ra liên tục trong quãng thời gian ngắn, giờ đây, Phạm Quốc Cường đã định hình rõ được con đường văn học mà anh đã chọn. Không ồn ào ra mắt sách, anh cứ lặng lẽ như tằm nhả tơ, như hoa thầm thì nở, để dâng cái đẹp cho đời.
Phạm Quốc Cường trong thơ vẫn như Phạm Quốc Cường ngoài đời. Anh rất nặng lòng, nặng tình. Trong văn học, đặc biệt trong thơ, người ta không thể nói dối được. Phạm Quốc Cường cũng vậy, anh rất chân thật.
Ở tập thơ “Khúc ca tình đời” (xuất bản năm 2021), với hơn 150 bài thơ, Phạm Quốc Cường đã nói lên được nhiều điều, từ tình yêu nam nữ cho đến tình yêu đất nước, tình yêu gia đình, việc thực thi pháp luật... Anh cũng tỏ rõ được ý chí nam nhi, làm người tử tế.
Trước hết, Phạm Quốc Cường nói rằng:
Thế gian lắm chuyện lạnh người
Cười vui cũng có, lo âu thì nhiều
…
Bình minh phủ sáng khắp nơi
Làm người tử tế được đời yêu thương
(Làm người tử tế)
Qua những câu thơ trong bài Làm người tử tế, Phạm Quốc Cường thấy rằng, cuộc đời vui có, buồn có, chứ không phải đời chỉ là bể khổ như lâu nay ta từng nghĩ. Không những thế, ngoài vui, ngoài buồn, thì cuộc đời cũng lắm nỗi lo âu. Như chúng ta biết, cuộc sống bây giờ thật nhiều nỗi lo, tai nạn giao thông, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh... Có lẽ từ quan điểm này, mà Phạm Quốc Cường đã viết nên những điều như vậy.
Phạm Quốc Cường cũng nói rằng, có một con đường hạnh phúc cho con người, mà ở đây là người tử tế. Nếu làm người tử tế sẽ được đời yêu thương. Bởi Phạm Quốc Cường thấy rằng, bình minh, tức sự tươi đẹp luôn phủ khắp nơi, miễn là ta sống tử tế, thì như luật nhân quả trong đạo Phật, đời sẽ yêu thương ta, từ đó mà ta tránh được những tai ương.
Ở Phạm Quốc Cường, anh không ngại khi nói thẳng về chính mình: “Vào ra ngang dọc trông đời nở hoa”. Câu thơ này khiến ta nhớ đến các chí sĩ ngày xưa, hay như cái ngông nghênh của nhà thơ tài danh Nguyễn Công Trứ “đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”. Để viết ra được câu thơ này, chắc rằng, Phạm Quốc Cường đã “phong ba phủ bụi trần” nhiều lần rồi.
Ở Phạm Quốc Cường, ta thấy đan xen giữa ý chí mạnh mẽ và cái yếu mềm của thi nhân. Chính vì vậy, anh đã khe khẽ tâm sự:
Hạ đã về rồi em biết không
Bằng lăng nở rộ tím trên đường
Trẻ em thôi học trường đóng cửa
Lá bàng vàng rụng che bóng sân
Ta muốn gần em trong mùa hạ
Mùa của đoàn viên mỗi gia đình
Dường như em vẫn còn xa quá
Để hạt mưa sa ướt tâm tình.
(Nhìn vô tận)
Trong cái Nhìn vô tận, Phạm Quốc Cường thấy mùa hạ như ai cũng thấy, đó là bằng lăng nở rộ, là lá bàng vàng rụng. Những nét đẹp lặng lẽ của mùa hạ. Nhưng điều này cũng không khiến tâm hồn thi sĩ vui lên được, bởi anh đã xa em, trong khi đó, mùa hạ là mùa đoàn viên, như anh đã viết.
Người xây năm cõi trời mây
Không bằng một cõi gió mây thuận hoà.
(Gió mây thuận hoà)
Hai câu thơ lục bát trong bài Gió mây thuận hoà có lẽ là hai câu lục bát hay thuộc hàng “top ten” trong tập thơ “Khúc ca tình đời”. Ta có thể hiểu ý anh rằng, anh đang viết về gia đình, dù người chồng giỏi giang đến đâu, được trọng vọng đến đâu cũng không được hạnh phúc nếu như vợ chồng không thuận hoà. Gió thể hiện cho sức mạnh, tức người chồng, mây có lẽ là hình ảnh của người vợ, dịu dàng nhẹ nhàng.
Theo lối suy tư trên, Phạm Quốc Cường tiếp tục viết những câu thơ say đời:
Tháng tư về em chớ có buông tay
Tình loay hoay xin hãy đừng quay gót
Môi em ngọt như giọt đường thấm nước
Trước bờ vai anh ngây ngất lặng nhìn.
(Tình tháng tư)
Lơ thơ vài giọt lệ trời
Rơi trong đêm tối ai ngồi đợi ai?!
(Tình cũ)
Không những thể hiện tình yêu với đời, với người mình yêu, Phạm Quốc Cường còn có những câu thơ như lời nhắc gọi:
Đừng ngủ mê khi mà ta đang sống
Cho chính ta và cho cả muôn người
Đừng mặc kệ với hình hài đất nước
Hãy gắng lên gồng sức bước song hành.
(Đừng ngủ mê)
Với năm tập thơ trong tay, mặc dù rất khiêm tốn không nhận mình là nhà thơ, nhưng có lẽ, nhiều độc giả khi đọc các tác phẩm của Phạm Quốc Cường, chắc rằng đều gọi anh là nhà thơ. Bởi chỉ có tâm hồn nhà thơ, thì mới viết được những câu thơ này:
Giờ ta say tình ta ai nào biết
Ai gọi mời những giây phút ái ân
Ai phân trần ai trách hờn ai dỗi
Ai đợi chờ ai chào đón đưa ta
Ta gào thét trong cơn say rất lạ
Gọi tên ai ta không nhớ nữa rồi
Nhưng ta biết ta say rồi vụng dại
Nhỡ qua đò rồi quên cả đò đưa.
(Tản mạn say)
Ở thơ Phạm Quốc Cường, ta còn thấy anh mang dáng dấp của những nhà thơ xưa: Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính. Con đường văn học là con đường gian khổ, mong rằng, Phạm Quốc Cường vẫn bền bỉ đi, để cống hiến cái hay, cái đẹp cho cuộc đời.
Nhà thơ Phạm Quốc Cường sinh năm 1980 tại Nam Đàn – Nghệ An. Anh là nhà báo có tiếng, với các bút danh: Quốc Đô, Quốc Minh, TQC… Các tập thơ đã xuất bản: Viết cho người tình mơ; Anh chờ qua trăng; Tình hoa; Tình yêu còn lại; Khúc ca tình đời. Ngoài ra, anh còn là tác giả của các bài hát: Khúc hát phóng viên; Hoa sữa và em; Anh chờ qua trăng; Gương sáng Pháp luật Việt Nam; Tuyến đầu vang mãi niềm tin; Việt Nam sáng ngời tình yêu…
Vũ Gia Hà
Link nội dung: //revcat.net/pham-quoc-cuong-me-say-hat-khuc-ca-tinh-doi-a14434.html