Kỳ 7.
III.
Tháng 12 năm 1894, Hà Nội chìm trong mùa đông giá rét, gió lạnh lùa lan tràn khắp các phố phường. Trời mang một màu mây xám xịt. Vài đàn chim sãi cánh bay về phương Nam tránh rét. Lá vàng bay lả tả khắp đường và cuốn bay theo gió. Dưới trời đông ảm đạm, phủ Thống sứ Bắc Kỳ nhô lên. Trong căn phòng sang trọng, Thống sứ Bắc Kỳ F.Rô đi ê đang họp với các tướng lĩnh, sĩ quan bàn về đàn áp Yên Thế, dự họp có Thống tướng Pi en, Thiếu tướng Voa rông. Thống sứ Bắc Kỳ nâng cốc rượu vang và nói:
-Xin hai ngài nâng cốc mừng cuộc hội ngộ.
-Xin đa tạ ngài Thống sứ.
Cả bọn cạn cốc rồi ngồi xuống. Thống sứ Bắc Kỳ F. Rô đi ê nói tiếp:
-Xin mời Thống tướng Pi en tổng kết chiến dịch năm 1892 đến hết năm 1893 tiêu diệt quân nổi loạn Yên Thế.
Pi en đứng dậy và nói:
-Thưa ngài Thống sứ, thực hiện chỉ thị của ngài Toàn quyền Đông Dương và của ngài Thống sứ, tháng 7 năm 1892 ta đã huy động 2.217 quân với nhiều đại bác hạng nặng 65ly, 95 ly chia làm 5 đạo do Thiếu tướng Voa rông chỉ huy, tham gia còn có 8 quan tư cấp tá. Lực lượng hùng mạnh đó đã tấn công vào hệ thống căn cứ sông Sỏi do Đề Nắm và nhiều thủ lĩnh chỉ huy. Kết quả trong trận này, hàng trăm binh sĩ Yên Thế tử trận. Thành quả lớn nhất là với kế dụ hàng và ám sát, một số thủ lĩnh của Yên Thế đã ra hàng như Đề Tuân, Đề Kiều, Tổng Chế, Đề Sặt. Đề Sặt trước khi ra hàng đã có công bắn chết Đề Nắm, thủ lĩnh quân sự cao cấp nhất của Yên Thế, một người trong 9 năm đã lãnh đạo nghĩa quân tiêu diệt gần 1 vạn quân Pháp, đánh bại ba đại tướng nổi tiếng của ta và hàng trăm sĩ quan các cấp của quân đội Pháp. Toàn bộ hệ thống cứ điểm của quân khởi nghĩa ở cửa sông Sỏi đã bị đập nát.
Voa rông đứng dậy:
-Thưa ngài Thống sứ, thưa ngài Pi en, đợt tấn công vào Yên Thế có thu được thắng lợi nhưng chỉ thắng lợi một nửa. Sau khi Đề Nắm mất đi, nghĩa quân Yên Thế đã bầu Hoàng Hoa Thám đứng đầu nghĩa quân. Thân Bá Phức là lãnh tụ tối cao nhưng chỉ là danh nghĩa. Thân Bá Phức đã già yếu và muốn về với đồng ruộng. Đề Thám là một tướng lĩnh kiên cường, kiên quyết chống Pháp, rất giỏi về quân sự và tổ chức chiến đấu. Đề Thám lại có nhiều trợ thủ đắc lực như bà Ba Cẩn, vợ ba ông ta không chỉ giỏi lo quân lương, vũ khí mà cũng giỏi chỉ huy chiến đấu, còn có cả Dinh, cả Trọng, cả Tuyển, Thống Luận là những thủ lĩnh đắc lực. Khi tấn công mà gặp đồn của Đề Thám thì quân ta rất khiếp sợ. Lính Pháp thì nằm lỳ không dám tiến lên, còn lính khố xanh, khố đỏ thì bỏ chạy.
Thống sứ Bắc Kỳ F. Rô đi ê ngắt lời:
-Khoan đã, nhưng làm thế nào khi tấn công quân ta lại biết được đó là đồn do Đề Thám chỉ huy?
-Thưa Thống sứ, khi tấn công mà quân ta bị bắn vào cánh tay phải thì đó là Đề Thám bắn, còn bị bắn vào cánh tay trái thì đó là do bà Ba Cẩn bắn. Không phải là họ bắn trượt mà là bắn cảnh cáo. Cách bắn đó đã làm cho quân ta cực kỳ hoảng loạn, sụp đổ về tinh thần và tan rã. Họ còn có tâm lý cảm ơn Đề Thám và bà Ba Cẩn không bắn giữa ngực họ, đã tha cho họ một mạng sống.
Thống sứ Bắc Kỳ trầm ngâm một lúc rồi hỏi:
-Nay Đề Thám thay Đề Nắm và Thân Bá Phức, tình hình chiến sự giữa Yên Thế và quân ta thế nào?
Voa rông đáp:
-Từ năm 1893 đến nay, Đề Thám ra sức xây dựng lại căn cứ Hố Chuối, Phồn Xương vững chắc và hiểm trở hơn các năm 1891-1892. Căn cứ nghĩa quân còn được mở rộng ra các tỉnh Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên. Ngoài Hố Chuối, Phồn Xương, Đề Thám còn xây dựng chung quanh 10 làng chiến đấu. Chiến thuật du kích được Đề Thám vận dụng và nâng lên một nghệ thuật ở trình độ cao trong tác chiến khiến kẻ thù đối phó một cách rất khó khăn.
-Ngày 7 tháng 2 năm 1893, quân của Đề Thám bắt giết Đề Sặt lúc nửa đêm, cắt thủ cấp tế vong linh Đề Nắm làm cho những thủ lĩnh ra hàng ta rất khiếp sợ.
-Ngày 27 tháng 6 năm 1893, quân Yên Thế đánh lính khố xanh ở Đáp Cầu, tiêu diệt hai lính, 1 lính bị thương. Tháng 6 năm 1893, Đề Thám cho 30 tay súng tấn công đồn gần Nhã Nam. Ngày 17 tháng 7 năm 1893, một cuộc giao tranh ác liệt trên đường Phủ Lạng Thương giữa quân của Đề Thám và quân của Công sứ Bắc Ninh Ma hê. Ngày 3 tháng 11 năm 1893, quân ta tổ chức đánh úp Thân Bá Phức, Tổng Trụ nhưng không thành công. Cũng tháng 11 cùng năm, Thiếu tá Ba ri đem 370 tay súng nhằm bao vây làng Bằng Cục nhưng khi đến nơi thì nghĩa quân đã rút. Ngày 31 tháng 12 năm 1893, quân Đề Thám hoạt động ở một làng Nhã Nam, khi rút đi đã bắn vào đồn quân Pháp.
-Về phía quân ta, đến tháng 1 năm 1894, đã xây được các đồn bao vây Yên Thế ở Nhã Nam, Mỏ Trạng, Bố Hạ.
Voa rông dừng lại uống một ngụm rượu và nói tiếp:
-Thưa ngài Thống sứ, tôi nghĩ chúng ta đối phó chật vật với quân Yên Thế vì Đề Thám và những thủ lĩnh của ông ta là những người kiên cường và giỏi về quân sự. Phần đông nghĩa quân Yên Thế là những người trọng nghĩa, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn cho dân, cho nước. Cho nên họ không hề sợ hãi dù đại bác của ta bắn như mưa, sát thương và tàn phá như sấm sét. Điều cơ bản là chúng ta không hiểu được người Việt. Cho nên, thuộc cấp cho rằng Thống sứ nên điều một quan lại người Việt hiểu về người Việt để hợp tác với chúng ta về mưu lược quân sự cùng tấn công Yên Thế. Các ngài xem cuộc khởi nghĩa lớn nhất phong trào Cần Vương là khởi nghĩa Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, chúng ta đối phó thất bại liên tục, chỉ đến khi điều ngài khâm sai đại thần Nguyễn Thân ra cùng với ta thì nay phong trào Hương Khê đang suy tàn và sắp bị tiêu diệt. Lại nữa, ai đã góp phần đàn áp khởi nghĩa Bãi Sậy, đó là ngài Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải. Ở Yên Thế cũng cần một đại thần tài giỏi của triều đình Huế hợp tác với chúng ta.
Thống sứ Bắc Kỳ F. Rô đi ê nói:
-Lời của thiếu tướng Voa rông nói phải lắm. Theo các ngài, trong số các quan lại của triều đình Huế ở Bắc Kỳ có ai giỏi về quân sự, chính trị có thể cộng tác với chúng ta cùng đàn áp khởi nghĩa Yên Thế?
Pi en đáp:
-Theo ý thuộc cấp, giỏi cơ mưu và hiểu về Yên Thế, Bắc Giang chỉ có ngài Lê Hoan, hiện nay là Tuần phủ Hưng Hóa kiêm Tiễu phủ sứ Tam Tuyên: Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang.
Thống sứ Bắc Kỳ hỏi:
-Thống tướng Pi en biết gì về ngài Lê Hoan không?
-Dạ bẩm Thống sứ, Lê Hoan sinh năm 1856, quê quán tại làng Mộc, xã Nhân Mục, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Thời trẻ, ngài Lê Hoan đi lính cho triều đình Huế, sau đó tham gia quân của Hoàng Kế Viêm ở Bắc Kỳ. Vì vi phạm quân luật, bị kết án tử hình nhưng được giảm án. Năm 1886 dưới triều Đồng Khánh, ngài Lê Hoan quy thuận người Pháp nên được bổ nhiệm làm thông phán ở Lạng Sơn và Hưng Yên. Đến thời Thành Thái năm 1892, được bổ nhiệm chức Bố chánh Sơn Tây, Tuần phủ Hưng Hóa kiêm Tiễu phủ sứ Tam Tuyên. Bây giờ ngài Thống sứ nói với quan Toàn quyền ra lệnh cho triều đình Huế bổ nhiệm ngài Lê Hoan làm Khâm sai đại thần Bắc Kỳ là có thể cộng tác với chúng ta.
* *
*
Đó là một đêm mùa đông năm 1894, toàn bộ màn đêm bao phủ mịt mùng lấy xứ Bắc Ninh, gió thổi khua cây lá xào xạc trên những mái nhà của phố xá. Bầu trời đen kịt không một vì sao. Xa xa, trong ánh đen lờ mờ, dòng sông Cầu vẫn âm thầm tuôn nước về Lục Đầu Giang. Vài con thuyền lặng lẽ ngược xuôi giang hồ tỏa ánh đèn dầu le lói. Trấn trị Bắc Ninh bị bao phủ màn đêm, phủ đường của quan Khâm sai đại thần Bắc Kỳ vươn lên mờ ảo. Trong gian phòng rộng của phủ vẫn còn le lói ánh đèn. Một người dáng dấp nho nhã, đầu chít khăn đen, mặc áo dài đen, quần trắng, đi giầy Tây đang chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng. Sau đó người ấy lại ngồi xuống và uống hết chén trà này đến chén trà khác rồi lại ngồi im nhâm nhi chén chè và suy nghĩ. Đó là quan Khâm sai đại thần Bắc Kỳ Lê Hoan. Cách đây vài hôm, Lê Hoan còn là Tuần phủ Hưng Hóa kiêm Tiễu phủ sứ Tam Tuyên. Chắc là do yêu cầu của Thống sứ Bắc Kỳ, của Toàn quyền Đông Dương, của Khâm sứ Trung Kỳ nên triều đình phong cho Lê Hoan chức khâm sai đại thần Bắc Kỳ với nhiệm vụ nặng nề là dẹp bằng được cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Thân Bá Phức khởi xướng từ năm 1885 và bây giờ là do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống Pháp càng quyết liệt hơn xưa. Triều đình Huế và các quan thầy Pháp thì Lê Hoan không lạ gì. Họ muốn biến Lê Hoan thành một Nguyễn Thân, một Hoàng Cao Khải nhưng ông khác hai người trên là ông đã có một thời yêu nước và chống Pháp khi trong quân ngũ của Hoàng Kế Viêm và quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, thời kỳ quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần 1 (1873), lần 2 (1882). Nhưng rồi thời đã thế thế thời phải thế, Lê Hoan lại quy phục người Pháp và trở thành viên quan cao cấp của triều đình với cái giá phải trả là đánh dẹp bằng được cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Biện pháp thì Lê Hoan đã có, cứ cho càn quét, bao vây, tách bách tính ra khỏi nghĩa quân, làm cho nghĩa quân kiệt quệ về lương thực, vũ khí, nhân lực, sau đó dùng lực lượng gấp 10 lần với hàng trăm khẩu đại bác tiến gần bắn suốt ngày đêm thì công sự kiên cố đến đâu, nghĩa quân gan dạ dũng cảm đến đâu thì cuối cùng vẫn bị tiêu diệt. Như bài học kinh nghiệm ở Hương Khê, ở Bãi Sậy. Lực lượng của Pháp và Yên Thế quá chênh lệch. Pháp có toàn bộ Đông Dương, Yên Thế chỉ có một huyện nghèo. Lê Hoan biết rằng Hoàng Hoa Thám cũng biết điều đó nhưng họ là những người yêu nước theo kiểu anh hùng hảo hán, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa. Lê Hoan cũng biết rằng thời kỳ từ năm 1885 đến năm 1892, khi Thân Bá Phức và Đề Nắm lãnh đạo thì phong trào Yên Thế mang tính chất Cần Vương với danh nghĩa quân thứ Song Yên, Thân Bá Phức là Thống đốc quân vụ, Tán tương quân vụ. Khi Đề Nắm mất đi, Thân Bá Phức già yếu chỉ còn danh nghĩa, Hoàng Hoa Thám lãnh đạo thì phong trào là của nông dân, đấu tranh cho tự do, độc lập và ruộng đất, cho nên cuộc xung đột càng gay gắt quyết liệt, không đội trời chung. Họ đã uống máu ăn thề, “Tứ hải giao huynh đệ" xem thường cái chết thì với họ đại bác súng đạn không có gì đáng sợ, họ đã quyết chết cho đại nghĩa, cho lý tưởng tự do, ruộng đất, độc lập.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-vii-tieu-thuyet-lich-su-ky-7-a14008.html