Sáng nay dậy sớm Lan đã thấy bố đi bộ ra công viên rồi, nhưng cái áo khoác ông lại để ở nhà nên cô vội vàng mang cái áo của bố ra công viên cho ông, lo ông bị cảm lạnh.
Đi gần hết vòng công viên, nháo nhác tìm mãi mới thấy bố khoác một cái áo lạ, ngồi trong dãy ghế xa với một phụ nữ. Định làm ầm lên, nhưng rồi Lan chỉ đứng nấp ở xa theo dõi. Họ có vẻ rất tình tứ, vui vẻ cười đùa, khác hẳn khi ở nhà, bố cứ lầm lỳ như cái bóng.
Cô tiếp tục điều tra thì được biết, người đàn bà kia đã 56 tuổi, kém ông 14 tuổi và hơn Lan 12 tuổi, đã goá chồng đang ở với con trai và con dâu.
Cô bắt đầu dò hỏi ông, bực quá ông gắt:
- Bố có quyền có bạn, cấm con hỗn láo.
Thế là cả tuần hai cha con "chiến tranh lạnh".
Ngẫm nghĩ cô thấy mình quá đáng, tâm sự với chồng, anh cũng ủng hộ bố.
Giọt nước tràn ly chính là lần Lan nghỉ việc về sớm để chiều đi công tác thì bắt gặp bà kia ở nhà mình vừa từ toilet ra tóc vẫn còn ướt. Cô làm ầm ỹ lên, bà kia chẳng nói gì, còn ông thì bực tức cực độ, đuổi cô khỏi nhà.
Lan tìm gặp vợ chồng người con trai bà kia, họ chỉ lặng lẽ nói:
- Mẹ tôi vất vả cả đời rồi, giờ mẹ muốn làm gì để vui là tôi ủng hộ.
Để làm rõ ý, họ nói thêm:
- Nhưng ai xúc phạm mẹ tôi, sẽ phải trả giá đắt.
Chịu thua rồi, họ một giuộc với nhau.
Suốt đợt công tác, chồng Lan lo cơm nước cho bố vợ và các con, nhưng ông không ăn, chỉ nhẹ nhàng bảo:
- Bố cảm ơn con, nhưng vợ chồng con nên về bên kia để bố tự lo.
Cô vừa kết thúc đợt công tác về, ông bố đã gọi vợ chồng Lan lại bảo:
- Bố đang nói tỉnh táo và minh mẫn đấy nhé, nếu các con cứ ức hiếp bố mãi, bố sẽ tự tử cho các con thấy để mà ân hận suốt đời, các có 3 ngày để suy nghĩ và dọn khỏi nhà.
Cô như bị một cú búa đánh thẳng vào đầu, choáng váng! “Mình đã quá đáng ư? Ai lo cho bố tốt hơn mình chứ?”. Thế là không còn cách nào khác, vợ chồng Lan lẳng lặng cùng các con dọn đi trong sự căng thẳng và buồn. Chuyện ấy đã hai năm rồi, hoà bình đã trở lại. Bà Tuyết đã thành mẹ kế của Lan.
Kể chuyện của người chị quen mình ra, để bạn nào cùng hoàn cảnh thì tham khảo.
Ngẫm: Đừng mượn cớ chăm sóc bố mẹ để áp đặt điều mình mong muốn nhưng ngược với nhu cầu của bố mẹ. Hãy tôn trọng sự chọn lựa lối sống của bố mẹ, ủng hộ những nhu cầu chính đáng của họ thế mới là thương yêu thật sự.
Chuyện làng quê
Trương Thành Sơn
Link nội dung: //revcat.net/con-cham-cha-khong-bang-ba-cham-ong-a13886.html