Thằng bé có cái răng sún, người lem luốc đã bùi tai, định đi theo người đó nhưng rất may bọn trẻ đã kịp chạy về báo với chủ nhà, kịp thời ra bắt nó quay trở lại. Mấy năm sau, cha mẹ nó mới chuộc nó về, cũng cho đi học, học xong lớp 7, chiến tranh ập đến, nó cũng đã ra dáng trở thành một thanh niên chững chạc, cùng hòa vào dòng người lên đường cứu nước, thanh thản và vô tư đến lạ lùng...
Một buổi chiều, cả làng đều nghe thông báo của xã đội, mời bà con lên Đình làng để nghe công bố một tin quan trọng, một vinh dự lớn của cả làng xã, do cấp trên gửi về - đó là thành tích, là công trạng của một người con gia đình ông Biên ở đội 2.
Tối đến, mọi người đã tụ tập khá đông. Ông Nhữ xách chiếc đèn măng xông đến, ngồi hì hục bơm lấy bơm để như bơm xe đạp, chiếc đèn sáng bừng lên theo tiếng oà của lũ trẻ choai choai. Bác Duân, chủ tịch xã và các bác đại diện cho các đoàn thể đã có mặt đầy đủ. Ông Nhữ, xã đội trưởng trịnh trọng lên đọc bài diễn văn ngắn gọn, nói về truyền thống tốt đẹp và sự cống hiến đáng kể của mọi tầng lớp nhân dân trong xã, đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đọc quyết định của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phong tặng danh hiệu "dũng sĩ diệt Mỹ " cấp một cho anh - cho thằng bé đã từng đi ở chăn bò của cái thời xa lắc ấy.
Tiếng vỗ tay rộ lên, tiếng xuýt xoa và những mẩu chuyện về anh cũng bắt đầu từ đó...
*
Sau nhiều năm, nghĩa là sau cái buổi tối đầy ấn tượng ấy, khi cuộc chiến kết thúc, trở về với cuộc sống đời thường, trong một cuộc vui hàn huyên với bạn bè thân thiết, có người hỏi chuyện, anh chỉ cười :
- Thực ra, ngày ta lên đường nhập ngũ, tuy có nói đến đau thương và lòng căm thù, nhưng hình như lúc đó chưa được ngấm vào máu thịt, mãi đến giờ ra trận - giữa âm thanh hỗn loạn của chiến trường tứ bề mịt mù khói bom và thuốc súng, nhìn đồng đội ngã xuống, ta mới cảm thấy máu trong cơ thể mình như đang giần giật chảy, thêm nữa - theo bản năng tự vệ của bản thân giữa cái giống và cái chết, thế là xông lên trút lửa xuống đầu con thù. Chỉ vậy thôi...
Một thoáng yên lặng trôi qua nặng nề, ai cũng biết sau bao nhiêu năm lăn lộn ở chiến trường, không dễ gì lúc nào anh cũng có thể giãi bày lòng mình như thế.
- Ngày ấy...anh cũng trầm giọng xuống - trận đánh xảy ra, anh em chúng tôi thường gọi là "trận Tết ", đó là cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân năm 1968, nhiệm vụ của đơn vị tôi là phải cố thủ và gìm chân lực lượng chi viện của Mỹ vào thành phố Huế giải vây cho bọn cố vấn Mỹ. Trong trận này, thằng Quyết - bạn nối khố của tôi đã hy sinh. Có lẽ mất mát này đã làm tôi đau đớn nhất, vì từ nhỏ, hai đứa tôi đã là bạn chí cốt của nhau, nó lại là đối tượng con một. Không ai cản được nó ngày nhập ngũ rồi ngày ra trận.
Quyết hy sinh trong trường hợp thật éo le, trong trường hợp đang làm công tác tử sĩ, nó ngã xuống khi đây đó thi thể của bạn bè đồng đội còn vương vãi, thậm chí không còn nguyên vẹn, còn kẻ thù thì bất ngờ giập pháo hoặc vãi đạn, đó là chuyện thường xảy ra sau mỗi trận đánh. Khi tôi trở về, đến nhà nó, bà mẹ ôm chầm lấy tôi nức nở: "Con ơi, Quyết ơi...". Mẹ khóc con, nhưng đôi mắt đục mờ, khô khốc. Năm tháng trôi qua chắc không thể nào vắt ra được một giọt lệ nào nữa. Lưng mẹ còng hẳn xuống gục đầu vào ngực tôi. Một tia lửa điện vô hình xuyên qua tim tôi đau buốt, tôi vẫn không nói được điều gì, chỉ ôm chặt bà hơn và bất chợt tôi nhìn thấy di ảnh của Quyết trên bàn thờ. Người bà mẹ mềm dần trong vòng tay của tôi và lần ấy tôi đã khóc...
Anh ngừng kể, mọi người cùng yên lặng, không gian như ngột ngạt thiếu oxy và rồi ai cũng tự nhận ra ở anh sự thất thần, có điều gì đó khiến anh nuối tiếc pha lẫn niềm day dứt ân hận, thì ra anh vẫn chưa dứt ra được cái cảm giác về kỷ niệm buồn thời chiến tranh :
- Có điều, chỉ tiếc lúc mẹ từ giã cõi đời chưa kịp tìm được hài cốt của Quyết đưa về cho mẹ, còn bây giờ Quyết đã yên nghỉ tại nghĩa trang của quê nhà rồi...
Anh dừng câu chuyện, mọi người ai cũng muốn biết thêm về những trận đánh sau đó nữa, nhưng rồi lại hiểu bản tính của anh... Anh vẫn ngồi yên tư lự, nét mặt đang đăm chiêu bỗng chốc sáng bừng lên như chợt nhớ ra điều gì, giọng hồ hởi:
- Vừa rồi, được biết số anh em còn lại sau đợt nhập ngũ năm xưa, mấy người đồng đội có chủ trương gặp mặt mỗi năm một lần và lần đầu tiên tôi được tham dự, vui và ý nghĩa vô cùng...
Đã gần ba chục năm trôi qua, hôm ấy chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Thời gian đã khiến hầu hết chúng tôi thay đổi, những nếp nhăn sau đuôi mắt và khóe miệng, những mái tóc hoa râm, thậm chí là bạc trắng. Chúng tôi ôm chầm bập lấy nhau như thời còn xuân trẻ, xưng hô với nhau lúc thì tôi với ông, lúc thì mày tao chi tớ đến là buồn cười. Sau khi trưởng ban liên lạc Sơn thông qua chương trình rồi lần lượt theo vòng tròn của chỗ ngồi, mỗi người tự giới thiệu sơ lược về gia cảnh của bản thân.
Tiếng cười thỉnh thoảng lại vỡ ra, những câu nói tếu buông đùa đan cài vào trong mỗi lời tự sự. Hồi ức về một thời xa xưa lại hiện về khi có ai đó nhắc lại kỷ niệm dù là rất nhỏ ở chiến trường. Điều đáng nói là trong phạm vi của huyện nhà, số anh em còn lại trở về sau chiến tranh chỉ còn non một nửa, có anh chỉ còn một chân lưỡi, có anh bị thương nặng đến méo mó cả mặt mày, có người bị điếc đặc...
Nói chung anh em tôi trở về quê với cuộc sống đời thường, không có ai đương chức, đương quyền ở bất cứ lĩnh vực nào, không có ai mặc cảm về một điều gì cả. Hầu hết đã lên chức ông nội, ông ngoại, một số anh em còn làm ăn giỏi nữa. Chả thế mà đội trưởng Sơn lạm dụng gấp hai lần thời gian tự sự về mình, còn mời bạn hữu có điều kiện thì ghé thăm trang trại của anh, với một cánh rừng nhận đấu thầu trồng cây công nghiệp và một bầy dê hơn 100 con nữa chứ...
Cuộc vui đã đến hồi kết thúc, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau và hẹn ngày gặp lại. Dự định lần gặp tới, chúng tôi sẽ mời bằng được các bà xã đi theo, ban liên lạc sẽ chuẩn bị một chương trình hoàn chỉnh hơn, có ý nghĩa hơn vì chúng tôi có chung một suy nghĩ : cuộc sống bao giờ cũng cần về quá khứ, quá khứ một thời tốt đẹp và trong sáng sẽ giúp chúng tôi sống tốt hơn.
Viết về người lính nhân ngày 27/7.
Chuyện làng quê
Đàm Nhuần
Link nội dung: //revcat.net/nguoi-cung-que-a13877.html