1. Đặt vấn đề
Trong từ điển học hiện đại ta thấy có hai xu hướng đối lập nhau: xu hướng biên soạn những từ điển tổng hợp (đa năng) và xu hướng biên soạn những từ điển chuyên dụng. Từ điển tổng hợp bao gồm những công trình từ điển cung cấp những thông tin đầy đủ nhất về từ, bắt đầu từ cách viết và kết thúc bằng việc miêu tả những điều kiện giao tiếp và thực tiến sử dụng nó trong lời nói. Từ điển chuyên dụng là những từ điển miêu tả một loạt tính năng nào đó của từ, chẳng hạn: sự phát âm (từ điển chính âm), cách viết (từ điển chính tả), nguồn gốc (từ điển từ nguyên), những quan hệ đồng nghĩa với những từ khác (từ điển từ đồng nghĩa) của từ v.v…
Cả hai loại từ điển này, ngoài thông tin về từ, có thể có cả những thông tin mở rộng ở một mức độ nào đó về sự vật mà từ gọi tên (được hiểu là những thông tin mang tính bách khoa). Tuy nhiên, những thông tin loại đó thường có mặt ở trong những từ điển loại đầu – từ điển tổng hợp.
2. Xu hướng
Xu hướng kết hợp có chủ hướng trong một mục từ những thông tin cả về từ lẫn về thực thể đứng sau từ đó xuất hiện khá lâu. Chẳng hạn, các tác giả cuốn “Từ điển giải nghĩa – tổ hợp tiếng Nga” đã thừa nhận là không đầy đủ nếu trong từ điển ngôn ngữ chỉ cung cấp thông tin về từ, rằng “việc sử dụng từ chính xác ở một mức độ rất lớn được xác định bởi việc ngôn ngữ đó phân chia hiện thực thành những mảnh vụn và trình bầy nó qua những bức tranh kiểu mẫu như thế nào. Cùng với đó đã xuất hiện những từ điển “thực thể”, từ điển “nghi thức lời nói (xã giao)” và những từ điển tương tự khác, còn trong một vài từ điển giải nghĩa đã xuất hiện những thông tin bách khoa tối thiểu tạo nên quanh từ một cái phông gowin99 và liên tưởng mà thiếu nó không thể sử dụng và hiểu từ chính xác được” [Melchuk, Zhôlkôvskii 1984 – dẫn theo Krưsin, 4].
Khi miêu tả từ vựng trong các mục từ của cuốn “Từ điển giải nghĩa – tổ hợp” những loại thông tin ngôn ngữ và bách khoa được phân biệt rõ ràng: chúng được ghi ở những vùng khác nhau của một từ. Phần lớn hơn là những thông tin về nghĩa của từ, về kiểu loại điều khiển của nó, về ranh giới biểu hiện các mối liên hệ của các ngữ vị và sự kết hợp của các ngữ vị (khác nhau) trong câu, về các hàm (chức năng) từ vựng v.v…, còn vùng riêng biệt bao gồm “những chỉ dẫn về những tiểu loại và những giai đoạn khác nhau của đối tượng hoặc quá trình được biểu thị bởi từ chính của mục từ, các cách hành xử chính của đối tượng hoặc quá trình, các tiểu dạng của nó v.v…” [Melchuk, Zhôlkôvskii 1984 – dẫn theo Krưsin, 4].
Trong những từ điển giải nghĩa khác được soạn vào thời gian sau cuốn “Từ điển giải nghĩa – tổ hợp” (ở Liên Xô trước đây), vị trí của việc cung cấp các thông tin bách khoa được xác định không giống nhau. Những thông tin này có thể chiếm một vùng riêng và đi theo ngay sau giải nghĩa, cũng có thể được đặt ở những chỗ khác nào đó của mục từ. Tuy nhiên nguyên tắc hợp nhất trong từ điển ngôn ngữ cả thông tin thuần ngôn ngữ lẫn thông tin bách khoa vẫn là rất phổ biến.
3. Thực tế
Để minh họa cho việc những thông tin về thực thể (thông tin bách khoa) đã kết hợp với những thông tin về đặc điểm ngữ pháp, ngữ nghĩa, văn phong và những đặc điểm khác của từ, có thể tham khảo kinh nghiệm soạn thảo “Từ điển giải nghĩa từ ngoại lai” [Krưsin 1998].
Mọi người đều rõ là trong số những từ vay mượn của tiếng nước ngoài vị trí rất lớn thuộc về thuật ngữ chuyên ngành cũng như những từ ít dùng mà không phải người nào sử dụng ngôn ngữ vay mượn cũng biết. Trong nhiều trường hợp thì việc giải nghĩa bình thường một từ tương tự như sự giải nghĩa thường có trong những từ điển ngôn ngữ học không đủ để có khái niệm đầy đủ cả về bản thân thực thể cũng như về điều kiện sử dụng từ thể hiện thực thể đó. Vì thế, để bổ sung cho giải nghĩa, tác giả từ điển đã chỉ ra những thông tin về chức năng của đối tượng được từ gọi tên (máy móc, thiết bị, dụng cụ v.v…), những đặc điểm công dụng của nó, lĩnh vực sử dụng, về lịch sử của khái niệm này hoặc khái niệm khác, về vị trí của nó trong nền gowin99 của dân tộc đã sản sinh ra nó và trong nền gowin99 đã vay mượn cả bản thân khái niệm lẫn tên của nó v.v…
Ví dụ, để giải nghĩa từ ацетилен, tác giả từ điển không chỉ giới hạn ở việc chỉ ra rằng đó là một hợp chất hữu cơ, là một khí không màu, mà còn thông báo phương pháp nhận ra (tạo ra) được loại khí này: “АЦЕТИЛЕН…hóa. Hóa hợp hữu cơ hydrocarbon không no dãy aliphatic (béo): loại khí không màu nhận được do tác động của nước với cacbua canxi, hoặc bằng kỹ thuật cracking và nhiệt phân mêtan” (trang 94; những chữ in nghiêng là những từ trong từ điển đang xét đến được giải nghĩa ở những mục từ riêng của mình).
Trong lần xuất bản thứ hai (năm 2000) của từ điển trên, từ vay mượn cách đây không lâu УОТЕРГЕЙТ đã được miêu tả như sau.
“УОТЕРГЕЙТ… chính. 1. viết hoa. Một vụ bê bối chính trị gây nên bởi sự phát hiện sự kiện trong thời gian chuẩn bị bầu cử tổng thống năm 1972 đại diện của đảng Cộng hòa cầm quyền ở Mỹ đã đặt máy nghe trộm bất hợp pháp ở khách sạn Oatơghêt nơi đặt tổng hành dinh của đảng Dân chủ (trong quá trình của vụ bê bối này đã phát hiện ra rất nhiều sự kiện tham nhũng, cung cấp chứng cớ giả v.v… và tổng thống R.Nichxơn trước nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm đã buộc phải từ chức vào năm 1974)” (tr. 854 – dẫn theo Krưsin, 4).
Việc mô tả dài như vậy cho phép hiểu nguyên nhân của sự xuất hiện nghĩa bóng của từ này đã được dùng như một danh từ chung:
“ 2. ng.bóng nói chung chỉ một vụ bê bối chính trị nào đó gây nên bởi những sự kiện được phát giác của hành vi không đẹp (theo dõi bí mật, mua chuộc, tham nhũng v.v…) của những đại diện của giới cầm quyền cấp cao”. (Như mọi người biết, tổ hợp – ghêt tách ra từ từ này về sau đã trở thành một từ tố cấu tạo từ hay dùng tạo nên những từ phái sinh như: Iranghêt, Cremlighêt, Monicaghêt và những từ tương tự - xem về điều này trong [Zemxkaia 1992 – dẫn theo Krưsin, 4).
Hai ví dụ này là minh họa cho việc thông tin bách khoa có thể đưa vào chính lời giải nghĩa và cấu thành bộ phận đáng kể của nó.
Nhưng trong đa số các trường hợp, thông tin bách khoa được đưa vào vùng riêng biệt và có dấu hiệu riêng – gạch thẳng đứng (│):
“МАРАФОНСКИЙ… [theo tên gọi của làng Maratôn (Maraphon) ở Hi Lạp cổ đại]. Trong thể thao: liên quan đến những cự li có độ dài lớn. Chạy maratôn. Cuộc đua trượt tuyết maratôn. │Ở làng Maratôn năm 490 trước Công nguyên người Aten đã thắng quân Ba Tư; một trong những chiến binh Hi Lạp đã chạy từ Maratôn về Aten (khoảng cách là 42 km 195 m) thông báo chiến thắng xong ngã xuống chết. Về sau, cự li trên trở thành cự li mẫu cho cuộc thi chạy maratôn” (tr. 415 – dẫn theo Krưsin, 4).
Sau dấu “│” người ta cũng thường để những nhận xét về cách dùng của từ hay thuật ngữ, về tương quan của chúng với các tên gọi khác của chính những hiện tượng đó hoặc các hiện tượng gần gũi, về các tiểu loại của quá trình hoặc hiện tượng v.v…
“ПОМПАДУР2… Viên quản trị độc đoán, viên quan lại được cất nhắc bởi được sủng ái…│Từ П. Trong nghĩa này lần đầu tiên được M. E. Xaltưkov dùng trong truyện vừa ‘ПОМПАДУРЫ И ПОМПАДУРШИ” (tr. 551 – dẫn theo Krưsin, 4).
Đôi khi trong vùng thông tin bách khoa có nêu nguồn gốc của từ (dài hơn từ nguyên của chính nó) làm rõ nghĩa hoặc dạng thức bên trong của từ được miêu tả:
“ТАБЛУИД [tiếng Anh tabloid, sát nghĩa là ‘viên thuốc’]. Báo lá cải (thường đăng tin các vụ bê bối, gật gân). │Lúc đầu T. là tờ báo khổ nhỏ đăng tin cô đọng; tờ báo đó được so sánh ẩn dụ như sự nén chặt của viên thuốc” (tr. 680 – dẫn theo Krưsin, 4)
Trong mục từ của một số từ, thông tin bách khoa có thể có mặt không phải ở một mà là hai vùng, cùng bổ sung cho sự mô tả từ. Chẳng hạn trong mục giải nghĩa từ БИКИНИ:
“БИКИНИ… [tiếng Anh bikini – theo tên gọi của đảo san hô (vòng) Bikini ở Thái Bình Dương, nơi năm 1946 và 1954 Mỹ đã thử bom nguyên tử và bom khinh khí]. Áo tắm nữ, gồm nịt ngực hẹp và quần lót nhỏ. │Tên gọi xuất hiện từ việc so sánh hiệu quả do người phụ nữ mặc loại đồ trên gây ra với sự nổ của bom nguyên tử” (tr.113 – dẫn theo Krưsin, 4).
Những ví dụ dẫn trên đã minh chứng khá rõ ràng lợi ích, và trong nhiều trường hợp là sự cần thiết của thông tin bách khoa trong từ điển ngôn ngữ: nó cho phép không chỉ mô tả những đặc điểm thuần ngôn ngữ của từ mà còn cho thấy bối cảnh lịch sử- gowin99 , kĩ thuật, gowin99 -đời sống và bất kĩ bối cảnh nào khác mà trong đó nó được sử dụng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể phân định rạch ròi ranh giới các loại thông tin ngôn ngữ và thông tin bách khoa của một từ.
4. Việc đưa thông tin bách khoa vào từ điển giải thích tiếng Việt.
Nhìn lại thực tế biên soạn từ điển tiếng Việt, có thể thấy một tình hình chung là thông tin bách khoa còn ít được các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt chú ý. Trong một số loại mục từ ở một số cuốn từ điển, nếu có chú ý đến thông tin bách khoa thì loại thông tin này cũng được đưa chung vào lời định nghĩa, như một phần của lời định nghĩa.
Ví dụ: mục từ cá voi, trong một số từ điển giải thích tiếng Việt định nghĩa như sau.
- Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên)
Cg. Cá kình. Loài động vật có vú, rất to, có thể dài đến 25 mét và nặng đến l50 tấn, thân hình giống cá, sống ở các biển lớn, thường phun lên những tia nước cao
- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên)
Động vật có vú ở biển, cỡ rất lớn, có loài dài tới hơn 30 mét, thân hình giống như con cá, có vây ngực, vây đuôi rõ ràng.
- Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên)
Động vật có vú, hình giống cá, sống ở các biển lớn, dài hơn 30m và nặng đến 150 tấn
- Từ điển từ và ngữ Việt Nam (Nguyễn Lân)
Loài động vật có vú, rất to và dài, có thể nặng đến 150 tấn, sống ở các đại dương, thường phun lên những tia nước cao. Nhân loại đương lo là do người ta bắt nhiều quá, cá voi sẽ bị diệt chủng
Có thể thấy rằng một số thông tin bách khoa (như: động vật có vú, có vây ngực, vây đuôi) đã được đưa vào lời định nghĩa của các từ điển này.
Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp đưa thông tin bách khoa vào một vùng riêng trong lời định nghĩa của từ thì khả năng trình bày nghĩa từ sẽ mở rộng hơn, phong phú hơn. người biên soạn từ điển có điều kiện trình bày rõ hơn về thông tin bách khoa trong nội dung định nghĩa của từ. Người dùng, khi tra cứu từ điển cũng có điều kiện hiểu sâu thêm về đối tượng mà từ biểu thị.
Chẳng hạn, với các mục từ cá voi, nước, …trong phần định nghĩa, có thể đưa thêm thông tin bách khoa sau dấu “│” như sau
CÁ VOI dt. Động vật có hình cá, cỡ rất lớn, sống ở biển, có loài dài tới hơn 30 mét, có vây ngực, vây đuôi rõ ràng. │CV thuộc bộ động vật có vú, khác cá ở chỗ có thân nhiệt không thay đổi, thở bằng phổi, đẻ con, nuôi con bằng sữa, có cơ quan thính giác phát triển mạnh.
NƯỚC dt. Chất lỏng không màu, không mùi và trong suốt khi là nguyên chất, tồn tại tự nhiên ở sông, hồ, ở biển (…). │Công thức hóa học là H2O, sôi ở nhiệt độ 1000C, đóng băng ở 00C.
Việc xem xét để đưa thông tin bách khoa vào nội dung định nghĩa của từ điển giải thích tiếng Việt (thích hợp đối với những cuốn từ điển giải thích cỡ lớn) là một hướng đi mới, làm phong phú thêm nội dung định nghĩa của từ, phù hợp với phương châm tích hợp thông tin của từ điển học hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TỪ ĐIỂN DÙNG ĐỂ ĐƯA VÍ DỤ
(Bài viết đã đăng ở Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư số tháng 6-2022)
Phạm Hùng Việt
Link nội dung: //revcat.net/thong-tin-bach-khoa-va-viec-dua-thong-tin-bach-khoa-vao-tu-dien-giai-thich-tieng-viet-a13665.html