Bắt cua thì có nhiều cách, như: Thả rọ, móc hang, đánh dậm… nhưng bắt cua ngôm thì trời phải nắng nóng. Trời càng nắng nóng, thì càng nhiều cua ngôm để bắt.
Buổi trưa, lúc trời nắng nóng nhất, xách giỏ ra đồng. Tìm những ruộng lúa mới cấy, nước ruộng lúc này nóng như đun, chỉ thò chân xuống đã thấy nóng rát, vội rút chân lên. Lũ cua ở dưới nước không chịu được nóng, nó bò lên bờ cỏ, lên cả khóm lúa để tránh nóng. Lúc này cứ việc vạch cỏ tìm và tóm cua cho vào giỏ. Chỉ một đoạn bờ ruộng, đã bắt được đầy một giỏ (hai, ba cân cua đồng).
Có con cua trèo lên tận ngọn cây lúa, thấy người đến nó liền tụt xuống nước để trốn. Nhưng nước nóng quá, không chịu được lại bò lên chấp nhận để cho con người bắt. Nhìn cảnh ấy, sao thấy tội cho con cua quá! Nó không còn sự lựa chọn nào… xuống nước thì cũng chết, trèo lên thì bị bắt. Âu cũng là quy luật sinh tồn của tự nhiên.
Đấy là bắt cua ngôm lên, còn có kiểu bắt cua ngôm xuống nữa.
Bắt cua ngôm xuống là lũ cua không chịu được nóng trên ruộng nước, nó tìm những thùng vũng nước sâu có rong bèo, nước mát để tránh nắng nóng. Lúc này người bắt chỉ việc mang te, xiếc, dậm ra đùn hoặc kéo bắt được toàn cua to. Nếu đồng nhiều cua, đùn một vũng phải được gần chục cân cua.
Cua đồng chế biến được rất nhiều món ngon, nhưng món ngon nhất mà ai cũng thích là nấu canh rau đay, mùng tơi, thêm quả mướp với chút rau nhút… ăn với cà muối thì thôi rồi!
Món canh cua đồng cũng đi vào thơ ca, nhạc họa… tô điểm cho bức tranh quê hương thân thương, đầm ấm! Cũng là hoài niệm, là nỗi nhớ quê của người xa xứ.
Hình ảnh con cua ngôm những trưa hè nắng gắt, gắn với nỗi vất vả nhọc nhằn của người nông dân làm ra hạt gạo:
… Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mô hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
(Thơ Trần Đăng Khoa)
Cua ngoi lên bờ, chính là cua ngôm đấy!
Bây giờ có muốn đi bắt cua ngôm, cũng chẳng còn chỗ mà bắt. Ruộng đồng ô nhiễm, do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ao hồ cũng bị san lấp nhiều; môi trường sống của cua đồng, ngày càng bị thu hẹp.
Cua đồng, đúng nghĩa là con cua sống tự nhiên ở ngoài đồng. Nhưng bây giờ làm gì còn đồng ruộng sạch nữa, mà bắt cua. Bắt cua ngôm có lẽ chỉ còn là hoài niệm thôi các bác ạ!
HD-23/6/22-NH
Chuyện làng quê
Nguyễn Hộp
Link nội dung: //revcat.net/bat-cua-ngom-a13476.html