Kỳ 30.
Ngày 28 tháng 3 năm 1891, Đề Thắng đánh thiếu úy Rô be ở Trường Bổn; tháng 7 năm 1891 nghĩa quân chặn đánh Phó Đoan ở Can Lộc; 15 tháng 7 cùng năm, Lãnh binh Dương Lê đánh thiếu úy khố xanh đi từ đồn Nam Huân về Vinh. Sang năm 1892, chiến sự càng khốc liệt. Ngày 8 tháng 6 năm 1892, lính khố xanh đi chợ Hương Bộc bị nghĩa quân chặn đánh cách đồn Nguy Giáng 1 km. Tối 18 tháng 6 cùng năm, nghĩa quân đánh nhau với quân của Rô be tại Hà Tĩnh. Tại Trường Vật cũng có cuộc giao tranh với Đơ su la, trưởng đồn Nam Huân. Tháng 7 cùng năm có cuộc giao tranh giữa Huy nhi và Bá Hộ Thuận. Ngày 15 tháng 12 năm 1892, quân Hương Khê đánh nhau với quân Pháp do Buốc gioa và Rô be chỉ huy ở núi Quạt.
Thứ ba, nghĩa quân Cần Vương chống càn quét. Tháng 9 năm 1889, Tuần phủ Hà Tĩnh Đinh Nho Quang cùng giám binh Giắc ke đi càn quét nhưng không thành công. Ngày 1 tháng 9 năm 1889, quân Hương Khê do Đề Niên (Phan Bá Niên) chỉ huy chống càn quét có hiệu quả ở Cồn Chùa, Khe Đen. Tháng 3 năm 1890, Đề Thắng và Phan Trọng Mưu chống càn ở La Sơn và Thương Sơn. Tháng 12 năm 1890, quân Hương Khê chống lại quân Pháp càn quét ở Trại Tháp. Ngày 9 và 15 tháng 9 năm 1891, quân Pháp càn quét ở Trường Vật. Tham gia có giám binh Bu dông, thiếu úy Huy nhi ở Linh Cảm, Buốc gioa ở Nam Huân, Phô sê ở Trấn trị Hà Tĩnh, Ma dít tơ ri ở chợ Bong, Mác kê rô be ở Tri Ban. Cuộc càn quét bị thất bại.
Ngày 2 và 9 tháng 3 năm 1891, Giám binh Bu dông càn quét từ Tri Ban đến đèo Quý Hợp trên đường vào Hương Khê. Nghĩa quân lui về Trường Vật-Trại Tháp. Tháng 8 năm 1892, quân Pháp càn quét vào khu Hói Trung và Ngàn Sâu, căn cứ địa của Tổng binh Cao Thắng. Nghĩa quân bên trong, đồng thời nghĩa quân bên ngoài đánh ép lại, quân Pháp thất bại buộc phải rút lui. Ngày 9 tháng 8 cùng năm, nghĩa quân chống càn quét của quân Pháp từ Trại Chè Thạch Hà đến Khê Thượng, Hương Khê. Tháng 8 năm 1892, quân Pháp mở cuộc càn quét rộng lớn, Nghĩa quân đã chiến đấu bảo vệ được căn cứ từ Thượng Bồng, Hạ Bồng, Hói Trùng, Hói Trí đến Ngàn Trươi, Vụ Quang. Đầu tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 1892, phó công sứ Nghệ An Đa mát đã huy động gần hết lực lượng binh lính ở Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức cuộc càn quét lớn vào rừng Trường Xim. Bị nghĩa quân đánh trả, Pháp thiệt hại lớn phải rút lui. Tháng 8 cùng năm, Nghĩa quân đã đánh bại cuộc càn quét của Pháp vào Hội Trung nhắm đánh vào Phan Đình Phùng. Ở Hội Trung, nghĩa quân có 150 tay súng, Đốc Chanh có 100 tay súng ở Thiên Thôn. Ngoài ra còn có quân Tác Ngạn ở La Sơn, Bá Hộ Thuận ở Trại Chè. Quân Pháp giả vờ tấn công Trại Chè nhưng lại bất ngờ tấn công Hội Trung để tiêu diệt Phan Đình Phùng, sau đó càn ra Ngàn Sâu. Thực hiện kế hoạch đó, Pháp cho thiếu úy Lơ pác, Buốc gioa, Huy nhi càn quét từ Hà Tĩnh đến Trại Chè, thiếu úy khố xanh Ha ghe và Phô sê đem 80 lính đánh Khê Thượng, Rô be đem 60 lính đánh Trại Cuội, Hương Sơn, Giám binh Lăm be cùng các thiếu úy Cơ rê mông và Ma ria ni đem 50 lính đánh Hương Khê. 9 giờ tối ngày 5 tháng 8 năm 1892, Rô be tiến quân vào Hội Trung, nghĩa quân đồn tiền tiêu đánh trả rồi rút. 10 giờ đêm 13 nghĩa quân bất ngờ tấn công, tiêu diệt 16 lính Pháp. Rô be hốt hoảng rút lui. Cuộc càn quét thất bại.
Thứ 4, trong chiến đấu nghĩa quân Hương Khê đã sử dụng chiến thuật phục kích tiêu diệt quân Pháp. Ngày 3 tháng 4 năm năm 1890, quân Hương Khê do Đốc Chanh chỉ huy đã phục kích tại làng Hốt, diệt nhiều lính khố xanh. Tháng 4 năm 1890, nghĩa quân do Đốc Trạch chỉ huy đã phục kích, diệt Pháp ở làng Hốt, Phú Lộc, Can Lộc. Những toán quân nhỏ của Pháp thường bị chặn đánh trên các ngã đường. Ngày 2 tháng 6 cùng năm, Đề Đạt đã phục kích đánh lính khố xanh của Lê Hai từ Na Pế. Lê Hai phải quay lại Na Pế. Ngày 20 tháng 7 năm 1890, một thượng tá Pháp bị phục kích ở làng Linh Cảm. Tháng 6 năm 1891, lính của Bu dông bị chặn đánh. Năm 1892 quân Cần Vương từ Trại Chè đánh xuống Voi. Thiếu úy Bờ ri cu đem quân cứu bị phục kích, giao chiến 2 giờ liền. Bờ ri cu bị thiệt hại nặng phải tháo chạy.
Thứ 5, nghĩa quân Hương Khê tấn công đồn bốt của Pháp: Ngày 15 và 16 tháng 12 năm 1889, quân Hương Khê do tướng Cường và Lương chỉ huy đã đánh đồn Dương Liễu do thiếu úy Lăm be và Rô ti chỉ huy. Ngày 26 và 27 tháng 5 năm 1890, đồn Trường Lưu bị đánh, ngày 24 tháng 7 cùng năm đánh đồn Quý Châu, lãnh Thiệt của nghĩa quân hy sinh. Ngày 2 tháng 11 năm 1890, quân Cần Vương do Đề Mậu chỉ huy đã đánh đồn Cửu Cát và đồn Mạc Hạ. Ngày 24 tháng 4 năm 1891, đồn Trung Lễ bị tấn công, Đề Thắng tấn công đồn Lương Điền ngày 19 tháng 12 cùng năm. Ngày 23 tháng 8 năm 1892 Bá Hộ Thuận đem quân Cần Vương đánh vào trấn trị Hà Tĩnh, phá nhà lao, giải phóng 70 tù nhân là nghĩa quân. Quân Pháp rất lo sợ khi nghĩa quân tấn công vào trấn trị.
Quân Pháp cũng tổ chức nhiều trận tấn công đồn của nghĩa quân Cần Vương. Ngày 24 tháng 7 năm 1890, Pháp tấn công Đông Trại của Đề Mậu giữa Cây Canh và Đồng Cốc, cuộc tấn công do Công sứ Vinh Luyt xơ tổ chức và chỉ huy. Ngày 6 và 9 tháng 4 năm 1891, lính khố xanh đã tấn công đồn trại của quân Cần Vương nhưng thất bại, nhiều lính khố xanh bị tiêu diệt.
Thứ 6, quân Cần Vương còn tổ chức bắt và trừng trị quan lại triều đình theo Pháp. Tháng 3 năm 1892, Thống lĩnh Cao Thắng đã bắt tuần phủ Hà Tĩnh Đinh Nho Quang. Đinh Nho Quang là người đã dám viết thư vô lễ với Phan Đình Phùng. Tháng 3 cùng năm, bắt và trừng phạt Bá hộ ở Lạc Hà đã cộng tác với Pháp. Đêm 7 tháng 3 năm 1892, Bá Hộ Thuận đánh úp huyện Thạch Hà, bắt và trừng phạt tri huyện. Đêm 16 tháng 6 cùng năm, các toán nghĩa quân đã đến làng Trung Lễ, làng Đông Khê, làng Văn Lam trừng phạt những người theo Pháp, giết chết Quản Hiệp ở Đông Khê...”.
Toàn quyền Đông Dương Đu le Pi kít đọc xong bản báo cáo, vô cùng kinh hãi trước hoạt động của Phong trào Cần Vương ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, liền gọi sĩ quan tùy thuộc:
-Cho triệu tập Hội đồng Phòng thủ Đông Dương ngay.
-Dạ, tuân lệnh toàn quyền.
Hội đồng phòng thủ Đông Dương họp khẩn cấp dưới sự chủ tọa của Toàn quyền Đu le pi kít, ra quyết định cho Khâm sứ Trung Kỳ phải phối hợp với triều đình Huế đàn áp bằng mọi giá cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng.
* *
*
Tỉnh Nghệ An, trấn trị Vinh mùa hè năm 1892 chìm trong nắng như đổ lửa. Các dãy phố và dinh thự nhô lên trời xanh, cây cối đứng im phăng phắc, không gian không một luồng gió mát, chỉ có những làn gió nóng như lửa làm không gian càng thêm hầm hập. Trong một căn phòng rộng, khang trang của dinh công sứ, Bộ tư lệnh đàn áp cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng đang họp. Người ta thấy Khâm sứ Trung Kỳ Se ra phin Héc to từ Huế ra chủ tọa. Các sĩ quan ngồi đối diện nhau hai bên, giữa là chiếc bàn gỗ gụ dài to. Trên bàn của khâm sứ và bàn dưới của thuộc cấp những cốc thủy tinh đầy ắp rượu săm pa nhơ. Khâm sứ Trung Kỳ Se ra phin nâng cốc và nói:
-Xin mời các ngài cạn chén, chúc mừng cuộc hội ngộ.
Cả bọn nâng cốc:
-Xin cảm tạ ngài Khâm sứ.
Sau tiếng cốc chạm nhau, cả bọn cạn và đặt cốc, Khâm sứ Se ra phin nói:
-Tôi xin giới thiệu, đây là ngài công sứ Nghệ An Luyt xơ, đây là ngài đại thần Hoàng Cao Khải, người cùng làng Đông Thái, huyện La Sơn với Phan Đình Phùng, đây là ngài Nguyễn Thân, quê Quảng Ngãi, ngài sẽ chỉ huy toàn bộ quân lực khố xanh ở Hà Tĩnh để chiến đấu với nghĩa quân Hương Khê.
Ngừng một lát viên khâm sứ nói tiếp:
-Thưa các ngài, ta từ Huế ra đây vì nhận được chỉ thị của ngài Toàn quyền Đông Dương, kèm theo chỉ thị là bản Tổng kết tình hình chiến sự giữa quân ta và quân Cần Vương ở Trung Kỳ từ 1885 đến nay. Ta đã đọc và cũng đồng quan điểm với ngài Toàn quyền là chiến sự mấy năm gần đây hết sức khốc liệt, quân Cần Vương hoạt đông vô cùng táo bạo với nhiều hình thức của chiến tranh du kích, linh hoạt, rất khó đối phó. Quân ta bị nhiều thiệt hại, tình hình vô cùng nghiêm trọng, đe dọa nền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ và ở Bắc Kỳ. Chỉ thị của ngài Toàn quyền là dốc toàn lực tiêu diệt bằng được cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh. Hôm nay ta họp các ngài để triển khai và thực hiện chỉ thị đó của ngài Toàn quyền.
Ngừng một lát, viên Khâm sứ nói tiếp:
-Bây giờ xin các ngài lắng nghe ngài Nguyễn Thân, người đã có công đàn áp thành công nhiều cuộc khởi nghĩa ở miền Nam Trung Kỳ báo cáo về tình hình ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa giữa quân ta và quân của Phan Đình Phùng.
Nguyễn Thân nói:
-Dạ bẩm ngài khâm sứ, bẩm ngài Luýt xơ, thưa các ngài, các ngài đã biết, năm 1885, Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi đã bạo động chống lại người Pháp ở kinh thành Huế. Sau khi thất bại, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, ra chiếu Cần Vương lần 1, ra sơn phòng Hà Tĩnh, Quảng Bình xuống chiếu Cần Vương lần 2. Các sĩ phu, văn thân của Đại Nam ở miền Trung và miền Bắc đã nổi dậy hưởng ứng, tạo nên một phong trào chống Pháp mạnh mẽ suốt bốn năm nay. Ở Trung Kỳ có khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhạ ở Nghệ An, Nguyễn Duy Hiệu khởi nghĩa ở Quảng Nam, thành lập Nghĩa Hội Quảng Nam, Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa ở Bình Định. Năm 1885-1887 Lê Thành Phương khởi nghĩa ở Phú Yên, khởi nghĩa của Trịnh Phong năm 1885-1886, khởi nghĩa của Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng Bình, khởi nghĩa của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân ở Quảng Ngãi, khởi nghĩa của Trương Đình Hội ở Quảng Trị, khởi nghĩa Hoàng Địch ở Nghệ -Tĩnh, khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Thuận ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, khởi nghĩa của Cao Thắng, Cao Nữu ở Hàm Lại, Sơn Lễ, Hương Sơn. Khởi nghĩa Hùng Lĩnh của Tống Duy Tân ở Bá Thước và Quảng Xương Thanh Hóa. Lớn nhất là các cuộc khởi nghĩa của Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Nguyễn Khế ở Ba Đình, Nga Sơn, Thanh Hóa, của Phan Đình Phùng ở Hương Khê Hà Tĩnh. Ở Bắc Kỳ có khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh ở Lạng Sơn. Năm 1883 -1887 có khởi nghĩa của Nguyễn Văn Giáp ở Sơn Tây, khởi nghĩa của Nguyễn Quang Bích ở Phú Thọ, Yên Bái, khởi nghĩa của Nguyễn Văn Ngữ (Đốc Ngữ) ở Thanh Sơn, Hòa Bình, khởi nghĩa của Tôn Thất Hàm ở Nông Cống, Thanh Hóa, khởi nghĩa của Cầm Bá Thước ở Cẩm Thủy, khởi nghĩa của Hà Văn Mao ở Mã Cao Thanh Hóa. Lớn nhất là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật ở Bãi Sậy ở Hưng Yên. Cuộc khởi nghĩa này đã quy tụ được các cuộc khởi nghĩa các vùng chung quanh dưới cờ như khởi nghĩa của Tạ Hiện ở Thái Bình, Nam Định, khởi nghĩa của Đốc Tít ở Quảng Ninh và một số thủ lĩnh ngoại vi Hà Nội như Bắc Ninh, Vĩnh Yên...
Năm 1888, mặc dù vua Hàm Nghi đã bị bắt, bị lưu đày sang An giê ri nhưng phong trào Cần Vương ngày một mạnh mẽ. Điển hình là cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo, trung tâm là Hà Tĩnh nhưng lan tỏa khắp bốn tĩnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Lực lượng của Cần Vương ở miền Trung đã gây nhiều thiệt hại cho tính mạng của các sĩ quan và lính Pháp, lính khố xanh bản xứ và các quan lại của triều đình cộng tác với nước Pháp. Lực lượng này đã cắt đứt con đường nối liền miền Bắc với miền Nam, đe dọa nền bảo hộ của Pháp ở Đại Nam. Sự việc rất nghiêm trọng này đến mức ngài Toàn quyền Đông Dương phải quan tâm.
(Còn nữa).
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-30-a13454.html