Sau này có nhiều dịp được gần gũi với ông hơn, tôi mới biết khả năng phổ thơ mà ông có được là nhờ những kỹ thuật học được từ người thầy giáo của mình - nhạc sĩ Thuận Yến - từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông là người từng sống ở nhiều mảnh đất. Sinh ra và lớn lên ở quê nhà Hưng Yên, tuổi nhỏ ở Hà Nội (học ở Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), lớn lên đi bộ đội, đóng quân và đi biểu diễn ở hầu hết các tỉnh phía Bắc rồi hai chục năm nay lại định cư ở thành phố Vũng Tàu. Có lẽ với một người nhạc sĩ thì việc sống ở nhiều nơi đã cho ông cơ hội được tìm hiểu gowin99 , con người của nhiều vùng đất và cũng từ ấy chất liệu âm nhạc sẽ được cất lên từ đời sống sôi động, mang bản sắc của từng vùng.
Hơn 20 năm sinh sống ở thành phố Vũng Tàu xinh đẹp, với trái tim đa cảm ông đã rung động trước vẻ đẹp của các địa danh cũng như tình người mà người dân nơi đây dành cho ông. Ông đã sáng tác nhiều ca khúc gắn với chủ đề biển mà ở đó hiện lên tình yêu quê hương đất nước nặng sâu, tình yêu nam nữ nồng nàn, tha thiết. Ca khúc về biển đảo của ông thành công nhất phải kể đến “Quan họ ở Trường Sa” (thơ Lê Thị Bích Hồng). Đây là ca khúc được Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải C (không có giải A) năm 2018 và đã được giới thiệu trên sóng phát thanh, truyền hình. Với nét giai điệu đậm âm hưởng quan họ làm cho mối lương duyên thơ và nhạc vừa ngọt ngào vừa đằm thắm như kể câu chuyện của người lính biển với cô gái quan họ. Bài hát chân thật, giản dị nhưng có khả năng thấm sâu vào đáy lòng người nghe bởi sự gần gũi và ngập tràn yêu thương.
Không chỉ dừng lại với những ca khúc về biển đảo, nhạc sĩ Thanh Khang còn có duyên với những sáng tác về núi rừng biên cương, về những người lính Biên phòng, trong đó nổi bật nhất là ca khúc “Bộ đội Biên phòng về với bản” được ông phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Phiêu. Ca khúc đã giành giải Khuyến khích trong Đợt vận động sáng tác ca khúc đề tài về biên giới, biển, đảo và Bộ đội Biên phòng chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 – 3-3-2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 – 3-3-2019). Ca khúc ghi nhận sự gắn kết không thể tách rời giữa Bộ đội Biên phòng với dân bản, các chiến sĩ không ngại khó, không ngại khổ bám bản để “lớp học lộng gió ngàn”, “cây lúa thơm cao sản”, “con trâu không ngủ dưới gầm sàn”, “điện soi đầu dốc”, “vách núi xanh cây”… Ca khúc với nét nhạc tươi vui pha chút nghịch ngợm như tình cảm hồn nhiên, chân chất của các cô gái vùng cao, vui mừng thấy quê hương đổi mới từng ngày từ khi có các chiến sĩ Biên phòng về bản, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Vào những ngày cuối năm 2020, ông tham gia cùng Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi thực tế sáng tác ở các tỉnh biên giới phía Bắc và khi trở về ông đều có sản phẩm báo cáo, được các nhạc sĩ tỉnh bạn đánh giá cao. Đến Cao Bằng, ông có “Cao Bằng trong tim tôi” đăng Tạp chí Non nước Cao Bằng số tháng 2-2021. Đến Lạng Sơn, ông có “Xứ Lạng trong tôi” (thơ Hoàng Kim Vũ) đăng Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng số tháng 4-2021. Đến Bắc Kạn, ông có “Khúc phiêu du Ba Bể” (thơ Hoàng Kim Vũ) đăng Tạp chí Văn nghệ Ba Bể số Tết Tân Sửu 2021. Những ngày tháng 5 này, ông vừa nhận giải Nhất Cuộc thi sáng tác ca khúc về thanh niên Cao Bằng do Tỉnh đoàn Cao Bằng tổ chức với ca khúc “Tự hào thanh niên Cao Bằng”. Bài hát với giai điệu vui tươi, trong sáng thể hiện quyết tâm, nỗ lực của thanh niên Cao Bằng trong học tập và làm theo lời Bác. Trước đó, ông đã phổ thơ nhiều bài thơ về đề tài miền núi, như “Đêm chợ tình” (thơ Doãn Tốt), “Con trai người Pa Dí” (thơ Pờ Sảo Mìn), “Gieo hạt” (thơ Mai Liễu), “Tiếng chim đại ngàn” (thơ Nông Thị Hưng), “Một khúc Páo Dung” (thơ Hà Ngọc), “Thành phố Cao Bằng tự hào bước tới” (thơ Nguyễn Việt Hùng), “Cùng em về Hạ Lang” (thơ Phạm Thanh Thắng)…
Nhẩn nha sáng tác ở tuổi 67 khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đã dần vơi bớt, nhạc sĩ Thanh Khang đang ngày càng khẳng định là cây bút sung sức của vùng đất Bà Rịa –Vũng Tàu. Là một hội viên của một hội văn học nghệ thuật địa phương - nơi còn nhiều hạn chế về việc đầu tư sáng tác, thế nhưng ông đã không những sáng tác đều mà còn phối hợp với các tác giả thơ cho thu âm những bài hát ấy để quảng bá trên trang Facebook và YouTube của mình. Bởi ông quan niệm, một tác phẩm âm nhạc chỉ nằm trên giấy là một tác phẩm không có giá trị.
Ngô Khiêm
Link nội dung: //revcat.net/nguoi-nhac-si-lang-du-tu-rung-xuong-bien-a13394.html