Ngày tôi còn bé ở nhà, đàn bà nhuộm răng đen bóng ăn trầu bỏm bẻm cả ngày, già rụng răng thì các cụ có cái cối ngoáy suốt ngày không mỏi tay. Các bà ăn trầu là cứ phải có đủ bộ: Cau (tươi, hoặc khô tùy mùa), lá trầu không (già, vàng càng thích), vỏ chay, vỏ quạch, vôi, thuốc lào.
Nhai nước đầu thì nhổ ra, còn sau là nuốt hết nhé, gần như 100% các bà ăn trầu đấy, các ông cũng có ăn mà ít lắm, chỉ các cụ ông già thôi.
Nhà nào cũng có giàn trầu (dễ trồng mà, chỉ cần dâm cành bánh tẻ nơi đất cao ráo bắc dàn cho nó bò lên là ok), cau nhà nào cũng thường có vài cây trước cửa nhà vừa lấy quả ăn trầu vừa hứng nước mưa vào bể để dùng), vài cái bình vôi nữa. Các thứ khác mua ở chợ bán nhiều.
Bây giờ về quê thì các ông lại ăn trầu, mà ăn còn nhiều hơn các bà ngày xưa nữa chứ! Nhưng không có đủ "gia vị" như các bà ngày xưa đâu, thiếu vỏ chay, vỏ quạch, thuốc lào (mặc dù các ông thì hút thuốc lào như kéo lò!
Ngược lại các bà, các cô lại không ăn trầu nữa nhé, (có rất ít cụ bà là còn ăn thôi), còn các cô thì tuyệt đối, chắc họ sợ răng xỉn đen mất duyên!
Như chú em thứ tư tôi thì nhà không lúc nào được thiếu, đi làm, đi chơi, đi đâu trong túi cũng phải có cái gói gói lá trầu (đã quẹt vôi), cau . . . đấy, không bao giờ quên, trời nóng lạnh gì cũng ăn tuốt, cơm xong là phải có nó đút vào ngay, lúc nào miệng cũng bỏm bẻm, nước đầu cũng phun phè phè, miệng môi lúc nào cũng đỏ như bôi son. Mà không đánh son nhé!
Thế nên tôi mới nói là nó quái đản!
Quê tôi: thôn Vĩnh Tuy, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đấy!
Chuyện làng quê
Lê Văn Sơn
Link nội dung: //revcat.net/dan-ong-an-trau-a13382.html