Người ta gọi vậy. Thật ra tên trong giấy khai sinh của lão là Trân, Phạm Văn Trân. Ấy thế mà thiên hạ chả bao giờ gọi riêng tên lão ra cả. Người ta cứ gọi lão là Chân, chân lợn, nghe nó thô lắm, mà được cái không tục, thành ra họ cứ gọi. Gọi lâu thành quen, quen thành ra nó chết cả cái tên cúng cơm. Ai ở xa đến, chỉ cần hỏi thăm lão từ đầu trảng trở vào, nói tên lão thì ai cũng biết, bởi mỗi mình lão có cái tên như vậy, mà gắn cái tên "lợn" vào nữa thì chả nhầm lẫn với ai. Rõ khổ.
Lão là bắc kỳ chính tông. Dân di cư vào nam sau năm bảy mươi nhăm. Ở cái xứ nam kỳ này, người ta gọi lợn là heo, nhưng lão dứt khoát không chịu theo người ta. Lão cứ gọi là lợn, mấy chục năm rồi, đi đâu lão cũng gọi lợn. Ai nghe hay không mặc kệ, lão cứ hâm hâm vậy. Lợn thì người ta in tên hẳn lên sách giáo khoa, nhầm lẫn thế nào được mà phải gọi bằng heo. Đấy, lão cứ lý luận cùn thế, đứa nào làm gì được lão.
Lão hâm hâm.
Có lẽ vậy, lão hâm nên lão yêu lợn từ bé. Thủa xưa, khi miếng ăn còn chả đủ đút vào mồm, ấy thế mà lão chăn lợn con nào con nấy cứ béo mũm. Chả biết có phải không? người ta còn đồn lão ngủ chung với lợn nữa kìa. Năm hai mươi hai tuổi, lão lấy vợ. Ông bà cho lão ra ở riêng với vốn ban đầu là đôi lợn giống, và một túp lều gianh ngoài đầu bãi. Lão cũng chăm chỉ, mà mỗi tội chả lọi ra được một xu, bà vợ sinh thằng con giai đầu thì đói lên đói xuống.
Năm ấy, chủ trương nhà nước đưa dân đi thành lập vùng kinh tế mới ở trong nam. Lão giơ tay đi đầu tiên. Ối dào, đang đói bỏ mẹ lên, tự nhiên nhà nước cho gạo ăn cả năm giời, có mà sướng bằng Tiên. Lão ôm vợ con lên tàu cùng bà con trong xã, hành lý mang theo độc cái kiềng, vài cái xoong chảo, và ...một đôi lợn giống.
Nói đến đôi lợn giống trên tàu thì chỉ muốn cười vỡ bụng. Lão cho vào cái thùng gỗ, chỉ hở ra hai cái lỗ cho thở. Tàu xình xịch ba ngày ba đêm thì có ma nào chịu cho nổi. Mà tàu chở dân kinh tế mới thì thuộc vé hạng tư, thành thử cái xình xịch mất ngủ ba đêm, cộng thêm cái xồng xộc của đôi lợn con, thì cái toa tàu ấy cứ phải gọi là điên lên chứ không phải bỡn. Nhân viên toa tàu thì họ kệ, bởi toa hành khách chở dân kinh tế mới là đặc trưng, họ chả quan tâm.
Thế rồi vào vùng kinh tế, lão có gạo nhà nước lo, cả năm giời chứ ít gì. Lão phát nương, làm rẫy, rồi hì hục vào đôi lợn giống. Thế mà có kết quả, chỉ vài năm sau, đàn lợn lão nuôi đã phát triển ầm ầm, lão có cả trăm con, nhìn mà mướt mắt. Thời gian ấy, dân kinh tế vào làm ăn sốt rét hết ráo, lão cũng bị giật vài cơn, mà nhờ giời cái thể lực lão tươm, nên đều đi qua hết. Lão bòn mót hết các phần rẫy của những người bỏ đi, chăm chũi bỏ xuống những bãi điều ngút tận chân giời. Thế rồi giời chả bạc công lão, vợ chồng lão cứ xoắn lấy những rẫy điều, chăm nom vài trăm con lợn, cũng đủ chi tiêu. Sau này lão thành lập trang trại, mà lão lấy cái tên cũng chả giống ai: Trại lợn Phạm Chân
Chiều nay đi đám cưới.
Đám cưới con lão hàng thịt, nhà tít ngoài thị trấn. Lão đóng bộ từ sáng, nói cho oai chứ bộ đồ lão may từ hồi cưới thằng con giai thứ hai đến giờ, nó nhăn nheo như tàu lá chuối rũ. Lão cứ xồng xộc ngồi lên con xe "guây" tàu ghẻ. Kệ, thiên hạ nhìn lão thế nào thì kệ. Đến vợ lão khuyên mua con xe tươm một tí, lấy le với thiên hạ mà lão cũng chả ham. Suốt ngày hùng hục chỉ độc cái quần đùi, mua xe về mất công giữ. Lão bảo vậy.
Rồi lão vào bàn.
Đám thương nhân, làm ăn lớn họ bàn nhau về thời cuộc, lão bỏ ngoài tai hết, và chỉ chăm lo phần gắp rót. Lão chả là cái thứ gì trong cái thành phần ấy cả. Lão đơn giản chỉ là tay nuôi lợn, lão là "Chân" Chân lợn, đơn giản thế thôi.
Lão không kể ...
Cũng chả ai hỏi mà lão kể, lão không nói gì, nghĩa là lão chả khoe, lão chả bao giờ nổ tung cho bẹt tàu lá chuối cả. Cái khu đất lão mua "như cho không" của những nhà bỏ đi, rộng chành bành ở ngoài đầu trảng là của lão hết. Đầu năm nay đám cò đất họ nhủ vào tai lão: nếu bán cho người ta làm khu sinh thái, cũng có vài chục tỉ. Chưa kể hai căn nhà ngoài thị trấn, lão mua cho hai thằng con ra riêng cũng mấy tỉ chứ ít gì.
Lão cứ kệ.
Thiên hạ gọi lão thế nào cũng được, cứ nhìn lão bằng con mắt suông suông, cứ gọi lão là lão Chân. Chân lợn là được.
Chuyện làng quê
Biên Hoà
Link nội dung: //revcat.net/lao-chan-lon-a13331.html