Xe chạy: Cả một không gian bình yên giờ như đã vỡ òa ra. Bà con trong xóm chạy đến ai cũng ngơ ngác đứng nhìn chiếc xe chạy đi.
Những lời thương cảm, suýt xoa về anh Tiến cứ xôn xao cả ngõ xóm.
Anh Tiến chồng chị Hồng ở cái tuổi ngót 70, nhưng sức khỏe vẫn sung sức, chỉ ốm đau qua loa vài viên thuốc là khỏi.
Nhưng hôm nay thật là bất ngờ.
Anh Tiến thời còn trẻ ở thập niên 60, trông anh rất thư sinh, khác gì con nhà kinh tế khá giả.
Đang học lớp 9, thế là nghe mấy thằng cùng lớp, viết đơn xin tình nguyện đi nhập ngũ. Vào thời kì ác liệt chiến trường cần người lắm, chỉ sau hơn mười ngày sau là có giấy báo nhập ngũ.
Khi giấy báo gửi về, cả nhà cứ bàng hoàng ngơ ngác như vừa qua một cơn bão lũ, quét sạch tài sản đi.
Mẹ Tiến nước mắt cứ trào ra, miệng lắp bắp nói không nói0 lên lời.
Con đang học cơ mà, đã đến tuổi đâu mà xin đi nhập ngũ.
Thế rồi bà lu loa lên: "Sao ông lại thế này ".
Hạ chiếc điếu cày trên tay, ông thủng thẳng nói: "Thôi thì đất nước cần, chúng nó tình nguyện cũng là tốt đấy!".
Rồi ông nói tiếp: "Mà có phải một thằng Tiến nhà mình đâu, bà không nghe loa của thôn à. Mấy anh cán bộ xã nói, chiến trường đang cần người, mọi nhà đều phải chung tay, chung sức để đánh thắng giặc mỹ xâm lược giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Thằng Tiến nhà mình là vinh dự đó, rồi chiếc điếu cày trên tay ông lại đưa lên, nhả những làn khói trắng hòa vào không gian của buổi sáng đẹp trời".
Một tuần sau Tiến đã có giấy gọi nhập ngũ. Buổi tiễn Tiến đi, Tiến vẫn còn mặc nguyên bộ quần áo vá vai lên xã, rồi lên huyện. Ở đây, Tiến được phát quân trang, Tiến không quên đưa cho mẹ bộ quần áo cũ, có lẽ đây cũng là vật kỉ niệm của anh khi đi vào chiến trường. Trong hàng quân, Tiến là người bé hơn cả, chiếc balo đeo trên vai tụt xuống tận hông, chiếc mũ cối trên đầu cứ xoay ngang xoay dọc, Tiến cố gắng chỉnh lại rồi đâu lại vào đấy. Đôi dép cao su thì còn thừa ra một đoạn.
Hàng quân xa dần. Mẹ Tiến ngẩn ngơ như vừa mất cái gì đó, rồi bà đưa vạt áo lên lau nước mắt, nhìn đứa con yêu quý xa dần cùng đoàn quân.
Thế là căn nhà tre bây giờ vắng bóng đứa con trai của bà, cái cặp sách đeo vai đã cũ bà mua cho Tiến khi vào cấp 3, giờ đây cứ đánh đu trên cây cột giữa nhà.
Cứ ra ra vào vào, bố Tiến cũng thấy trống trải, rồi bật lên mấy câu vu vơ.
- Đã mấy ngày mà không nhìn thấy nó cũng thấy nhớ nhớ.
Rồi ông lên giường nằm, vắt tay lên trán. Không biết ông đang nghĩ điều gì.
Căn nhà nhỏ ấy bây giờ cũng buồn thêm. Thế rồi năm tháng trôi đi, đất nước đã về một mối. Mẹ Tiến ngồi trên bậc thềm nhà buộc lại cái rễ đã sộc sệch theo thời gian.
Mồm bà cứ lẩm bẩm :
- Đã giải phóng rồi mà không thấy tin tức gì của thằng Tiến ông nhỉ. Hay là...
Giọng bà hạ xuống. Bố Tiến ngồi bên chiếc điếu cày đã cũ kĩ vội hạ chiếc điếu xuống:
- Cái bà này hay nhỉ? Chắc nó còn bân công việc, cấp trên chưa cho về mà. Tôi nghe nói trong đó phức tạp lắm.
Mẹ Tiến nghe ông phân giải phần nào cũng thấy yên tâm.
...Trong xã đã có một vài anh bộ đội từ chiến trường trở về.
Mẹ Tiến thấy thế cứ đôn đáo, đi hết làng trên xóm dưới nghe ngóng tin tức con mình.
Một ngày, hai ngày thời gian cứ trôi đi bà càng buồn rầu ngồi bên thêm với bộ mặt sạm đen, của những người một nắng hại sương, rồi bà hắng giọng một tiếng.
Trời ơi... không biết thằng Tiến nhà mình có hệ trọng gì không mà chẳng thấy nó về. Bà đứng phắt dậy nói:
- Mai tôi phải lên ủy ban xã xem sao?
Từ trong nhà, giọng nói của bố Tiến vọng ra:
- Thằng Tiến có làm sao thì họ cũng chẳng nói đâu, người ta làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, chứ đâu có tùy tiện như bà nghĩ.
Nắng đã xế chiều. Ngoài đồng, bà con cũng đã lác đác kéo về để chuẩn bị cho buổi tối họp đội sản xuất.
Đêm càng về khuya, căn nhà ông Tiến lại càng tĩnh mịch. Trên chiếc bàn đặt giữa nhà chỉ còn chiếc đèn dầu, leo lét trong đêm. Cuối nhà, chiếc giường cũ của bà chỉ còn nghe tiếng thở dài đứt đoạn.
Ông Tiến giường bên cứ trở mình liên tục, chắc ông cũng đang rối bời tâm trí về thằng con trai, mà buổi chiều ông cứ mắng át bà đi.
Rồi ngày mới đã đến.
Cảnh nhà ông Tiến bỗng vui hẳn lên chỉ sau một đêm, người ra vào tấp nập. Mẹ Tiến vừa rót nước mời vừa lau nước mắt, cứ tất tưởi từ nhà xuống bếp. Ngoài cổng, giọng oang oang của bác trưởng họ:
- Đâu rồi? Thằng cháu trai của họ Nguyễn đâu? Từ trong nhà với bộ quân phục đã bạc màu, Tiến bước ra lễ phép chào bác và mọi người.
Giọng ông lại vang lên như có vẻ quả quyết:
- Trai họ Nguyễn đã đi là chiến thắng trở về!
Tiến mời bác và bà con vào trong nhà uống nước. Trong nhà, tiếng cười nói vang vang không ngớt, ai cũng bảo, làng này bây giờ chỉ có nhà ông bà Tiến là vui nhất.
Rồi năm tháng qua đi, anh xuất ngũ cũng đã được mấy tháng, bạn bè đồng lứa cứ khuyên anh đi xin việc ở một công trường nào đó, họ bảo hoàn thành nghĩa vụ quân sự là được ưu tiên lắm. "Không, mình ở lại làm việc cũng tốt mà, gia đình quê hương cũng đang cần mình!". Thế là Tiến gắn chặt với nghề nông, bám trụ ở nơi mà anh sinh và cất tiếng chào đời.
Thời gian cứ trôi đi, từ ngày mà anh xuất ngũ đến nay cũng đã được khoảng một năm, khoảng thời gian đã đủ cho anh làm quen với công việc đồng áng.
Ông bà Tiến cũng đã có ý định dựng vợ gả chồng cho con. Ông bà cứ thì thầm to nhỏ, bàn đi tính lại để tìm cô con dâu tương lai. Sau bữa cơm chiều bên tích nước chè giữa sân, ông bà bàn về công việc đồng áng cho ngày mai, rồi ông hạ giọng nói:
- Con ơi, đã xuất ngũ được 1 năm rồi, thầy u thấy xóm ngoài có con bác Đính, bạn đèn sách với bố ngày xưa đấy, nó cũng đẹp người đẹp nết, cấy cày giỏi lắm, nó mà về nhà mình thì thầy u cũng đỡ vất vả, làng xóm ai cũng quý nó lắm.
Trong thâm tâm, Tiến không đồng ý, nên chỉ nói mấy câu cho ông bà hài lòng: "Thầy u cứ để đấy, việc gia đình phải suy tính cho cẩn thận, chứ không sau này hối hận lắm!". Thấy con nói thế, ông ấm ức, nét mặt buồn thiu, ông nói với giọng tự ái:"Nhà chỉ có một anh thôi, anh tính thế nào thì tính!". Rồi ông vào nhà ngồi, bên chiếc điếu cày nhả làn khói trắng bay vẩn vơ.
Gió từ ngoài cánh đồng thổi vào nhà, những làn gió mát rượi xua đi cái nắng oi nồng buổi tối của những ngày tháng 6.
Trên chiếc giường giữa nhà, Tiến cứ miên man suy nghĩ cho mối tình chớm nở.
Chuyện là sau cái buổi đào mương chống hạn tại khu đồng chùa, Hồng không may dẫm phải mảnh sành khi bốc máng đào đất, máu chảy nhiều, Hồng kêu lên.
Tiến nhìn thấy máu chảy ướt đẫm bàn chân, vội lao đến. Với tác phong của người lính, anh đưa Hồng lên bờ, rồi giật phắt cái gấu áo đã sờn của bộ quân phục băng cho Hồng.
Tiến nói:
- Vết cắt sâu đấy em, về đi, để anh xuống bốc máng thay cho.
Tiến và Hồng hai người cùng tuổi.
Hồng thi vào cấp 3 không đỗ, đành nghỉ học làm nông, còn Tiến thi đỗ được vào cấp 3. Sau cái buổi ấy, Tiến cứ thấy nhớ nhớ, thương thương Hồng, một người con gái đang ở độ tuổi chín chắn có dư mà phải làm bà mẹ góa.
Câu chuyện của Hồng rất thương - thuong cho thân phận người con gái dễ thương lấy chồng ở tuổi 19 khi chúng bạn mỗi đứa một phương, đứa thì học đại học, đứa thì đi học nghề, đứa thì vào công trường xây dựng để thoát cảnh một nắng hai sương.
Chỉ riêng Hồng ở lại quê với việc đồng áng, cũng là do hoàn cảnh gia đình, bố Hồng đau ốm thường xuyên.
Một năm sau khi nghỉ học, Hồng đã lấy chồng, người làng bên.
Bình hơn Hồng hai tuổi. Lấy nhau được mấy tháng, anh nhập ngũ rồi đi B.
Năm sau, giữa mùa đông giá lạnh, chị sinh con gái, nét mặt rất giống anh. Ôm con trong lòng, lúc nào chị cũng nghĩ đến anh, một người hiền hậu lại chăm làm, thương cha, quý vợ.
Càng nghĩ, nước mắt Hồng càng trào ra. Chị ước mong ngày mai anh về để bế đứa con bé bỏng của anh, thì hạnh phúc biết mấy. Chị đặt tên cho con gái là Thương, vì lúc nào chị cũng thương anh vất vả ngoài chiến trường.
Đứa con gái của anh chị ngày càng lớn càng ngoan, có nước da giống mẹ, nét mặt giống anh:
Nó thường xuyên hỏi mẹ: "Sao bố lâu về thế hả mẹ?'. Chị chỉ cười và hôn lên má con, đứa con gái yêu quý của chị:
- Con ơi, hết giặc bố sẽ về với mẹ con mình, lúc đó bố sẽ mua quà cho con, nào váy, cặp tóc và cả búp bê nữa.
Con bé mừng rỡ nhảy chân sáo vào nhà khoe với ông bà.
Thế rồi ngày đau buồn đã đến với Hồng, chị quỵ ngã khi nghe tin Bình hi sinh...
Cả nhà Hồng được mời lên xã làm lễ truy điệu cho Bình.
Thế là đứa con gái của anh chưa biết mặt cha, bây giờ trên đầu đã chít vành khăn tang.
Chị Hồng cứ ngất lên ngất xuống, trông rất thương tâm.
Năm tháng trôi đi, cuộc sống của chị dần vợi bớt nỗi đau mất mát mà chị phải nhận lấy. Cái hẫng hụt của cuộc đời mà chả ai mong muốn, sao cứ đổ vào đầu chị, một người con gái ngoan hiền.
Con gái chị bây giờ đã lớ. Nó vào cấp hai rồi đấy. Mỗi khi đi học về lại quanh quẩn bên mẹ phụ giúp những việc vặt, làm chị vui lên.
Từ cái buổi Hồng bị xẻ chân, Tiến thường xuyên qua lại động viên, giúp đỡ Hồng những việc nặng. Ngày tháng qua đi, Hồng và Tiến đã có tình cảm với nhau. Anh thường xuyên tới giúp đỡ mẹ con Hồng. Rồi mối tình đã bén duyên nhau, mặc cho gia đình, làng xóm phản đối. Rồi ngày vui của Tiến và Hồng đã đến, anh chị bỏ qua mọi điều tiếng của làng xóm để đi đến hạnh phúc bên nhau.
Tiến nói với Hồng: "Cuộc đời là một sự bù trừ. Anh muốn bù đắp cho Hồng một sự mất mát quá lớn trong cuộc đời, hơn nữa anh cũng là một người lính chiến đấu như Bình. Anh hiểu nhiều về sự gian khổ hi sinh mất mát mà anh đã từng qua!".
Hôm nay trên giường bệnh, đã qua giây phút hiểm nghèo của di chứng chất độc da cam, anh vẫn còn mê sảng. Trong cơn mê, anh luôn gọi Bình, làm Thương giật mình sợ hãi, Thương chạy gần vào bố, lay lay vào người, nhưng Tiến vẫn luôn mồm gọi Bình. Hoảng sợ, Thương chạy đi tìm bác sĩ.
Suốt mấy ngày chăm bố Thương mệt quá rồi thiếp đi lúc nào không biết. Trong cơn mê, Thương thấy bố Bình về xoa đầu Thương và nói.
- Con gái bố lớn quá rồi!
Hai bố con ôm nhau, nước mắt cứ rơi, Thương nghe rõ bố Bình nói:
- Chú Tiến tốt đấy, chú sẽ thay bố gánh vác gia đình và nuôi dạy con khôn lớn. Chú cũng là bộ đội như bố, bây giờ bố ở xa lắm...
Thương giật mình hét toáng lên, mở mặt ra, vai áo đã ướt đẫm mồ hôi. Căn phòng vẫn yên lặng. Tiến vẫn nằm yên trên giường bệnh, chỉ còn chai nước chuyền đang thách thức với thời gian tí tách nhỏ từng giọt.
Đã một tuần trôi qua, bệnh tình của Tiến cũng đã giảm dần. Anh chống gậy đi lại được trong phòng. Cũng với thời gian ấy, là quãng thời gian thách thức mẹ con chị.
Sau hơn nửa tháng chống đỡ với bệnh tật, di chứng chất độc da cam, tình người tình đời tình thương và lòng kiên nhẫn của người lính năm xưa, của người vợ và đứa con riêng, đã làm nên một câu chuyện huyền thoại.
Trên chuyến xe đưa anh về quê, Thương ngồi giữa, bám tay vào vai bố thì thầm gì đó, rồi cả ba cùng cười lên.
Xe chuyển bánh rời bệnh viện, đưa những trái tim yêu thương, nhân hậu, vị tha về một miền quê mà ở nơi đó có cả một gia đình hạnh phúc.
Chuyện làng quê
Nguyễn Hữu Vàng
Link nội dung: //revcat.net/dua-con-rieng-a13166.html