Tiếng loa quảng cáo vang lên phấn khích, pano, áp phích dán hình các tài tử cải lương làm ai cũng náo nức, ước ao được nhìn tận mắt các thần tượng của mình. Hầu hết các đoàn hát nổi tiếng trong nam như: Hương Tràm, Minh Hải, Sài Gòn 1,2,3... đều đã về quê tôi. Nhà nào có cái catset hay tivi trắng đen là cả xóm vào nghe các tài tử ca trong các tuồng: Xin Một Lần Yêu Nhau, Làm Lại Cuộc Đời, Nửa Đời Hương Phấn, Đời Cô Lựu... Đài phát thanh phát 30 phút dân ca nhạc cổ truyền vào buổi trưa với những bản tân cổ giao duyên nghe xao xuyến lòng người.
Thậm chí quê tôi còn lập hẳn một đoàn cải lương Duy Trinh để phục vụ bà con trong vùng. Rất tiếc bây giờ cải lương thoái trào nhường chỗ cho tân nhạc nên chỉ còn là hoài niệm cho lứa U60 về trước. Mỗi lần đi karaoke với bạn bè, tôi thường chọn một bài tân cổ nhưng hay bị họ cắt ngang bài hát của mình vì nó dài và buồn làm mất vui khi không khí đang sôi động dù trước kia họ đã từng mê nó.
Bài vọng cổ: Tình Anh Bán Chiếu độc đáo được mệnh danh là bài vọng cổ vua do soạn giả Viễn Châu viết 1961. Khi đó giám đốc hãng đĩa nhạc Hồng Hoa mới kí hợp đồng với giọng ca nổi đình đám là danh ca Út Trà Ôn. Họ yêu cầu Viễn Châu sáng tác một bài gây tiếng vang để mở hàng cho danh ca hát. Trong chuyến đi công tác nghỉ chân tại Ngã Bảy Phụng Hiệp, Viễn Châu nhìn thấy anh bán chiếu dạo trẻ tuổi đang ngồi nghỉ mệt dưới mái hiên, mồ hôi nhễ nhại, đang phe phẩy quạt bằng nón lá . Nhìn qua bên kia sông, ông thấy đám cưới đang rước dâu đình đám. Liên tưởng hình ảnh trên, ông xuất thần sáng tác ra bài Tình Anh Bán Chiếu trên đường trở về Sài Gòn hôm đó. Bài hát được Út Trà Ôn thể hiện vượt quá sự mong đợi, tạo cơn sốt suốt thời gian dài ở Miền Nam thời bấy giờ. Với chất giọng kinh điển, mộc mạc chân phương, ông tỏa sáng rực rỡ thành đệ nhất danh ca, đưa bài vọng cổ này thành vua của các bài vọng cổ.
Bài hát kể về mối tình si của anh bán chiếu từ Cà Mau với một cô gái bên Ngã Bảy Phụng Hiệp - Hậu Giang. Đo và dệt đôi chiếu cho cô gái mà nghĩ ngợi đủ điều, tương tư của người đang yêu đơn phương. Khi mang đôi chiếu ấp ủ, nâng niu từng cọng lác, sợi gai đến cho cô gái thì cô theo chồng đã bốn trăng qua. Mang nỗi buồn, cửa lòng tan nát theo đôi chiếu bỏ chỏng chơ xuống khoang thuyền, nhìn con nước lớn, nước ròng khi ngọn gió đông về mà lệ "lai láng tuôn dòng". Hay đến thế là cùng. Làn điệu mượt mà của bài hát tuy không buồn thảm như Lan và Điệp nhưng nó man mác đi vào sâu thẳm lòng người.
Bài vọng cổ này được hầu như tất cả các danh ca nổi tiếng hát và ghi âm như: Ns Phương Quang, Minh Cảnh, Kim Tử Long... Mỗi người có một chất giọng riêng càng làm cho bản vọng cổ càng tỏa sáng lấp lánh mê hoặc lòng người. Vì vậy, bản vọng cổ sống mãi với thời gian và giới mộ điệu ai cũng thuộc ít nhất mấy câu để ngân nga, phiêu bồng lúc trà dư tửu hậu.
Tôi thích và ca bản này một phần để tưởng nhớ đến ba tôi. Sau hòa bình, đời sống khó khăn nên ông vừa dệt chiếu vừa chở đi bán khắp nơi để nuôi sống gia đình. Quê tôi cũng có các làng dệt chiếu lâu đời trước cả chiếu Tân Thành - Cà Mau như: chiếu An Phước, chiếu Bàn Thạch, chiếu Hội An... (Duy Xuyên - Quảng Nam) nhưng rất tiếc không có soạn giả Viễn Châu và đệ nhất danh ca Út Trà Ôn nên không được nổi tiếng và vang xa.
Chuyện quê
Nguyễn Thế Hưng
Link nội dung: //revcat.net/cam-tac-bai-tinh-anh-ban-chieu-a13076.html