Cơ quan C.9 (Nhà in Báo Cờ Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5) thời đó là đơn vị nổi tiếng về phong trào sản xuất tự túc, tự cấp. Đơn vị luôn có hai bộ phận: bộ phận làm chuyên môn và bộ phận sản xuất. Cứ thế, theo sự phân công của thủ trưởng anh em trong đơn vị thay phiên nhau đi làm rẫy. Theo đó, tôi mới biết làm rẫy cùng đồng đội, đồng chí.
Có hai loại rẫy: rẫy già và rẫy non. Rẫy non là rẫy đã làm qua mùa rồi. Rẫy già là phát rừng nguyên sinh mà trồng trọt. Nếu làm rẫy già thì đơn vị phải liên hệ với già làng sở tại nhờ chỉ nơi có thể làm được. Vì đồng bào rất kiêng kỵ nơi có chôn người chết. Nơi đó gọi là rừng ma, không được động chạm tới. Rẫy non, nếu là của đơn vị đã sản xuất mùa trước thì chủ quyền thuộc mình. Rẫy non của đồng bào thì phải được họ đồng ý mới làm. Đơn vị C.9 của chúng tôi toàn là thanh niên khỏe mạnh, thích rẫy già, năng suất cao hơn.
Hằng năm, ăn tết xong bắt đầu phát rẫy. Sau khi các đồng chí có kinh nghiệm xác định địa điểm, chúng tôi kéo ra núi bắt tay khởi đầu mùa rẫy mới.
Dụng cụ phát rẫy là rựa và rìu. Dụng cụ phải bén và chắc chắn. Bởi, đang chặt mà sút cán thì rất nguy hiểm. Mỗi người phải tự lo dụng cụ của mình sao cho năng suất lao động cao. Thường, phụ nữ nhờ nam giới mài dùm rựa. Phát dây leo và cây nhỏ, dùng rựa có sống cong; chặt cây vừa, dùng rựa thẳng; cốt (chặt) cây lớn, dùng rìu.
Tất cả xếp hàng ngang, mỗi người cách nhau 9-10 mét để chặt cây nhỏ, dang, nứa, dây leo, dây mây...Bước làm rẫy này gọi là dọn chân. Thường là rẫy ở nơi có độ dốc cao nên phải dọn từ dưới thấp lên đầu rẫy. Cây chặt thường ngã theo hướng chân rẫy. Chặt cây, chú ý không để ngã đè người. Chặt nứa, dang phải lựa bề, bất cẩn nứa phóng lủng chân, lủng ruột, dang bật cứa mặt cứa cổ. Dọn cỏ, dây rừng sát đất, không để rựa chạm đá, mẻ hết lưỡi; giật quá đà thì rựa lẹm vào chân. Nói chung, phải cẩn trọng.
Dọn chân xong, tiến hành cốt (chặt) cây lớn. Cốt cây phải là người khỏe mạnh, rành cầm rìu. Trong đơn vị chỉ chọn được năm bảy người phụ trách khâu này. Cây lớn, phần trên của rể chìa ra thành năm ba cái ngạnh, cao đến một hai mét, không thể đón sát đất được. Phải làm giàn cao đến hai mét, người leo lên đó mà chặt ở lưng chừng thân cây. Nhắm thế cây để cốt, sao cho cây ngã về phía chân rẫy. Cây sắp ngã, leo nhanh xuống đất, nhảy về phía ngược hướng cây đổ. Có nhiều cây rất to, cao đến ba bốn chục mét, ngã như bom nổ, rùng cả đất. Cốt cây lớn khó như vậy, đơn vị gồm toàn người chân yếu tay mềm như nhà văn, nhà thơ ở Tiểu ban Văn Nghệ Khu 5 thì khó có gạo rẫy rừng già...Các anh bên ấy muốn có gạo loại này thì phải mang muối, vải vào làng đồng bào mà đổi.
Mỗi rẫy lớn có cả trăm cây to, cốt cả tuần mới xong. Cây to ngã xuống thì người yếu hơn phải đoạn nhánh ngay. Để lâu cây héo, cứng khó chặt. Phát xong, chờ rẫy khô. Giữa tháng ba âm lịch, lựa ngày nắng ráo đốt rẫy. Đốt rẫy, châm lửa từ dưới chân dốc, ngọn lửa rùng rùng bốc lên đỉnh rẫy. Rẫy cháy, lửa phựt lên dữ dội. Gặp chỗ rừng dang, nứa, lồ ô, do nóng đột ngột vỡ ống nổ hơn súng đánh trận, đám cháy càng hung dữ. Đốt như thế, rẫy mới cháy sạch. Khổ nhất là dọn rẫy cháy lở dỡ. Đốt rẫy, chú ý không để cháy lan ra rừng. Không cháy rừng là do chừa dãi phân cách. Nhưng, quan trọng hơn là rẫy được đốt vào giữa tháng ba, rừng còn giữ được độ ẩm, lửa khó bắt lan. Hình như thiên nhiên cũng thừa trừ bớt tai họa cho rừng, buộc mùa màn tuân thủ “nhất thì nhì thục”. Làm rẫy càng phải đúng mùa vụ mới có ăn. Đốt rẫy cũng nhất thiết vào tiết này.
Dọn rẫy là khâu nhì nhằn nhất. Phát chân còn dựa bóng cây to, dọn rẫy phải chịu nắng. Cây đã cháy lở dỡ dai lắm, chặt mẻ cả rựa. Chặt xong, ôm cây dồn đống đốt tiếp. Đường dốc, vác cây khổ sở vô cùng; tro, than bôi đen ngòm cả người, mặt mũi lọ lem...
Dọn rẫy xong đến cung đoạn trỉa. Trỉa lúa, đi cặp hai người. Người đi lui dùng một đoạn cây bằng cổ tay, dài hai mét vót nhọn đầu tiếp đất, đứng thẳng chọc lỗ; người đi tới mang teo lúa trước bụng, lom khom bốc từng nắm, tra vào mỗi lỗ năm bảy hạt, khỏa đất bằng chân dậm qua lỗ. Trong lúc tỉa lúa, tranh thủ bỏ xen bắp ở lỗ khác, cách nhau đều đặn. Thường thì bắp ngắn ngày hơn, có ăn sớm.
Sau trỉa một vài tháng thì làm cỏ. Dụng cụ làm cỏ là cái cái noa. Ở rừng núi, người dân tộc phải dùng noa làm cỏ. Người kinh không có dụng cụ này nên cũng phải gọi noa. Noa là một miếng sắt có bề ngang non một tất, dài hơn gang tay được tra vuông góc với cán dài độ một mét hai. Người đứng hơi khom một tí, cũng có thể đứng thẳng đưa lưỡi noa về phía trước để cào cỏ. Lưỡi noa nhỏ, có thể luồn vào đất đá lởm chởm cào sạch cỏ. Sau khi làm cỏ một tháng thì có thể hái bắp non để nướng. Ở thượng du có loại bắp nếp dẽo, ngon. Đã bốn mươi năm rồi mà tôi còn nhớ mùi thơm của loại bắp nếp núi này.
Tháng bảy, tháng tám âm lịch là mùa thu hoạch. Lúa rẫy dài ngày, có thể năm sáu tháng mới chín. Chuẩn bị cho thu hoạch là các công việc: Dựng kho, đan cốt phơi lúa, đan teo nhỏ để suốt lúa, đan teo lớn để cõng lúa. Tất cả làm từ cây nứa, cây dang và mây rừng.
Riêng việc làm kho, nặng công hơn. Kho được làm trong rừng gần nhà. Thời đó nhà cũng ở trong rừng, tránh máy bay nhìn thấy. Chúng tôi học đồng bào mà làm kho. Không chỉ làm kho, tất cả các khâu sản xuất đều giống đồng bào cả. Không thể khác được, vì điều kiện tự nhiên qui định phải vậy. Kho được nâng bằng bốn trụ ở bốn góc, cách mặt đất một mét rưỡi. Có loại kho chỉ đỡ bằng một cây trụ lớn đặt chính trung tâm, nhưng loại kho này khó làm hơn nhiều. Chống thú rừng ăn, phá lúa bằng cách: Các trụ kho đều có tra miếng tán ngang to hơn cái mâm cơm, chống chuột từ đất bò lên; phía trên nóc phải dọn sạch dây rừng, thông thoáng, cách xa tán cây, chống sóc bò, phóng từ trên xuống. Kho thường cấu trúc hình vuông, mỗi cạnh hơn hai mét, lợp lá mây hoặc lá nón, chống giọt rất kỹ. Sàn và phên tấn chung quanh bằng cây nứa đan thành tấm, bên trong có lót cốt. Mái kho chìa ra xa, chống nước tạt ướt lúa.
Lúa chín đến độ cộng lúa không còn dai mới tiến hành suốt. Người suốt lúa, đưa bàn tay thẳng đứng, ngón tay út phía dưới, ngón tay cái phía trên; nắm bông lúa sát ngón tay út; ngón cái co chạm ngón trỏ, cả bàn tay tạo thành cái phẻo, đưa mạnh tay lên, lúa rơi vào “phẻo”. Hai tay suốt và bỏ vào teo mang phía trước bụng nhịp nhàn, liên tục. Đầy teo con, mang đổ vào teo lớn đặt gần đó. Suốt lúa liên tục từ ngày này sang ngày khác, cả tháng mới xong. Người mới suốt, rát tay vô cùng. Nhưng, riết nhiều ngày tay chai sần, không còn rát nữa.
Lúa phơi qua một nắng, còn ẩm nhưng phải cõng đổ kho. Không thể phơi nhiều hơn, vì rất dễ bị tàu rà phát hiện thả bom, bắn chết người, mất lúa. Lúa chưa khô, đổ vào kho dễ hỏng. Nhưng nhờ kinh nghiệm làm kho của đồng bào, lúa ẩm mà không hỏng. Vì, lúa suốt còn dé, đổ vào kho rất xóp. Thêm nữa, có nhiều ống thông hơi đan bằng nứa, đặt dựng đứng nhiều chỗ trong kho, lúa có độ xốp bốc hơi qua ống khô dần. Dù sao đi nữa bảo quản theo cách này, lúa còn ẩm cũng mau hẩm. Nhưng trong thời buổi chiến tranh, khó có cách khác .
Đưa hết lúa vào kho là mùa rẫy kết thúc. Nơi sản xuất của C.9 thời đó ở Nước Ngheo thuộc xã Giáp, người Cơdong có lệ cúng lúa mới. Họ giết heo, gà cúng, ăn thỏa mái. Tôi để ý, ngày mùa dân làng béo lên hơn nhiều, vì có gạo lúa mới ăn no. Người Cơdong có đời sống rất hồn nhiên, thỏa mái, nguyên sơ. Mùa có lúa gạo, họ ăn, cho, đổi rất hào phóng. Mùa giáp hạt, lao động nặng nhưng lại thiếu gạo, ăn sắn là chính. Anh em chúng tôi luôn ăn theo tiêu chuẩn, dành gạo cho đơn vị đủ tự túc trong năm. Nói vậy chứ gần lúa gạo tự làm ra, chị nuôi cũng nới tay. Sắn, bắp thì thự do, Đêm đến, sẵn củi rừng chất lửa nướng ăn thỏa mái, hát hò vui lắm.
Đã hơn bốn mươi năm trôi qua không ở Trường Sơn, không ở An toàn khu bên dòng sông Trà Nô nguyên thủy năm xưa, nhưng ký ức của những ngày sống cùng đồng đội, đồng chí, cùng đồng bào Cơdong, Bnun đôn hậu trong năm tháng kháng chiến luôn khắc sâu trong tâm trí tôi. Chỉ có một điều bâng khuâng rằng - Những người kháng chiến, từ khi xuống núi đến nay chưa làm được gì nhiều cho đồng bào. Tuy đã có ruộng nước ở vùng cao, nhưng phần lớn đồng bào vẫn còn canh tác lúa rẫy. Điều kiện địa thế rừng núi Quảng Nam rất khó thay đổi phương thức canh tác này.
Làm rẫy cực mà không dễ kiếm ra hạt lúa. Nếu như phát rẫy rừng già như chúng tôi ngày ấy thì phạm tội phá rừng. Ngày xưa vì điều kiện bất khả kháng phải làm vậy. Bây giờ thời thế đã thay đổi, phá rừng nguyên sinh làm rẫy là tội lớn. Đồng bào loanh quanh làm ba cái rẫy non, năng suất càng thấp. Để thay đổi phương thức canh tác của người dân tộc vùng cao là chuyện lâu dài. Phương thức canh tác nương rẫy là nét gowin99 sản xuất đặc thù của rừng núi. Nhưng phương thức này đã quá lạc hậu. Thế hệ trẻ cả kinh lẫn thượng đều trông mong phương thức canh tác này nhanh trở thành ký ức gowin99 mà thôi. Chúng ta tin, các thế hệ nối tiếp nhau sống trong nền khoa học - công nghệ hiện đại sẽ có cách để vùng cao thoát được cảnh phát rừng làm rẫy, quá cực nhọc mà kém hiệu quả như xưa và nay...
Phạm Thông
Link nội dung: //revcat.net/lam-ray-o-chien-khu-a13012.html