Kỳ 10.
Phó Đề đốc Đặng Đức nói:
-Xin Tổng đốc đừng lo, dọc Kênh Trạm, thuộc tướng đã cho bố trí nhiều đồn hai bên bờ phòng thủ. Dưới kênh quân ta đã xây dựng các đập chắn kiên cố chặn ngang kênh ngăn chặn tàu chiến. Tất cả có chín đập, bên bờ đập còn có cọc tre, dưới nước cạnh đập còn có chín thuyền đất chìm xuống bảo vệ. Những con đập này có thể ngăn tàu chiến Pháp, không thể tiến lại gần tầm bắn bắn vào thành Mỹ Tho.
Nguyễn Công Nhàn hơi yên tâm nói:
-Đề đốc xây nhiều đập như vậy may ra chặn được tàu chiến không cho chúng bắn vào Mỹ Tho. Đề đốc Đặng Đức nghe lệnh:
-Có thuộc tướng.
-Đề đốc xuống sông Bảo Định (Kênh Trạm) chỉ huy đốc chiến, toàn quyền thi hành mọi biện pháp để phòng thủ Mỹ Tho.
-Thuộc tướng tuân lệnh.
Trong khi đó, tại tàu Đô đốc, Sác lơ Lê ô na đang ngồi chờ trung úy Mao li ni trở về. Mao li ni trở về và báo:
-Bẩm Đô đốc, thuộc hạ đã đi thám thính và dò được đường vào trấn trị Mỹ Tho, chỉ có một con đường cho tàu chiến đi được là theo sông Bảo Định, còn gọi là Kênh Trạm nhưng mà…
-Nhưng mà sao?
-Nhưng mà dọc sông Bảo Định quân Việt đã xây dựng nhiều đập chắn trên sông, phải đến chín con đập, trên bờ còn nhiều đồn do lính Việt canh giữ. Còn một đường nữa vào được thành Mỹ Tho là kênh Thường Mai nhưng tàu chiến to khó mà đi được.
Sác lơ Lê ô na nói:
- Chúng ta đành phải đi theo sông Bảo Định mà tiến vào thôi. Phải phá tan chín con đập đó mà tiến.
-Trung tá Buốc Đanh.
-Có thuộc cấp.
-Trung úy Mao li ni sẽ dẫn đường, Trung tá chỉ huy 200 lính Pháp, 20 lính Tây ban nha đánh chiếm thành Mỹ Tho. Phối hợp với trung tá có pháo hạm La min, La lác men lơ và 5 tiểu pháo hạm. Trung tá và trung úy phải hoàn thành nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào.
-Rõ, thuộc cấp tuân lệnh.
Ngày 1 tháng 4 năm 1861, quân Pháp bắt đầu tiến vào sông Bảo Định, nã pháo vào hai đồn quân Đại Nam hai bờ sông. Hai đồn tan nát. Ngày 3 tháng 4, quân Pháp phá sáu đập chắn ngang sông, triệt phá một đồn của quân Việt. Ngày 4 tháng 4, đội quân đánh chiếm Định Tường được lực lượng của Pháp từ Sài Gòn tăng viện. Tàu Ê so do đại úy Đe van tơ rê chỉ huy, chở 200 lính do đại úy La phông mơ và A di rê cầm đầu, 100 lính thủy đánh bộ, hai cỗ đại pháo bốn nòng, hai súng cối và nhiều đạn dược do đại úy Am lơ đơ rơ Đuy Sa na phôn chỉ huy, 50 lính công binh do đại úy Bô vet cầm đầu, có thiếu úy Ma tin và thiếu úy A mi rôn phụ tá.
Sau khi mặt trận Mỹ Tho được tăng viện, Sác nơ Lê ô na ra lệnh:
-Truyền lệnh của bản Đô đốc, Trung tá hải quân Buốc Đanh trao lại quyền chỉ huy mặt trận cho đại tá hải quân Lơ cu ri on Ben ki li ô.
-Lệnh cho đội quân của trung tá hải quân Đuy vô xơ cũng tới tham gia tiến đánh Mỹ Tho.
-Lệnh cho trung úy bộ binh Guy Hô ở Thủ Dầu Một cùng xuống tham gia chiến đấu.
Sau khi thống lĩnh một đội quân mạnh, ngày 5 tháng 4 đại tá Ben ki li ô ra lệnh:
-Tấn công phá đập thứ bảy trên sông Bảo Định.
-Tuân lệnh.
Tàu chiến Pháp vừa nã đại bác lên bờ sông vừa lao vào bắn phá đập thứ bảy. Quân Việt từ hai bờ sông bắn xối xả vào tàu Pháp. Tàu Pháp bắn đại bác lên bờ dữ dội. Quân Đại Nam hy sinh nhiều bởi lửa đạn khốc liệt của đại bác Pháp. Đại tá Ben ki li ô ra lệnh:
-Dùng xuồng máy có đại bác nhẹ tấn công phá đập thứ tám.
-Tuân lệnh.
Những chiếc xuồng máy gắn đại bác cỡ nhỏ vừa bắn vừa lao vào gần đập thứ tám. Đại bác hai bên bắn nhau kịch liệt nhưng vì đại bác quân Đại Nam sát thương kém, không gây nhiều tổn hại cho quân Pháp. Ngược lại quân Việt hy sinh gần hết và phải rút lui. Quân Pháp do đó phá được đập thứ tám.
Sáng ngày 7 tháng 4, Be ki li ô ra lệnh:
-Tiêu diệt đồn quân Việt trên bờ và đập thứ chín.
-Tuân lệnh.
Quân Việt bị tổn thất nặng và đập thứ chín nhanh chóng bị phá hủy, nhưng tại đoạn sông này bảy tên pháp bị tử trận. Sáng ngày 9 tháng 4, Pháp dồn đại bác bắn vào phía sau đồn cuối cùng của quân Đại Nam trên sông Bảo Định, trong khi đó Ben ki li ô cho hạm đội bắn phá mặt trước của đồn. Pháo hạm số 18 của Pháp bị ba quả đạn của quân Đại Nam bắn lên boong. Trung tá Buốc Đanh chỉ huy tàu thiệt mạng. Sáng ngày 10 tháng 4, Ben ki li ô cho tập trung bốn đại bác cấp tập bắn vào đồn. Quân Đại Nam núng thế phải rút lui. Con sông Bảo Định, đường vào Mỹ Tho do quân Pháp hoàn toàn làm chủ.
Tại phòng chỉ huy ở tàu Đô đốc trên sông Sài Gòn, Sác lơ Lê ô na chăm chú theo dõi chiến sự trên bản đồ. Hắn quyết định mở một mũi tấn công thứ hai cho chắc thắng và nhanh chóng chiếm Định Tường. Sác lơ Lê ô na ra lệnh:
-Truyền lệnh của ta cho chuẩn đề đốc Pa gơ chỉ huy ba pháo hạm Fu sec, Ly li và Rốc tấn công theo đường biển vào Mỹ Tho.
-Tuân lệnh.
Ngày 10 tháng 4, Pa gơ dẫn ba chiến hạm từ Biên Hòa, men theo bờ biển tiến vào Cửa Tiểu sông Tiền, phá các đập chắn sóng ở Vàm Cửa Tiểu, Vàm Kỳ Hôn. Gặp các đồn của Quân Đại Nam, Pa gơ ra lệnh:
-Nã đại bác, tiêu diệt đồn.
-Tuân lệnh.
Ngày 12 tháng 4, các đồn bảo vệ đập của quân Đại Nam bị tiêu diệt. Quân Pháp hai mũi tiến công cùng tiến đánh thành Mỹ Tho.
Trong thành Mỹ tho, Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn đang tập trung theo dõi mặt trận phía sông Bảo Định thì thuộc hạ về báo:
-Dạ bẩm Tổng đốc, tất cả các đập từ số một đến số chín ngăn tàu Pháp trên sông Bảo Định đã bị phá, tất cả các đồn trên bờ đã bị đại bác quân Pháp triệt hạ.
Nguyễn Công Nhàn hoảng sợ kêu lên:
-Hả, sao lại như vậy?
Lại có thuộc hạ về báo:
-Dạ, bẩm Tổng đốc, quân Pháp đã tiến sát thành đang chuẩn bị bắn đại bác vào thành.
Lại có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm Tổng đốc, một mũi tấn công thứ hai của Pháp gồm ba tàu chiến từ biển vào, phá đập và đã vào Vàm Cửa Tiểu và Vàm Kỳ Hôn.
Nguyễn Công Nhàn cả sợ:
-Hả, Thành Mỹ Tho đã nằm dưới tầm đại bác của giặc từ hai mặt sao? Mở cổng thành phía sau nhanh.
Cổng thành phía sau mở, Nguyễn Công Nhàn hoảng hốt cùng gia quyến chạy về Kiên Đăng, phủ Kiều An, Định Tường. Án sát Huỳnh Mẫn Đạt cũng bỏ trốn. Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành biết không thể giữ được thành, nói với Phó Đề đốc Đặng Đức:
-Đại bác của Pháp sẽ bắn vỡ thành, ta có cố thủ cũng không chống cự được, ý Phó Đề đốc thế nào?
Đặng Đức nói:
-Ta đành phải bỏ thành mà đi thôi.
-Nhưng còn trách nhiệm với triều đình?
-Người chịu trách nhiệm cao nhất là Tổng đốc đã bỏ chạy rồi, ta còn chờ gì nữa.
-Vậy thì chạy nhưng không thể để toàn bộ kho tàng, của cải cho giặc được, chi bằng đốt hết đi.
-Phải, đốt hết.
Rồi Nguyễn Hữu Thành ra lệnh đốt toàn bộ dinh thự, kho tàng. Lửa khói bốc cao báo hiệu thảm họa đã trút xuống Định Tường, cư dân xôn xao hoảng loạn. Thành và Đức thu gom giấy tờ rồi chạy về Vĩnh Long.
Tại Vĩnh Long, Tổng đốc Trương Văn Uyển đang ngồi trong dinh thự uống trà sau buổi ăn sáng thì có phụ tá vào báo:
-Dạ bẩm Tổng đốc, trấn trị Mỹ Tho, thủ phủ của tỉnh Định Tường đang bị quân Pháp tấn công, tình hình rất nguy ngập.
-Chuẩn bị binh mã để ta đi cứu Mỹ Tho.
-Dạ, tuân lệnh.
Trương Văn Uyển sai Án sát Nguyễn Duy Quang, Lãnh binh Tôn Thất Tuấn đem 1000 quân từ Vĩnh Long đến Định Tường, giữa đường gặp thám mã về báo:
-Dạ bẩm Án sát, thành Mỹ Tho đã bị Pháp chiếm rồi. Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn, Án sát Huỳnh Mẫn Đạt bỏ chạy, Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành, Phó Đề đốc Đặng Đức đã đốt thành trì, kho tàng, dinh thự và chạy về Vĩnh Long rồi ạ.
Án sát Nguyễn Duy Quang thất kinh:
-Thành Mỹ Tho thất thủ, Vĩnh Long của ta cũng nguy ngập đến nơi rồi. Đành cho quân quay về thôi.
Đô đốc Sác lơ Lê ô na đang ngồi trong phòng của chiến hạm chỉ huy uống rượu săm pa nhơ mừng chiến thắng Mỹ Tho thì có sĩ quan tùy tùng vào báo:
-Dạ, bẩm đô đốc, nhân dân Nam kỳ đã nổi dậy chống lại chúng ta kịch liệt, gây cho chúng ta nhiều thiệt hại.
Sác lơ Lê ô na hỏi:
-Cụ thể hơn xem nào?
-Dạ, đó là đội quân của Trương Công Định, người đã từng chiến đấu ở Đại Đồn với Nguyễn Tri Phương, nay có 6.000 quân hoạt động và làm chủ Gò Công Tây.
-Ai nữa?
-Dạ, quân ứng nghĩa của Đỗ Trình Thoại hoạt động ở Tân Hòa, Phủ Câu hoạt động ở vùng Rạch Chanh, Mỹ Tho, Võ Duy Dương hoạt động ở tây bắc Định Tường, Nguyễn Trung Trực hoạt động ở vùng sông Vàm Cỏ, Quản Tu, người đã bắn chết trung tá Buốc Đanh trên sông Bảo Định.
-Quân ta đối phó thế nào?
-Quân ta ở Định Tường chỉ còn đóng được ở ba đồn là Gia Thạnh, Chợ Gạo và Gò Công thôi ạ.
Tháng 10 năm 1861, do không đàn áp được những cuộc nổi dậy của nhân dân Nam Kỳ, Sác lơ Lê o na gửi thư cho Bộ trưởng hải quân Pháp đơn xin từ chức Tổng chỉ huy quân đội viễn Pháp ở Viễn Đông. Đô đốc L. Bô na sang thay, mang theo lệnh của Bộ trưởng hải quân Pháp: “Bằng giá nào cũng phải giữ vững Gia Định. Ở đó chúng ta có thể ở lại lâu dài”.
Trong tình hình nguy ngập của đất nước, triều đình Tự Đức không phối hợp với nhân dân cứu nước mà vẫn một mực ôm ảo vọng nghị hòa. Tự Đức không có một kế hoạch nào có hiệu quả cứu nước, chỉ biết hạ lệnh cho ba tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, mỗi tỉnh đem 500 quân vào hỗ trợ cho Biên Hòa, Vĩnh Long, An Giang. Đó là một hành động bị động, hành động cho có hành động. Con đường duy nhất để cứu nước là phát động nhân dân đứng dậy đánh giặc, nhưng triều đình sợ nhân dân hơn sợ giặc. Đường lối quân sự không có, đường lối chính trị và đối ngoại của triều đình đang nghiêng về phe chủ hòa để đầu hàng, bán nước.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-10-a12966.html