Tôi rất thích những ngày hè thưở xưa ấy, thưở ấy chúng tôi không bị áp lực học hành nhiều như trẻ con bây giờ.
Trẻ con thuộc làu bài hát: Tu hú kêu, tu hú kêu...hoa phượng nở, hoa gạo đỏ đầy ước mơ hy vọng...
Nghỉ hè là buông sách vở, nghỉ ngơi ba tháng hè, đến khi gần tới ngày khai giảng năm học mới chúng tôi mới ngó nghiêng qua sách vở một chút kẻo con chữ rơi rụng, chữ thày giả thày.
Chúng tôi ở với ông bà ngoại để tiện đi học và được chăm sóc. Những ngày hè rực nắng là đây. Bọn con trai thì đi dính ve, kều sấu ở khuôn viên Tòa án tối cao bây giờ, ngày ấy dễ lắm, họ kệ lũ trẻ lang lẩm. Hết trò chúng lại rủ nhau đi mua cá chọi, bắt sin sít, vớt giun dưới cống lên nuôi cá. Bọn chúng nghịch bẩn lắm, ai thèm chơi!
Bọn con gái chơi chuyền, rải ô ăn quan, chơi bi gảy, chơi búng chun, chơi nhảy dây ... chúng ngồi chơi ngay dưới tán lá cây bàng trước cửa. Cây bàng ấy do ông ngoại tôi trồng. Dãy phố ấy là phố tây ngày xưa, trồng toàn cây to như cơm nguội này, sữa, lim, sấu này. Trước cửa nhà tôi là khoảng trống để lại giữa hai cây cơm nguội, một cây bên nhà ông thợ may và một cây bên nhà cụ giáo. Cây bàng này về sau to lắm, bên công ty cây xanh họ chặt đi vì là cây không trong diện quy hoạch. Chúng tôi cứ tiếc tiếc là... Bóng mát của cây bàng là thế giới của tụi con gái, thi thoảng cho tụi con trai chơi ké. Đấy là lúc chúng dùng que ngắt bàng chín xuống cả bọn ăn thịt quả rồi dùng nửa viên gạch đập hạt ăn nhân. Nhân bàng trắng, ăn bùi phết. Cũng có hôm chúng dùng dép ném cho những quả bàng chín mõm rụng xuống. Thích nhất sau cơn mưa, bàng chín rụng nhiều, lũ trẻ thích mê.
Nhà tôi ngoài đường cạnh ngõ Vạn Kiếp, con ngõ này có cổng sau là nhà xác của bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Những hôm có đám ma, trẻ con chúng tôi tự động giải tán nhường chỗ cho người nhà có đám họ ngồi nhờ. Trưa hè gay gắt, bóng mát của cây bàng thật quý, họ ngồi nhờ trên bệ xi măng ông tôi xây quây gốc bảo vệ cây. Bà tôi hô chúng tôi khuân ra hai cái ghế băng cho họ ngồi nhờ. Buổi trưa bà tôi dọn hàng, nghỉ ngơi. Bà tôi có quán bán nước chè chén ngay cửa mà. Tiếng ve kêu ve ve hòa với tiếng khóc lóc nỉ non của người nhà người xấu số nghe thật thảm thiết ai oán...
Rồi một hôm thằng cu em, con cậu tôi nó nghe ai bày cho mà làm một việc chúng tôi mắt tròn xoe vì ngạc nhiên lẫn sờ sợ. Chả là cái phản gỗ lim chúng tôi hay nằm chơi và là chỗ ngủ của ông ngoại tôi có rệp. Chỉ có thể là khách uống nước họ ngồi rồi lôi rệp vào. Nhiều lần dì tôi nấu nước sôi sùng sục dội các khe, các kẽ của hai tấm phản to, chả sót chỗ nào. Vậy mà vẫn còn! Thằng cu em đang chơi ở đâu, hồng hộc chạy về khi nghe thấy tiếng kèn đám ma tò te tí toét. Nó lấy cái tăm kều từ kẽ phản ra con rệp béo mẫm, to đen ( ví như hạt đỗ đen thì hơi quá hihi...). Gói cẩn thận con rệp vào tờ lịch, cu cậu ngồi hóng xe chở quan tài trong ngõ ra. Đây rồi! Nó nhanh thoắt chạy theo đám tang, chen trong đám người đưa đông đúc, đu lên thành xe rồi nhanh tay bỏ gói giấy nhỏ vào trong xe. Xong việc nó chạy biến đi, nó cũng không kể, mãi về sau bọn con gái mới biết. Mà lạ thật! Bọn rệp biến đâu mất như chưa từng xuất hiện. Dì tôi sướng nhất, không phải vất vả đun nước dội phản nữa.
Trẻ con thì nhiều trò chơi lắm ! Chúng tôi cũng khiến cho bà ngoại hết hơi mỏi mồm vì mải chơi. Bà cấm tiệt chúng tôi không được chạy chơi xa, không được lai vãng đầu phố Phan Bội Châu nơi mà buổi tối có các ông mù giải chiếu tẩm quất cho khách. Lắm khi chơi đuổi bắt có chạy quá lên đoạn ấy chúng tôi lại phải quay về ngay vì nhà gần Ga Hàng cỏ, sợ mẹ mìn bắt cóc bế lên tàu hỏa cho lên mạn ngược. Cũng có những hôm chúng tôi chạy chơi bêu nắng ở sân Nhà hát Nhân dân bên kia đường. Bà đã cho chúng tôi vào khuôn phép nhờ uy lực của cây roi. Sợ nhất thấy bà từ xa với cây roi trong tay, lũ trẻ chạy rõ nhanh, chân guồng như lắp mô tơ vậy. Lũ trẻ nhà tôi kể cả dì Út là sáu đứa nhé. Cây roi ngự sau cái gương, mỗi khi bà rút ra thì bọn trẻ con sợ lắm mặc dù bà không đánh đâu.
Những ngày hè rồi cũng qua đi...
Chúng tôi nhớn một tý thì tham gia sinh hoạt trẻ con khối phố, rồi lại trở thành các anh chị phụ trách các em nhỏ.
Mùa hè rực rỡ với những trò chơi của tuổi thơ vẫn in dấu trong tâm thức của chúng tôi. Tuổi thơ thật đẹp và trong trẻo làm sao! Tuổi thơ tôi có hình bóng của ông bà tôi. Một ký ức đẹp không phai mờ.
Chuyện làng quê
Huỳnh Hồng Điệp
Link nội dung: //revcat.net/hoai-niem-ngay-he-a12407.html