Kỳ 21.
Chợt có quan nội thị bước vào làm đứt dòng suy nghĩ của Trần Nghệ Tông:
-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, có sứ thần nhà Minh xin vào gặp.
-Cho vào.
-Dạ.
Sứ thần nhà Minh bước vào hành lễ. Trần Nghệ Tông hỏi:
-Ngài từ nghìn dặm xa xôi tới đây có việc gì vậy?
-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, quân đội nhà Minh chúng tôi đang chinh phạt Vân Nam, rất thiếu thốn lương thực. Xin Đại Việt cho lương thực tăng viện cho binh lính ở Lâm An.
Trần Nghệ Tông đáp:
-Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lật đổ nhà Nguyên-Mông từ năm 1368 mà đến nay chưa lấy xong Vân Nam à?
-Dạ bẩm Thái thượng hoàng chưa ạ.
-Thôi được, ta sẽ cho lương thực, dù Đại Việt cũng đang rất khó khăn, dân tình đang đói khát. Còn cần gì nữa?
-Dạ hoàng thượng chúng tôi cần 50 con voi ạ.
-Rồi, sẽ có 50 con voi. Lui về dịch quán đi.
-Dạ, đa tạ Thái thượng hoàng.
Sứ thần nhà Minh đi ra. Lê Quý Ly bước vào:
-Thái thượng hoàng vạn tuế, vạn tuế.
Miễm lễ, ai khanh bình thân.
-Đa tạ Thái thượng hoàng.
Khi Lê Quý Ly ngồi bê ly nước, Trần Nghệ Tông nói:
-Tình cảnh đất nước bây giờ thật tan nát, hỗn loạn, nhân dân đói khổ, sưu cao thuế nặng, mất mùa đói kém liên miên, quan lại bất tài bất lực, chỉ lo cho bản thân, triều đình xa xỉ ăn chơi trác táng, coi của cải như bùn đất, coi dân như chó ngựa. Bên ngoài thì giặc Chiêm Thành liên tục tấn công gây chiến tranh tàn phá, cướp bóc. Bây giờ lại xuất hiện nguy cơ từ phía bắc, nhà Minh đã bắt đầu gây sức ép với nước ta. Vừa rồi sứ nhà Minh đòi chúng ta tiếp viện lương thực cho quân đội của họ đang chinh phục Vân Nam, còn đòi ta nộp thêm 50 con voi nữa. Không sớm thì muộn chúng sẽ tiến đánh xâm lược Đại Việt. Khanh có kế sách gì cứu vãn được thời cuộc, cứu đất nước không?
Lê Quý Ly đáp:
-Tâu Thái thượng hoàng, triều đình và đất nước đã bước vào cuộc khủng hoảng suy yếu toàn diện. Muốn cứu vãn không chỉ thực hiện một vài giải pháp mà phải cải cách toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, quân sự, tài chính, còn nữa, cải cách không phải một sớm một chiều mà phải mất 10 năm hoặc lâu hơn nữa, thậm chí tiến hành thực hiện nhiều đời vua, nhiều đời Thái thượng hoàng với những biện pháp quyết liệt không nhân nhượng.
Lê Quý Ly dừng lại uống nước. Trần Nghệ Tông nói:
-Người tài hiện nay của đất nước, của triều đình không biết đi đâu hết, bây giờ ta muồn dùng mà không có. Khanh hãy suy nghĩ về các chính sách cải cách đi. Sự nghiệp nhà Trần và đất nước ta đã giao hết cho khanh rồi còn gì?
-Đa tạ Thái thượng hoàng, thần sẽ suy nghĩ, bao giờ hoàn thiện thần sẽ trình Thái thượng hoàng và khi có thời cơ thuận tiện sẽ tiến hành thực hiện.
-Để tăng thêm quyền lực cho khanh, ta phong khanh làm Đồng bình Chương sự, quyền ngang tể tướng để thực hiện cải cách.
-Người đâu.
-Dạ.
-Đem ra đây.
Nội thị đem ra một thanh gươm, một lá cờ đề 8 chữ: “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”.
Lê Quý Ly quỳ xuống khấu đầu:
-Đa tạ Thái thượng hoàng. Thần xin dốc lòng dốc sức đền đáp sự tin cậy của Thái thượng hoàng.
-Đứng dậy đi.
Đó là năm 1387. Từ đó Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông tiếng là nắm đại quyền, nhưng mọi việc đều do Lê Quý Ly quyết định. Lê Quý Ly ra sức nắm các thứ quân và toàn bộ quân đội nhà Trần, cài cắm thân thích tay chân vào bộ máy nhà nước trung ương. Em Lê Quý Ly là Lê Quý Tỳ giữ chức Phán thủ Tri tả hữu ban sự, con cả Lê Quý Ly là Lê Nguyên Trừng giữ chức Tư đồ, Lê Hán Thương, con của Lê Quý Ly với công chúa Huy Ninh, em gái Trần Nghệ Tông nắm giữ chức Thái phó. Bộ máy do thám của Lê Quý Ly rải khắp các cơ quan triều đình và các địa phương, sẵn sàng báo về phủ Đồng Bình chương sự những tin tức nhanh nhất mọi động tĩnh của quan lại, tướng lĩnh, thậm chí của cả vua Trần Phế Đế. Thế lực của Lê Quý Ly bao trùm cả cung đình và cả nước. Triều đình nhà Trần suy yếu, bất lực, thực tế đã nằm gọn trong tầm kiểm soát và sai khiến của Lê Quý Ly. Vương thất nhà Trần biết rõ và lo ngại nhưng không dám nói, nói có khi rước họa vào người, họa có thể từ Lê Quý Ly, nhưng trước hết từ Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông vì Trần Nghệ Tông chỉ tin có một mình Lê Quý Ly. Niềm tin Lê Quý Ly là một nhà cải cách có thể cứu được đất nước, cứu vãn được thời cuộc làm cho Thái thượng hoàng hầu như mê muội. Sự xuống dốc không thể cứu vãn nổi của triều đình đã thúc đẩy Thái thượng hoàng tìm ra một giải pháp giải thoát giống như của Lý Huệ Tông, chuyển giao quyền lực cho một người tài giỏi như Trần Thái Tông ngày xưa, còn bây giờ người đó là Lê Quý Ly. Các tôn thất nhà Trần hầu hết đã rã rời, có người còn chạy theo và quy phục Lê Quy Ly như Trần Nguyên Đán, một quý tộc có thế lực, có danh vọng và tri thức lớn, cháu 5 đời của Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải, đem con gửi cho Lê Quý Ly và đi vào Côn Sơn ở ẩn, thoát ly khỏi cuộc chiến tàn khốc của đời sống chính trị chốn cung đình trong thời kỳ loạn lạc.
III.
Thăng Long đêm mùa hạ chìm trong bóng tối, cây lá nhuộm màu đêm theo gió xạc xào phủ lên những dãy phố, những lâu đài cung điện chập chờn trong những ánh đèn vàng khè. Trong một căn phòng của điện Thiên An, nơi ở của hoàng thượng Trần Phế Đế le lói ánh đèn. Có vài người ngồi quanh chiếc bàn trà bằng gỗ quý bóng loáng dưới ánh đèn. Ngồi ghế chủ là Trần Phế Đế mặc áo màu vàng, khoảng gần 30 tuổi, chung quanh là các đại thần Lê Á Phụ, Thái úy Trần Ngạc là con trưởng của Trần Nghệ Tông. Cả bốn người uống xong một lượt trà thì Trần Phế Đế bảo những người hầu:
-Các ngươi đi ra ngoài hết đi.
-Dạ.
Khi những người hầu ra ngoài hết, Trần Phế Đế đóng cửa lại. Bốn người uống một lượt trà nữa, Trần Phế Đế nói nhỏ:
-Hôm nay các ái khanh đến đây là đã tỏ ra đồng chí hướng, lo chung mối lo của trẫm và của tôn thất nhà Trần. Vốn là trong triều đình xuất hiện Lê Quý Ly là em họ ngoại của Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông, Trẫm gọi Lê Quý Ly bằng chú họ ngoại, đã xuất hiện một nguy cơ lớn từ dòng ngoại thích. Người này tài cán tầm thường nhưng không hiểu sao cả triều đình có bao nhiêu tôn thất mà Thái thượng hoàng chỉ tin cậy một mình Lê Quý Ly. Chỉ mấy năm thăng tiến đến bây giờ, Lê Quý Ly đã là tể tướng, nắm toàn bộ quyền lực chính trị và quân sự. Mọi quyết sách của Thái thượng hoàng đều dựa vào ý kiến của Lê Quý Ly, cho nên Lê Quý Ly hiện nay là người nắm quyền thực sự của triều đình, của đất nước. Nhà Trần đang đứng trước nguy cơ bị Lê Quý Ly cướp ngôi. Các ái khanh có kế sách gì để ngăn chặn nguy cơ này không?
Lê Á Phụ nói;
-Đúng như hoàng thượng nói, Lê Quý Ly từng bước được Thái thượng hoàng giao cho các chức vụ, thâu tóm được cả quyền chính trị và quân sự, tay chân cài cắm khắp triều đình và quân đội, kể cả lưới thám mã dò la tin tức rất chặt chẽ và nguy hiểm. Cái khó nhất là Lê Quý Ly nắm chắc được Thái thượng hoàng.
Thái úy Trần Ngạc nói:
-Có một dịp nào thuận tiện, hoàng thượng cho gọi Lê Quý Ly vào cung và bố trí phục binh đổ ra chém chết chắc thành công.
Trần Phế Đế nói:
-Thành công thì có thể nhưng sẽ ăn nói với Thái thượng hoàng như thế nào đây. Giết một viên đại thần mà ngài ta yêu mến tin cậy hơn cả con đẻ của mình thì ta chịu tội gì đây?
Lê Dữ Nghị nói:
-Vì ngai vàng nhà Trần, hoàng thượng đã làm thì không nên sợ mà đã sợ thì không nên làm.
Trần Phế Đế nói:
-Nếu các ái khanh đã đồng lòng cứu cơ nghiệp nhà Trần thì chờ cơ hội, ta sẽ cho phục binh, gọi Lê Quý Ly đến và giết chết.
Tất cả đều nói:
-Cứ như vậy, cứ như vậy.
-Đa tạ các ái khanh.
Cuộc nói chuyện bí mật đó đã bị tên hầu của Trần Phế Đế là Vũ Như Mai nhưng là thám mã của Lê Quý Ly đứng ngoài nghe trộm được. Vũ Như Mai liền mật báo cho Lê Quý Ly. Trong Phủ tể tướng, Lê Quý Ly chưa biết làm sao thì Nguyễn Đa Phương nói:
-Bình Chương nên tránh xa kinh đô, về núi Đại Lại, Vĩnh Lộc Thanh Hóa để nghe ngóng tình hình chờ xem biến động thế nào rồi mới hành động được.
Phạm Cự Luận nói:
-Không được, vô cớ bỏ triều đình mà đi là phạm tội. Vả lại đã ra ngoài mà hoàng thượng Trần Phế Đế gọi về thì vẫn phải về và họ giết lúc nào cũng được.
Lê Quý Ly hỏi:
-Vậy nên làm thế nào?
Phạm Cự Luận đáp:
-Theo ý kiến của tại hạ thì Thái thượng hoàng vẫn đang tin cậy ngài tiến hành cải cách để cứu vãn đất nước, nên đã phong ngài đến chức tể tướng. Cho nên hoàng thượng không thể làm trái ý Thái thượng hoàng mà giết tể tướng, phá vỡ kế hoạch của Thái thượng hoàng. Thứ nữa, Thái thượng hoàng vốn không hài lòng việc hoàng thượng tự ý giết chết Quan phục Đại Vương Trần Húc đầu hàng quân Chiêm Thành, bị quân ta bắt được ở Nghệ An. Căn cứ vào điều đó, Bình Chương nên vào gặp Thái thượng hoàng mà trình bày biết đâu thoát nạn, lại có thể mượn tay Thái thượng hoàng trừ bỏ Trần Phế Đế và phe cánh. Nếu Thái thượng hoàng không nghe thì ta liệu cách khác cũng chưa muộn.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-a-tieu-thuyet-lich-su-ky-21-a12324.html