Vậy mà đến bây giờ đã hết một đời người rồi tôi vẫn chưa biết tên thật của chị là gì! Nhớ về chị đành phải gọi “Chị Ba tập kết!”.
Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng gia đình tôi sống ở Sài Gòn, hàng năm ba má tôi có đôi ba lượt về miền Tây giỗ quải. Khi trở lên trong bữa cơm má tôi hay chắc lưỡi: “Thiệt hông có ai mà được như con Ba tập kết…”. Anh em tụi tôi lúc đó còn nhỏ nên cũng không để ý gì mấy, chỉ có một lần tôi hỏi: “Tập kết là làm gì má?”, ba tôi nạt con nít biết gì làm tôi hết hồn và cơm ào ào rồi cũng quên luôn câu hỏi chưa có lời đáp.
Sau 30/4/1975, gia đình tôi hồi hương về lộ tẻ Ba xe cùng nhiều bà con bên nội khác, mỗi nhà ở cách nhau vài trăm mét trên cùng con lộ. Cuộc sống khó khăn ai cũng phải quơ quào, thỉnh thoảng trong bữa cơm tôi lại nghe má tôi nhắc “Con ba tập kết chắc mừng lắm, thằng Nam hổng biết chừng nào về?”, ba tôi có lẽ còn nhớ câu hỏi mà ông nạt không trả lời hồi đó nên chậm rãi nói: “Sau trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết giữa hai miền Nam Bắc, tạm thời chia đôi Việt Nam thành hai vùng tập trung quân sự tại vĩ tuyến 17 tức cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải. Những người theo chế độ bên kia trong đó có thằng Nam là con cô Ba bây xuống tàu tập kết ra Bắc cứ nghĩ là chỉ đi 2 năm thôi, vậy rồi kéo dài hơn 20 năm luôn…”. Má tôi nói: “Lúc đó nó mới vừa cưới vợ đúng một tháng…”. Rồi má tôi kể thêm con Ba tập kết đúng là đẹp người đẹp nết, lúc thằng Nam cưới mới 18 tuổi vậy mà đẵng đẵng bao nhiêu năm trời nó vẫn thủy chung làm lụng lo cho má chồng. Thời kỳ chiến tranh biết bao khó khăn, chết chóc, nó bị săm soi, dòm ngó nào là phần tử thân cộng có chồng tập kết, rồi thì là miếng mồi mơn mởn trước mắt những thằng lính ác ôn hay bọn tề ấp dê xồm… sau khi thằng Nam đi vài năm thì cô Ba kêu nó về bên ngoại sống đi đừng lo gì cho cổ nữa. Ý cô Ba muốn nó đi lấy chồng mà làm lại cuộc đời vì thằng Nam biết còn sống hay đã chết, ngày về thì mù mịt mà bắt nó hủy hoại cả tuổi thanh xuân thì độc ác lắm!
Rời nhà cô Ba, chị về nền nhà cũ của ba má đã mất cất một căn nhà nhỏ rồi cứ thế một mình lầm lũi chăm sóc vườn tược, ruộng rẫy. Hàng năm cứ đến ngày giỗ chạp bên chồng là chị qua sớm vài bữa cụ bị đủ thứ đủ để lo tươm tất. Bà con bên chồng chị không quên một ai, bệnh hoạn khó khăn chị tận tình thăm nom, giúp đỡ. Có lần một thằng trưởng ấp ác ôn mê chị, nó tìm đủ mọi cách từ dọa nạt đến bắt bớ, hăm dọa đến nỗi chị phải cạo đầu, mặc áo nâu vô chùa làm công quả. Không biết vì sùng đạo hay chán nãn trước người đàn bà trẻ quá cứng cỏi mà tên trưởng ấp dần dần bỏ luôn không đeo đẵng nữa.
Mấy tháng sau ngày thống nhất không biết do đâu mà bà con bên nội và cả chị ba đều biết ngày đó anh Nam sẽ về, phải chi có điện thoại như bây giờ thì nói làm gì! Sáng sớm ba tôi đã vào nhà cô Ba ngồi nhâm nhi ly trà nhóng nhóng ra con lộ. Tôi cũng lẽo đẽo theo sau mục đích muốn chứng kiến buổi hội ngộ của anh và chị ra sao?! Tôi đã tưởng tượng trong đầu chắc là hai người sẽ ôm nhau khóc mùi mẫn không dứt ra được giống như trong mấy cuốn tiểu thuyết diễm tình mà tôi đã đọc. Vậy rồi mọi chuyện lại hết sức trớt quớt với suy nghĩ của tôi, anh ba Nam một người đàn ông dong dỏng, mặc đồ bộ đội cũ mèm vai đeo xắc cốt và trên đầu là chiếc nón cối bất di bất dịch. Chào hỏi cô Ba và mọi người xong anh bước tới cái chõng tre nơi chị Ba, người vợ đã chờ đợi anh mấy chục năm trời ngồi im lặng, mắt rưng rưng từ lúc anh bước vào nhà. Hàng bao nhiêu con mắt nhìn theo từng cử chỉ của anh, một cái xoa đầu kèm theo câu nói cụt ngủn: “Ngoan lắm, ngoan lắm…”, chấm hết! Tôi lúc đó chỉ là một thằng con nít nên chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, sau này khôn lên chút đỉnh ngẫm ra mới thấy cái gì cũng có nguyên nhân của nó… mà thôi chuyện đó nói sau.
Anh chị tương phùng chắc là có bao nhiêu chuyện để nói, hơn hai mươi năm rồi còn gì. Từ một cô thiếu nữ 18 nay chị đã là thiếu phụ sêm sêm tứ thập chỉ không biết chị có nghi ngờ gì nữa không mà thôi?! Mấy tháng sau đó chị không rời anh một bước, lâu lâu tôi cũng vào nhà cô Ba chơi và cũng đôi lần gặp anh chị. Có thể nói anh Nam đã thay đổi hoàn toàn, bộ đồ bộ đội không còn mà thay vào đó là áo sơ mi trắng thẳng nếp, chiếc quần gabardine nhìn là biết mới may, chưa hết trên tay còn lấp lánh hai khoen vàng y chói nắng, chiếc đồng hồ selko hai cốt khó tìm lúc bấy giờ. Thì chồng mình chớ ai, chị lo cho anh đủ thứ bằng những gì chị dành dụm, tích cóp trong thời gian chờ đợi mà ngập tràn hạnh phúc. Nói theo bây giờ thì đây mới chính là thời gian hưởng tuần trăng mật của cặp vợ chồng không còn trẻ nữa.
Cứ tưởng sau cơn bỉ cực đến hồi thới lai. Vậy mà, bữa nọ và miếng cơm xong má tôi buột miệng: “Tội nghiệp con Ba tập kết…!”. Mấy anh em tôi trố mắt nhìn chưa kịp hỏi thì bà nói luôn: “Thằng Nam có vợ hai con ngoài Bắc rồi…”. Cha, tình tiết này mới ác liệt đây, y hệt tiểu thuyết luôn.
***
Sau cái lần má tôi nói tội nghiệp ấy tôi không gặp lại “chị Ba tập kết” lần nào nữa, mọi thông tin về chị đều do má tôi kể lại khi thì trong bữa cơm, khi thì buổi tối nhâm nhi ly trà khi tôi về thăm gia đình sau nhiều năm, nhiều năm nữa mà thời gian, cuộc sống bắt buột mình phải già hơn, từng trải hơn, xa quê hơn. Bà kể mà như không kể, ai nghe cũng được mà không ai nghe cũng không sao bởi vì chuyện đó thật ra chẳng còn cần thiết nữa. Má tôi nói như chỉ để cho mình, chỉ để khỏi quên người cháu dâu mà bà yêu quý. Bao giờ cũng vậy, má tôi mở đầu bằng cụm từ “Con Ba tập kết”:
“Cô Ba nói với tao đêm đó nằm trong buồng trằn trọc không ngủ được, nghe hai vợ chồng nó nằm giường ngoài rủ rỉ rù rì gì đó hổng biết mà con vợ nó đột nhiên gắt lên: “Hoàn cảnh, hoàn cảnh…” rồi khóc rấm rứt suốt đêm. Sáng sớm nó quày quả đồ đạc chỉ kịp nói với tao thưa má con về là đi luôn, thằng Nam thì ngồi thần ra đó như ông tượng. Thiệt tình…”.
Ngộ thiệt, hai vợ chồng này khi gặp nhau sau bao năm trời đằng đẵng chỉ nói với nhau hai từ rồi sau thời gian hạnh phúc ngắn ngủi xa nhau cũng chỉ hai từ mà ngữ điệu y chang nhau. Phải chăng sự ít lời ấy như một lời nguyền của số phận nghiệt ngã mà “chị Ba tập kết” phải nhận?!
Gạt người vợ miền Nam qua một bên anh ba Nam không biết có chạnh lòng hay bao điều phải lo toan trước mắt đã làm anh quên đi. Rước người vợ và hai con từ miền Bắc vào anh chúi mũi với công việc và áo cơm nặng gánh. Nhà nước cấp cho một căn hộ trên tầng hai, tận dụng mọi khoảng trống anh nuôi heo từ nhà vệ sinh ra tới ban công. Một lần từ chiến trường Tây nam quảy ba lô về tôi có ghé Cần Thơ thăm anh nhưng chẳng hiểu sao tôi không tìm được một lý do gì để hẹn lần quay lại.
Bây giờ đã gần 40 năm từ ngày anh ba Nam quay về, tôi đã có gia đình riêng thỉnh thoảng trở về con lộ cũ thăm ba má, góp nhặt những điều má tôi kể lại tuy không theo một trình tự, lớp lang nào nhưng qua đó cũng hình dung được quảng đời sau này của chị.
“Chị Ba tập kết!”
“Con Ba tập kết có tìm gặp thủ trưởng của thằng Nam, hổng biết câu chuyện ra sao mà nó về Mương Cộ bán hết ruộng vườn rồi qua tận Vĩnh Viễn, Long Mỹ mua đất cất nhà làm rẫy…”.
“Thời gian đầu nghe đâu nó cũng ngơ ngơ ngáo ngáo. Thời chiến tranh bom đạn mất chồng thì phải chịu, nay hòa bình chồng mình sờ sờ ra đó mà cũng mất thì không buồn làm sao được… không điên là may!”.
“Mấy người quen bên ấy nói lại con Ba tập kết nó làm để chết hay sao ấy, không lúc nào ngơi tay từ sáng sớm đến tối mịt hơn cả một người đàn ông khỏe mạnh. Tiền bạc thì dư dả, chồng con hổng có, bệnh hoạn nằm xuống ai lo đây…!”.
“Không biết con Ba tập kết nó nghĩ gì mà rước về nhà cục nợ! Nghe đâu thằng này là bạn của thằng ba Nam hồi chiến tranh, nó không đi tập kết mà ở lại chiến đấu rồi bị thương nặng, hình như cụt một tay, đui một mắt gì đó… rồi thần kinh có vấn đề nữa chớ. Nghe đâu con Ba tập kết tình cờ gặp nó trong trại an dưỡng thương binh nặng rồi rước về nhà chăm sóc..”.
“Cái gì? Tụi bây nói con Ba tập kết muốn có đứa con hủ hỉ tuổi già hả. Thằng này nước non gì nữa mà con với cái…”.
“Thiệt tình, mấy người ở bển nói cái thằng thương binh đó có bữa lên cơn đánh con Ba tập kết bầm hết mặt mày…”.
“Con Ba tập kết mất rồi! Má mới đi đám ma về nè. Nghĩ cũng ngộ cái thằng thương binh nặng đó ai nói thần kinh chớ tao thấy nó tỉnh táo lắm, một tay nó lo từ trong ra ngoài chu đáo mọi chuyện. Con Ba tập kết được chôn ngay cái chái mà lúc còn sống hai đứa nó ngồi ăn cơm. Thằng chồng sau, kêu đại là chồng chớ hổng biết phải hông suốt ngày ngồi bên mộ con Ba… mà hình như sau khi con Ba mất nó hết bệnh thần kinh luôn rồi….
Câu chuyện về chị Ba tập kết tôi chỉ biết có vậy. Không biết khi nghe tôi gọi “Chị Ba tập kết” chị sẽ buồn hay vui!
Nguyễn Trung Nguyên
Link nội dung: //revcat.net/chi-ba-tap-ket-truyen-ngan-a12119.html