Phạm Xuân Ẩn cho biết, chính Phạm Ngọc Thảo - một đại tá được kính trọng của quân đội Sài Gòn - đã sử dụng ảnh hưởng của mình để Trần Kim Tuyến được phóng thích khỏi nhà tù. Phạm Xuân Ẩn nói:
- Bác sĩ Trần Kim Tuyến là bạn của tôi, cũng là bạn của ông Phạm Ngọc Thảo nữa. Chúng tôi đã cứu mạng sống cho ông Tuyến vì ông ấy đã giúp đỡ người của chúng tôi trong tù. Việc này chứng tỏ cho giáo sư biết đôi điều về tình bạn giữa chúng tôi.
Khi ấy, tôi đã nhớ lại suy nghĩ của mình rằng có rất nhiều những hộp nhỏ phía trong những hộp lớn cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn.
Phạm Xuân Ẩn được thưởng tấm Huân chương thứ hai vì công trạng kịp thời gửi báo cáo đánh giá chiến lược của ông về việc liệu Mỹ có đưa quân bộ vào Việt Nam giai đoạn 1964-1965 hay không. Sau cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963, một số người ở Hà Nội đã nghĩ rằng Mỹ có thể sẽ tìm kiếm một vài điều chỉnh hoặc những giải pháp thông qua thương lượng.
Ngày 1/11/1963, Ngô Đình Diệm và em trai của ông bị giết ở phía sau chiếc xe bọc thép do Mỹ sản xuất. Mặc dù cuộc đảo chính là do nhóm quân sự của Nam Việt Nam vạch kế hoạch và thực hiện, nhưng CIA đã dính líu rất sâu thông qua người bạn của Phạm Xuân Ẩn là Lou Conein.
Phạm Xuân Ẩn nói:
- Tôi rất ngạc nhiên về vụ đảo chính đó. Người Mỹ đã đầu tư quá nhiều cho Ngô Đình Diệm, thế mà chỉ có mỗi ông Lansdale mới là người có thể kiềm chế được ông Diệm. Nhiều người là cấp trên của tôi đã nhận định sai rằng sau khi loại bỏ Diệm, Mỹ sẽ tìm cách rút khỏi Việt Nam. Tôi đã phá lên cười và nói rằng không có chuyện ấy đâu. Người Mỹ sắp kéo vào đấy. Tốt nhất là các đồng chí hãy chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với một cuộc chiến tranh lớn. Tôi đã nói với các cấp trên của tôi rằng một trong những lý do khiến CIA loại bỏ Diệm là vì ông ta chống lại việc đưa quân Mỹ vào Việt Nam. Diệm đã phải trả giá bởi vì ông ta không còn là nhân vật thân cận của Mỹ nữa.
Ngày 28/7/1965, Mỹ mới đưa ra cam kết qui mô lớn cho miền Nam Việt Nam. Thế mà từ năm 1964, Phạm Xuân Ẩn đã bắt đầu gửi đi những báo cáo về điều này trong thời kỳ Nguyễn Khánh làm Quốc trưởng Việt Nam Cộng hoà. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi một điều giống hệt như ông từng nói riêng với Bob Shaplen trước đó 30 năm rằng CIA đã biết về những đề nghị bí mật của Nguyễn Khánh muốn bắt tay với Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Nguyễn Khánh sau đó bị phế truất vì Chính quyền Johnson vào thời kỳ đó đang tiến dần đến việc Mỹ hoá cuộc xung đột ở miền Nam Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn nói:
- Đó là lý do vì sao tôi biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ miền Nam Việt Nam. Sau này tôi mới biết rằng nhiều người ở Hà Nội đã nghĩ khác, nhưng lúc ấy tôi không biết họ đã nghĩ như thế nào. Tôi chỉ gửi cho họ sự phân tích trung thực của tôi và sau này mới biết là tôi được thưởng Huân chương.
Phạm Xuân Ẩn cho biết, nguồn tin đầu tiên cung cấp thông tin về số phận của Nguyễn Khánh cho ông chính là Lou Conein của CIA. Tuy nhiên, tôi vẫn nghi ngờ rằng ông Phạm Xuân Ẩn còn lấy thông tin từ các nguồn tin khác nữa. Phạm Xuân Ẩn kể:
"Một hôm, Lou Conein vừa cùng với Nguyễn Khánh đáp máy bay trực thăng từ đâu về không rõ, nhưng vừa nhìn thấy tôi Lou Conein quát lên:
- Ẩn, về bảo vợ con anh đóng gói hành lý rồi ra khỏi đây ngay. Tất cả mất hết rồi. Miền Nam Việt Nam sắp rơi vào tay cộng sản rồi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tình hình lại xấu đến như vậy, Nguyễn Khánh đã ăn nằm cùng giường với Mặt trận Dân tộc Giải phóng".
Phạm Xuân Ẩn giải thích rằng trong khi cùng ngồi trên máy bay trực thăng với Nguyễn Khánh, Lou Conein đã quyết định thử thách Khánh bằng cách nói những chuyện dẫn đến kết luận:
- Đã đến lúc cần thăm dò một khả năng thành lập một chính phủ liên hợp, rồi thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Nguyễn Khánh cắn câu, liền thổ lộ hết những suy nghĩ của mình với Lou Conein - người ít khi kiềm chế được tình cảm. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại:
"Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy Lou Conein lại giận dữ đến thế. Nhưng Lou Conein thực sự lo ngại cho tôi và gia đình tôi. Ông ấy quát lên:
- Tất cả mất hết rồi, mất hết rồi".
Chờ đến khi Lou Conein bớt giận, tôi nói với ông rằng tôi không nghĩ là Nguyễn Khánh sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người về việc thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Bởi vì người Việt Nam sẽ không được phép ký kết hiệp định chỉ giữa các bên Việt Nam với nhau. Như thế người Mỹ sẽ không có lợi ích.
Ngày 5/2/1965, bom đạn dội xuống các trại lính Mỹ ở Pleiku làm chết tám người Mỹ và bị thương hơn một trăm người. Sự kiện này châm ngòi cho hàng loạt sự kiện khác dẫn đến việc Mỹ đưa các lực lượng tham chiến đổ bộ vào Việt Nam. Một ngày sau vụ các trại lính Mỹ ở Pleiku bị tấn công, Lyndon Johnson ra tuyên bố công khai mang đầy tính cảnh báo:
"Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là giờ đây chúng ta phải quét sạch bọn chúng và làm rõ sự cam kết của chúng ta tiếp tục ủng hộ miền Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập của họ".
Trợ lý đặc biệt của Tổng thống là McGeorge Bundy có mặt tại Pleiku đúng vào ngày các trại lính Mỹ ở đó bị tấn công. McGeorge Bundy liền điện thoại cho Lyndon Johnson nói rằng :
- Tình hình ở Việt Nam đang diễn biến xấu dần. Nếu không có hành động mới của Mỹ, sự thất bại có lẽ sẽ không thể tránh khỏi.
Ngày 13/2, Lyndon Johnson đề xuất mở một cuộc hành quân Sấm Rền, tức là thực hiện một chiến dịch ném bom trên diện rộng và có hệ thống xuống các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam.
Trong khi các bước đi đến một cuộc chiến tranh bằng không quân ngày càng được đẩy nhanh, quyết định đưa lực lượng tham chiến Mỹ vào Việt Nam cũng đồng thời được hình thành. Đầu tiên là 3.500 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Ngày 7/6, tướng William Westmoreland đề nghị bổ sung thêm 44 tiểu đoàn nữa để ngăn chặn sự thất bại của Chính quyền miền Nam Việt Nam. Trong suốt sáu tuần tiếp theo, vấn đề Việt Nam hoá chiến tranh luôn là trung tâm của mọi cuộc thảo luận ở Washington. Đây đồng thời cũng là vấn đề được Hà Nội theo dõi chặt chẽ với những dự đoán điều gì sắp xảy ra.
Phạm Xuân Ẩn nói:
- Tôi luôn được các nguồn tin thông báo cho biết về cuộc thảo luận đó. Tôi không bao giờ nghĩ rằng người Mỹ lại bỏ đi. Mỹ đã đầu tư quá nhiều tiền và uy tín của mình vào miền Nam Việt Nam. Cho nên, vấn đề còn lại chỉ là người Mỹ sẵn sàng đầu tư thêm bao nhiêu nữa? Có lẽ đầu tư của Mỹ sẽ là rất nhiều và đủ để cứu Chính quyền Sài Gòn khỏi sụp đổ trong một thời gian dài. Nhưng người Mỹ lại không bao giờ tính đến chuyện đào tạo một thế hệ lãnh đạo mới ở miền Nam. Đây là một sai lầm lớn của Mỹ.
Vào thời điểm đó, trong Chính quyền Johnson chỉ có một tiếng nói không ủng hộ quyết định của Tổng thống, đó là tiếng nói của Thứ trưởng Ngoại giao George Ball. Ông George Ball đã cố cảnh báo Lyndon Johnson rằng Tổng thống đang bắt đầu một cuộc chiến tranh mới đẩy Hoa Kỳ chống lại Việt Cộng.
Trong sổ tay của mình, Thứ trưởng Ngoại giao George Ball viết:
"Có thể việc triển khai trên qui mô lớn các lực lượng Mỹ cùng với nhiều hoả. lực sẽ buộc Hà Nội và Việt cộng phải đi đến một quyết định mà chúng ta đang tìm kiếm. Mặt khác, chắc chúng ta không thể đánh thắng trong một cuộc chiến tranh, thậm chí kể cả khi chúng ta có 500.000 quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Chúng ta cần phải có nhiều bằng chứng hơn là số bằng chứng hiện có về việc quân đội của chúng ta sẽ không bị sa lầy trong các cánh rừng già và trên những đồng lúa trong lúc chúng ta từng bước nghiền nát miền Nam Việt Nam. Về mặt chính trị mà nói, miền Nam Việt Nam chả có gì… trong khi Hà Nội người ta có cả một chính phủ, mục đích và kỷ luật rõ ràng. Chính quyền Sài Gòn chỉ là một thứ trò đùa. Trên thực tế, miền Nam Việt Nam là một vùng lãnh thổ có quân đội mà không có chính phủ. Theo quan điểm của tôi, việc cam kết sâu của các lực lượng Mỹ vào mảnh đất chiến tranh Nam Việt Nam sẽ là một lỗi lầm có thể gây ra thảm hoạ. Nếu có cơ hội nào để rút lui chiến thuật, thì lúc này đây chính là cơ hội để cho chúng ta làm việc đó".
Những lời nói hay của Thứ trưởng Ngoại giao George Ball đã không lọt được vào những cái tai điếc. Ngày cuối cùng của ông ở Bộ Ngoại giao là cuối tháng 7, chỉ vài ngày trước khi Lyndon Johnson tuyên bố Westmoreland đang thu được những cái mà ông cần.
Tổng thống Johnson đã nói với George Ball rằng Mỹ sẽ bị mất uy tín nếu rút khỏi Việt Nam. Ngay lập tức, George Ball đáp lại:
- Không phải như vậy đâu, thưa ngài. Điều tồi tệ hơn sẽ là việc một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới không thể đánh bại được một nhúm du kích.
Sau này, Phạm Xuân Ẩn nói:
- Hoa Kỳ là một đất nước tươi đẹp với những người dân rất tốt, chỉ có mỗi tội là họ đã không nhớ lịch sử lắm.
Trong vòng 5 năm kể từ khi từ Mỹ trở về nước, Phạm Xuân Ẩn được nhận hai Huân chương khác vì đã gửi được kịp thời các báo cáo chiến lược, cũng như những đóng góp của ông vào cả trận Ấp Bắc và việc Mỹ hoá cuộc chiến tranh (2). Ông đã giành được uy tín và sự nổi tiếng nhất, có lẽ Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo Việt Nam giỏi nhất làm việc cho báo chí phương Tây. Trong suốt một thập kỷ sau, từ 1965 đến 1975, ông cũng để lại những dấu ấn sâu đậm trong nghề tình báo, cũng như trong nghề nhà báo làm việc cho Tạp chí Time.
--------------------------
(1) Phản đối chính sách đàn áp phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. (NXB).
(2) Phạm Xuân Ẩn đã được tặng thưởng 11 Huân chương các loại. (BT).
( còn nữa)
Theo Trái tim người lính/ Nguồn: “ Điệp viên hoàn hảo” của Giáo sư Larry Berman
Phạm Thúy Hậu
Link nội dung: //revcat.net/diep-vien-anh-hung-pham-xuan-an-ky-14-a12092.html