link tải gowin99 mới nhất

Những chuyện "có một không hai" của Liệt sĩ Nguyễn Nhân Triển

Ngày này tròn 50 năm trước- ngày 24.4.1972, Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển đã cùng kíp xe 377 làm nên trận đấu tăng “có một không hai” trong lịch sử. Còn về đời riêng, đám cưới của anh cũng thuộc vào loại “có một không hai”.

chon-lua-1650771687.PNG
Ảnh do tác giả lựa chọn

Từ đám cưới “có một không hai”

Nguyễn Nhân Triển quê ở làng Nghiêm Xá, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Đó là một làng quê cổ kính, yên bình nằm giữa vùng đồng bằng “bờ xôi, ruộng mật” bên con sông Đuống hiền hòa, xinh đẹp.

Tháng 6 năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc Nguyễn Nhân Triển lên đường nhập ngũ. Do có sức khỏe tốt anh được chọn về binh chủng Tăng Thiết giáp và được cử đi học trưởng xe. Một thời gian sau, do có thành tích tốt trong công tác huấn luyện anh được về Đoàn 10- Tiểu đoàn huấn luyện của binh chủng TTG- để đào tạo trung đội trưởng xe tăng. Cuối năm 1970, Tiểu đoàn xe tăng 297 của anh cơ động vào Tây Quảng Bình để chuẩn bị tham gia chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào. Sau khi kết thúc chiến dịch, đơn vị lại quay ra Quảng Bình để củng cố chuẩn bị cho chuyến hành quân đường dài vào mặt trận Tây Nguyên. Đơn vị giải quyết cho một số cán bộ chiến sĩ đi phép dịp này, trong đó có Triển. Không biết chuyến đi này sẽ kéo dài bao lâu, với lại tình yêu của anh với người thôn nữ cùng quê cũng đã chín muồi, Triển quyết định sẽ xin gia đình hai bên cho họ nên vợ nên chồng trong đợt phép quý giá này.

Cũng như hầu hết các làng quê ở xứ Kinh Bắc, con gái làng Nghiêm Xá quê Triển nổi tiếng xinh đẹp và đảm đang. Thời buổi chiến tranh, đàn ông con trai đổ hết ra chiến trường, mọi công việc từ trong nhà ra ngoài đồng đều đổ lên vai cánh đàn bà con gái. Họ lam lũ, tất bật từ sáng đến tối, hết ngày này qua ngày khác. Tuy vậy, mỗi khi đêm xuống họ lại xúng xa xúng sính trong những chiếc áo tứ thân ra đình làng để đắm mình vào những làn điệu quan họ say đắm lòng người. Trong số thôn nữ thời ấy của làng Nghiêm Xá, Nguyễn Thị Mạc nổi trội lên cả về sắc vóc lẫn lời ca tiếng hát. Chính vì vậy, cô không chỉ tham gia đội văn nghệ của làng mà còn được triệu tập lên Đội thông tin xung kích của huyện để đi các nơi biểu diễn phục vụ. Vậy mà cô gái tài sắc vẹn toàn ấy lại bị cái hiền lành, mộc mạc của chàng thiếu úy xe tăng chinh phục và họ đang chờ ngày nên vợ, nên chồng. Cô cũng đang mong anh về từng tháng, từng ngày.

Và rồi ngày ấy đã đến. Đó là tháng 8 năm 1971, khi Nguyễn Nhân Triển được về phép trước khi đi “B dài”. Được sự đồng ý của hai gia đình và chính quyền địa phương được tổ chức vào ngày 22.8.1971 nhằm ngày 02 .7 âm lịch. Đám cưới thời chiến được tổ chức theo lối “đời sống mới” tuy giản dị nhưng không kém phần trang trọng và vui vẻ, nhất là vào buổi tối hôm ấy. Rất đông bà con xóm giềng cùng họ hàng và bạn bè của hai anh chị đã đến dự. Có cả các anh bộ đội tên lửa đóng quân ở Đông Du gần đó cũng sang để chia vui với hai người. Các tiết mục văn nghệ liên tục được mọi người trổ tài để mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Khi đám cưới đang lên đến cao trào, hội hôn đề nghị cô dâu và chú rể lên hát song ca. Chàng thiếu úy xe tăng vốn chỉ quen với súng đạn ngượng ngùng xin phép để vợ hát thay cả cho mình. Đúng lúc Mạc đứng lên chuẩn bị cất tiếng hát thì khắp nơi xung quanh vang lên tiếng trống ngũ liên cùng tiếng loa, tiếng kêu thất thanh của mọi người: “Vỡ đê rồi! Vỡ đê rồi”.

Vậy là những trận mưa liên tục từ đầu tháng với lưu lượng cực lớn trên khắp miền Bắc đã đến đỉnh điểm. Nước trên các triền sông đều dâng cao trên mức “báo động 3”. Nước lũ dâng cao và chảy mạnh đến nỗi sợ cầu Long Biên bị trôi, Tổng cục Đường sắt phải điều một đoàn tàu chở đầy đá hộc ra đứng ở giữa cầu để “trấn”. Rồi đến lúc những con đê không chịu nổi nữa. Nhiều điểm đê đã bị vỡ trước sức nước vô cùng mãnh liệt, trong đó có đê Cống Thôn ở bờ tả sông Đuống cách làng quê Nghiêm Xá của đôi vợ chồng mới chỉ vài ki- lô- mét. Con nước hung hãn lập tức tràn về dìm các làng quê vào làn nước hung hãn đục ngầu. Đó chính là trận lũ lụt lịch sử ở đồng bằng sông Hồng năm 1971.

Ngay lập tức đám cưới phải dừng lại. Rạp cưới được dỡ ra. Bàn ghế mượn hàng xóm phải gấp gáp mang trả. Mấy cây tre dùng để dựng rạp được gác lên xà nhà. Một bên để thóc gạo, quần áo... Một bên đưa lên đôi dát giường làm “phòng hạnh phúc” cho đôi vợ chồng mới. Còn cả gia đình tá túc trên đỉnh đống rạ ngoài vườn. Mọi việc vừa xong thì nước bắt đầu tràn về và nhanh chóng dâng lên. Đêm tân hôn đang còn dang dở thì nước đã dâng lên đến lưng người. Triển buộc phải dỡ mấy viên ngói trên nóc nhà đưa vợ chui ra ngồi trên nóc nhà chờ sáng. Cho đến nay, nhiều người dân làng Nghiêm Xá vẫn nhớ đến đám cưới “có một không hai” này.

Khi nước chưa rút hẳn, Triển quyết định lên đường trả phép. Sau khi vào đơn vị một thời gian thì Tiểu đoàn 297 của anh lên đường vào chiến trường Tây Nguyên. Niềm ân hận lớn nhất làm Triển day dứt suốt dọc đường hành quân chiến đấu là chưa kịp để lại cho người vợ xinh đẹp của mình một “giọt máu” nào.

Hơn sáu tháng sau ngày chia tay vợ- ngày 24.4.1972- Nguyễn Nhân Triển đã cùng đồng đội trên kíp xe 377 làm nên trận đấu tăng “1 chọi 10” huyền thoại và từ đó anh đi vào cõi bất tử.

Đến trận đấu tăng “có một không hai”

Phối hợp với các chiến trường khác trên toàn miền Nam, BTL Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch Đắc Tô- Tân Cảnh từ ngày 31. 3. 1972, trong đó mục tiêu chủ yếu là tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh để mở đường tiến đánh Kon Tum, mở rộng vùng kiểm soát của ta ở Tây Nguyên.

Tây Nguyên- phía VNCH gọi là Cao nguyên Trung phần là một dải các cao nguyên có độ cao 500- 800 mét trải dài suốt mấy trăm ki- lô- mét, lại giáp giới với Lào và Căm- pu- chia nên còn được gọi là “Mái nhà của Đông Dương”. Trong con mắt các nhà quân sự từ xưa đều đánh giá rất cao vị trí vùng đất này, họ cho rằng: “Ai làm chủ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ được miền Nam và cả Đông Dương”. Chính vì vậy, Tây Nguyên trở thành vùng tranh chấp ác liệt giữa các bên, trong đó Đắc Tô- Tân Cảnh là điểm trọng yếu nhất bởi đó chính là căn cứ tiền tiêu của hệ thống phòng thủ Bắc Tây Nguyên bên phía VNCH. Do vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, Tân Cảnh được xây dựng hết sức kiên cố và vững chắc theo tiêu chuẩn Mỹ. Đồn trú ở đây gồm có Trung đoàn 42 (có 4 tiểu đoàn) của Sư đoàn BB22, Sở chỉ huy tiền phương sư đoàn, Thiết đoàn 14 (gồm 27 xe tăng và 14 xe bọc thép), cụm pháo binh sư đoàn (10 khẩu). Cách đó 8 km về phía tây là căn cứ Đắc Tô 2 có 2 tiểu đoàn BB thuộc Trung đoàn 47, 1 chi đội thiết kỵ nhưng mức độ kiên cố thì kém hơn. Xa hơn nữa là căn cứ biên phòng Bến Hét do lực lượng biệt kích đóng giữ. Với hệ thống công sự vật cản kiên cố, với lực lượng đồn trú hùng mạnh... bọn địch ở Tân Cảnh thường huyênh hoang: “Bao giờ sông Pô Kô chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh được Tân Cảnh”. Chúng còn viết thành khẩu hiệu căng lên ở cổng chính của căn cứ.

Rạng sáng ngày 24. 4.1972, ta đồng loạt tiến công căn cứ Tân Cảnh và Đắc Tô 2. Lực lượng tiến công Tân Cảnh là Trung đoàn BB66 được tăng cường Đại đội xe tăng 7 và một số bộ phận khác như ĐC, PK, tên lửa chống tăng B72... Lực lượng tiến công Đắc Tô 2 là Trung đoàn 1 của Sư đoàn BB2. Do tạo được bất ngờ và lựa chọn hướng tiến công chính xác cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội, đến 8 giờ sáng quân ta đã cơ bản làm chủ Tân Cảnh. Tuy nhiên, tại Đắc Tô 2 tình hình gặp nhiều khó khăn. Địch điều động 2 chi đội xe tăng (10 xe M41) từ Bến Hét theo đường 18 về phản kích đang từng bước đẩy lùi quân ta. Tình thế hết sức nguy cấp. Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định điều 1 trung đội xe tăng lên chi viện cho bộ binh ta đánh địch phản kích. Lúc này, Trung đội xe tăng 3 đã hoàn thành nhiệm vụ trên hướng thứ yếu và đang ở gần Đắc Tô 2 nhất nên được chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ này.

Trung đội xe tăng 3 do thiếu úy Nguyễn Nhân Triển chỉ huy gồm 3 xe tăng: 377, 354, 369 và 1 xe cao xạ tự hành ZSU57-2 số hiệu 472. Xe 377 có 4 thành viên: Nguyễn Nhân Triển- trưởng xe; Cao Trần Vịnh- lái xe; Nguyễn Đắc Lượng- pháo thủ và Hoàng Văn Ái- nạp đạn. Ngay khi nhận nhiệm vụ Triển lập tức truyền lệnh đến toàn trung đội và lệnh cho lái xe tăng tốc độ hướng về Đắc Tô 2.

Con đường 18 nối Tân Cảnh với Đắc Tô 2 bị hư hỏng nhiều nên cơ động rất khó khăn, lại bị máy bay đánh chặn nên khoảng cách giữa các xe ngày càng giãn rộng. Đến gần Đắc Tô 2, khi quan sát thấy BB ta đang vừa rút lui vừa chống đỡ một cách tuyệt vọng trước đoàn xe tăng hung hãn của địch, sự sống còn của hàng trăm chiến sĩ như trứng để đầu đẳng... Nguyễn Nhân Triển quyết định không chờ các xe sau đến mà chỉ huy xe lao thẳng vào đội hình địch. Như một con mãnh hổ lao vào giữa đàn sói, xe 377 nhanh chóng bắn cháy 2 xe M41 làm cho quân địch kinh hoàng. Chúng không dồn ép BB ta nữa mà tổ chức lại đội hình bao vây xe 377 lại và bắn trả liên tiếp. Xe 377 lợi dụng địa hình địa vật đánh trả kiên cường. Tuy nhiên, “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Sau khi diệt thêm một số xe địch nữa thì xe 377 trúng 3 phát đạn và bốc cháy. Ngay cả khi khói đen đã bốc lên từ tháp pháo, các chiến sĩ BB vẫn thấy 1 phát pháo nữa được bắn ra thiêu cháy 1 xe tăng địch. Đúng lúc ấy 2 xe 354 và 369 cơ động đến nơi tiếp tục tiêu diệt địch nhưng sau đó bị máy bay bắn hỏng. Đợt phản kích của địch bị chặn đứng, BB ta lao lên làm chủ Đắc Tô 2. Cho đến giờ, cũng không biết đích xác xe 377 đã bắn hạ bao nhiêu xe địch, chỉ biết rằng sau trận đánh địch bỏ lại 9 xác xe M41 cháy thui, trong đó xung quanh 377 là 7 chiếc, có chiếc chỉ cách 377 chưa đày 100 mét.

Sau chiến đấu, đơn vị tổ chức một bộ phận do Kỹ thuật viên Đỗ Quang Thành đi tìm thương binh, liệt sĩ và sửa chữa xe hòng. Sau khi tìm kiếm không thấy, đồng thời tham khảo ý kiến các chiến sĩ BB đơn vị đi đến kết luận: “Tất cả 4 thành viên xe 377 đã hy sinh anh dũng trong xe”. Ngày 01.5.1972 một tổ công tác được giao nhiệm vụ đi thu gom hài cốt của các liệt sĩ. Sau khi loại bỏ hết những mảnh kim loại ngổn ngang họ gạt nước mắt cẩn trọng gom từng chút một tàn tro di cốt của các anh. Tất cả chỉ chưa đầy một ba lô. Họ mang về đơn vị, chia làm 4 phần và mai táng các anh tại ngọn đồi phía đông bắc thị trấn Tân Cảnh (nay đã quy tập về NTLS Đắc Tô).

Mấy tháng sau, một số anh em của Trung đoàn 273 đóng quân gần đó còn phát hiện một nắm cơm đã cháy đen nằm trên vành tháp pháo. Nắm cơm tiêu chuẩn sáng ngày hôm đó mà kíp xe vẫn chưa kịp ăn vì còn phải gấp gáp cơ động lên chi viện bộ binh. Qua mấy nghìn độ lửa, những hạt cơm đã cháy thành than, đen ngời, rắn chắc như một tảng kíp- lê. Nắm cơm đó hiện nay nằm trang trọng trong bảo tàng lực lượng Tăng Thiết Giáp Việt Nam ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Nó nằm đấy, giản dị khiêm nhường song cũng đã lấy đi bao nước mắt của những người đã từng một lần tới thăm.

Nơi chiến địa khốc liệt ngày ấy hôm nay đã mọc lên một ngôi trường với cái tên “Trường Trung học cơ sở 24 tháng 4”- ngày diễn ra trận đấu tăng “có một không hai” huyền thoại. Còn chiếc xe 377 được đưa về tượng đài chiến thắng Đắc Tô- Tân Cảnh. Nghe nói hôm đó, mặc dù hai chiếc máy ủi công suất lớn đã xúm vào kéo đến nỗi đứt cả dây cáp mà nó vẫn trơ như đá, vững như đồng không chịu nhúc nhích một ly. Dường như nó muốn mãi mãi nằm lại nơi chiến trường đẫm máu ngày nào thì phải. Rồi có ai đó góp ý, Ban tổ chức đã biện một mâm lễ nhỏ và thành kính thắp hương khấn bái xin anh linh các liệt sỹ cho đưa chiếc xe của các anh về nơi trang trọng hơn. Chẳng biết có phải các anh đồng ý hay không nhưng vừa tàn một tuần nhang, nó đã nhẹ nhàng theo những người lai dắt về vị trí hiện nay như một chú voi Tây Nguyên đã thuần dưỡng theo người quản tượng.

Tuyên dương hành động anh hùng và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, ngày 09 tháng Hai năm 2009, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định số 56/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho kíp xe 377. Dẫu có muộn màng một chút song chắc rằng ở cõi vĩnh hằng các anh cũng sẽ ngậm cười.

Trái Tim Người Lính

Nguyễn Khắc Nguyệt

Link nội dung: //revcat.net/nhung-chuyen-co-mot-khong-hai-cua-liet-si-nguyen-nhan-trien-a11997.html

程序发生错误,错误消息:System.IO.IOException: 文件或目录损坏且无法读取。 在 System.IO.__Error.WinIOError(Int32 errorCode, String maybeFullPath) 在 System.IO.FileStream.Init(String path, FileMode mode, FileAccess access, Int32 rights, Boolean useRights, FileShare share, Int32 bufferSize, FileOptions options, SECURITY_ATTRIBUTES secAttrs, String msgPath, Boolean bFromProxy, Boolean useLongPath, Boolean checkHost) 在 System.IO.FileStream..ctor(String path, FileMode mode, FileAccess access, FileShare share, Int32 bufferSize, FileOptions options) 在 SuperGroup.Core.Start.FileNotFoundHandle.d__2.＀⬀() --- 引发异常的上一位置中堆栈跟踪的末尾 --- 在 System.Runtime.ExceptionServices.ExceptionDispatchInfo.Throw() 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.HandleNonSuccessAndDebuggerNotification(Task task) 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.GetResult() 在 SuperGroup.Core.Start.FileNotFoundHandle.d__1.＀伀() --- 引发异常的上一位置中堆栈跟踪的末尾 --- 在 System.Runtime.ExceptionServices.ExceptionDispatchInfo.Throw() 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.HandleNonSuccessAndDebuggerNotification(Task task) 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.GetResult() 在 SuperGroup.Core.Bootstrapper.d__18.＀ꠀ()