Xưa, muốn tìm hiểu nhau phải đến nhà, ngồi nói chuyện dưới sự giám sát của phụ huynh. Nhiều khi gặp phụ huynh mau chuyện, buổi tối thứ Bảy hoặc Chủ nhật bị biến thành những cuộc chuyện trò bất đắc dĩ giữa chàng trai và ông bố vợ tương lai.
Đến khi “Tình trong như đã – Mặt ngoài còn e”, đôi trẻ mới dấm dúi nhau hẹn hò nơi khác.
Hà Nội khi đấy không có các tụ điểm vui chơi để lứa trẻ “xõa” như bây giờ và càng ít những nơi thanh vắng để các cặp yêu nhau trút bầu tâm sự.
Cặp thì chịu khó ngược lên rặng ổi Nghi Tàm hoặc vòng quanh Hồ Tây, tìm gốc cây to, khuất ánh đèn đường làm nơi tâm sự. Những chỗ đấy đảm bảo thanh vắng, nhưng gặp đám đầu gấu địa phương đến trấn lột hoặc “xin đểu” thì đành chịu. Ra trình báo công an, tình ngay lý gian và câu chuyện thực ra cũng khó nói. Đa phần, họ vào công viên. Ở đó, chí ít còn có bảo vệ công viên hoặc đôi lúc, có tốp công an đi tuần qua, để “Gác cho dân vui chơi”, miễn là dân thể hiện tình yêu trong sáng chứ không phải là tình yêu trong tối.
Vào công viên mỗi cặp chiếm giữ một gốc cây. “Oách” nhất và may mắn nhất là kiếm được một chiếc ghế đá, bị những tán cây che khuất ánh đèn từ hệ thống chiếu sáng trong công viên.
Để có chiếc ghế ưng ý trong công viên là cái duyên, không phải lần nào vào công viên cũng gặp. Có người còn phải nhờ chiến hữu ra tay nghĩa hiệp, giữ hộ chỗ từ lúc công viên mới nhập nhoạng tối.
Chúng tôi hồi ấy có những buổi tập thể lực trong công viên, nhất là công viên Bách thảo. Từ đầu giờ sáng đến gần trưa, chúng tôi chạy trong công viên, leo lên núi Nùng rồi lại chạy thả lỏng để tiếp tục leo. Chân mỏi dừ, mũi mồm tranh nhau thở nhưng đến giờ ăn trưa tại nhà ăn của Sở ở phố Lý Thường Kiệt, lại túm tụm quanh anh Điệp “lùn”, một tiền vệ giỏi và hát hay nhất trong làng bóng đá Việt Nam, để anh dạy bí quyết chiếm giữ ghế trong công viên.
Anh Điệp “lùn” mách nước : “Chúng mày lấy đất sét, nặn thành những đống phân. Cuối chiều, rắc ít cát lên ghế rồi đặt “đống phân” lên. Đảm bảo tối bọn mày ra, ghế đó không cặp đôi nào dám ngồi”.
Nghe đến đây chắc bọn trẻ thời @, thời 4.0 cười và nói sao ngày xưa các cụ khổ thế. Sao không ra nhà nghỉ cho nó nhanh.
Chuyện làng quê
Hồ Công Thiết
Link nội dung: //revcat.net/ghe-da-cong-vien-chuyen-vat-a11924.html