Những ngày chị Lý bị sa vào nanh vuốt giặc, chẳng quản muôn trùng nguy hiểm, má vẫn lặn lội theo con gái đến các trại giam Phú Kỳ, Hội An, Kỳ lam, Vĩnh Điện, lao Thừa Phủ...
Năm 1978, chị Lý chuyển về ở hẳn quê hương, má lại từ thành phố Hồ Chí Minh trở ra Đà Nẵng chăm sóc, nâng giấc, chiều chuộng Lý cả thảy hai lần bẩy tháng trời. Chao ơi, đó là bẩy tháng trời, Lý được trở lại thời thơ bé, ủ ấp trong tình thương của má. Nhìn bốn mươi môt vét sẹo trên mình Lý, nhất là vết thương còn đang rỉ máu, má không sao cầm được nước mắt. Nhưng ở ngôi nhà 231, phố Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, còn một người con gái - thương binh nữa, đang nóng lòng chờ má... Ngày má trở về thành phố Hồ Chí Minh với chị ruột Lý, nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào cầm tay Nguyễn Viết Tuấn, cảm ơn người con rể có một không hai, đã thay mặt má chăm sóc, nuôi dưỡng Lý, chu đáo, tỷ mỷ, như một người mẹ.
Ở ngoài Hà Nội, chúng tôi đã được nghe kể về Tuấn, chỉ biết anh là kỹ sư vô tuyến, đang dạy ở trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, tính rất hiền, 54 tuổi, hơn Lý hai tuổi. Hôm nay, may mắn được gặp anh, rồi được gặp riêng Lý, tôi mới hiểu tình yêu và thương có thể làm cho cuộc đời của chúng ta thêm tốt đẹp như thế nào? Gia đình Nguyễn Viết Tuấn là cơ sở kháng chiến suốt thời chống Pháp và chống Mỹ. Trước giải phóng, anh hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên, rồi chuyển về khu đoàn khu năm. Anh quê Đại Lộc, chị bên Điện Bàn gặp nhau trên đường công tác, tâm đầu ý hợp, được bạn bè, đồng chí "xe duyên", một lời đã hẹn... 1959, Trần Thị Lý từ "cõi chết trở về" đã trở thành một trong những hình tượng nghệ thuật đẹp của thi ca Việt Nam.
Mười năm sau, Nguyễn Viết Tuấn được chuyển ra Bắc, gửi sang Liên Xô chữa bệnh, rồi tiếp tục về học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khóa 17, khoa vô tuyến điện. Thế là họ lại có dịp gặp nhau, sau bao năm xa cách, nhớ thương... Các đồng chí phục vụ K5 Nghi Tàm, Quảng Bá còn nhớ anh sinh viên nhỏ nhắn, khiêm nhường, vầng trán cao, đôi mắt thông minh đã bao đêm lo lắng thức bên giường bệnh Lý. Họ cho anh mượn chiếc giường một và căn phòng nhỏ, sát bên phòng điều trị của Lý. Lý thầm biết ơn và cảm phục tấm lòng chung thủy của anh. Nhưng tự biết vết thương còn quá nặng, thậm chí hiểm nghèo, Lý đã tỏ lời muốn anh mãi mãi là người bạn thân yêu, người anh kính mến nhất của đời mình. Trước ngày đi Hunggari mổ vết thương, Lý đã mạnh dạn thưa chuyện riêng của mình với Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bác và Thủ tướng hết sức xúc động, qúy trọng tình cảm trong sáng, tin và tôn trọng sự lựa chọn của chính hai người.
Ngày 19 tháng 3 năm 1978 Nguyễn Viết Tuấn đưa Trần Thị Lý về quê đăng ký kết hôn. Hai họ và bà con nội ngoại đã đến dự lễ cưới thật đông vui. Lý đặc biệt chịu ơn bố mẹ chồng, hai cụ Nguyễn Đình Châu, Mai Thị Hỷ đã nhiệt thành và cảm động đón con dâu mới, một thương binh hạng một trên bốn, sức khỏe gần như suy sụp. Tuấn lục tìm trong cặp tài liệu, đưa tôi xem tờ giấy "công nhận kết hôn". Và tôi bắt gặp đôi mắt ngấn lệ của Trần Thị Lý... Tôi hiểu nỗi buồn trong veo, tinh khiết ủa một tâm hồn phụ nữ đôn hậu, thủy chung, trinh trắng, tự thấy mình có lỗi, không đền đáp được, đem lại niềm vui trọn vẹn, hoàn mỹ cho người bạn đời thân yêu nhất, trong đêm tân hôn, trong tuần trăng mặt. Tuấn cảm nhận tận đáy lòng, ý nghĩ tốt đẹp và nỗi khát khao được làm mẹ của Lý, càng chiều chuộng, thương cảm vợ đến khôn cùng.
Đứa con bao giờ chẳng là sợi dây tình cảm thiêng liêng gắn bó cha và mẹ, tiếp nối sự tồn tại ấm cúng của một gia đình. Để Lý được hưởng hạnh phúc làm mẹ, Tuấn đã thay Lý, thực hiện làm mẹ. Anh xin ở bệnh viện một trẻ sở sinh thiếu tháng, vừa cắt rốn, giấy khai sinh đề ngày 1 tháng 6 năm 1982. Hàng ngày, anh vẫn đi dậy ở Đại học Bách khoa theo đúng thời khóa biểu, chăm sóc sức khỏe vợ, lại thêm việc bế ẵm, dỗ dành, bú mớm cho đứa con đỏ còn quá non yếu. Cũng may, nhà anh ở trước cổng bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và gần bệnh viện C, hai mẹ con mới qua khỏi nhiều cơn cấp cứu. Khi con gái lên bốn, chị Lý lại bị ngã gẫy cột sống, phải bó bột, nằm bất động mất bẩy tháng. Các bác sĩ, y tá ở khoa nội ba, bệnh viên C đã tận tình cứu chữa. Tuấn xin phép cho Lý nằm điều trị ở ngay nhà, để anh vừa có điều kiện chăm sóc con, vừa tiện nuôi dưỡng Lý. Em gái Tuấn và các bạn đồng nghiệp ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã hết sức thông cảm đến nuôi Lý ốm và chia sẻ mọi khó khăn với gia đình. Nhưng dẫu sao, không ai có thể thay thế được Tuấn. Chị Lý lật chiếu chỉ cho tôi chiếc giát giường được cắt một ô vuông. Suốt bẩy tháng trời, anh là người "hộ lý" đặc biệt của chị. Đã có lúc, chị ứa nước mắt, nghĩ mình nên chết đi để anh đỡ cực.
Nhưng nhìn những nếp nhăn hằn sâu trên vầng trán thông minh của anh, chị lại tự nhủ, nghĩ thế là quá sai, là phụ tấm lòng tốt của chồng, chị phải sống để mãi mãi được đắm say nhìn đôi mắt tuyệt vời âu yếm của anh, đôi mắt trung thực và nồng cháy đã làm nên mối tình đầu ngây ngát, thơ mộng của chị. Còn bây giờ trên giường bệnh, thương anh, chiều anh, có cách nào khác là chị phải ráng uống thuốc, ăn cháo, giữ vững tinh thần... Hơn thế nữa, chị đã có con, đứa con gái bé bỏng, nũng nịu, ngây thơ của chị. Chính anh muốn chị có con gái để sau này lớn lênnó mười phần thông cảm, biết đỡ đần, chia sẻ với chị. Anh lại đặt tên con là Thùy Linh cũng là để hai má con được chung một vần. Vì hai má con chị, anh không thể xa nhà quá một ngày; càng không thể đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Hàng ngày anh phải đưa đón Thùy Linh đi học ở trường phổ thông cơ sở Phù Đổng và lớp Anh văn buổi tối ở trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Đà Nẵng. Thật mừng, cháu học giỏi, nhất là môn toán và Anh văn, từ lớp một đến lớp ba là học sinh tiên tiến, đạt danh hiệu "cháu ngoan Bác Hồ". Anh hào hứng kể chuyện học tập của Thùy Linh, đọc to điểm tổng kết từng học kỳ và những lời nhận xét của cô giáo suốt ba năm học. Thật ít có người cha nào lại quan tâm lưu giữ, chăm chú theo dõi kết quả học tập của con mình đến như thế. Anh chỉ băn khoăn sức khỏe của Thùy Linh hơi yếu, phải nuôi bộ từ bé, mấy lần cấp cứu. Nhắc lại những ngày Thùy Linh con ẵm ngửa, chị Lý chạnh buồn, thương anh có vợ mà phải "gà trống nuôi con". Cuối năm 1988 chị ra Quân y viện 108 để mổ lại vết thương cũ. Chị chỉ lo không làm tròn trách nhiệm của mình là phải sống, phải chiến thắng được vết thương còn đang rỉ máu, để cùng anh dìu dắt, nâng đỡ Thùy Linh khôn lớn.
Ở ngôi nhà đơn sơ này, có khi trời mưa to cũng thấm nước, mọi người đều nghĩ về nhau, thương nhau để sống. Tiền lương và phụ cấp của hai anh chị khoảng 150.000 đồng, bao giờ cũng chia đều thành sáu suất, hàng tháng gửi biếu đều đặn hai bên ba má; còn lại ba suất là của tổ ấm gia đình nhỏ này. Tuấn phải làm thêm nghề phụ mới đủ tùng tiệm chi dùng. Ba má Tuấn đều đã ngoài 84 tuổi, ở dưới quê Đại Hiệp, chỉ còn lại riêng một mình anh là con trai.
Đó chính là nỗi buồn sâu xa trong lòng Lý, không sao làm tròn trách nhiệm của một người con dâu bình thường, nói chi là hiếu thảo... Nhìn những nếp nhăn ngày càng hằn sâu trên vầng trán thông minh của Tuấn, Lý không sao giấu nổi sự e ngại buồn phiền. Thế mà, khi trái nắng trở trời, vết thương tái phát, tính tình bỗng thay đổi, không tự kiềm chế được, có lúc chị còn dám to tiếng một cách vô lý với cả anh. Anh hiểu chị, lại lặng lẽ dắt xe đi đón bé Thùy Linh. Vừa là ba là má, chỉ cần nghe tiếng Thùy Linh gọi, với anh mọi chuyện rắc rối đều trở lại bình thường. Nhắc lại chuyện này, tự nhiên chị Lý kêu mệt, xin phép nằm nghỉ một lát.
Có lẽ chị muốn giấu những giọt nước mắt, muốn được anh tha lỗi... Hồi nằm điều trị ở Hà Nội, Cố giáo sư Tôn Thất Tùng đã dặn chị, hễ thấy trong người khó chịu, hãy mở vòi hoa sen, nghe tiếng nước chảy, sẽ dịu dần... Chính anh, chỉ có anh với trái tim người mẹ, người chị, người em gái và con gái mới làm dịu đi những vết thương còn đang rỉ máu của chị; mới giữ được thăng bằng cho cuộc sống thường nhật của một nữ anh hùng. Và cũng chỉ có chị, người giao liên dũng cảm vô song của cách mạng, mới có thể gặp gỡ, mới xứng đáng được hưởng tình yêu trọn vẹn, thủy chung, cao thượng như huyền thoại của anh.
Trái tim người lính
Đào Ngọc Chung/Phạm Thúy Hậu
Link nội dung: //revcat.net/nguoi-ban-doi-cua-tran-thi-ly-a11843.html