- Em xin phép chị cho em được nghỉ buổi họp chi bộ chiều mai ạ.
- Cô không đọc thông báo à?
- Nhưng ngày mai con bé nhà em được trao giải thưởng Lý Tự Trọng. Nhà trường yêu cầu gia đình tới dự.
- Tôi đã bảo là không!
Mặt bà giám đốc lạnh tanh, không một chút tình cảm. Tôi rơm rớm nước mắt. Cổ nghẹn ứ lại... Bà ta biết rõ hoàn cảnh của tôi. Tại sao không có một chút thương cảm, chia sẻ với đồng nghiệp của mình. Chưa bao giờ tôi vắng mặt trong các buổi họp chi bộ. Đây là lần đầu tiên tôi xin nghỉ. Lau nước mắt, tôi ra về lòng buồn bã. Vẫn hy vọng bà giám đốc nghĩ lại.
Khép cảnh cửa nhà, con bé hỏi luôn, giọng thủ thỉ:
- Mẹ ơi, mai mẹ đến dự cùng con nhé! Cả trường chỉ có mình con được giải thưởng đó thôi mẹ ạ. Con muốn mẹ có mặt.
Tôi mỉm cười:
- Mai mẹ có cuộc họp quan trọng, Mẹ sẽ cố gắng xin về sớm để đến dự.
Tôi không dám nói điều gì với cô con gái của mình. Bởi vì khi nhà tập thể sát vách nhau, tất cả các câu chuyện đều được hàng xóm nghe thấy hết. Tôi nói thế trong lòng có một tia hy vọng le lói là ngày mai bà giám đốc sẽ thay đổi ý định.
Gió lùa từng cơn, đập vào cánh cửa. Trời đổ mưa rất to. Mùa hè đến sớm quá. Từng giọt nước mưa xuyên qua hắt vào nhà. Hơi nước lành lạnh như thấm vào da. Tôi trằn trọc không sao ngủ được.
Giờ này, chồng tôi đã ngủ ngon ỏ thành phố biển Nha Trang cùng cô bồ trẻ trung, xinh đẹp. Bởi anh ta không chịu được cảnh sống nghèo túng của công nhân, lương ba cọc ba đồng. Lấy lý do là không hợp nhau nên anh đề nghị tôi chia tay. Cay đắng, tôi cũng kí vào lá đơn li dị. Giải thoát cho nhau còn hơn là tra tấn về mặt tinh thần. Tôi nghĩ vậy nên không nói lại một lời.
Từ ngày chúng tôi chia tay nhau, mẹ tôi thỉnh thoảng đi chợ lại mang cho các cháu mấy cân gạo, con gà, có khi là cái bánh. Chị gái tôi công tác trong quân đội ở tỉnh khác khi nào về cũng cho em và các cháu mấy bộ quần áo, sách vở…Thực sự những năm đó tôi quá khổ. Chỉ thấy thương các con. Nhưng hai đứa trẻ rất hiếu thảo. Dường như chúng hiểu được hết nỗi lòng của mẹ nên đều cố gắng phấn đấu, học hành chăm chỉ, phụ giúp mẹ việc nhà. Những khi đi công tác xa, tôi đều yên tâm về các con
Và ngày hôm nay ở trường, con gái tôi được lên nhận giải thưởng Trung Ương Đoàn trao tặng với niềm vui khôn tả. Khi người dẫn chương trình mời phụ huynh, con bé chạy lại gần và nói nhỏ:
- Mẹ em bận đột xuất ạ!
Cũng có tiếng xì xào: Tại sao buổi lễ quan trọng này mà phụ huynh không có mặt.
Cô giáo chủ nhiệm đỡ lời giải thích.
Về đến nhà, con bé khoe phần thưởng với tôi và bảo:
- Mẹ ơi, mẹ đừng buồn, con không trách mẹ đâu. Con hứa với mẹ sẽ học hành chăm chỉ, thi đỗ đại học.
Tôi ôm con vào lòng mà muốn khóc thật to để giải toả nỗi ấm ức, cơ cực dồn nén bấy lâu trong lòng… Nhưng cố ghìm lại.
Cứ nghĩ chỉ có ở trong phim hay những câu chuyện trong sách chứ không ngờ lại trớ trêu rơi vào mình. Bù lại, vinh dự của con hôm nay, lời nói của con giúp tôi có thêm nghị lực. Tự nhủ thầm với chính bản thân mình là phải cố gắng vượt qua.
Khi các con bước vào cổng trường đại học là lúc tôi vất vả hơn nhiều. Vay mượn theo ngân hàng chính sách hỗ trợ sinh viên để nuôi hai con học hành. Hai con của tôi biết vậy nên chi tiêu tằn tiện để cho mẹ đỡ khổ.
Ở nhà tôi cắt bớt các khoản chi cho bản thân. Có một chị ở cơ quan phát hiện ra tôi chỉ đi những đôi giày cũ ..Tôi chỉ cười lặng lẽ.
Một hôm, khi đến cơ quan, có một chị và một cô trẻ xinh hơn tôi (người thân tín của giám đốc) đi ngang qua mặt nguýt dài khi thấy tôi có đôi giày mới. Một câu nói ác ý xoáy vào mặt:
- Dạo này… Có khác!
Tôi không nói câu nào, Hà và Hường, chị Nhung kéo tay tôi ra ngoài:
- Em kệ đi, tại em giỏi hơn họ đấy mà
- Vâng ạ, em không sao ạ
Thì ra, tôi quen anh Hân đã đến tai mọi người. Vào thời điểm tôi khó khăn nhất thì anh xuất hiện. Anh đang công tác ở Quân khu. Chúng tôi quen nhau tình cờ. Vợ anh đã mất 5 năm ( mọi người nghĩ là anh sống với vợ và cặp bồ với tôi).
Một hôm anh nói với tôi:
- Anh nghỉ hưu, em về sống chung với anh nhé!
Nước mắt tôi rơi xuống lặng lẽ. Những ngày ở bên anh, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được tình yêu- tình yêu của một người lính thật ấm áp, vững chắc. Tôi băn khoăn, nói đúng hơn là không dám. Lo vì các con học hành xong, lo nhiều điều không dám trả lời anh...
Một bức thư rất ngắn của con gái tôi gửi đến:
“Sau này, con rất muốn mẹ làm bạn với bác Hân".
Chuyện Làng Quê
Phạm Thuý Hậu
Link nội dung: //revcat.net/diem-tua-a11837.html