Trước đây, hoa lan chưa được nổi tiếng như bây giờ, giá thành cũng không phải “gắt” như loại lan mà báo chí gọi ầm lên là lan đột biến. Dù lan có đắt thế nào cũng khó mà lên đến tiền trăm triệu, tiền tỷ được. Bởi lan cũng chỉ là một loại hoa, và không phải là loại hiếm.
Lan có nhiều chủng loại và phân bố nhiều nơi trên thế giới. Trong cuốn Phong lan Việt Nam của Trần Hợp, thì hoa lan tại Việt Nam có 137-140 chi gồm trên 800 loài lan rừng. Nói như vậy để thấy rằng, tại Việt Nam thôi, thì lan cũng đã có nhiều loại.
Việc nâng giá “khủng” có lẽ chẳng qua cũng do người chơi lan tự định giá. Nhưng định giá cao như vậy thì không nên, và vi phạm pháp luật. Và chúng ta đã biết, có người bị vướng vòng lao lý vì lan đột biến.
Nhận xét về hoa lan, trong Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ đã hết lời ca ngợi. Ông gọi hoa lan là vương giả hương, vì hoa lan thanh nhã bất phàm; những thứ hoa kỳ quái dễ làm cho người ta say mê không thể ví với nó được.
Không những thế, cách đặt tên cho hoa lan cũng có vẻ rất quyền quý, cao sang, mang hàm nghĩa: “Đời xưa còn có những tên cửu uyển lan, song nay không thể biết hết. Hãy cứ sở kiến mà bàn, thì những thứ thạch lan, thanh lan cũng hiếm có, mà thứ tố lan cũng không dễ mua. Đông lan là một giống huệ đời xưa, cái thứ ta thường gọi là hoa huệ tức là thứ cỏ huệ ở ngoài đồng vậy. Còn thứ kiến lan, thì cành hoa ngoài xanh trong trắng, hơi điểm sắc đỏ, lại có bốn lưỡi gà như lông gà gô, giống ấy gọi là giống ngọc quế, trồng nó phải để ý giữ gìn trân trọng”.
Cũng theo Phạm Đình Hổ, cách trồng lan xưa rất cầu kỳ. Có người chăm sóc lan bằng cách bón một thứ bùn đã phơi khô đốt ủ đi rồi, hoặc lấy những sừng hươu, bã chè khô phủ lên trên gốc, rồi lấy thứ nước ngâm cá ươn tưới cho nó; mỗi ngày phải cắt lá úa, rửa lá tươi vài bốn lần.
Qua đây có thể thấy rằng, cách người xưa nâng niu hoa lan thế nào. Họ cũng rất kỳ công, tỷ mỉ, hiểu được “đồ ăn, thức uống” của hoa lan. Phạm Đình Hổ còn kể lại một câu chuyện của người xưa đối xử với hoa lan, mà ngày nay đọc lại, ta thấy cũng rất kỳ lạ.
“Xưa kia, ông Khuất Nguyên đi trên bờ đầm mà hát, kết hoa lan để đeo; đức Khổng phu tử dừng xe trước một hẻm núi, cũng đàn hát thương cho cây lan có vẻ thơm tho mà đời không ai biết; từ đó hoa lan mới nổi tiếng là quốc hương”, Phạm Đình Hổ viết.
Và dù hoa lan có đẹp đến thế nào, thì việc vừa qua về giá hoa lan như báo chí nêu ra một số trường hợp tự định giá, thì thật không nên. Người mua cũng không nhất thiết phải bỏ một số tiền quá lớn để mua một loại hoa, bởi liệu nó có ích lợi như lời đồn và tương xứng với giá tiền bỏ ra để sở hữu không?
An An
Link nội dung: //revcat.net/nguoi-xua-danh-gia-ve-hoa-lan-a11774.html