"Mình rất nhớ cậu và bố mẹ cậu, cũng như Barbara, em gái cậu. Mình rất vui khi biết rằng cậu thành dạt trong cuộc sống. Nếu chúng ta có may mắn, mình sẽ đến thăm cậu và gia đình cậu trước khi mình đi gặp Diêm Vương".
Phạm Xuân Ẩn thích nội trợ và thích giới thiệu với các bạn mới của mình về ẩm thực Việt Nam. Do vậy, vào những buổi tối cuối tuần, đám bạn bè thường tụ tập ở nhà ai đó để Phạm Xuân Ẩn làm đầu bếp. Bruce Nott kể rằng tất cả cư dân ký túc xá đều nhốn nháo cả lên khi nhìn thấy Ẩn ra ngoài bãi cỏ đang lúi húi bắt châu chấu. Mọi người đều biết rằng Phạm Xuân Ẩn lại sắp mang về khoảng trên dưới chục con, rồi bảo sẽ chế biến món ăn theo ẩm thực Việt Nam. Bruce nói:
- Cậu ấy thỉnh thoảng lại mang về những con sâu, con bọ cho mọi người ăn, vẻ mặt luôn rạng rỡ với nụ cười - Để rồi tối nay, ai sẽ đòi ăn?.
Judy Coleman hiện còn nhớ Phạm Xuân Ẩn là một người tốt bụng và nhiệt tình, rất phù hợp với đời sống ký túc xá học đường. Judy gặp Ẩn tại một lớp học chụp ảnh. Chẳng bao lâu sau, Phạm Xuân Ẩn mời Judy Coleman đi nhảy với ông tại buổi khiêu vũ chia tay lớp học năm 1958. Bọn con trai ở ký túc xá trêu Phạm Xuân Ẩn bằng cách bảo với ông rằng theo truyền thống thì phải mời ba hoặc bốn cô gái làm bạn nhảy trong buổi khiêu vũ chia tay về nước. Nào ngờ, Phạm Xuân Ẩn làm thật, mời ba cô gái khác nhau để cặp đôi với mình trong cùng một buổi khiêu vũ. Khi những thằng bạn nghịch ngợm của ông bảo rằng đó chỉ là nói đùa, Phạm Xuân Ẩn mới tìm cách rút lại lời mời đối với các cô gái, trừ Judy Coleman.
Là một người tử tế, Phạm Xuân Ẩn cứ nhất định đòi được gặp bố mẹ Judy Coleman để xin phép đưa con gái của họ đến sàn nhảy. Bố của Judy là đạo diễn phim, đồng thời là phó chủ nhiệm một bộ phim mang tựa đề "Chóng mặt". Phạm Xuân Ẩn đã đến thăm ngôi nhà rất đẹp của gia đình Judy Coleman để xin phép "theo cách của người Việt Nam", đồng thời hứa sẽ đưa Judy trở về nhà trước 12 giờ đêm. Ông Coleman, bố của Judy, nói với Phạm Xuân Ẩn rằng vì đây là ngày đặc biệt của các cháu, nên việc trở về nhà trước lúc nửa đêm là không cần thiết.
- Không, cháu hứa là sẽ làm như vậy. - Phạm Xuân Ẩn nói.
Judy Coleman vẫn còn nhớ hôm đó là một buổi tối tuyệt vời đầy tiếng cười và khiêu vũ. Đúng là hôm đó, Phạm Xuân Ẩn đã đưa Judy trở về nhà trước 12 giờ đêm.
Sau buổi khiêu vũ chia tay hôm ấy, Phạm Xuân Ẩn ít gặp lại Judy vì cô đã chuyển sang học ở Trường Đại học San Jose State. Tuy nhiên, ông vẫn thường xuyên tới thăm gia đình Coleman, ăn thịt nướng và chuyện trò cùng bố mẹ của Judy.
- Cha tôi rất thích nói chuyện với Phạm Xuân Ẩn. Anh ấy là một người chín chắn, rất thú vị và nhiệt tình. Cha tôi và anh có thể ngồi nói chuyện với nhau hàng giờ. - Judy nhớ lại.
Cuộc sống ở OCC không phải lúc nào cũng toàn là những chuyện vui và thú vị. Đã từng có một đêm, Henry Ledger tìm cách tự sát. Sau một chuyến đi gặp gỡ để chia tay với người yêu trở về, Ledger vào phòng của Phạm Xuân Ẩn và nói:
- Tối nay, chúng ta sẽ ăn như những ông vua, bởi vì ngày mai có thể chúng ta sẽ phải chết.
Phạm Xuân Ẩn chẳng để ý gì đến câu nói của Ledger. Hai người đã chén một bữa thịt gà no nê, ăn nhiều đến mức không ai nghĩ có thể ăn được đến như vậy. Chưa đến giờ đi ngủ, nhưng Ledger nói muốn đi ngủ. Trong khi thu dọn, Phạm Xuân Ẩn nhìn thấy lọ thuốc ngủ trong phòng của Ledger đã không còn một viên. Trước đây, Ledger từng cho Phạm Xuân Ẩn vài viên thuốc ngủ, bởi vì ông thường nghe thấy Ledger ngáy to ở phòng bên cạnh mà không ngủ được. Lần này, hoàn toàn do linh cảm, Phạm Xuân Ẩn nghĩ Ledger đã uống hết số thuốc ngủ đó. Chợt Phạm Xuân Ẩn nhớ đến câu nói của Ledger:
- Tối nay, chúng ta sẽ ăn như những ông vua…,
Lền chạy sang cố lay cho Ledger tỉnh mà không được. Cuối cùng Phạm Xuân Ẩn đã phải gọi xe cứu thương.
Sáng hôm sau, Phạm Xuân Ẩn mới biết rằng bạn mình đã quá tuyệt vọng sau khi chia tay với người yêu nên đã tìm cách tự sát. Sau vụ đó, Ledger được cứu sống, nhưng bị cúp việc làm ở OCC. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại:
"Lúc đó, tôi bị sốc… một người trong cơn tuyệt vọng đã cố tìm đến cái chết mà lại bị đuổi khỏi nơi làm việc. Tôi thực sự không thể hiểu nổi".
Khi đó, Phạm Xuân Ẩn đã đến Ban giám hiệu nhà trường để phản đối sự cúp việc của Ledger, nhưng tại đó ông được các nhân viên giải thích. Sau này, ông Phạm Xuân Ẩn kể lại rằng ngày đó "Tôi đã không hiểu văn hoá Mỹ; bằng việc tự sát, Ledger đã nêu một gương xấu cho các sinh viên".
Ledger sau đó cũng sớm tìm được nơi nhận về làm người giúp việc, nhưng không hề nói cho Phạm Xuân Ẩn biết chỗ ở mới của ông. Hai tuần sau, Phạm Xuân Ẩn tìm gặp Ledger tại nơi làm việc. Ledger nói:
- Ẩn, tôi rất giận anh. Tại sao anh không để cho tôi chết? Anh đã cứu sống tôi để bây giờ tôi còn khổ hơn.
Nghe Ledger nói vậy, một người bạn cùng làm việc với Ledger quát lên:
- Anh ấy đã cứu mạng sống của mày, phải biết ơn anh ấy chứ?.
Ledger và Phạm Xuân Ẩn liền ôm lấy nhau rất lâu và sau đó, đến thăm nhau rất nhiều lần.
Năm học đầu tiên ở OCC sắp kết thúc, Phạm Xuân Ẩn viết một bài báo đăng trên tờ Barnacle với nội dung so sánh giữa những thành công và thất bại của mình trong năm qua. Ông viết:
"Tiếng Anh thực hành của tôi khi còn ở trong nước được nhà trường đánh giá là xuất sắc thế mà khi đến OCC, tôi chẳng hiểu gì khi nghe các bạn sinh viên nói chuyện với nhau. Đến này, tôi đã có thể hiểu được những điều các bạn sinh viên nói với nhau, mặc dù chưa hiểu hết, đặc biệt là khi họ dùng tiếng lóng". Tiếng Anh viết của Phạm Xuân Ẩn đã tiến bộ rất nhiều, bởi vì lớp tiếng Anh X đã giúp ông nâng cao trình độ về ngữ pháp và logic.
Tiếng Anh 1A là một lớp rất khó, vì nó đã "làm tôi đau đầu và khiến tôi nhiều lần mất ăn mất ngủ. Tôi tiếp tục thực hành tiếng Anh ở lớp báo chí. Tờ báo Barnacle có nhiều tự do và là một trong những tờ báo tốt nhất của các trường cao đẳng ở Nam California. Tờ báo này đã giúp cho tôi rất nhiều về cách làm báo - môn học chính của tôi. Ngoài những kết quả học đường, Orange Coast còn là nơi đầu tiên tôi học được cách điều chỉnh mình để hoà hợp với một nền văn hoá, tập quán, và lối sống mới. Tại đây, tôi có dịp kiểm chứng những gì tôi đã đọc được, nghe được về một thế giới mới để tôi trở nên khách quan hơn và để gạt bỏ những điều trong đầu mà tôi đã tiếp thu một cách vô ý thức".
Phạm Xuân Ẩn rất nhớ gia đình và quê hương ở Việt Nam.
"Những điều tôi mất mát không phải là nhỏ. Tôi nhớ gia đình, bạn bè, người thân, và đồng bào cũng như tiếng mẹ đẻ của tôi, nhớ mảnh đất bé nhỏ nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Thật may mắn, sự mất mát này chỉ là tạm thời. Hơn nữa, tại khoa báo chí OCC, các thầy cô, các bạn sinh viên đã đối xử với tôi rất tốt đến mức đôi khi tôi cảm thấy như đang sống giữa những người Việt Nam vậy".
Phạm Xuân Ẩn cũng rất lo ngại đến những sự kiện diễn ra ở quê hương. Ông mới nhận được một lá thư của Mills Brandes nên biết được ở quê nhà, chính quyền Ngô Đình Diệm đang thực hiện một chiến dịch đàn áp hàng loạt những người có cảm tình với Việt Cộng và những người Cộng sản nằm vùng. Phạm Xuân Ẩn tự hỏi chẳng biết có ai trong gia đình, bạn bè của ông bị bắt trong những cuộc càn quét này của chính quyền Diệm hay không? Những người bị bắt đang bị tra tấn trong những bức tường của nhà tù Côn Sơn. Điều mà Phạm Xuân Ẩn sợ nhất là có ai đó đã tiết lộ ông là một đảng viên cộng sản. Nếu điều đó xảy ra, ông có thể sẽ không bao giờ được trở về nước và gia đình ông sẽ phải chịu đựng những điều tồi tệ nhất do cảnh sát của chế độ Diệm mang lại. Tháng 1 năm 1958, em trai của Phạm Xuân Ẩn bị bắt. Sau này ông nhớ lại:
"Được tin đó, tôi rất buồn. Tôi đã mất liên lạc với những người cộng sản, tất cả những người lãnh đạo trực tiếp của tôi đều đã bị bắt; em trai tôi cũng bị bắt. Sau khi em tôi được thả ra, chú ấy đã viết cho tôi một lá thư được mã hoá".
Thư của người em trai Phạm Xuân Ẩn viết dưới dạng kể chuyện ngày Tết.
"Tết sắp đến rồi mà em chẳng biết kể chuyện gì với anh. Lúc này đây em biết anh thích những câu chuyện ngày xưa vì anh thích nói chuyện phiếm về trên trời, dưới đất để làm cho ngày Tết vui vẻ hơn. Em sẽ kể cho anh nghe một câu chuyện ngày xưa".
Sau đó là một đoạn được mã hoá dưới dạng một câu chuyện :
"Ngày xưa, có một ông già rất nghèo và cuộc sống gặp nhiều lam lũ. Ông nuôi hai người con trai. Hai con trai ông thích vào rừng chơi và đốn củi để lấy tiền chăm sóc cha. Một hôm, hai anh em vào rừng thì người em bị một con quỷ bắt mất. Người anh trốn thoát nhờ được một con chó và một con vẹt chỉ đường thoát ra khỏi cánh rừng. Người em vẫn bị con quỷ giam cầm và sắp bị ăn thịt. Người anh mất em thì buồn lắm. Người anh nhớ em mình nhiều đến mức anh cùng với con chó và con chim vẹt trở lại cánh rừng nơi em mình đã bị bắt. Nhưng chỉ có mỗi con chim vẹt trở về nhà một mình".
Phạm Xuân Ẩn đã giải thích về bức thư cho tôi thế này:
- Khi tôi chuẩn bị đi sang Mỹ, tôi có một con chó và một con chim vẹt. Một người phụ trách đơn vị tình báo của tôi có một đứa con gái nhỏ tuổi. Tôi đã bảo với người phụ trách này đưa con chó và con vẹt về nhà cho con gái của ông nuôi bởi vì tôi sắp đi học ở Mỹ.
"Ô thật tồi tệ em đã bị bắt. Mình không biết phải làm thế nào. Nếu về nước lức này, mình cũng sẽ bị bắt. Nhưng nếu ở lại Mỹ thì ở đến bao giờ?”.
Phạm Xuân Ẩn không biết chắc tương lai của mình sẽ ra sao, nên ông quyết định ở lại OCC học tiếng Tây Ban Nha để đề phòng khi cần thiết, ông sẽ trốn sang Nam Mỹ hoặc Cuba. Những ý nghĩ như vậy cứ lởn vởn trong đầu Phạm Xuân Ẩn. Ông quyết định vào ngày nghỉ hè đầu tiên lái xe lên vùng bờ biển Monterey để thăm một số người bạn Việt Nam đang học ở Trung tâm Ngoại ngữ của Viện nghiên cứu Ngôn ngữ Bộ Quốc phòng. Ngày ấy, Trung tâm này có tên gọi là Trường Ngoại ngữ Quân đội. Nhiệm vụ của Viện nghiên cứu này là cung cấp mọi dịch vụ về ngoại ngữ để hỗ trợ cho các yêu cầu của lực lượng an ninh quốc gia.
Trước đó ít lâu, Phạm Xuân Ẩn mua một chiếc xe hơi Ford Mercury màu xanh đậm đời 1947 đã qua sử dụng với giá 250 USD. Ross Johnson và Pete Conaty nhớ lại: Phạm Xuân Ẩn bao giờ cũng tuân thủ một cách nghiêm ngặt mọi điều trong sách hướng dẫn sử dụng xe. Chẳng hạn như sau khi khởi động máy thì để cho động cơ chạy không tải một lúc khoảng năm phút cho nóng máy. Mỗi khi lên xe, Phạm Xuân Ẩn cho nổ máy rồi ngồi chờ đến khi cảm thấy động cơ đã đủ nóng, ông mới bắt đầu cho xe chạy.
Vào mùa thu năm đó, Phạm Xuân Ẩn trở lại làm việc cho tờ báo Barnacle của nhà trường. Lee Meyer biên tập mới là một người bạn thân của Phạm Xuân Ẩn tên là Rosann Rhodes. Thời Lee Meyer còn làm Tổng biên tập, Rosann phụ trách việc biên tập trang ba. Ngoài ra, Rosann Rhodes còn làm cho tờ Globe-Herald and Pilot của Costa Mesa. Pete Conaty giờ được bổ nhiệm từ chức biên tập viên thể thao lên biên tập viên tin. Ross Johnson trở thành trợ lý biên tập phóng sự. Rich Martin chuyển sang làm biên tập viên thể thao. Riêng Phạm Xuân Ẩn vẫn giữ nguyên công việc cũ là biên tập viên trang hai. Đây là nhóm bạn bè rất gắn bó với nhau, đồng thời là những người xuất sắc trong công việc làm báo. Rhodes, Martin, và Ẩn được đi dự hội nghị các biên tập viên ở Sacramento và được chụp ảnh chung với Thống đốc Edmund G. Brown.
Bên cạnh cuộc tranh luận về việc các nam sinh viên có nên hay không mặc quần soóc Bermuda trong khu học xá, một trong những đề tài khác nóng bỏng trong năm 1959 ở trường OCC là sinh viên có nên tự dọn sạch chỗ ngồi sau khi sử dụng? Lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong suốt thời gian cộng tác với tờ Barnacle, Phạm Xuân Ẩn đứng tên một mình trong bài xã luận mang tựa đề "Dọn rác đi". Ông bắt đầu bài viết của mình bằng câu nói của Napoleon trước khi thất bại: "Sau tôi sẽ là một trận đại hồng thuỷ". Câu nói này đã được dùng làm đề bài thi hết trung học phổ thông ở Paris. Phạm Xuân Ẩn viết:
"Nhiều thí sinh đã trượt chỉ vì họ hiểu lầm câu nói của Napoleon. Những thí sinh này cho rằng Napoleon là ích kỷ, không biết quan tâm đến điều gì sẽ xảy ra đối với nước Pháp sau khi ông qua đời. Thế nhưng, ý nghĩa thực sự trong câu nói của Napoleon chính là điều tiên đoán của Hoàng đế Pháp về những mất mát lớn lao đến với nước Pháp sau khi ông qua đời. Hoàng đế Napoleon trên thực tế đã biết lo đến tương lai của nước Pháp và những người sẽ lên cầm quyền sau khi ông mất".
Các sinh viên OCC không hề nghĩ gì đến những người vào phòng ăn sau mình. Họ sẽ phải ngồi xuống bên chiếc bàn ăn như thế nào sau khi mình đứng lên. "Trên thực tế, khi các sinh viên đến ăn sáng hoặc ăn trưa tại Trung tâm sinh viên hay tại các tiệm ăn nhẹ, khi đứng lên, họ đều để lại phía sau một đống rác bừa bãi trên bàn. Họ không cần quan tâm đến việc sau khi họ đứng lên thì ai sẽ tới ngồi ăn tại cùng chiếc bàn đó. Phạm Xuân Ẩn lập luận nhằm bênh vực ba người phụ nữ làm nhiệm vụ thu dọn tại nhà ăn trong suốt mười lăm tháng qua.
"Một số sinh viên nghĩ rằng làm như vậy tức là họ đã tạo việc làm cho những người phụ nữ làm nhiệm vụ thu dọn này. Họ coi đó là một giải pháp để góp phần vào việc giảm thất nghiệp, giúp cho nền kinh tế tăng trưởng và kích hoạt một dòng chảy thu nhập bằng cách xả rác ra bàn. Chúng tôi cho rằng những người đó chắc phải là những sinh viên hạng A của một trường về nguỵ biện và duy lý".
Trái Tim Người Lính/ Theo “ Điệp viên hoàn hảo" của Giáo sư Larry Berman
Phạm Thúy Hậu
Link nội dung: //revcat.net/diep-vien-anh-hung-pham-xuan-an-tiep-a11700.html