Hãy sống ở "Khúc ruột miền trung", sẽ hiểu vì sao họ sống tiết kiệm như thế. Mùa hè nắng cháy da, có nơi gió Lào thổi đến khô cả cây lá. Mùa đông thì mưa phùn gió bấc, âm ỉ suốt ngày. Mùa bão mới kinh hoàng, tan hoang vì lũ lụt. Cứ mỗi mùa bão lụt qua đi, người miền trung lại phải xây dựng lại.
Thời tiết luôn khắc nghiệt với dải đất miền trung. Thiên tai lũ lụt, đất cằn sỏi đá. Để bám trụ và yêu quý quê hương, người miền trung đã quá nghị lực rồi.
Không tiết kiệm sao được, khi trồng cây gì, nuôi con gì, hễ đến mùa mưa bão là bị chết, bị trôi. Không tiết kiệm sao được, khi nhà cửa, vật dụng, quần áo sách vở, cứ đến mùa bão lụt là hư hỏng, sụp đổ. Họ phải sống tiết kiệm, tích lũy cho ngày mai, để có tiền sửa lại nhà, mua lại quần áo, hoặc đơn giản như mua lại sách vở cho con. Cả nước luôn đồng hành ủng hộ miền trung, nhưng chỉ là phần nào, còn lại họ phải tự lo cuộc sống cho mình, theo lẽ tự nhiên.
Người miền trung khổ cực từ ngàn đời, luôn chật vật để sinh tồn, nhưng sản sinh ra rất nhiều người tài giỏi cho quê hương đất nước.
Ai không muốn ăn ngon mặc đẹp, cuộc sống sung sướng giàu sang. Một năm hơn mười cơn bão, đều đổ bộ vào miền trung, họ không dám phung phí một đồng nào, để mỗi cơn bão qua đi, họ không bị trắng tay.
"Khúc ruột miền trung", nối liền nam bắc. Dải đất nhỏ hẹp, con người kiên cường, tiết kiệm để tồn tại, cho nam bắc thông thương. Nếu có dịp, hãy ghé miền trung, bạn sẽ thấy người miền trung không keo kiệt chút nào...
Chuyện làng quê
Ngoctri Vo
Link nội dung: //revcat.net/mien-trung-nang-chay-da-a11643.html