Hành trang mang theo của người lính, ngoài chiếc ba lô với chiếc mũ nan tre bọc vải thô, chiếc áo trấn thủ che ấm trong những ngày đông lạnh giá và đôi chân đi dép cao su được cắt ra từ chiếc lốp và săm xe ô tô cũ của giặc Pháp là chiến lợi phẩm bộ đội ta thu được, làm hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ thêm giản dị, gần gũi mà thân thương.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhân dân nghèo khổ, cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, nên dép cao su được sử dụng rộng rãi từ các cán bộ, bộ đội đến nhân dân.
Người ta kể rằng chính Đại tá Hà Văn Lâu (khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông là Tư lệnh Mặt trận Bình-Trị-Thiên) là tác giả đôi dép cao su. Nhưng khi có người hỏi, ông thừa nhận mình chỉ là người bắt chước cách thức người phụ xe sử dụng mo cau, hay vỏ (lốp) xe kéo làm dép đi. Từ đó ông bắt đầu nảy ý tưởng làm những đôi dép như những người phụ xe, nhưng bằng nguyên liệu khác, đó là lốp và săm ô tô cũ.
Năm 1947, nhân nhìn thấy ở nhà ông Nguyễn Văn Sáu (Sáu Đen) có một số lốp ô tô cũ, ông Hà Văn Lâu đề nghị ông Sáu Đen chế tạo đôi dép lốp kiểu sandal, đi bền và êm, lại lội nước và vượt bùn lầy rất thuận lợi, bảo vệ được đôi bàn chân trong mọi trường hợp: có thể giẫm lên mẻ chai, dây thép gai, lửa than đỏ… Vì vậy có người gọi dép cao su là là dép Bình Trị Thiên, vì nó xuất phát từ vùng Bình Trị Thiên, nhưng cũng có người gọi là dép râu, dép lốp, dép của bộ đội Cụ Hồ…, người nước ngoài gọi dép Cụ Hồ (Ho Chi Minh sandals).
Việc chọn lốp ô tô cũ làm dép, bởi nó là nguyên liệu dễ kiếm,dễ làm, vừa bền, giá rẻ, lại sử dụng thuận lợi trong mọi địa hình dù đèo cao, suối sâu, đường dốc, đá lởm chởm, sỏi cát hoặc lầy lội đều dễ dàng vượt qua.
Về hình thức dép lốp có hình dáng giống dép sandal, chỉ khác đế dép được cắt ra từ phần chính giữa của lốp ô tô (phần tiếp xúc với mặt đường).Vì nó bằng phẳng, không gây đau chân.Quai dép được cắt ra từ săm ô tô cũ.Chiều rộng của quai khoảng từ 1 -1,5cm.Chiều dài quai tùy thuộc vào bề dày bàn chân của mỗi người. Quai được xỏ qua 8 lỗ đã được đục sẵn dọc theo diềm đế dép, bằng cách dùng chiếc díp kim loại (hoặc bằng cật tre) để luốn. Trường hợp chặt quá khó luồn, ta dùng nước xà phòng sẽ luồn qua dễ dàng.Người đi dép lốp thường mang theo một chiếc díp để luồn quai mỗi khi quai bị tuột khỏi lỗ. Hai quai trước được bát chéo.Hai quai sau (quai hậu) bắt song song.Điều kỳ diệu là giữa quai và đế được cố định chắc chắn vào nhau mà không dùng bất cứ một loại keo nào để kết dính, mà nhờ vào sự đàn hồi của cao su.Để chống trơn trượt, mặt dưới của đế được khía rảnh hình thoi để đi vào những con đường lầy lội hoặc trơn trợt.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ, dép lốp được dùng rất phổ biến không chỉ cán bộ, bộ đội mà cả nhân dân, đặc biệt là Bác Hồ thân yêu của chúng ta dùng thường xuyên, kể cả trong những chuyến đi thăm các nước anhem, bầu bạn, Bác đều đi dép lốp.
Dép cao su được Bác Hồ dùng ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1947. Đôi dép lốp của Bác được làm ra từ chiếc lốp ô tô quân sự của quân đội Pháp, bị bộ đội ta phục kích tiêu diệt trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947.
Về đôi dép lốp của Bác có nhiều câu chuyện đáng nhớ: Trong lúc đi đường, Bác chỉ vào đôi dép của mình, nói vui với anh em cùng đi: “Đây là đôi dép vạn dặm trong chuyện cổ tích ngày xưa…Đôi hài Thần Đất đi đến đâu mà chẳng được” .
Chẳng những lúc “hành quân” và cả khi mùa đông về, Bác đi thêm đôi tất cho ấm chân, tiếp khách trong nước cũng như khách quốc tế vẫn thường thấy Bác đi dép lốp. Chuyện kể rằng, trong chuyến đến thăm nước Cộng hòa Ấn Độ năm 1958, theo lời mời của Tổng thống Rajendra Prasad, đôi dép lốp của Bác đã tạo nên nhiều điều ngạc nhiên thú vị. Khi Bác tiếp các chính khách Ấn Độ, họ đều chú ý nhìn vào đôi dép dưới chân Người.Họ liếc nhìn với vẻ lạ lùng, như nhìn một vật gì đó rất xa lạ từ ngoài hành tinh đưa xuống, nhưng rất đổi trân trọng. Đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, bài nào cũng nhắc đến đôi dép cao su của Bác như một chuyện lạ, một huyền thoại về một con người tuyệt vời của thế kỷ XX.
Người dân Ấn Độ đã tỏ lòng ngưỡng mộ đến kỳ lạ về đôi dép lốp này. Khi Bác đến thăm lăng mộ Taj Mahal, có một chuyện xẩy ra: Lúc Bác vào trong lăng, để đôi dép ở bên ngoài, thì bất ngờ có hàng trăm phóng viên, nhà báo, ập đến vây kín đôi dép cao su của Bác, từ các góc độ, cự ly khác nhau chụp ảnh và quay phim lia lịa.Họ chen nhau để có những vị trí thuận lợi ghi được những khuôn hình đẹp nhất có thể. Có những bức ảnh đặc tả đôi dép thể hiện rất rõ chất liệu cao su, mang đến cho người xem những suy ngẫm về sự giản dị của một nhà cách mạng – Chủ tịch Hồ Chí Minh.Trong lúc đó các phóng viên viết cặm cụi ghi chép tỉ mỉ những gì tận mắt mình nhìn thấy. Hình như họ biết trước sự việc sẽ xẩy ra nên đã phục sẵn từ lâu, một số nhà báo nhìn vẫn chưa thỏa mãn, còn cúi xuống dùng tay sờ, nắn tỏ vẻ lạ lùng, ngạc nhiên.
Tiếp theo là đám đông dân chúng từ mọi nẻo đường kéo đến, ùa vào để được ngắm nhìn đôi dép lốp của Cụ Hồ, như một vật lạ…
Đôi dép cao su- đôi dép Bác Hồ đã vào sinh ra tử, nó chứa chất bao kỷ niệm sâu sắc và cảm động không thể nào quên., kể cả những lúc đôi dép đã quá cũ, đế mòn vẹt. Bác cũng kiến quyết giữ lại để dùng. Đức hy sinh cao cả đó của Bác đã thể hiện qua câu nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước được tự do, độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Đôi dép cao su- đôi dép Bác Hồ không chỉ có ý nghĩa quan trọng cuộc đời của Bác
mà với cả dân tộc Việt Nam. Qua hình ảnh đôi dép cao su cho ta thấy được đức tính giản dị, tiết kiệm đáng quý của người chiến sỹ cách mạng. Đôi dép cao su của Bác đã trở thành hình tượng trong thi ca Việt Nam: “Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ, Bác đi từ ở chiến khu Bác về”... Câu hát đã đi vào lòng người không chỉ riêng thế hệ những người đã chiến đấu và đã biết đến một thời mưa bom bão đạn với đôi dép cao su băng rừng lội suối, mà cả những thế hệ hôm nay họ vẫn hát, vẫn ngân lên khúc hát ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của Người. Và một trong những kỷ vật, di sản vô giá mà Người để lại cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam, trước lúc Người đi xa là đôi dép cao su giản dị.
Bài: Trần Mạnh Thường Ảnh: Tư liệu
Link nội dung: //revcat.net/doi-dep-bac-ho-bac-di-tu-o-chien-khu-bac-ve-a11363.html