- Vợ Côn đến thăm!
Lính đặc công Nguyễn Công Côn mặt sáng ngời, ánh mắt long lanh:
- Báo cáo C trưởng và anh em đồng đội, vợ tôi vừa từ Hà Nội lên thăm. Em ấy rất thiết tha được ăn một bữa cơm lính. Nên tôi đã báo với anh nuôi thêm một suất khách.
Cả nhà ăn vỗ tay vui vẻ.
Hình như bộ phận anh nuôi có ưu ái đãi khách, nhất là khách thủ đô nên đĩa ba ngăn hôm nay có vẻ nhiều thịt hơn và đặc biệt còn có thêm bát canh cá nấu khế chua.
Em Hữu vợ Côn mân mê đuôi tóc nhỏ nhẻ nói:
- Em chào các anh, em vừa đến lúc chiều!
Cô gái hướng mặt về phía 3 chiến sỹ đang tiến đến.
- Em chào anh Thạch, anh Hải, anh Xuân !
Chúng tôi đều biết đó là các anh sinh viên năm cuối Khoa địa ĐHTH, cùng lớp với Côn.
Bữa cơm chiều vui vẻ kéo dài hơn bình thường, ai cũng muốn qua mâm khách để ngắm nhìn cô gái Hà Nội, vợ đồng đội mình.
Sau bữa cơm tôi láu táu:
- Để chúng em dựng lều hạnh phúc cho anh chị nhé!
Côn vui vẻ xua tay:
- Cảm ơn đồng đội! Tôi đã xin được 1 phòng ở Chiêu đãi sở trường Sỹ quan Hải quân rồi!
Sở dĩ mấy lính trẻ bọn tôi nói vậy vì đã có hai, ba lần các chị người yêu anh Xuân, anh Hiển lên đơn vị thăm. Vợ anh Phấn lên thăm chồng, chúng tôi đã giúp đỡ chặt phi lao dựng chòi làm tổ uyên ương cho anh chị vì vợ chồng ở nhà dân không tiện.
Ngày ấy trong đoàn lính sinh viên, chúng tôi đa phần là oắt con, mới 18, 19 tuổi, học năm thứ nhất. Một số các anh học năm thứ tư, có anh đã có vợ, còn lại đều có người yêu. Mỗi khi nghỉ giải lao nghe các anh kể chuyện yêu đương, chúng tôi há hốc mồm nghe như nuốt, hau háu hỏi này nọ, mắt sáng ngời. Bọn trẻ rất ngưỡng mộ tình yêu, tình vợ chồng của các anh.
Anh Côn kể:
Năm 1970, Trên một chuyến xe khách từ quê Lập Thạch Vĩnh Phú về nơi sơ tán của khoa Địa lý trường ĐHTH ở Đại Từ Thái Nguyên. Chàng sinh viên Nguyễn Công Côn thấy một cô thiếu nữ đã ngồi sẵn trên xe. Hai bím tóc tết ba, đen, dày ôm lấy khuôn mặt trắng hồng, thân hình đẫy đà tràn trề sức sống. Một luồng điện chạy nhanh qua tim, nóng ran, rạo rực, phải chăng tiếng sét ái tình đã trúng con tim chàng sinh viên khoa Địa. Anh nhích người cho cô ngồi vào ghế bên cạnh. Câu chuyện dọc đường khiến họ thấy ấm áp, quên nóng bức và những cú sóc dựng người do con đường đầy ổ gà, ổ trâu thời ấy. Mỗi khi xe vào cua, hàng người lại đổ nghiêng ép sát vào nhau. Qua vài câu chuyện, họ biết cùng quê Lập Thạch Vĩnh Phú. Xe vào bến Vĩnh Yên, đang mải lấy hành lý, cô gái xuống xe và đi mất. Chàng Côn ngẩn người vì chưa kịp xin địa chỉ, hỏi tên. Trên đường về trường, hình ảnh cô gái với hai bím tóc dày cứ luẩn quẩn, nhớ nhung trong cuộc sống và những giấc mơ của anh. Anh đã ra trường trung cấp Cơ điện ở Thái Nguyên nơi cô đang học, hy vọng tìm thấy cô bạn đường cùng quê, nhưng không thấy.
Đến năm học thứ ba, vào một ngày nắng đẹp, bác bảo vệ phô chuyện với mấy sinh viên:
- Có con bé xinh đáo để, quê Lập Thạch Vĩnh Phú vừa về nhận công tác ở trường đấy!
Trường ĐH Tổng hợp, sinh viên khối tự nhiên rất hiếm nữ. Đặc biệt ngành địa lý lại càng hiếm hoi vì tương lai luôn làm việc ở vùng núi rừng, biển đảo.
Một hôm từ tầng 4 ký túc xá đi xuống, anh sững người khi thấy cô gái trên xe mà anh đã nhớ nhung đi tìm cả năm nay đang trong phòng nữ khu nhà dành cho CNCNV, giáo viên. Anh mừng quá, vẫy tay gọi cô gái đã quen nhưng chưa kịp hỏi tên:
- Ấy! ấy ơi, em ơi!
Cô gái cũng bất ngờ khi nhìn thấy người đang gọi. Mắt sáng ngời, mừng rỡ, cô khẽ gặt đầu:
- Em chào anh! Anh cũng ở KTX này à?
Chỉ toàn nhà 4 tầng màu vàng bên cạnh, anh bảo:
- Khoa Địa lý ở tầng 4 em ạ!
Côn chợt bối rối nói một câu chẳng đâu vào đâu:
- Em làm gì ở đây thế?
Cô gái mời anh vào phòng. Phòng ở KTX thường có 6 người nằm 3 giường tầng nhưng anh chỉ thấy 3 giường cá nhân. Cô kéo chiếc ghi đô hồng sang bên, mời anh ngồi xuống giường.
- Phụ nữ có khác, vừa quan sát anh vừa nghĩ! Chiếc bếp dầu sạch sẽ, vài chiếc bát, đĩa ngay ngắn trên kệ nhỏ góc phòng, chiếc xô con đầy nước... Anh chợt hiểu: Họ là giáo viên, công nhân viên. Phòng họ không bẩn thỉu, bừa bãi đầy quần áo hôi hám như phòng nam sinh viên.
Họ nhắc lại kỷ niệm trên chuyến xe trong tiếng cười, ánh mắt ấm áp ... Khi nghe anh nói, đã đi tìm em nhiều lần, má cô ửng hồng. Cô kể:
- Em vừa xuống xe thì cũng vừa lúc tàu đến, em lên tàu ngay cho kịp chuyến nên không kịp chào anh, em cũng tự trách mình sao không hỏi tên anh. Câu chuyện càng mặn mà hơn. Họ nói về gia đình, quê hương. Hóa ra họ ở cùng huyện, chỉ khác xã, nhưng hai xã sát nhau. Từ nhà anh đến nhà cô chỉ mươi cây số.
Tình bạn, tình đồng hương cứ thế gắn bó, ngày càng thắm thiết hơn. Chủ nhật họ rủ nhau đi xe điện xuống Bờ Hồ, hôm thì ra công viên Thống Nhất dạo chơi tâm sự. Đến bữa vào nhà hàng gọi đĩa cơm 1 đồng hay một hào gì đó kèm tem gạo 250 gam mỗi suất, Thi thoảng mới dám uống cốc siro lựu hoặc ăn que kem Tràng Tiền. Một hôm, khi xe điện vào khúc cua ngã tư Hàng Đẫy - Hàng Bột ( nay là Nguyễn Thái Học - Tôn Đức Thắng) Cô hỏi:
- Đây nơi nào mà đẹp thế anh?
Anh bảo:
Đây là Văn Miếu Quốc Tử Giám và nhẹ nhàng thuyết minh cho cô biết ý nghĩa, lịch sử của Văn Miếu Quốc Tử Giám, là trường đại học Quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng dưới thời Lý. Tại đây các sỹ tử cả nước đến học và thi. Người đỗ tiến sỹ, trạng nguyên được lưu danh trên một tấm bia gọi là bia tiến sỹ bằng đá ghi rõ họ tên, quê quán, kỳ thi. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá tượng trưng cho sự bất tử bất diệt. Đó là cách vinh danh của triều đình nhà Lý. Cô nhìn anh với ánh mắt thán phục: Sinh viên Đại học Tổng hợp có khác.
Anh nói:
- Chủ nhật sau anh sẽ đưa em vào thăm!
Qua khu Cao Xà Lá ngát mùi xà phòng, thuốc lá, anh kể cho cô nghe sự hình thành và hoạt động của khu liên hợp công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.
Cũng có lúc họ im lặng bởi tiếng ca não nùng của ông sẩm mù và đứa cháu nhỏ hòa với tiếng nhị cò cưa kể lể. Cô lấy đồng hai xu đặt vào chiếc mũ ngửa trên bàn tay đen đúa của đứa cháu hát sẩm chìa sẵn.
Đến bến Thượng Đình - Đại học tổng hợp, họ chen chúc trong đám đông công nhân tan ca, sinh viên tan trường mới xuống được. Tiếng leng keng đưa tàu đi tiếp vào ga cuối Hà Đông.
Tình cảm của họ tăng dần theo năm tháng.
Tháng 9 năm 1971, trường có đợt tuyển quân, anh vì bé nhỏ gày gò nên bị xếp vào danh sách dự bị. Lúc xe đón, anh chần chừ chưa muốn lên vì mong cô đến tiễn. Xe chạy, lòng anh buồn thiu: Chắc mình chẳng là gì với cô gái xinh đẹp đang làm việc tại trường, có hộ khảu Hà Nội, có lương, có tem phiếu, sổ gạo. Anh thầm ghen tỵ với những thày giáo trẻ đi học ở Liên Xô về có học vị, lương cao, có quạt tai voi, có xe đạp Sport tay lái khoằm. Anh chạnh lòng: Mình chỉ là chàng sinh viên quèn, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông con... chắc...?
Đến nơi giao quân, vì đủ quân nên lính dự bị được về. Anh lao vào phòng cô, cô ngỡ ngàng nhưng không dấu được vẻ vui mừng.
Buổi tối họ dạo bộ trong công viên Thống Nhất.
- Em rất sợ chia ly! Cô thỏ thẻ!
Ngày ấy những người đi chiến đấu ít có người trở về, chiến tranh như con quái vật và những chàng trai trẻ như những vật tế thần. Họ im lặng đi bên nhau trong tiếng thở dài. Tình yêu trào dâng trong lồng ngực, anh chỉ muốn ôm chầm lấy cô mà nói:
- Anh yêu em! em có biết anh đã yêu em từ chuyến xe đầu tiên ấy không?
Anh biết cô cũng có cảm tình với anh, bọn bạn cùng lớp ghen ty:
- Thằng Côn quắt, xấu như ma mà cưa được con bé đẹp như tiên. Anh phổng mũi tự hào chống chế:
- Vì tao học giỏi hơn chúng mày!
Những ngày nghỉ anh xuống phòng cô, giúp cô và những cô bạn cùng phòng, khi thì lau chùi, thay bấc bếp dầu, khi thì sửa cái bếp điện đứt giây mai so. Có hôm khu nhà mất nước, anh ra bể hứng đầy xô nước xách về. Cô vô cùng cảm động thầm nghĩ:
- Người đàn ông giản dị nhưng tuyệt vời!
Họ im lặng bên nhau, chỉ có tiếng gió thổi vào hàng liễu rủ xuống hồ. Anh và cô đều biết vào một ngày nào đó anh sẽ lại lên đường. Đất nước đang còn chiến tranh.
Dựa vào vai anh, cô thủ thỉ:
- Nếu anh phải nhập ngũ, em sẽ đợi anh về!
Câu nói giản dị, nho nhỏ ấy đã mang cho anh niềm hạnh phúc vô bờ. Đó cũng là lời nói nhận lời yêu anh. " Họ ôm nhau, hôn nhau, cùng khát khao hạnh phúc"
Họ chỉ có một mong ước giản dị: Anh ra trường công tác gần cô, vợ chồng sớm tối bên nhau, được phân 1 phòng tập thể, có cái bếp dầu thật tốt, có vài đứa con, dăm ba tháng dắt nhau về quê thăm ông bà nội, ngoại...
Nhưng giặc Mỹ không cho họ thực hiện giấc mơ đó.
Tháng 4 năm 1972, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Thanh niên nô nức lên đường tòng quân. Tiếng hát cao vút, rộn ràng thúc dục: " Ta đi qua phố qua làng ... của ca sỹ Doãn Tần vang suốt ngày trên chiếc loa gắn trên cây phượng già bên cổng trường. Anh và hàng ngàn sinh viên các trường đại học " Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ"
Trái tim người lính
Tong Hong Quan
Link nội dung: //revcat.net/chuyen-tau-dem-di-ve-huong-nam-ky-2-tinh-yeu-nguoi-linh-sinh-vien-dac-cong-hai-quan-a11344.html