Cuộc đời con người như một bài văn mà hay dỡ ở cách viết, bố cục cân đối của nó chứ chưa hẳn dài mà đã hay. Có khi dài mà lan man không kết cho tròn nghĩa đã hết giờ, đến lúc nộp bài thì điểm thấp là cái chắc. Bài văn gãy gọn vừa phải nếu không phong phú về ý tứ nhưng cách mở ra, giải quyết và kết thúc hợp lý thì có thể vui vẻ nộp bài mà không hối tiếc.
Một vấn đề lớn nhưng rất nhiều người mắc phải đó là cách xử lý các vấn đề về sự nghiệp, gia đình, cuộc sống khi tuổi về già. Về già chúng ta không để ý cứ nghĩ mình bất tử với thời gian, vẫn hùng hục lao vào những kế hoạch dài hơi mà có khi chắc chắn con cháu cũng không tiếp nối, kế thừa mà bỏ dở chừng khi ta ra đi. Có những ông già mua đất đai, bất động sản như thú vui đam mê bất tận, cứ gom tiền là kiếm một căn nhà hay miếng đất, bán lại lời một khúc rồi lại mua miếng lớn hơn hay nhiều miếng khác và lúc nào họ cũng thiếu tiền, tất nhiên không mua được những thứ cần thiết cho bản thân. Nói dại, khi mất đi con cháu tranh giành nhau, có khi mất hết tình nghĩa ruột rà.
Hồi ở xóm cũ tôi ở, có một ông già ngoài 60 tuổi. Ông có mấy căn nhà cho thuê trong hẻm. Cứ vào những ngày cuối tháng, ông vào thu tiền cho thuê nhà. Ông vui vẻ kể chuyện chúng tôi nghe, ông còn nhiều căn cho thuê và mấy mẫu đất ở khu ngoại ô, người ta trả cả trăm tỉ rồi chưa bán. Nhìn dáng ông khổ sở, đi đứng không được khỏe lắm với lối sống chắc là tối giản. Ông cưỡi con xe Dream cũ mèm cọc cạch. Ông kêu một tô loại tô rẻ nhất của anh bán hủ tiếu trong hẻm (anh này cũng thuê nhà của ông ), ăn ngon lành, sạch trơn còn ra vẻ thòm thèm. Đôi khi ông gợi ý anh chủ quán đãi cho một tô mới thương chứ. Bẵng đi thời gian không thấy ông đến nữa mà anh con trai vào thu tiền nhà thay cha mình. Hỏi ra thì ông bị tai biến liệt nửa người rồi. Nghĩ đến ông thấy cũng thương thật, ai cũng chép miệng, dang dở cả...
Tôi về quê hoặc đến nhà những người quen chơi, hay thích nói chuyện và nghe tâm sự của những người già như cha mẹ mình. Được khơi dậy nỗi niềm, họ hay kể thật hết chuyện gia đình con cái như thế nào. Khi biếu họ một ít tiền ăn quà là thấy họ rất vui và có thể nói rất thích tiền, dường như lâu lắm họ chưa được sở hữu chúng. Tính tôi hay tò mò và khích kiểu: " Đất đai, nhà cửa có mấy căn sao bác không bán bớt một ít để xài tuổi già ?" Hầu hết họ làm thinh và lãng sang chuyện khác, có khi nhìn vào đôi mắt họ buồn rười rượi. Mấy anh con trong nhà nghe tôi nói vậy thường không vui và hay kéo tôi ra khỏi câu chuyện như kiểu không phải chuyện của anh, tọc mạch làm gì.
Người già không khổ gì bằng không có tiền mặt trong tay dù nhiều người gia sản rất lớn. Họ không nghĩ đến bản thân mình một phần, một phần bất lực khi chuyển nó sang tiền mặt vì nhiều lý do: bán thì tiếc, không biết bán bằng cách nào nhất là tinh thần lúc đó không minh mẫn, con cái không ủng hộ vì chúng nghĩ trước sau gì cũng của chúng... Khi không có tiền mặt thật khó để thỏa mãn nhu cầu của mình, cứ phải chờ con cái cho gì hưởng đó. Con cái thì một số vô tâm, một số tiếc tiền mấy ai bỏ tiền mặt ra cho cha mẹ già thỏa mãn. Giỏi lắm là lo thuốc thang, ăn uống đầy đủ khi cha mẹ ốm đau bệnh tật là có hiếu lắm rồi. Những gia đình nghèo không nói làm gì, nhiều gia đình rất khá giả mà cha mẹ vẫn thiếu thốn tiền mặt để họ có cái uy và thỏa mãn nhu cầu riêng của họ. Được bỏ tiền ra cho ai, mua gì, đi du lịch ở đâu... là mong ước của hầu hết những người già.
Nhất định nên nhớ về già cố gắng lúc nào cũng có một số tiền của mình ở ngân hàng, gối đầu giường để sử dụng bất cứ lúc nào chứ đừng trông chờ vào con cháu cho mình, dù rằng tài sản nhà cửa là của mình, sau này để lại cho chúng. Hứa cho thằng cháu miếng đất để nó chăm sóc mình thì chẳng khác gì hứa cho thằng Bờm bè gỗ lim, hãy cho cục xôi là thực tế. Móc xỉa đưa tiền nhờ chúng và cho chúng một ít, chúng phục vụ ngay.
-Tèo, Tí ơi ! Mua cho ông tô bún bò, cho con một tô, tiền thừa cho con luôn đó. Tí , tèo sẽ giành nhau phục vụ ngay. Muốn ăn gì, mua gì cứ gọi là có mặt không hề chậm trễ. Đó là thực tế sinh động của cuộc sống dù đôi khi nó hơi thô thiển vì quá sòng phẳng. Sẽ là đại họa nếu chia hết tài sản của mình cho con cháu rồi chờ chúng hiếu thảo lại với mình khác chi thả cá ra biển rồi mong bắt lại.
Làm con cái cũng vậy khi của cải cha mẹ để lại cho mình thì mình không thể vô tình để tìm hiểu nhu cầu sử dụng tiền mặt của cha mẹ mình được. Mình không thể đưa lương bổng hàng tháng của mình cho cha mẹ thì nên giải quyết, giúp chuyển một phần tài sản của cha mẹ mình thành tiền mặt để họ tự do xài tuổi già khi còn có thể. Đó cũng là cách làm của những người con có hiếu và trách nhiệm đối với đấng sinh thành. Khi họ chết đi không cần mâm cao cỗ đầy, khách khứa đông làm gì vì nó chỉ phục vụ cho tính ích kỉ và lòe đời của mình mà thôi.
Chuyện làng quê
Nguyễn Thế Hưng
Link nội dung: //revcat.net/suc-manh-cua-tien-mat-khi-ve-gia-a11343.html