Lần đầu tiên tôi gặp Phạm Xuân Ẩn là vào tháng 7/2001 tại Nhà hàng hải sản Song Ngư nằm trên con phố nhộn nhịp Sương Nguyệt Ánh. Hôm đó bạn tôi là Giáo sư James Reckner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam tại Đại học Texas, mời tôi dùng bữa tối. Cùng dự có khoảng 20 người ngồi quanh một chiếc bàn dài và khá hẹp. Cách bố trí chỗ ngồi khiến tôi chỉ có thể trò chuyện được với hai người ngồi kề hai bên hoặc với người ngồi đối diện. Nhưng tôi, một từ tiếng Việt bẻ đôi cũng không biết. Cả đám người dự tiệc chỉ có hai học giả người Việt Nam thì lại ngồi hai đầu bàn và đều không nói được tiếng Anh. Các ghế quanh bàn đều có người ngồi cả trừ mỗi chiếc ghế đối diện với tôi là để trống.
Tôi ngán ngẩm vừa bắt đầu nghĩ rằng bữa tối nay lại là một cuộc tra tấn dài dằng dặc đây. Cùng lúc đó, tôi thấy mọi người đang ngồi quanh bàn đều đứng cả dậy để chào một người đàn ông Việt Nam dáng thanh mảnh đến dự chung bữa tối với chúng tôi. Tôi đoán người này trạc gần 70 tuổi. Ở ông toát lên một phong cách nhẹ nhàng, khiêm tốn. Tôi nghe Jim (tên gọi tắt của James Reckner - ND) nói:
- Xin chào tướng Ẩn, chúng tôi rất hân hạnh có ông cùng tham dự.
Ngay sau đó, ông Phạm Xuân Ẩn ngồi xuống ghế đối diện tôi. Thấy vị tướng này trả lời Jim bằng tiếng Anh, tôi bèn giới thiệu nhanh về mình là một giáo sư dạy Đại học California - Davis. Ông Phạm Xuân Ẩn nghe tôi tự giới thiệu như vậy thì mắt ông bỗng sáng lên. Vị tướng này nói:
- Ông từ California đến! Tôi đã từng có thời sống ở đó và học đại học ở Costa Mesa đấy. Đó là thời kỳ hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi.
Trong suốt hai tiếng đồng hồ sau đó, Phạm Xuân Ẩn và tôi đã nói chuyện với nhau về rất nhiều chủ đề, từ chuyện ông học hai năm ở Trường Đại học Orange Coast, chuyên ngành báo chí đến chuyện ông đi khắp nước Mỹ; những điều ông học được; và chuyện ông khâm phục nhân dân Mỹ. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng ông đã từng đến Davis thời kỳ thực tập tại báo Sacramento Bee. Phạm Xuân Ẩn kể lại lòng tốt của chủ bút Elenor McClatchy. Ông khoe đã được gặp Thống đốc California Edmund G. "Pat" Brown tại một hội nghị dành cho các biên tập viên những tờ báo của các trường đại học ở Sacramento. Phạm Xuân Ẩn rạng lên một niềm tự hào khi ông kể với tôi về người con trai cả của ông tên là Phạm Xuân Hoàng Ân, gọi theo tiếng Anh là Ân Phạm, cũng đã từng học ngành báo chí Đại học North Carolina ở Chapel Hill, Hoa Kỳ. Vừa qua, Phạm Ân đã lấy thêm một bằng cử nhân luật tại Đại học Luật Duke.
Chỉ chạm đũa một chút xíu vào các món ăn, trong suốt bữa tiệc ông luôn hút thuốc lá. Phạm Xuân Ẩn hỏi về công việc nghiên cứu hiện nay của tôi. Vào thời điểm đó, tôi đang viết một cuốn sách về những cuộc đàm phán bí mật tại Paris giữa Henry Kissinger và đối thủ Cộng sản Bắc Việt Nam của ông ta là Lê Đức Thọ. Đó là thời kỳ Nixon còn làm Tổng thống. Ông Phạm Xuân Ẩn liền hào hứng đưa ra những phân tích tinh tế và chi tiết về các cuộc đàm phán đó, cung cấp cho tôi những thông tin mới và cách nhìn mới mẻ.
Trong lúc nghe ông nói, tôi bỗng nhớ lại mình đã từng đọc về một phóng viên của Tạp chí Time rất được kính nể - người mà sau này trở thành một điệp viên của miền Bắc Việt Nam. Tôi ngờ ngợ rằng người đang ngồi ăn tối với tôi đây chính là nhà báo đó.
Suốt cả buổi tối hôm ấy, Phạm Xuân Ẩn không hề nói một lời nào về nghề tình báo của ông mà chỉ nói nhiều về một nghề khác, nghề phóng viên cho Hãng tin Reuters và Tạp chí Time. Ông nói say sưa về nghề nghiệp với những tình cảm yêu quí dành cho nhiều người bạn đồng nghiệp Mỹ. Phạm Xuân Ẩn nhắc tới tên của những nhà báo nổi tiếng nhất thời đại như Robert Shaplen, Stanley Karnow, Frances Fitzgerald, Robert Sam Anson, Frank McCulloch, David Halberstam, Henry Kamm, và Neil Sheehan. Ông nói với tôi rằng bạn bè của ông không chỉ là những người làm báo mà bao gồm cả người của CIA như Lou Conein, đại tá Edward Lansdale, cựu Giám đốc CIA William Colby - người từng là chỉ huy trưởng CIA ở Sài Gòn. Phạm Xuân Ẩn cũng nhắc tới tên nhiều nhà chính trị và tướng lĩnh của chính quyền Sài Gòn như Trần Văn Đôn, Bùi Diễm, Dương Văn Minh hay còn gọi là Minh "Lớn" - người sau này trở thành Tổng thống cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn, và cựu Thủ tướng, phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ - người thường tìm đến ông Phạm Xuân Ẩn để nhận được những lời khuyên về cách huấn luyện chó và gà chọi như thế nào.
Dường như Phạm Xuân Ẩn biết tất cả những nhân vật tai to mặt lớn trong thời kỳ chiến tranh. Khi chia tay nhau tối hôm đó, Phạm Xuân Ẩn trao cho tôi tấm danh thiếp của ông trên đó in hình một con chó chăn cừu Đức tại một góc, còn góc kia in hình một con gà trống.- ông bảo tôi ngày mai gọi điện thoại cho ông để tiếp tục câu chuyện về các cuộc đàm phán Paris. Sau bữa tối hôm đó, một người bạn của tôi tên là Lê Khanh làm việc cho Trung tâm Việt Nam tại Trường Đại học Công nghệ Texas Tech cho biết người mà tôi vừa nói chuyện đúng 8 tiếng đồng hồ tại bữa tiệc chính là Phạm Xuân Ẩn, thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn từng được nhận bốn Huân chương Giải phóng, sáu Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, và được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Việt Nam.
Tôi rất tò mò muốn biết liệu Lê Khanh có cảm thấy căm thù đối với một người đã từng không chỉ là kẻ thù, mà còn là người từng sống một cuộc đời giả dối dường như phản bội lại nhiều người ở miền Nam Việt Nam hay không ông Khanh bảo rằng trong thời kỳ chiến tranh, ông không hề biết ông Phạm Xuân Ẩn. Ông Khanh cũng không biết phải ứng xử thế nào khi cách đây vài năm ông được một người bạn của cả ông và ông Phạm Xuân Ẩn mời đi uống cà phê với ông Ẩn. Ông Khanh nhận thấy Phạm Xuân Ẩn là một người khiêm nhường và đầy cá tính - một người mà chưa bao giờ, dù chỉ một lần, tỏ ra kiêu ngạo của kẻ thắng trận.
Ông Khanh dùng từ "thân thiện và cởi mở" để nói về Phạm Xuân Ẩn và cố làm cho tôi hiểu là Phạm Xuân Ẩn sống một cuộc đời rất bình dị.
Cả Phạm Xuân Ẩn và Lê Khanh đều bị mất mát trong chiến tranh. Lê Khanh phải bỏ đất nước mà đi vào ngày 30/4/1975. Phạm Xuân Ẩn mất một người em trai là Phạm Xuân Hoà chết trong một vụ máy bay trực thăng rơi năm 1964. Phạm Xuân Hoà ngày đó làm thợ máy cho không lực Việt Nam Cộng hoà.
Ông Ẩn cũng không có được điều mà ông mơ ước một nước Việt Nam thống nhất có thể mang lại. Thật trớ trêu, ông Lê Khanh thì được tự do đi lại một cách thường xuyên từ nơi ông ở tại Lubbock, bang Texas đến thành phố Hồ Chí Minh trong những chuyến thăm kéo dài cùng với gia đình mình. Tướng Phạm Xuân Ẩn, người anh hùng của Cách mạng, thì lại chưa bao giờ rời Việt Nam đi thăm viếng bạn bè hoặc thành viên gia đình của mình ở bên Mỹ. Cả Phạm Xuân Ẩn và Lê Khanh đều hiểu rõ những mất mát của nhau; mối quan hệ giữa hai người này là minh chứng cho sự hoà hợp giữa những người yêu nước ở hai bên chiến tuyến.
Khi tôi gọi cho ông vào sáng hôm sau, ông Ẩn gợi ý ngay chúng tôi nên gặp nhau ở tiệm cà phê Givral.
Trong thời gian chiến tranh, tiệm cà phê Givral nằm đối diện Khách sạn Continental và nằm trong tầm nghe của toà nhà Quốc hội trước đây. Tiệm này từng là nơi tụ tập của cánh nhà báo, cảnh sát, và quan chức chính phủ. Đây chính là nơi những tin tức được tung ra, được kiểm chứng và là nơi mọi người săn tìm những thông tin nóng nhất trong ngày. Nơi đây là cỗ máy sản xuất tin đồn, thường được gọi đùa là "Đài phát thanh Catinat" vì tiệm cà phê này toạ lạc trên con phố mà thời Pháp có tên là Rue de Catinat. Sau năm 1954, con phố này được đổi tên thành đường Tự do và sau năm 1975 lại được đổi tên thành phố Đồng khởi. Mặc dù thời gian với biết bao thay đổi như vậy, ông Phạm Xuân Ẩn vẫn được mệnh danh là Tướng Givral vì chính tại tiệm cà phê này, ông có thể thu lượm được những thông tin mới nhất trong ngày. Mỗi khi đến đây, ông Phạm Xuân Ẩn thường dắt theo một con chó Đức to và rất trung thành được đặt tên là King. Chiếc xe hơi Renault màu xanh lá cây của ông thường đỗ ngay trước cửa tiệm.
Hai năm tiếp theo cho đến khi Phạm Xuân Ẩn ốm nặng, ông và tôi thường gặp nhau tại tiệm cà phê Givral. Tự dưng hình thành nên thói quen mỗi lần gặp nhau bao giờ tôi cũng đến trước, chọn một bàn bên cửa sổ. Trong lúc ngồi chờ ông Ẩn tôi xem lại phần ghi chép của mình, đọc lại những câu hỏi. Phạm Xuân Ẩn đến sau trên một chiếc xe gắn máy cũ kỹ màu xanh. Sau khi nhận những lời chào nồng nhiệt từ phía các nhân viên nhà hàng, ông đi thẳng tới chỗ bàn tôi đang ngồi. Những giờ tiếp theo trong ngày, chúng tôi làm việc theo kiểu tôi nêu câu hỏi rồi ghi chép phần Phạm Xuân Ẩn giải thích về những sự nhạy cảm chính trị và lịch sử. Thỉnh thoảng ông lại đặt điếu thuốc lá trên tay xuống, cầm tập ghi chép của tôi lên và viết những tên riêng hoặc những câu giúp tôi nắm được ý ông muốn nói. Khi tôi hỏi ông đã mệt chưa, Phạm Xuân Ẩn thường gợi ý gọi đồ ăn trưa rồi tiếp tục làm việc. Nói chuyện chỉ một lúc với ông tôi đã nhận thấy David Greenway, một người bạn của Phạm Xuân Ẩn đã đúng khi nói:
- Ông Ẩn đã giúp tôi nhận ra rằng đi Việt Nam càng nhiều, tôi càng hiểu biết ít về Việt Nam.
Năm 2003, sau năm thập kỷ hút thuốc lá, Phạm Xuân Ẩn mắc bệnh phổi rất nặng. Ông Ẩn là người cực kỳ mê tín. Từ năm 1955 ông đã bắt đầu hút loại thuốc lá Lucky Strikes. Khi đó, một người bạn Mỹ của ông đã dạy ông cách nuốt khói, đồng thời đảm bảo với ông rằng Hãng thuốc Lucky Strikes sẽ mang đến cho ông nhiều may mắn. Phạm Xuân Ẩn nói:
- Tôi đã hút thuốc lá 52 năm rồi. Giờ đây tôi đang phải trả giá cho điều đó. Hút thuốc lá liên tục trong bằng ấy năm mà tôi chỉ bị bệnh phổi trong có 3 năm là thắng lợi chứ.
Giống như hầu hết người dân Việt Nam, chuyện tướng số đóng vai trò lớn trong cuộc đời Phạm Xuân Ẩn. Sinh ra ngày 12/9/1927 thuộc cung Xử nữ nằm trong 6 dấu cung Hoàng đạo, trong đó chỉ có một nữ thần, nên ông Ẩn được nữ Chúa che chở cho suốt đời. Do vậy, ông tự cảm thấy mình có trách nhiệm phải bảo vệ phụ nữ.
Tôi đến thành phố Hồ Chí Minh vào ngày Phạm Xuân Ẩn phải đi viện. Một tờ báo địa phương đưa tin ám chỉ rằng ông chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa. Tôi điện thoại cho Phạm Xuân Ẩn, ông cũng xác nhận kết quả chẩn đoán là rất xấu. Trước khi rời thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã viết cho ông một lá thư riêng, trong đó bày tỏ hy vọng rằng chúng tôi còn có dịp lại gặp nhau ở tiệm cà phê Givral. Tôi nói đùa với Phạm Xuân Ẩn rằng với tư cách một điệp viên, ông đã đánh lừa thần chết nhiều lần rồi, nên lần này chắc ông chưa thể đi gặp Diêm Vương được đâu. Sau đó tôi chẳng biết ông Ẩn có đọc lá thư đó của tôi không.
Vài tháng sau, tôi nhận được tin Phạm Xuân Ẩn đã xuất viện về nhà phục hồi sức khoẻ. Ông đã cám ơn tôi về lá thư, đồng thời nói rằng ông mong gặp tôi để tiếp tục cuộc trao đổi. Phạm Xuân Ẩn bảo tôi nhớ mang cho ông ba cuốn sách mà ông thích đọc. Thời gian ngắn sau đó, tôi trở lại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì ông Ẩn còn yếu nên tôi đề nghị được gặp ông tại nhà riêng của ông. Đó là ngôi nhà ở số 214 phố Lý Chính Thắng, trước kia là nhà riêng của một nhà ngoại giao Anh. Hai chúng tôi vừa ngồi uống trà, vừa trò chuyện trong nhiều giờ. Xung quanh là những tủ sách báo quý giá và hàng chục loại chim luôn hót véo von, vài con gà trống thỉnh thoảng lại cất tiếng gáy, những con gà chọi thường xuyên được ông huấn luyện, một con chim ó, bể cá, và hai chú chó con thay thế cho con chó berger Đức trước đây.
Cuốn sách tôi viết về cuộc đàm phán Paris đã được xuất bản. Giờ đây tôi muốn lấy câu chuyện về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn coi đó như một cửa sổ để giúp hiểu về những sự phức tạp của cuộc chiến tranh. Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn vì sao ông chưa tự viết hồi ký.
Trước đó nhiều năm, Stanley Karnow đã từng khích lệ Phạm Xuân Ẩn viết hồi ký, nhưng ông đã khăng khăng nói rằng do ông nắm giữ quá nhiều bí mật nên sợ viết ra có thể làm hại những người đang còn sống hoặc thân nhân của những người đã khuất.
Phạm Xuân Ẩn chẳng bao giờ tự viết hồi ký về cuộc đời tình báo của mình. Ông cứ khăng khăng cho rằng mình chỉ là một mắt xích nhỏ trong cả một mạng lưới tình báo Cộng sản rộng lớn. Phạm Xuân Ẩn tự coi mình tương tự như một nhà phân tích của CIA chỉ ngồi một chỗ ở Langley đọc tài liệu rồi gửi đi những báo cáo. Khi tôi hỏi liệu tôi có thể viết hồi ký cho ông được không, Phạm Xuân Ẩn trả lời thẳng thừng :
- Không!.
Tuy vậy, cuộc trao đổi của chúng tôi vẫn tiếp tục Tôi đưa ra càng nhiều câu hỏi về những việc ông đã làm trong nghề tình báo, Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi nghe càng nhiều. Khi đó, tôi luôn tay ghi chép và bắt đầu ghi âm những cuộc nói chuyện của chúng tôi Phạm Xuân Ẩn vẫn tiếp tục kể.
Thế rồi tôi gặp may. Nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng của Việt Nam trong "Cuộc chiến tranh của Mỹ", Phạm Xuân Ẩn nổi lên như một người anh hùng được tôn vinh ở Việt Nam. Hai cuốn sách chính thức về cuộc đời ông được xuất bản. Cuốn "Phạm Xuân Ẩn: tên người như cuộc đời", đã được trao giải thưởng thể loại sách không hư cấu hay nhất trong năm. Tựa đề cuốn sách là lối chơi chữ trong tiếng Việt, vì tên của Phạm Xuân Ẩn có nghĩa là che giấu, bí mật, ẩn nấp, vì vậy nên thực tế cuộc đời của ông cũng giống như tên của ông vậy?
Nguồn: theo Giáo sư Larry Berman
(còn nữa)
Trái Tim Người Lính
Phạm Thúy Hậu
Link nội dung: //revcat.net/diep-vien-anh-hung-pham-xuan-an-a11320.html