Kỳ 16.
Trong khi đó, Thăng Long có biến. Trịnh Tráng ốm nặng, Trịnh Tạc lên tạm giữ quyền chúa. Những kẻ xu nịnh gian thần liền nói với Trịnh Tạc:
-Dạ, bẩm chúa công.
-Có việc gì?
-Thần nghe nói Trịnh Toàn ở Nghệ An rất được lòng quân sĩ và bách tính. Xin chúa công chú ý.
-Thật sao?
-Dạ, đúng là như vậy ạ.
-Theo ngài thì đó là điều đáng mừng hay đáng ngại?
-Dạ, đáng lo ạ.
-Vì sao đáng lo?
-Dạ, ngôi thế tử của chúa công và sau này là của đại công tử Trịnh Căn chắc bị đe dọa.
-Ngươi có cách gì đề phòng hậu họa không?
-Trước mắt cho Trịnh Căn vào Nghệ An giám sát Trịnh Toàn nhưng đừng để Trịnh Toàn biết mà chạy sang nhà Nguyễn thì gay go.
-Nhà ngươi nói phải lắm, sau này ta sẽ phong thưởng cho ngươi.
-Dạ, đa tạ chúa công.
Trịnh Tạc gọi:
-Người đâu?
-Dạ, bẩm chúa công.
-Cho gọi Trịnh Căn vào đây.
-Dạ.
Trịnh Căn vào:
-Phụ thân cho gọi Căn nhi?
-Thám mã về báo uy tín của chú con là Trịnh Toàn rất lớn ở Nghệ An, con hãy vào để ý và giám sát dò la tin tức xem có đúng như vậy không?
-Vì sao phải làm vậy thưa phụ thân?
-Nếu chú con mà tài giỏi uy tín lớn thì ngôi chúa của ta, ngôi thế tử của con sẽ bị đe dọa, có khi là mất. Rõ chưa?
-Dạ, con rõ, tạm biệt thân phụ, mai con lên đường vào Nghệ An. Phụ thân bảo trọng.
-Ừ, hãy bảo trọng.
-Đa tạ phụ thân.
Tháng 4 năm 1657, Trịnh Tráng qua đời, ở ngôi chúa 34 năm (1623-1667), thọ bao nhiêu tuổi không rõ. Con trưởng là Tây Định Vương Trịnh Tạc nối ngôi, lập Trịnh Căn làm thế tử. Việc đầu tiên của Trịnh Tạc là phải trừ khử em út Trịnh Toàn mà theo tin đồn đang có uy tín trong quân đội. Theo thám mã thì Trịnh Toàn rất trung thành, khi chúa Nguyễn chiêu dụ mà Trịnh Toàn từ chối không theo, uy tín Trịnh Toàn càng lớn. Trịnh Tạc nghe tin càng quyết tâm giết em để đề phòng mối họa.
Trịnh Tạc cho con là Trịnh Căn vào thay Trịnh Toàn thống lĩnh quân đội ở Nghệ An, triệu hồi Trịnh Toàn về kinh. Trong phủ Tiết chế, Trịnh Tạc hỏi Trịnh Toàn:
-Tại sao đệ không chịu về kinh để chịu tang thân phụ?
Trịnh Toàn đáp:
-Việc quân khẩn cấp, quân Nguyễn liên tục tấn công, đệ sao dám bỏ về.
-Tại sao đệ không để cho Đào Quang Nhiêu thay thế mà về?
-Đệ là thống lĩnh sao lại tự tiện bỏ mặt trận khi không có sắc chỉ?
Trịnh Tạc đập bàn:
-Đó là tội bất hiếu. Bất hiếu trong Quốc triều hình luật là xử tội chết. Bay đâu?
-Dạ.
-Đem TrịnhToàn giam vào ngục, ngày mai giờ ngọ xử trảm.
-Dạ, tuân lệnh chúa công.
Trịnh Toàn mắng:
-Phụ thân vừa nằm xuống, huynh đã tàn sát anh em. Huynh sợ ta cướp ngôi chúa của huynh ư? Đệ đây không thèm. Huynh sẽ chết không có đất mà chôn.
Ngày Trịnh Toàn bị xử tử, trời bỗng nhiên mưa gió sấm chớp ghê rợn. Cả triều đình và bách tính kinh thành ai cũng thương xót cho Trịnh Toàn, một người tài năng đức độ bị giết một cách vô cớ.
Tháng 6 năm 1657, trời đất vô cùng nóng nực. Ngoài nắng, Nghệ An không biết từ khi nào còn chịu những cơn gió như lửa từ Trường Sơn thổi qua làm không khí hầm hập như ngồi trong nồi đun. Trịnh Căn ngồi trong tổng hành dinh liên tục uống nước, hai bên có hai người lính thay nhau quạt. Chợt có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm Tiết chế.
-Có việc gì nói mau.
-Dạ bẩm, tướng quân Hoàng Thể Giao của ta vượt sông Lam đánh tướng Nguyễn Tống Hữu Đại ở Thanh Chương. Quân ta đã thất bại. Hoàng Thể Giao đã lui quân về Bắc sông Lam ạ.
Lại có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm Tiết chế, quân ta đã chiến thắng quân Nguyễn ở Hương Sơn ạ.
Tháng 7 năm 1658 lại có thám mã về báo cho Trịnh Căn:
-Dạ, bẩm Tiết chế, quân ta do Nguyễn Hữu Tá chỉ huy đánh quân Nguyễn. Quân ta đã bại trận ở Hưng Nguyên ạ.
Lại một thám mã khác:
-Dạ bẩm Tiết chế, Quân ta bị quân Nguyễn đánh bại ở Nghi Xuân ạ.
Trịnh Căn tức giận gọi:
-Bay đâu.
-Dạ.
-Cho gọi tướng quân Hoàng Thể Giao, Lê Thì Hiến vào đây.
-Dạ.
Hai tướng bước vào:
-Kính chào Tiết chế.
-Ngồi đi.
-Đa tạ Tiết chế.
Sau một lượt trà, Trịnh Căn nói:
-Thám mã báo về, quân ta thua rồi lại được, được rồi lại thua, ta không chịu nổi cảnh dằng co, chiến tranh kéo dài, nay ta quyết dùng toàn lực đẩy quân Nguyễn về sông Nhật Lệ.
Hoàng Thể Giao hỏi:
-Tiết chế có kế sách gì hay không?
-Giặc đã 5 năm trời ở Nghệ An. Nay là tháng 9 năm 1660, ta quyết giải phóng Nghệ An và Bố Chính. Tướng Hoàng Thể Giao, tướng Lê Thì Hiến nghe lệnh. Hai tướng đem 6 vạn quân vượt sông Lam đánh vào Lân Sơn.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Hoàng Thể Giao và Lê Thì Hiến đem 6 vạn quân tấn công Lân Sơn. Trên thành cờ quân Nguyễn bay phấp phới. Quân Trịnh ào ạt xông lên. Kỳ lạ là trên thành không có sự kháng cự nào. Quân Trịnh phá cổng thành vào thì chỉ thấy trong thành trống không. Bỗng nhiên một phát pháo hiệu bắn lên, bốn phía thành tràn ngập quân Nguyễn bao vây lại quân Trịnh. Quân Nguyễn dương loa kêu gọi Hoàng Thể Giao và Lê Thì Hiến hạ vũ khí đầu hàng. Nguyễn Hữu Tiến nói với Nguyễn Hữu Dật:
-Tiêu diệt chúng đi thôi, để lâu quân cứu viện của chúng đến, trong chúng đánh ra, ngoài chúng đánh vào thì quân ta nguy to.
Nguyễn Hữu Tiến vừa dứt lời thì phía sau quân Nguyễn có ba phát pháo hiệu bắn lên. Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật còn đang ngạc nhiên thì 7 vạn quân Trịnh đã bao vây vòng ngoài. Quân Trịnh trong thành mở cổng đánh ra. Quân Nguyễn bị kẹt vào giữa. Tạc đạn, súng hỏa mai sáng rực bắn xối xả. Hàng vạn quân hai bên gục xuống. Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến cùng đám tùy tướng mở đường máu phá vòng vây mà chạy. 3 vạn quân Nguyễn đã nằm lại trên chiến trường Lân Sơn, Nam sông Lam Nghệ An. Đó là tháng 9 năm 1660. Sau trận đó, quân Nguyễn đuối sức lùi về Nghi Xuân, không còn đủ sức dằng co với quân Trịnh, bị Hoàng Thể Giao và Nguyễn Năng Thiệu đánh bại ở Thiên Lộc, Lê Thì Hiến đánh bại ở Nghi Xuân. Quân Trịnh lấy lại được 7 huyện Nam Nghệ An mà bị quân Nguyễn chiếm từ năm 1655. Trịnh Căn dốc lực truy kích quân Nguyễn và giao chiến một trận lớn ở Hoành Sơn. Mỗi bên chết 2 vạn lính. Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến rút quân về Nhật Lệ. Trịnh Căn nói với Đào Quang Nhiêu:
-Tướng quân hãy trấn thủ Nghệ An kiêm trấn thủ Bắc Bố Chính, kiên quyết không cho quân Nguyễn đánh ra Bắc như 5 năm trước đây. Rõ chưa?
Đào Quang Nhiêu đáp:
-Dạ, đa tạ Tiết chế, mạt tướng tuân lệnh.
Trên bờ Bắc sông Linh Giang, Đào Quang Nhiêu đi tiễn thế tử Trịnh Căn về Bắc. Bầu trời xam xám, sông Linh Giang vẫn cuồn cuộn tuôn nước về Đông. Quân Trịnh đi trong ánh tinh kỳ phấp phới. Đào Quang Nhiêu và binh sĩ nhìn mãi cho đến khi bóng cờ xa lắc mờ dần, chỉ còn lại dải đất Bắc sông Linh Giang xơ xác điêu tàn trong máu lửa những cuộc chiến, chiến tranh không biết bao giờ mới chấm dứt, những người lính không biết bao giờ mới được đi dưới bóng cờ về lại quê cha đất tổ, xum họp với cha mẹ, vợ con, gia đình?
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-v-tieu-thuyet-lich-su-ky-16-a11264.html