Với tôi, mẹ tôi rất xứng đáng với danh nghĩa cao quý đó. Nhưng mẹ không còn sống trên thế gian này nữa và mẹ tôi cũng chưa được tuyên dương. Nếu tôi không viết về mẹ mình, thì cũng chẳng ai biết mà viết những công lao đóng góp của mẹ cho đất nước.
Mẹ là Phạm Thị Tràng, mẹ sinh năm 1922 tại xóm Tân Giang một xóm vạn chài sống lênh đênh bằng thuyền bè trên mặt nước tại khúc sông ngàn sâu thuộc xã Đức Ân, huyện Đức Thọ,nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
Vào thời kỳ chống Pháp, nơi đây vốn là vùng tự do, nên cả huyện đã đóng góp nhiều người đi hoạt động cách mạng như ông Cù Huy Cận, ông Trần Tám, Trần Phú… Ngày ấy mẹ bước vào tuổi thanh niến, đẹp nết, đẹp người. Là người bơi lội giỏi, biết chèo chống thuyền bè, được ông bà ngoại tôi đồng ý, mẹ đã dùng chiếc thuyền là tài sản lớn nhất của gia đình, đưa nhiều đợt bộ đội, dân công hỏa tuyến qua sông. Đi phục vụ cho những chiến dịch Tây Bắc, mặt trận Điện Biên Phủ.
Đến khi mẹ lấy chồng. Chồng mẹ là ông Đặng Quỳ. Hoạt động ở ngành cảnh sát biên giới (nay là bộ đội biên phòng), nhưng chỉ được 1 năm. Ông bị sốt rét, yếu sức phải về quê. Ông bà sinh được tôi và 1 em gái. Rồi ông bị ốm đau, bệnh tật qua đời. Mẹ tôi phải dìu dắt anh em tôi về quê ngoại để được ông bà và các cậu, gì giúp đỡ. Lúc này, mẹ mới 36 tuổi. Dù muôn vàn khó khăn nhưng mẹ vẫn ở vậy nuôi con, mấy năm hòa bình lập lại ở miền Bắc, mẹ đã chịu khó, chắt chiu nuôi anh em chúng tôi học hết cấp II. Mẹ cũng là người dạy cho tôi hiểu thế nào là tinh thần yêu nước, yêu quê hương qua những câu thơ Kiều của Nguyễn Du. Suốt cuộc đời mẹ luôn sống cần cù, chịu thương chịu khó, hết lòng vì con và mọi người.
Năm 1964, giặc Mỹ tàn bạo leo thang đánh phá cả nước, cùng trao lưu căm thù kẻ xâm lược. Năm 1966, mẹ đã động viên đứa con trai độc nhất đang lớn tham gia nhập ngủ, để được trực tiếp cầm súng góp phần bảo vệ tổ quốc.
Lúc ra đi, tôi thấy mẹ bịn rịn, muốn khóc. Nhưng mẹ ngoảnh đi, dấu diếm cảm xúc, suy nghĩ rồi nói với tôi:
- Con cứ lên đường cho bằng anh, bằng em, chân cứng đá mềm, cố gắng lập công dâng tổ quốc.
Tôi đi rồi, mẹ áy náy lo lắng, thấp thỏm nhiều đêm thức trắng, thở dài chỉ mong đứa con trai mạnh khỏe, bình an.
Thời gian này, máy bay Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, chúng kiểm soát dọc con sông Ngàn Sâu hòng ngăn chặn sự chị viện của hậu phương lớn miền Bắc cho đồng bào miền Nam, ruột thịt. Xóm Tân Giang xã Ân Phú mất dần trên bản đồ cũ của Pháp vẽ. Một số bà con lên bờ, dựng nhà, dựng cửa, chuyển nghề trồng trọt. Còn mẹ nép vào một lùm cây, làm hầm hố để em gái tôi được ẩn nấp ven bờ sông. Mặc dù máy bay thường xuyên đánh phá ác liệt nhưng mẹ vẫn dùng chiếc thuyền là nhà ở, tài sản lớn nhất, ngày đêm chở bộ đội qua sông vào Nam đánh Mỹ.
Như mẹ Suốt ở Quảng Bình. Nhiều đơn vị, nhiều cấp sư đoàn, như Sư đoàn 324 ồ ạt vừa tập trận, vừa hành tiến qua quê tôi. Mẹ đã không sợ hy sinh, gian nguy, đói rét; máy bay, bom đạn…. từng rệt đuổi mẹ trên sông, nhưng mẹ vẫn vừa phục vụ bộ đội, vừa kiếm từng bữa ăn cho cả mẹ và em tôi. Mẹ tuyệt đối tin tưởng đường lối của Đảng, hết lòng vì nước, vì dân, sẵn sàng hiến dâng tất cả những gì quý nhất cho hòa bình, cho thống nhất đất nước. Mẹ cho rằng: tự nguyện đóng góp được nhiều công sức cho Tổ quốc khi đất nước lâm nguy là niềm vinh dự, tự hào, của mỗi người công dân. Ngày này, qua năm khác ( 1964 – 1975) mẹ đã âm thầm đóng góp mà không một lần suy nghĩ hay đắn đo. Mẹ hoàn toàn không nghỉ đến công lao. Ở vùng núi xa xôi, chẳng có chức sắc gì, chẳng có ai thống kê được công trạng giúp đỡ, động viên mẹ. Mẹ chỉ biết làm việc, thi đua cùng đứa con trai đang chiến đấu ở chiến trường.
Ngoài mặt trận, tôi luôn nhớ thương mẹ mà dũng cảm xông lên, bởi vậy tôi được tham gia chiến đấu nhiều trận. Nhiều đồng đội xung quanh tôi đã ngã xuống không về. Tôi cũng đã bị thương nhiều lần. Mỗi lần bị thương, tôi lại nhớ lời mẹ dặn: “chiến đấu dũng cảm…….. để góp công” bởi vậy khi vết thương tạm ổn, tôi lại tìm cách trở về đơn vị để được chiến đấu với đồng đội.
Ngoài những trận chiến đầy cam go, mỗi khi nhớ mẹ, tôi tranh thủ viết thư, nhật ký gửi về thăm, động viên mẹ. Mặc dù hoàn cảnh chiến tranh, thư gửi đi bị thất lạc rất nhiều, nhưng có trang mẹ vẫn đọc được. Chỗ nào thấy nét chữ ổn định – mẹ vui vẻ nói với bà con láng giềng: “ Thằng con tôi nó đang lớn, đang được đồng đội giúp đỡ yêu thương …”; chỗ nào chữ ngoằn ngoèo rời rạc, mẹ lo sợ mà khóc thầm.
Rồi chiến tranh kết thúc, niêm vui của mẹ hòa chung niềm vui của đất nước bởi non sông thống nhất, Tổ quốc sạch bóng quân thù, mọi người có cuộc sống độc lập, tự do. Nhất là đứa con trai của mẹ sống sót trở về (mất sức 81%). Mẹ nhìn tôi, sờ lên các vết sẹo rồi mếu máo nói với mọi người: “May mắn hơn nhiều bạn bè nó phải hy sinh không về”. Tôi nhìn thấy được trong ánh mắt mẹ, trên khuôn mặt nhăn nheo vì sương gió, tuổi già, niềm hạnh phúc, tự hào xen lẫn sự xót thương.
Rồi mẹ nổ lực nhờ bà con, làng xóm tổ chức cưới vợ cho tôi để gọi là hạnh phúc, nối dòng. Có điều tôi phải sống gần các cơ sở y tế để được chăm sóc cấp cứu, khi trái gió trở trời, bởi các vết thương, hành hạ đau nhức. Do vậy, mà mẹ đã bán hết gia tài lên thành phố ở với con cháu. Mặc dù tôi biết mẹ không muốn rời mảnh đất quê hương, nơi sinh thành ra mẹ.
Thêm mấy năm sống trong sự bao cấp. Đời sống còn đầy thiếu thốn khó khăn bởi cuộc chiến chống Mỹ lâu dài. Ở biên giới phía Bắc lại có sự xung đột với quân bành trướng. Dù mẹ đã cố gắng vượt khó. Nhưng sức yếu, mẹ qua đời ở tuổi 63.
Cuộc sống hiện nay của tôi đã có nhà tầng, có xe máy, tủ lạnh, ti vi…cơm ăn áo mặc không thiếu. Nghĩ mẹ không được hưởng cảnh này. Tôi thương mẹ đến xót ruột. Cuộc đời của mẹ, chỉ luôn hướng về Tổ quốc. Với tôi, mẹ thật xứng đáng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng chứ.
Trái tim người lính
Đặng Sỹ Ngọc
Link nội dung: //revcat.net/me-toi-cung-la-me-viet-nam-anh-hung-a11182.html