12/03/2022 16:40
12/03/2022 16:40
Đình làng Đình Bảng - tuyệt tác kiến trúc cổ gần 300 năm ở Kinh Bắc
Trải qua gần 300 năm, đình làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) có một công trình nhà sàn cổ độc đáo, chứa đựng những tinh hoa giá trị nghệ thuật trang trí gỗ truyền thống đắc sắc bậc nhất xứ Kinh Bắc.
Đình làng Đình Bảng được khởi công xây dựng vào năm 1700 và đến năm 1736 mới hoàn thành. Người có ý tưởng ban đầu dựng đình là một vị quan người Đình Bảng tên là Nguyễn Thạc Lương. Ông và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyên cùng người dân trong vùng đã cùng nhau góp công, góp của để xây dựng ngôi đình.
Cũng như nhiều đình làng Việt Nam dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, đình Đình Bảng có kiến trúc bề thế, hòa hợp với thiên nhiên. Đình có mái dài, cao, các góc mái “tàu đao” được làm cong uốn ngược, lớp ngói mũi hài dày bản, rộng khổ.
Tòa đại Đình được dựng trên nền cao có thềm bó bằng đá xanh, mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ bề thế cao 0,7m so với mặt nền, sau hàng cột ngang và mười hàng cột dọc bằng gỗ lim có đường kính từ 0,55m (với cột con) đến 0,65m (với cột mẹ) được kê trên các tảng đá xanh.
Bức Võng của đình phủ kín một diện rộng, kéo dài từ Thượng lương xuống Hạ xà và mở ngang hết một gian. Cửa Võng được chạm lộng kết hợp chạm nổi tinh xảo trên cả 7 lớp, 9 ô các đề tài tứ linh, tứ quí.... phía trên bức cửa Võng là bức trần gỗ che kín mái gian giữa với hình trang trí là một con chim Phượng xoè rộng cánh tới các vầng vân mây quanh đó.
Đại đình hình chữ nhật với độ dài 20m rộng 14m có kết cấu hệ kèo chồng rường và 7 gian 2 trái. Nóc đình cao lên đến 8m với tỷ lệ mặt đứng của phần mái lớn hơn phần thân (mái chiếm 2/3 chiều cao của đình) và tạo nên cảm giác bề thế cho người xem.
Ông Nguyễn Danh Mã – Trưởng ban Quản lý di tích đình Đình Bảng cho biết, hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc rất đa dạng và được chạm trổ tinh vi, chau chuốt, hài hòa. Kết cấu bộ khung đình khá vững chắc được gắn với nhau bằng các loại mộng theo lối chồng giường “Thượng tam, hạ tứ”.
“Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nổi tiếng độc nhất vô nhị. Càng chiêm ngưỡng, càng thêm bị cuốn hút. Bức “Bát mã quần phi” thể hiện sự sống động, thấy được sự phóng khoáng và nét thanh bình của mảnh đất này qua hình ảnh và tư thế của những chú ngựa”- ông Mã thông tin.
Cũng theo ông mã cho biết, kiến trúc đình Đình Bảng có tất cả 28 kiểu chạm khắc bộ long với hàng chục kiểu chạm khắc bộ ly, quy, phương và không 1 bộ nào giống nhau về hình thể cũng như kích cỡ.
Trên 28 chiếc kẻ hiên là 28 đầu rồng, mỗi đầu mang một vẻ riêng và sinh động.
Trước cửa bước vào đình gồm 2 con nghê trong tư thế chầu vào nhau và luôn căng đầy sức sống với vẻ mặt sinh động.
Mái đầu của đình được chạm trổ bằng gỗ cầu kỳ, ngoài những hình rồng còn kết hợp nhiều kiểu chạm khắc khác nhau rất ấn tượng và ly kỳ.
Nên từ xa xưa người dân xứ Kinh Bắc đã lưu truyền hai câu thơ: “Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”. Đình Đông Khang đã bị tàn phá, đình Diềm trước có năm gian hai chái nay chỉ còn ba gian hai chái. Chỉ còn đình Đình Bảng là tương đối nguyên vẹn.
Cũng tại đình làng, nhân dân địa phương thờ Lục Tổ- 6 vị có công lập lại làng vào thế kỷ XV. Sau này khi đền Lý Bát Đế bị thực dân pháp phá năm 1948, nhân dân đã tiếp nhận bài vị của tám vị vua triều Lý về thờ tại đình Đình Bảng.
Đình làng Đình Bảng là nơi hội tụ văn hoá tín ngưỡng, nguyên trước Đình thờ 3 vị nhiên thần: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ Bá đại vương (Thần Nước) và Bạch Lệ đại vương (Thần Trồng Trọt), đây là các vị thần được cư dân nông nghiệp tôn thờ, cầu mong mưa thuận gió hoà cho mùa màng tươi tốt. Hàng năm vào tháng 12 âm lịch nhân dân lại mở hội cầu khẩn cho một năm mùa màng bội thu./.
Tiến Dũng - Văn Giang
Link nội dung:
//revcat.net/dinh-lang-dinh-bang-tuyet-tac-kien-truc-co-gan-300-nam-o-kinh-bac-a11148.html