Khi đến bệnh viện phân loại nhóm máu, chỉ có tôi và Thanh có cùng nhóm máu O với người bị thương, các bạn khác lại không cùng nhóm máu. Vậy nên, chỉ có tôi và Thanh ở lại tiếp tục làm các xét nghiệm thử phản ứng chéo, để đề phòng trường hợp bệnh nhân không thể tiếp thu được máu, gây phản ứng có hại. Sau khi kiểm tra, cuối cùng chỉ có Thanh là có thể cho máu cấp cứu cho nạn nhân.
Người bị thương tên Thường, là một anh bộ đội về phép, để chuẩn bị đi chiến trường B. Anh là cán bộ trung đội, của tiểu đoàn kết nghĩa mang tên Yên Ninh (hai tỉnh kết nghĩa Yên Bái và Ninh Thuận). Anh Thường bị vết thương vào ổ bụng, đã bị cắt đoạn gần một mét ruột, mất nhiều máu, cần được tiếp máu kịp thời...
Điều kiện bệnh viện sơ tán, hầu hết các hầm làm phẫu thuật, chữa bệnh đều đào âm xuống dưới mặt đất, hay đắp tường xung quanh để hạn chế tác bại của bom đạn. Thanh nằm để cho máu, ở trên một cái giường sắt, giữa hầm thùng như thế. Tôi không có thể cho máu, nhưng là bạn bè cùng lớp, tôi ở cùng để động viên bạn, cũng là để học tập thêm các kỹ năng thực hành.
Tôi và Thanh học cùng lớp, cùng trải qua trận bom Mỹ ném xuống Trường y tế Yên Bái năm 1965, được sống sót, nên chúng tôi có cảm tình và quý mến nhau. Hơn nữa, đầu năm 1966, gia đình bạn ấy lại bị bom đánh vào nhà, bố Thanh và em gái cùng bị chết trong một trận bom Vì thế tôi đi đến nhà Thanh trong những lúc đau buồn mất mát ấy nhiều lần, tôi thấu hiểu, động viên an ủi rồi đều thương nhau, không nói bằng lời.
Thêm vào nữa, ngày ấy có phong trào “ba khoan”, tức là: nếu vợ chồng đã lấy nhau thì khoan hãy sinh con, nếu đã yêu nhau thì khoan hãy cưới, và nếu chưa yêu thì khoan hãy yêu!... Chúng tôi còn trẻ, lại đang đi học, vậy nên nhà trường có nội quy: học sinh không được yêu!... Vì lẽ đó, tôi và Thanh dù yêu mến nhau lắm mà không dám ngỏ lời...Sợ nhà trường biết thì không khéo bị kỷ luật, hay đuổi học.
Dòng máu từ tay Thanh chảy đều đều xuống bịch chứa máu. Chiếc bịch máu rung nhè nhẹ, hòa lẫn với thuốc để khỏi làm đông máu. Đôi mắt em khép nhẹ nhàng, mặt bình thản như người đang giấc ngủ chập chờn. Ngồi bên cạnh em, nhìn dòng máu từ cơ thể em chảy ra, mà tôi xót xa khó tả, có lúc như nó nghẹn trong lồng ngực. Ôi ước gì, máu từ tay tôi được san sẻ một phần, để bớt đi một chút nào máu rút ra, từ người thân yêu của tôi đang nằm đây! Thời gian trôi đi, sao mà nó chậm chạp, nặng nề đến thế...
Sau khi chị bác sĩ rút kim và dây chuyền lấy máu xong, chị hỏi Thanh:
- Em có thấy sao không?
- Dạ em không sao chị ạ. Thanh trả lời.
Bác sĩ đưa một cốc sữa vừa pha xong, chị bảo Thanh uống đi và nghỉ ngơi tại chỗ mươi phút.
Một lúc sau, bác sĩ trở lại kiểm tra mạch, huyết áp và tình trạng toàn thân. Mọi chỉ số sức khỏe đảm bảo an toàn, chị dặn dò Thanh về cần tiếp tục nghỉ ngơi hết ngày, ăn uống đầy đủ..
Trên đường về lại nhà trường, con đường đi bộ chỉ hơn hai cây số, nhưng tôi đầy suy nghĩ trong lòng. Nhiều chỗ đồi dốc đường lại hẹp, tôi chỉ dám đưa tay dắt em qua đề phòng khỏi ngã. Ôi ước gì con đường thật vắng vẻ, tôi được ghé vai vào dìu em, hay cõng em để em đỡ mệt mỏi... Mỗi khi tôi giơ tay đón em như thế, tôi chỉ thấy em nhoẻn một nụ cười kín đáo. Trái tim tôi đôi lúc lại dôi lên những nhịp đập bất thường...
Rồi khóa học của chúng tôi cũng kết thúc. Hai chúng tôi mỗi người về một nơi công tác. Chúng tôi lưu luyến hẹn nhau giữ tình yêu đầu đời, động viên nhau chờ một vài năm sau, sẽ tính đến chuyện trăm năm. Thanh về địa phương rồi tình nguyện vào bộ đội, em được phân công vào công tác tại bệnh xá của tỉnh đội.
Ra công tác chưa được một năm, theo Lệnh Tổng động viên, tôi lại cũng vào bộ đội. Sau khi huấn luyện ba tháng trời, cả đơn vị tôi được cho về phép để chuẩn bị đi chiến trường. Gia đình tôi chỉ có một mình tôi là con trai, các chị gái đều đã di lấy chồng. Bố mẹ tôi đều đã ngoài 60, già yếu không có người đỡ đần, chăm lo khi đau yếu...
Tôi đến đơn vị Thanh công tác. Buổi tối hôm ấy chúng tôi thật khó chia sẻ nỗi lòng. Chúng tôi đã đi qua mối tình đầu hai ba năm trời thật thơ mộng, với bao mong ước hạnh phúc ở tương lai...Hiện nay, Thanh cũng mới nhập ngũ chưa quá một năm, em không thể ra quân hay xây dựng gia đình lúc này được... Còn tôi, người lính sắp ra chiến trường, tôi cũng rất cần một người vợ trông nom, săn sóc bố mẹ già sớm tối, có vậy thì mới có thể yên tâm lên đường... Không còn có cách giải quyết nào khác; vì hoàn cảnh của tôi như vậy, chúng tôi đành phải bịn rịn chia tay trong nước mắt!
Tôi trở về, tôi lấy vợ là người cùng đội sản xuất. Vợ tôi là một cô giữ trẻ đã được bố mẹ tôi quý mến. Cô ấy cũng biết tôi đã có người yêu là bạn bè đồng nghiệp...
Khi tôi ngỏ lời, cô ấy bảo tôi:
- Anh có yêu em thật không đấy? Hay là chỉ lấy tạm?
Tôi trả lời:
- Anh chỉ cần em thủy chung son sắt, chăm sóc bố mẹ cho anh. Người lính lấy là lấy thật, ai lấy tạm! Vậy mà, vợ chồng tôi chung sống với nhau đã nửa thế kỷ. Cho đến nay, vợ chồng tôi đã có một đàn con và cháu...
Cô Thanh, người bạn học, mối tình đầu của tôi ngày nào. Sau khi chia tay với tôi, cô đã gắn bó với con đường binh nghiệp, cho đến khi về hưu. Người chồng của Thanh, không ai khác, lại là anh Thường, người lính bị thương mà Thanh đã tiếp máu ngày nào. Vì bị thương lần ấy, không đủ sức khỏe đi chiến trường, anh Thường đã ở lại, làm khung huấn luyện một số năm, rồi sau chuyển lên phòng tham mưu tỉnh đội, đến khi về hưu...
, Gặp mặt các đồng nghiệp cùng học tập nghề y ngày ấy, Mùa Xuân này nhắc lại chuyện đi hiến máu, hai chúng tôi lại rạo rực, nhớ về những kỷ niệm một thời tuổi trẻ.
Viết ngày 02/3/2022.
Theo Trái tim người lính
Đỗ Quang Bình..
Link nội dung: //revcat.net/nho-mot-lan-di-hien-mau-a10959.html