Kỳ 39.
Ngô Đình Nga thở dài nói:
-Phải rồi, thật là quá đáng, giết ông già thì được gì kia chứ? Nhà Mạc đã sụp đổ rồi, còn lo ông già giúp nhà Mạc được sao? Hẳn là Bùi phu nhân vô cùng buồn khổ?
Bùi Văn Khuê thở dài:
-Tình cảnh phu nhân ta thật đáng thương, hai anh trai tử trận khi phòng thủ Đông Kinh, chị là hoàng hậu sau trận chiến năm 1592 mất tích không biết đi đâu, phụ thân và một số cháu bị Nam Triều giết trong ngục.
Phan Ngạn nói:
-Trịnh Tùng quả là tay không biết điều, công lao của ta đem thủy binh về cho Nam Triều chiến thắng ai mà không biết. Sao không nể tình mà tha cho ông già?.
Ba tướng lại uống. Sau khi đặt bát xuống, Phan Ngạn nói nhỏ:
-Bây giờ tại hạ nói điều này không biết nhị vị tướng quân có nghe được không? Không nghe được thì bỏ ngoài tai, coi như tại hạ chưa nói.
Bùi Văn Khuê nói:
-Tướng quân cứ nói, chỗ đồng liêu thân thích với nhau, không ngại.
Phan Ngạn hạ giọng nói nhỏ hơn:
-Nhà Mạc chưa hẳn đã diệt vong, hiện nay còn thế lực của Mạc Kính Cung ở Cao Bằng, ở Dương Kinh có lực lượng bí mật của Bùi thái hậu, mẫu thân của Mạc Mậu Hợp không phải là nhỏ. Quân bản bộ của ba chúng ta cộng lại cũng được ba vạn. Ta khởi sự chống lại Lê-Trịnh, rước Bùi thái hậu, rước Mạc Kính Cung về Đông Kinh lập lại nhà Mạc. Làm như vậy thứ nhất rửa được hận cho Mỹ Quận Công và Bùi phu nhân, thứ hai là ba chúng ta công lao to lớn có thể trở thành Thái tể của nhà Mạc phục hưng.
Ngô Đình Nga nói:
-Kế Quận Công Phan Tướng quân nói chí phải, chỉ còn ý của Mỹ Quận Công thế nào thôi?
Bùi Văn Khuê nói:
-Đa tạ hai tướng quân đã lo nghĩ cho tại hạ. Thôi cũng đành như vậy thôi. Nhưng khởi sự mà muốn thành công thì nên chiếm Đông Kinh hay Dương Kinh trước đây?
Phan Ngạn nói:
-Muốn thắng nhanh và quyết định thì phải chiếm Đông Kinh. Sau đó thì mời Bùi thái hậu và Mạc Kính Cung về lập triều đình thì nhà Mạc được phục hưng.
Ngô Đình Nga nói:
-Hiện nay thời cơ tốt nhất cho ta chiếm Đông Kinh đã có.
Bùi Văn Khuê hỏi:
-Có như thế nào?
Ngô Đình Nga nói:
-Trịnh Tùng đã đem hầu hết quân chủ lực đi đánh chúa Bầu họ Vũ ở Tuyên Quang. Các tướng giỏi như Đinh Văn Tả đang đem quân đi dẹp loạn ở Hải Dương, Kinh Bắc. Hiện nay Đông Kinh chỉ còn quân ngự lâm và một số ít do Trịnh Tráng trông coi mà thôi.
-Tối mai ta hành động, số quân ba vạn ta tập trung ở hướng Nam và Đông. Tốt nhất cho quân bí mật tập kết gần hoàng thành, tại hạ sẽ lừa quân lính mở cổng thành nói là vào gặp Trịnh Tráng có việc gấp. Khi lính mở cổng thành thì tràn vào, ai chống cự thì giết, không được chém giết lan tràn.
Ngô Đình Nga nói:
-Không được giết quân lính đã đầu hàng và bách tính, còn họ hàng nhà Lê, nhà Trịnh giết hết để báo thù cho cố lão tướng quân Nguyễn Quyện.
Ngô Đình Nga nói:
-Giết hết, nhổ cỏ nhổ tận gốc.
Ngô Đình Nga cười ha hả:
-Ha!ha!ha! Năm 1592 kinh đô tắm máu nhà Mạc, bây giờ đến lượt tắm máu hai họ Lê-Trịnh. Ha!ha!ha!
Hoàng hôn ngày tháng 6 trôi dần, Đông Kinh chìm dần trong bóng tối. Bùi Văn Khuê cùng các tùy tướng đi vào cổng hoàng thành phía Nam, nói với lính canh trên mặt thành:
-Mở cổng thành, ta vào gặp thế tử Trịnh Tráng có việc quân khẩn cấp.
-Thứ lỗi, tướng quân trình lệnh bài.
Bùi Văn Khuê rút lệnh bài giơ lên. Người lính canh đi xuống, phút chốc cổng hoàng thành mở toang. Bọn tùy tướng của Bùi Văn Khuê xông vào giết hết lính gác, tiếp theo là 3 vạn quân tràn vào hoàng thành và tử cấm thành. Bách tính sợ hãi đã vào nhà riêng đóng cửa nhưng kinh đô không một bóng người lính Lê -Trịnh. Quân phản loạn cùng Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn, Ngô Đình Nga xông vào cung thất để giết vua Lê Kính Tông, tàn sát thân vương, gia quyến Lê-Trịnh nhưng các cung điện tư dinh đều trống rỗng, không một bóng người, chỉ còn lại những quần áo nhung lụa và đồ gia dụng vứt bừa bộn chất đống, chứng tỏ một cuộc tháo chạy vội vàng không lâu vừa diễn ra.
Phan Ngạn dí gươm vào cổ một tên lính canh giữ hoàng thành còn lại hỏi:
-Nói thật không ta giết, Trịnh Tráng, hoàng tộc và tôn thất Lê-Trịnh đâu?
-Dạ bẩm tướng quân xin tha mạng, từ trưa hôm nay, quân đội và tôn thất Lê-Trịnh đã được Trịnh Tráng đưa xuống thuyền ở Đông Bộ Đầu, còn đi đâu tiểu nhân không biết. Xin tha mạng.
Ngô Đình Nga nói:
-Sao Trịnh Tráng lại biết được kế hoạch của chúng ta nhỉ?
Bùi Văn Khuê nói:
-Trịnh Tráng là tay tổ chức lưới do thám rất giỏi. Có thể trong gia nhân nhà ta có người của Trịnh Tráng.
Phan Ngạn nói:
-Bây giờ cho truy kích được không?
-Có lẽ chúng đi đường thủy, từ sông Nhị Hà ra sông Đáy, ra cửa Vạn An, về Lạch Trường vào Tây Đô. Ta đi bộ đuổi thế nào được.
Phan Ngạn trách:
-Ai bảo tướng quân đem hết thủy binh cho Lê-Trịnh?
Bùi Văn Khuê buồn rầu:
-Đi theo Lê-Trịnh cái mạng sống của mình và gia đình còn trao cho họ, huống hồ là bộ binh, thủy binh.
Ngô Đình Nga nói:
-Dù sao chúng ta cũng đã làm chủ Đông Kinh, việc cấp bách là thành lập triều Mạc. Bây giờ cho đi đón Bùi thái hậu trước hay hoàng thượng Mạc Kính Cung trước?
Bùi Văn Khuê nói:
-Bùi Thái hậu đang bí mật cùng một người con nhỏ của Mạc Mậu Hợp trốn tránh ở Cổ Trai Dương Kinh, đã tổ chức được một lực lượng ngầm rất lớn. Đi đón thái hậu về trước để bà quyết định mọi công việc, sau đó đón Mạc Kính Cung.
Ngô Đình Nga nói:
-Vậy tại hạ đi đón Bùi thái hậu, Mỹ Quận Công và Phan Quận Công ở lại tổ chức nghi lễ triều đình đi.
Ngày hôm sau Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn đang ngồi trong cung Càn Nguyên thì tùy tướng vào báo:
-Dạ bẩm tướng quân, Tướng quân Ngô Đình Nga đã đưa Bùi thái hậu sắp tiến vào cổng phía Nam hoàng thành.
Bùi Văn Khuê nói với Phan Ngạn:
-Chúng ta ra đón Bùi thái hậu.
Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn cùng tùy tùng ra ngoài hoàng thành, thấy Ngô Đình Nga cưỡi ngựa đi trước, phía sau 6 người lính khênh một chiếc kiệu phủ vải vàng có khoảng 300 lính hộ tống. Ngô Đình Nga trông thấy Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn liền xuống ngựa, cho dừng kiệu, mở rèm cửa và kính cẩn mời hoàng thái hậu. Trên kiệu bước xuống một người đàn bà khoảng 36 tuổi, quấn khăn vàng, mặc áo vàng, đi hài vàng đẹp như tiên giáng trần. Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn không xa lạ gì Bùi thái hậu. Đó là người đàn bà có sắc đẹp tuyệt thế và dịu dàng, khéo léo, được vào cung khi 16 tuổi và được Mạc Tuyên Tông hết sức yêu chiều nên sớm trở thành hoàng hậu, lại sớm sinh cho Mạc Tuyên Tông một con trai là thái tử Mạc Mậu Hợp. Năm 1564 Mạc Mậu Hợp mới một tuổi thì Mạc Tuyên Tông qua đời đột ngột. Mạc Mậu Hợp lên ngôi và Bùi hoàng hậu khi đó mới 20 tuổi được tôn là Bùi Thái hậu nhưng bà không phải buông rèm nhiếp chính mà đã có Khiêm Vương Mạc Kính Điển làm thay.
Sự sụp đổ của triều Mạc năm 1592 đã mang lại cho Bùi thái hậu biết bao đau thương cực khổ. Con trai là Thuần Phúc Đế Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị giết, cháu nội là Vũ An Đế Mạc Toàn cũng bị bắt và chung số phận, bà phải đem đứa con nhỏ của Mạc Mậu Hợp trốn tránh bí mật ở làng quê Hải Dương. Dù vậy, Bùi thái hậu không nản lòng, bà bí mật tập hợp lực lượng đợi thời cơ để trung hưng nhà Mạc. Khi Ngô Đình Nga tới đón, bà cho rằng thời cơ đã đến và quyết định đi với Ngô Đình Nga về Đông Kinh. Bùi Văn Khuê trông thấy Bùi thái hậu thầm nghĩ trải qua thời gian bao đau thương gian khổ mà bà vẫn đẹp như cách đây 16 năm. Bùi thái hậu xuống kiệu. Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn vội quỳ hành lễ:
-Thái hậu thiên thiên tuế. Để cho quốc mẫu khó nhọc đó là tội của chúng thần.
Bùi thái hậu nói:
-Miễn lễ, các ái khanh đứng dậy đi. Chiếm lại Đông Kinh và trung hưng nhà Mạc, công lao của các ái khanh thật là to lớn.
Bùi Văn Khuê đáp;
-Dạ không dám, kính mời thái hậu về lại cung xưa của Người.
Vừa vào cung, Bùi thái hậu cho tùy tướng đi báo tin và mời Mạc Kính Cung ở Cao Bằng về. Hôm sau và sau nữa, các quan văn võ của nhà Mạc tản mác các nơi lần lượt tìm về Đông Kinh gần đông đủ. Quân sĩ tản mác các nơi hoặc tân binh mới chiêu mộ cũng về tụ tập đông đến vài vạn người. Trong buổi thiết triều đầu tiên ở cung Càn Nguyên, triều đình tôn Bùi thái hậu là Quốc mẫu, Mạc Kính Cung chính thức lên ngôi hoàng đế niên hiệu Càn Thống, triều đình bá quan văn võ đã được khôi phục và định hình. Mạc Kính Cung nói:
-Khôi phục lại triều đình công lao to lớn thuộc về các tướng quân Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn, Ngô Đình Nga. Nay phong Bùi Văn Khuê làm thái úy, Phan Ngạn làm thái phó, Ngô Đình Nga làm thái bảo
Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn, Ngô Đình Nga quỳ hành lễ:
-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
Mạc Kính Cung nói tiếp:
-Trấn Sơn Nam vẫn là tuyến đầu chống quân Lê -Trịnh, nay cử Bùi Văn Khuê là Tổng trấn, Phan Ngạn là Tư mã đến đó toàn quyền quyết định dân sự và quân sự chống giặc. Ngô Đình Nga là Điện tiền chỉ huy sứ bảo vệ kinh thành.
-Hạ thần tuân chỉ.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-tieu-thuyet-lich-su-ky-39-a10863.html