Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự đồng lòng, quyết tâm vượt khó khăn của đội ngũ nhân viên y tế nêntoàn Ngành đã thực hiện tốt vai trò tuyến đầu chống dịch, xứng đáng với danh hiệu “Lương y như từ mẫu”, nỗ lực phấn đầu cùng hệ thống chính trị từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Y tế Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2022), chúng ta có dịp nhìn lại chặng đường đã qua của y tế Phú Thọ, nhất là phòng chống chống đại dịch CoVid 19 hơn 2 năm qua. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu xây dựng trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch theo 5 cấp độ; với từng cấp độ của dịch, phương án, kịch bản xử trí đều được chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả. Trong năm qua, lực lượng y tế từ tỉnh đến cơ sở đã chiến đấu kiên cường, bền bỉ, thực hiện nhiều nhiệm vụ từ truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị….
Theo đó, ngay khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã triển khai chiến dịch xét nghiệm thần tốc để kịp thời phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Công tác xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh kháng nguyên được duy trì thực hiện thường xuyên tại 100% đơn vị y tế. Cùng với đó, tại 07 đơn vị y tế trên địa bàn đang triển khai 13 máy xét nghiệm RT-PCR với tổng công suất xét nghiệm từ 5.000 mẫu đơn/ngày, có thể đẩy nhanh lên 8.500 mẫu đơn/ngày, đáp ứng được yêu cầu khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Đồng thời, các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được triển khai thần tốc, đảm bảo an toàn, hiệu quả góp phần nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Riêng trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần vừa qua, ngành Y tế đã huy động toàn bộ lực lượng y tế tham gia tiêm chủng với trên 100 nghìn liều vắc xin phòng COVID-19 được tổ chức tiêm cho người dân.Đến nay, Phú Thọ có 98,4% người dân từ 18 tuổi và 96,7% trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Về công tác điều trị người bệnh COVID-19, ngành Y tế đã kích hoạt, vận hành hiệu quả các Bệnh viện Dã chiến cấp tỉnh, huyện; triển khai các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng; thực hiện quản lý, điều trị F0 tại nhà, nơi cư trú (Phú Thọ được ghi nhận là tỉnh đầu tiên ở khu vực phía Bắc thực hiện chủ trương này)...; kịp thời tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 như kít, test, xe cứu thương, trang phục phòng hộ cá nhân, nước sát khuẩn…
Mặc dù công tác y tế tại tỉnh ở nhiều vị trí còn thiếu nhân lực nhưng với tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ vất vả cùng đồng nghiệp cả nước trên tuyến đầu chống dịch, trong năm, Sở Y tế đã cử gần 900 lượt cán bộ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Các anh, các chị - những chiến sĩ áo trắng của Đất Tổ Vua Hùng đã gác lại hạnh phúc riêng tư, tạm xa gia đình, người thân, sẵn sàng lao vào nơi hiểm nguy để chiến đấu với đại dịch. Họ đã quên ngày, quên tháng, quên đi giấc ngủ, quên đi nỗi nhớ người thân, quên đi sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa để chiến đấu một cách kiên cường bằng ý chí, trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm nghề nghiệp với mong muốn cùng chung tay, góp sức, sớm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Đồng lòng với người dân cả nước, dù còn vất vả khó khăn nhưng cán bộ ngành Y Phú Thọ vẫn tích cực tham gia đóng góp vào Quỹ Phòng chống dịch, Quỹ Vắc xin phòng chống dịch gần 4 tỷ đồng và ủng hộ mua thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn gần 1 tỷ đồng.
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng ngành Y tế vẫn kiên trì, nỗ lực triển khai các hoạt động tiêm chủng mở rộng; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng đủ miễn dịch cơ bản đạt 99,5%. Công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm khác được duy trì, kiểm soát hiệu quả.
Những ngày làm việc xuyên đêm xét nghiệm, xuyên đêm tiêm chủng, truy vết đầy khó khăn, vất vả nhưng là khoảng thời gian đẹp nhất trong mỗi cán bộ y tế khi họ được sống, làm việc, chiến đấu vì hạnh phúc và bình yên của Nhân dân. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, những nhân viên y tế từ lãnh đạo đến đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, cán bộ y tế dự phòng đều chung một ý chí, họ đã sống đúng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”.
Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, công tác khám chữa bệnh tại tất cả các tuyến tiếp tục có những bước phát triển mới; nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn, nâng cao tính năng động, sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho Nhân dân. Trong năm 2021, tổng số lượt khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế trong tỉnh là 1.258.268 lượt, bằng 101,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã tích cực, chủ động, quyết liệt ứng dụng Công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện các hoạt động; đặc biệt một số cơ sở KCB đã triển khai thành công Bệnh án điện tử. Có 05 cơ sở KCB hạng I đang hợp tác cùng Viện nghiên cứu dữ liệu lớn (BigData) thuộc tập đoàn VinGroup triển khai ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế. Đến nay, các cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện đã thực hiện thành công 100% kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến của Bộ Y tế; các cơ sở KCB tuyến huyện thực hiện được 15-25% kỹ thuật vượt tuyến; Bệnh viện đa khoa tỉnh đã thực hiện được trên 50% kỹ thuật vượt tuyến, trong đó có những kỹ thuật hạng đặc biệt. Chất lượng cung ứng dịch vụ, năng lực chuyên môn được nâng cao, thái độ phục vụ chuyên nghiệp, người dân ngày càng tin tưởng vào hệ thống KCB của tỉnh; tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn dưới 1%. Phú Thọ được Bộ Y tế đánh giá là một trong các tỉnh có tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên thấp nhất cả nước.
Nhằm chủ động trong phòng ngừa lây lan dịch COVID-19, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện đã chủ động tham gia Đề án KCB từ xa của Bộ Y tế (Đề án Telehealth), giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế chuyển tuyến; triển khai các công cụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; xây dựng hệ thống giao ban trực tuyến ... từ đó góp phần tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, tất cả các đơn vị đã ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin, số hóa ngành Y tế theo lộ trình Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt
Nhờ những giải pháp đồng bộ, đến nay, mặc dù dịch bệnh có những diễn biến rất phức tạp, song các chỉ tiêu tổng quát về sức khoẻ của người dân Phú Thọ đạt mức cao so với các địa phương trong khu vực Trung du - Miền núi phía Bắc. Hệ thống y tế trong toàn tỉnh được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; tỷ lệ giường bệnh viện đạt 47 giường trên 01 vạn dân; chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao được nâng lên (có 14,2 bác sĩ trên 01 vạn dân); tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91%, đã có 99% người dân trên toàn tỉnh được khởi tạo Hồ sơ sức khỏe điện tử; tuổi thọ trung bình của người dân tỉnh Phú Thọ đạt 74 tuổi ...
Những kết quả đạt được của Ngành Y tế trong năm qua đã đáp ứng được mong muốn của Nhân dân; được Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, biểu dương; đó là phần thưởng cao quý nhất dành cho những người thầy thuốc đang ngày đêm tận tâm cống hiến.
Bước sang năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, ngành Y tế Phú Thọ tiếp tục tiến trình thực hiện đổi mới mạnh mẽ và toàn diện để nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tự hào về những truyền thống vẻ vang của ngành Y, ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người thầy thuốc; dù nhiệm vụ còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ trong toàn Ngành sẽ quyết tâm đoàn kết, nỗ lực vượt qua để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đình Thơm - Huyền Trang
Link nội dung: //revcat.net/ky-niem-67-nam-ngay-thau-thuoc-viet-nam-272-phu-tho-luong-y-nhu-tu-mau-a10860.html