Giải phóng miền Nam, niềm vui sướng trong hòa bình chưa được bao lâu thì lại rộ lên chiến tranh Biên giới Tây Nam. Bọn Pol Pot lật lọng, làm phản, nghe xúi giục của bọn phương Bắc, ngang nhiên đem quân tàn sát vùng Biên giới Tây Nam nước nhà.
Máu đồng bào ta lại đổ trên khắp dải Biên cương Tây Nam Tổ quốc dưới bàn tay man rợ của bọn bất lương, không còn nhân tính, mặt người, tính thú.
Anh chị cưới nhau chưa đầy nửa năm thì anh lên đường nhập ngũ. Duyên bén chưa sâu, chưa con cái gì, mà chị đã phải ngậm ngùi tiễn anh lên đường ra trận. Đận ấy, anh đi không hẹn trước ngày về. Chị mỏi mòn trông đợi, ngóng chồng. Ai ngờ đận ấy anh đi, rồi anh ra đi mãi mãi! Khi báo tử anh, bị gục ngã, tưởng khó gượng dậy!
Thời gian trôi dần, đau thương, nhớ nhung vợi bớt, chị xin phép gia đình chồng về ở với bố mẹ đẻ. Bố mẹ chị, dân quê, chân chất cả đời vất vả đồng áng, tần tảo nuôi ba người con gái, chị em chỉ có một bề. Chị lại là con cả.
Khi chị quay về, ba chị em lại quây quần, động viên, rau cháo nuôi nhau, phụng dưỡng bố mẹ già. Hai em chị lớn lên lần lượt đi lấy chồng, ở bên nhà chồng. Cũng may chúng đều lấy chồng gần, nên vợ chồng, con cái chúng nó sau này vẫn thường xuyên đến thăm chị và ông bà. Chị một mình ở lại nhà chăm nom bố mẹ già, tần tảo ruộng vườn, chợ búa kiếm ăn. Người nhà quê, nông thôn kiếm ăn vất vả sớm hôm, mà chẳng thể khá lên được. Chị cần mẫn, chịu thương, chịu khó, tính nết hiền lành, ai cũng thương, cũng quý. Chị lại là vợ Liệt sỹ nên mọi người càng thông cảm cho chị hơn!
Chẳng hiểu làm sao, chị chưa có con cái gì mà không chịu đi bước nữa, kể cả khi bố chị đã yên nghỉ dưới suối vàng, chỉ còn lại mẹ già!
Khi đó ở quê cũng có một số chị em quá lứa, nhỡ thì, đành chấp nhận ở vậy, không đi lấy chồng. Nhưng nhu cầu có con của họ là chính đáng, nên có một số người đã xin những người đàn ông giấu mặt để có đứa con, có tình máu mủ, làm chỗ dựa khi về già. Cũng đúng và hoàn toàn thông cảm với họ, để những người đàn ông kia không xáo trộn gia đình đang yên ấm. Sau này họ có nhận bố, con hay không thì tùy theo từng hoàn cảnh!
Chị cũng tính chuyện làm theo họ.
- Nhưng tìm ai để mà xin!
- Mà không biết khi đặt vấn đề đó ra họ có thông cảm giúp đỡ không!?
- Nếu họ đồng ý thì không sao!
- Họ mà từ chối thì xấu hổ lắm!
- Đàn ông có phải ai cũng muốn có con ngoài hôn thú đâu!
- Nhất là với những người không giữ mồm, giữ miệng, cứ bô bô khoe ra lấy oai thì chẳng biết chui vào đâu được!
Chị suy nghĩ, chị đắn đo, chị trăn trở, chị dằn vặt.
Chị là vợ liệt sỹ, có trợ cấp hàng tháng hẳn hoi. Chắc chị nghĩ nếu đi lấy chồng thì người ta sẽ cắt trợ cấp vợ liệt sỹ, nên chị quyêt định ở vậy thờ chồng!
Nhu cầu có đứa con để nương tựa sau này đối với chị là chính đáng, là cấp thiết.
Theo trào lưu, chị cũng có nhu cầu. Ủng hộ suy nghĩ ấy của chị.
Chị hiền lành thật thà, cho nên chị có suy nghĩ khác. Chị nghe người ta nói "thóc đâu mà đãi gà rừng", "mía ngọt đánh cả cụm", "máu mủ ruột rà vẫn hơn, v, v và v, v,...
Thế là chị quyết định đặt vấn đề xin đứa em rể một đứa con!
Chú em rể không ngần ngại, chỉ chờ có thế, nhiệt tình giúp đỡ chị vợ luôn. Đó cũng là ý nghĩ tốt, mọi người đừng nghĩ sai mà oan cho họ, phủ nhận lòng tốt của cậu em!
Sự nhiệt tình của chú em rể, kết hợp với mạ già, ruộng ngấu tạo lên thành quả không thể mỹ mãn hơn!
Chị đã có một đứa con trai khỏe mạnh, khôi ngô, tuấn tú. Cháu lớn lên trong vòng tay ấm êm của mẹ, của bà. Cháu được mẹ chăm chút, ăn học tử tế, cháu ngoan ngoãn, cháu cũng chịu thương, chịu khó giống như mẹ và ông bà ngoại.
Bây giờ cháu cũng đã lớn khôn, chị dựng vợ cho cháu. Vợ chồng cháu cũng đã có hai cháu nhỏ để chị trở thành bà nội thực thụ. Mừng cho chị, mừng cho các cháu và gia đình!
Chị không có lỗi, có chăng người đời suy nghĩ khác chị, dèm pha, dè bỉu làm khổ chị mà thôi!
Mà ngày xưa, chế độ đa thê, nhiều người chẳng lấy cả hai chị em ruột làm vợ đó thôi.
Đây chị chỉ có nhu cầu xin đứa em rể một đứa con thôi mà!
Cô em có chồng giúp đỡ chị cũng nên thông cảm và bỏ quá cho chị.
Một điều rất may cho chị và nhiều chị em đơn thân có nhu cầu sinh con là trong số họ, có đa số sinh được con trai. Đó cũng là cái tự nhiên và đúng theo phân tích sự hưng phấn trong sinh hoạt tình dục của các nhà Sinh vật học.
Sự mất mát do chiến tranh mang lại, sự tàn khốc và hậu quả của chiến tranh với dân tộc ta là rất lớn và lâu dài, không chỉ với những người lính, những người dân trong vùng chiến sự, mà cả với gia đình, người thân của họ.
Nhất là những người vợ lính có chồng hy sinh thì đau khổ, mất mát còn nặng nề hơn, dai dẳng hơn!
Chúng ta thông cảm và động viên họ!
Trái tim người lính
Phạm Tuấn Giáo
Link nội dung: //revcat.net/vo-linh-a10764.html