Về lại Việt Nam
Buổi sáng đầu tiên cùng chú em Nguyễn Tiến Hưng đi bộ, tập thể thao quanh công viên Thống Nhất.
Thấy tôi đi xăm xăm về hướng 1 cái ghế đá và bảo chụp cho chị kiểu ảnh, thì Hưng nói:
- Chị ra góc này nhiều cảnh đẹp hơn. Cái ghế ấy có gì mà chụp.
- Không. Em cứ chụp cho chị đi. Chị không cần cảnh đẹp. Em hãy chụp theo ý thích của chị.
Hưng đâu biết, những nơi tôi muốn chụp những tấm ảnh này là những nơi đã lưu giữ một kỷ niệm thời ấu thơ của mình..
Đó là vào năm 1962...
Khi ấy bố tôi làm ở phòng chuyên gia của bộ Nông Trường Quốc Doanh ở số 6 Nguyễn Công Trứ.
Thời ấy các chuyên gia của Trung Quốc và Liên Xô sang giúp Việt Nam về nông nghiệp, về nông trường, làm việc ở bộ Nông Trường. Họ sống ở khu tập thể Kim Liên.
Thế nên thời đó trẻ con hay hát :
"Ông Liên Xô, bà Trung Quốc.
Ông đi guốc, bà đi giầy.
Ông nhẩy dây, bà đá bóng..."
Hàng ngày họ đi từ khu Kim Liên đến số 6 Nguyễn Công Trứ làm việc . Trong ký ức của tôi vẫn nguyên vẹn hình ảnh bà Tây mặc váy đầm màu xanh da trời đi đôi xăng đan cao gót giẫm lạo xạo trên sân rải sỏi vụn của cơ quan bộ. Rồi hương vị của mùi bánh kem trứng mà bà và các ông Tây hay cho bọn trẻ chúng tôi.
Hồi đó nhà mới có 3 anh em, đứa học mẫu giáo, 2 đứa học lớp phổ thông ở bên khu Kim Liên.
Hàng ngày xe ô tô cơ quan bộ đến đưa đón các chuyên gia đi về .
Sáng nào bố tôi cũng gửi 3 anh em theo xe sang khu Kim Liên học. Trưa, khi xe đưa các chuyên gia về nghỉ thì chú lái xe lại chở 3 anh em về cơ quan - nhà của chúng tôi ở đó.
Hôm ấy, các anh được nghỉ học sớm.
Hai anh sang xin cô mẫu giáo cho con em về cùng.
Không chờ chú lái xe. Ba anh em đi tắt công viên Thống Nhất để về Nguyễn Công Trứ.
Vào công viên, thấy hoa lá cỏ cây đẹp quá (chứ không xơ xác như bây giờ), lại có mấy đứa trẻ đi bán lạc rang dạo... Thế là cả ba anh em la cà chơi trong công viên...
Hồ nước mênh mông (hồi đó nước đầy mấp mé bờ chứ không cạn để phải xây gờ đá như bây giờ), con em mải chạy lên cầu để sang đảo Thống Nhất. Chẳng may quá đà, con em 3 tuổi lăn tòm xuống nước. Thằng anh 8 tuổi lao xuống cứu em. Nhưng vì hồ sâu, thằng anh cũng chìm nốt. Thằng anh lớn nhất 10 tuổi nhảy xuống tiếp cứu 2 em. Nhưng có lẽ nó không hơn gì thằng em nên cả 3 anh em đều chìm nghỉm.
May sao, có một chú ngồi đọc báo trên chiếc ghế đá cạnh hồ. Thấy thế bèn lao xuống. Cũng may là hồ yên ả, không có sóng, chú mò mẫm túm được cả ba đứa lên bờ.
Sự việc nhanh như chớp, nên cả 3 anh em được 3 bụng nước no chứ chưa bị ngạt (may mà hồi ấy nước hồ chưa bị ô nhiễm như bây giờ).
Lên được bờ rồi.
Cả 4 chú cháu ướt nhoẹt. Giờ tính sao ?
Chú thì không nói làm gì.
Còn các cháu, giờ mà về thì tan xác pháo vì tội không đợi xe. Chắc thằng lớn phải ăn đòn nhiều nhất!
Thế là chú bày cho cách:
Ba anh em lột hết quần áo phơi ra ghế đá. Vào gốc cây Cọ mà ngồi trú nắng. Khi nào quần áo khô thì mặc vào rồi mới về nhà.
Ba anh em dạ dạ vâng vâng xong thì chú đi về thay quần áo.
Tôi là đứa bé nhất nên được các anh cho ngồi im ở gốc Cọ. Còn 2 anh thay nhau ra lật giở áo quần cho nhanh khô để còn về trước giờ xe đón, kịp giờ cơm trưa của mẹ.
Nhớ mãi hình ảnh anh thứ 2, trần truồng chạy ra ghế đá lật quần áo, theo thói quen ghé đít vào ghế, bỗng nhảy tưng tưng vì cái nóng của nắng trưa om cho mặt ghế thành cái chảo rang ...
60 năm qua rồi.
Nơi tôi ngã xuống hồ, giờ đã xây thêm gờ đi dạo
Ghế đá năm xưa đã thay bằng ghế đá có cái tựa lưng.
Nơi gốc cọ già thì thành hòn non bộ
Và các anh tôi,
Người đang ôm giữ buồn vui...
Người đã rong chơi nơi cõi vĩnh hằng
Ơi kỷ niệm của một thời xa ngái!
Đào Như Lý
Link nội dung: //revcat.net/ve-voi-ky-niem-xua-a10637.html