Để cho toàn dân biết Tổ quốc đang lâm nguy cũng như có cơ hội thể hiện ý chí quyết tâm và hiến kế chống giặc ngoại xâm, tháng chạp năm Giáp Thân 1284 Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã cho mời các bô lão toàn quốc đến điện Diên Hồng trong hoàng thành Thăng Long để trưng cầu ý kiến chống giặc. Đây là sự kiện đầu tiên và duy nhất một chế độ phong kiến tập quyền ở Việt Nam đã thực hiện cuộc trưng cầu dân ý, một thiết chế thể hiện tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân, từ đó tập hợp được lực lượng, sự đoàn kết và nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến chống xâm lược. Quả nhiên chỉ sau 6 tháng từ tháng chạp năm Giáp Thân 1284 đến tháng 6 năm Ất Dậu 1285 quân dân nhà Trần đã đánh bại quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ nhất bằng các trận thắng oanh liệt: Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ, Tây Kết, Vạn Kiếp... và năm 1287 đánh bại quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 2 bằng các trận thắng Vân Đồn, Bạch Đằng...tổng cộng 2 lần quân Nguyên xâm lược, vua tôi và nhân dân nhà Trần đã đánh lui và tiêu diệt khoảng 50 vạn quân Nguyên.
Hội nghị Diên Hồng đã là biểu tượng cao đẹp về tinh thần đoàn kết toàn dân chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam cho đến ngày nay. Năm 1944 để cổ vũ tinh thần kháng chiến chống thực dân Pháp, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (sinh năm 1921) đã sáng tác bài Hội nghị Diên Hồng đầy hào khí, nhắc lại tấm gương anh dũng kiên cường của người xưa.
Trước sự phản bội của Trung Quốc, ngày 05.3.1979 Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ra lệnh tổng động viên trong cả nước, nội dung như sau:
TỔNG ĐỘNG VIÊN TRONG CẢ NƯỚC ĐỂ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ĐÁNH THẮNG HOÀN TOÀN CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA BỌN BÀNH TRƯỚNG VÀ BÁ QUYỀN TRUNG QUỐC.
Lệnh tổng động viên này đã chỉ đích danh bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc, đồng thời thể hiện quyết tâm của toàn dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Thực hiện lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, toàn dân Việt Nam, trong đó có giới VHNT đã lên đường. Từ 1979, nhiều ca khúc khí thế ngút trời, hình tượng Diên Hồng lại được nhạc sĩ Lưu Hưu Phước tái hiện, các ca khúc tiêu biểu này đã chỉ đích danh bọn bá quyền Trung Quốc như các bài: Ý chí Diên Hồng - nhạc và lời Lưu Hữu Phước, Giặc đến nhà trẻ già phải đánh - nhạc và lời của Đỗ Nhuận, Việt Nam ơi ta quyết chiến quyết thắng - nhạc và lời của Huy Du, Trút căm thù lên đầu súng - nhạc và lời Lương Ngọc Trác, Cả nước một lòng bảo vệ Tổ quốc - nhạc và lời Văn Ký, Hãy cho tôi lên đường - nhạc và lời Hoàng Hiệp, Vào trận này - nhạc Doãn Nho, lời Phác Văn, Tổ quốc lại gọi ta - nhạc và lời Huy Thục. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hơn 40 năm đã trôi qua, những ca khúc này vẫn đang đi cùng năm tháng, gợi lại cho toàn dân Việt Nam nhớ tới một giai đoạn lịch sử bi tráng và hào hùng./.
Phan Đông Viên
Link nội dung: //revcat.net/y-chi-dien-hong-a10630.html