Thày Hảo, tên đầy đủ Ngô Ngọc Hảo, là giáo viên chủ nhiệm của lớp trong hai năm. Nhất là năm cuối, khi lớp đã đổi thành 10A. Ngẫu nhiên là, tên thày với tên cô Hòa chủ nhiệm trước hợp lại thành một cặp đôi rất đẹp – Hòa Hảo. Rõ điềm hay. Vả lại, không có chủ nhiệm lớp thì gay, chẳng hạn, lấy ai lên hồ sơ, phê học bạ cho cả lũ chúng tôi chứ.
Khi thày mới về, trong lớp có nhiều ý kiến trái chiều lắm. Vân, người được “chỉ định” làm lớp trưởng mới, thay Muôn sang trường chuyên toán, thì chả có ý kiến gì. Vả, đã biết gì mà ý với chả kiến. Song bọn cán bộ cũ, nói đúng hơn là cái Thục với thằng Muôn, thì mừng ra mặt. Chẳng hạn, có thày, nghĩa là chúng nó không phải gánh cái của nợ “chủ nhiệm lớp” hờ, quyền rơm, vạ đá. Không ai bầu mà cũng chả có lương. Mà ngộ nhỡ, lớp có chuyện gì thì đi đứt. Vì nó với thằng Muôn đã ngấm cái vạ, làm quần quật không hết việc.
Phải phân công đứa nọ việc kia, mà có phải lúc nào chúng nó cũng thèm nghe cho đâu. Lại còn xích mích, cãi cọ, giận hờn nữa. Nói nặng đâu được, phải to nhỏ dỗ dành. Có đứa ỉa không ra cũng đến tay. Mà lũ bạn học đâu phải không có đứa cứng đầu. Cái danh lớp trưởng với bí thư chi đoàn đâu đủ khiến chúng tâm phục khẩu phục. Thế là, phải cầu cứu, phải vái tứ phương, từ ban giám hiệu, đến các thày công tác đoàn chuyên trách. Vả, sự đời đâu có ngon lành. Cứ cái vụ mổ lợn chui thì biết. Chính quyền thôn xóm thì bảo cứ mổ đi. Con lợn bé tí. Song chính sách thì không được. Trong lớp, mỗi đứa một ý. Thày chủ nhiệm với cán bộ lớp va vấp lung tung. Búi xùi xùi.
Đấy là khi thày mới chân ướt chân ráo tiếp quản lớp. Không biết rằng cái lớp dở hơi này tự quản đã quen. Tự quản là gì. Việc này phải hỏi thêm Dương Vân, người “có thâm niên tới 39 năm 7 tháng trong ngành giáo dục và đứng lớp liền tù tì.” Theo nó, mọi hoạt động của giáo viên chủ nhiệm phải tuân theo kế hoạch chung của nhà trường. Giáo viên nhận kế hoạch từ trên trường. Không có giáo viên thì bọn cán bộ lớp, đoàn, Thục Muôn lên nhận việc thay. Oai.
Song mệt là cái khâu triển khai. Không có thày cô chủ trì, chúng nó phải đứng ra phổ biến công việc, rồi tự chia nhau ra mà làm. Thế nên, như đã nói, để tự quản được, thì làm cái nợ gì cũng phải bàn. Mà phải bàn đâu ra đấy đã. Lớp trưởng, bí thư bàn với các tổ trưởng, tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó lại bàn với anh chị em trong tổ. Đại loại thế. Không í à, chúng nó ì ra, không làm. Cóc sợ. Hoặc cãi giả ngay. Như chém chả. Ngay tôi, tiếng là tổ trưởng song cũng lí sự cùn thật lực, cãi phăng. Chưa tâm phục khẩu phục, chưa nghe. Có một học kì, học kì đầu của lớp chín, mà sao dài thế. Tưởng đến mấy năm. Cứ cái việc Mả Việt cự cãi với lớp trưởng Muôn Từ quanh cái sự mổ lợn chui mà suy ra. Thoát được cái này thì nhẹ gánh quá, mọi sự kệ thày, đã có thày. Khổ nỗi, đâu dễ.
Còn thày Hảo thì, như với các lớp đã qua, quen với cái sự giao việc cụ thể cho từng đứa. Thày tín nhiệm riêng đấy nhé. Oai chưa. Sau cú vấp ban đầu, thày rút kinh nghiệm nhanh lắm. Tôi nhớ, trước khi sang bên Bình Minh, bấy giờ thuộc huyện Thanh Oai, Hà Tây, lớp có định họp với dân một buổi. Chả ai đến. Thế là ngồi tán gẫu với nhau. Loay hoay thế nào, lại sang kể chuyện các chủ nhà nơi ở trọ. Đứa bảo nhà mình thế nọ. Đứa chê nhà mình thế kia. Thày “hiền lành” ngồi im, lặng nghe chúng phát vong mạng.
Việc chuyển cư không xong, đến lúc trở lại chốn xưa, nghe các vị chủ nhà nói, chỉ có mỗi anh ấy, chị kia, còn đều nói xấu chủ nhà suốt lượt. Ê quá, biết dấu mặt vào đâu. Té ra, đồng ruộng là cả một diễn đàn. Nhỏ to rúc rích suốt ngày, gì chả biết. Tất tật. Lúc ấy thày mới từ từ khyên nhủ, uốn nắn. Cả lớp bắt đầu nhìn thày Hảo với con mắt khác. Đâu dám “ngỗ ngược” nữa. Chịu thày.
Cũng phải nói về chuyện dậy học của thày. Bộ môn sinh học có hai người, cô Hồng và thày. Khi về làm chủ nhiệm lớp, thày trực tiếp dậy chúng tôi. Cũng như nhiều môn học khác, bài giảng của thày là những tập sách riêng, không phải giáo khoa, mà in trong những tập giấy mỏng tang. Hình như lúc đó, chương trình giáo dục miền Bắc đang cải cách. Cách dậy của thày có cái giống cô Hòa. Nhàn nhã, thủng thẳng, mà khúc triết. Song lại tưng tửng, có cái hấp dẫn khó cưỡng. Hết tiết lúc nào chả hay.
Thày dậy theo giáo trình mới, còn chúng tôi nào được phát tài liệu, chỉ còn cách lia lịa chép từng câu. Cách dậy, cách học ấy, đến khi vào đại học vẫn y vậy. Thày bảo, thày truyền đạt cho chúng tôi một học thuyết mới toanh. Của các nhà sinh học Liên Xô nổi tiếng thông thái, Michurin và Lyshenko. Ấy nhưng, qua thày lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận với những khái niệm lạ lẫm, sau mới biết là lấy trong học thuyết của Mendel, cha đẻ thực sự của di truyền học hiện đại. Những thuật ngữ, như gen, di truyền, biến dị, acide desoxynuleic hay ADN (bây giờ thường viết tắt theo kiểu Ăng lê, là DNA), và acide ribonucleic hay ARN (hoặc RNA), được vỡ ruột cho lũ chúng tôi từ ấy.
Có thày, bắt đầu có chuyện tuyển chọn và bồi dưỡng cái gọi là nhân tài. Thằng Muôn được sang trường chuyên, chính là dưới “triều đại” của thày. Không chỉ thế, thằng Chính với thằng Giang cũng một lần được chọn đi thi học sinh năng khiếu về sinh học. Giang nói, chúng nó thi phọt phẹt lắm, chả cơm cháo gì. Song Muôn bảo, cũng có giải đấy. Bằng cớ là một cuốn sổ tay, phần thưởng của Chính. Thằng này đã đem cuốn sổ tặng lớp trưởng Muôn. Đến giờ Muôn còn giữ. Dù đã nát bươm.
Hồi sơ tán, thày trọ ở nhà ai không rõ. Chỉ biết là ngay sau nhà chị Diệp, nơi cư ngụ của bộ ba Mai – Thu – Thanh. Một hôm, Mai bị thày gọi sang. Hoảng quá, nhắc nhở riêng chăng. Đứa nào chả có chuyện. Con gái thì không có bắn chim, bắt cá hay trộm mía rồi. Song, thiếu gì trò. Té ra thày nhờ vá giùm cái áo, chiếc áo pi gia ma cũ, thường mặc. Thế là cả ba xúm vào, đứa làm, đứa “tư vấn.” Suốt chiều rồi cũng xong. Nó bảo, thày hạ một câu, được. Nhưng lại thêm, mũi khâu chưa đều lắm. Thở phào. Thoát.
Nhà thày ở phố Lê Phụng Hiểu, con phố đầy cây xanh, mát rượi, ngay gần vườn hoa Con Cóc và đầu phố là cái khách sạn Metropole nổi tiếng. Đó là khu nhà số 1, ban đầu là tập thể của bộ Tài chính. Chúng nó bảo, có lẽ vợ thày làm ở đấy. Tôi đã đến vài lần. Tiếp tôi, thày vẫn mặc cái pi gia ma, y như hồi trong nhà dân, bên Kim Nỗ. Mấy thằng nữa cũng có qua lại, kể cả bọn học nước ngoài về. Rồi bỗng chẳng thấy bóng dáng thày đâu nữa. Biệt tăm.
Hồi mới đến, cả lũ nhìn thày với con mắt dè chừng. Không biết vì còn lưu luyến cô Hòa, vì quen thói tự do, vô sừng vô sẹo rồi, hay còn vì một lí do nào đó khác. Mãi sau, nói đúng hơn tận giờ, chợt ngộ ra. Nếu không có thày, chúng tôi đã đi đứt. Không phải chỉ vì chuyện hồ sơ với học bạ đâu. Thực tế, dù thằng Muôn, cái Thục và cả lũ chúng tôi có ngoan ngoãn, tài giỏi và cố gắng đến mấy thì lớp vẫn nhất định sẽ bị chia nhỏ ra, phân vào các lớp khác. Không có giáo viên chủ nhiệm, tan đàn xẻ nghé là cái chắc. Làm gì còn lớp 10A nữa mà kỉ với chả niệm.
Hồi cấp II, từng chẳng có một tiền lệ như thế là gì. Đâu như với lớp của cô Trâm. Còn nhớ không, cô Trâm dạy văn, người đã dám yêu, dám lấy một người lính, một nhà văn tài hoa và bất hạnh, bị đóng sống cho cái tội giời ơi to đùng, Nhân văn giai phẩm. Sau mới biết, lớp tan là khi cô đổ bệnh, ốm dài. Quá khổ đau. Lớp chúng mình tất sẽ như vậy, nếu không có ông thày từ trên trời rơi xuống, thày Hảo. Với lớp chúng mình hồi ấy, quả thực thày là một vị cứu tinh.
Cũng phải nói cho rõ chuyện Dương Vân, một thằng lắm đứa nghĩ chẳng là gì so với những quái kiệt như Minh hay Quang. Vân đột nhiên được chọn làm lớp trưởng. Cũng không bầu. Hồi đó, có ít nhiều xôn xao. Từng có lời đồn, rằng sở dĩ nó được giữ chân lớp trưởng “khóa đuôi” vì là cháu thày Hảo. Bằng cớ là, nó có cái mũi như mỏ con vẹt, đứng cạnh thày nom như ông Hảo con.
Mới đây có dịp, tôi nửa thật nửa đùa đem chuyện này ra hỏi. Vân cáu lắm, chúng mày chả biết cái quái gì. Rồi nó cho hay, thày là cán bộ trên Bộ, tức bộ Giáo dục gọi tắt, được biệt phái về trường. Không hiểu vì lí do gì. Còn lúc đến nhà không gặp, theo nó, ấy là vì ngày ấy thày đã đi B. Cách gọi những người đi công tác miền Nam khi đó.
Ra thế. Thày đến với lớp chúng tôi phải chăng là một bước đệm, bước chuẩn bị cho chuyến đi xa. Cuộc chiến còn dài, chúng tôi nào biết, ấy là lúc thày đang âm thầm chuẩn bị cho một sự nghiệp đầy gian khó, truân chuyên. Không biết bao năm tháng nữa mới thành. Thày như vệt sao băng, hay ngôi sao chổi năm nao, lướt qua cuộc đời chúng tôi. Rồi lại chợt biến đi, vào nơi vô định.
Trái Tim Người Lính
Trịnh Xuân Tiến
Link nội dung: //revcat.net/thay-hao-a10596.html