Làng Len nằm sát với chân của dãy Trường Sơn. Cả làng trước đây chừng đìu hiu với hơn ba chục nóc nhà, nhưng từ khi đường Hồ Chí Minh được xây dựng để trở thành một tuyến huyết mạch nối liền Nam - Bắc, đặc biệt là hướng đi từ các tỉnh Tây Nguyên xuống TP Dà Nẵng và ra các tỉnh Bắc Miền Trung và ngược lại trở nên thuận tiện hơn, thì đã trở nên đông vui.
Có con đường, việc lưu thông hàng hóa trở nên dễ dàng, nhu yếu phẩm ngược lên vùng cao, nông sản, dược liệu thô và các mặt hàng khác cũng theo chiều ngược lại.
Lão Mộc, một người dành cả đời làm nghề gác rừng, nhìn con đường được mở với cả nụ cười lẫn ánh mắt đầy lo lắng.
Làm nghề giữ rừng bao nhiêu năm, lão hiểu rõ khi con đường được mở đồng nghĩa với việc vận chuyển gỗ trở nên dễ dàng, nhanh và thuận lợi. Điều đó khiến cho bọn lâm tặc sẽ hoạt động mạnh hơn, bọn con buôn, đầu nậu nhiều và các khu rừng nguyên sinh sẽ còn lại mỗi ngày ít hơn!
Nhà Lão Mộc ở cuối ngôi làng và tiếp giáp với lối đi vào cửa rừng. Thời trai trẻ của lão gắn liền với việc lội rừng, đếm cây và đuổi bọn lâm tặc nên tuổi xuân của lão chỉ gắn với những cánh rừng như: Đồi Chò Đá, Chò Chỉ hoặc rừng Pơ Mu...v.v.., nên mãi đến hơn 40 tuổi lão mới cưới được vợ cũng là một người người phụ nữ lỡ thì làm chị nuôi cho lâm trường.
Cuộc hôn nhân muộn màng cũng kịp mang lại cho hai vợ chồng một cô con gái, hạnh phúc cũng nở hoa ngay phía dưới tán rừng!
Cứ tưởng với bao nhiêu công sức chăm bẵm giữ rừng, giữ đất với một đời thanh liêm không thỏa hiệp với cái xấu, Lão Mộc đã hưởng được cái hạnh phúc trọn vẹn theo thuyết nhân quả. Thế nhưng, một buổi chiều mưa phùn của những ngày giáp tết, lão nhận được tin sét đánh là vợ bị chết do trượt chân và té ngã ở đỉnh Dốc Dài xuống Khe Ma sau khi đi chợ huyện về.
Tay chân lão rụng rời khi nhìn đứa con gái còn nhỏ đang chờ mẹ về với lời hứa mua cho bộ đồ mặc tết, mua cho hộp mứt và chai nước ngọt. Vậy mà...!
Gửi đứa con gái cho thầy giáo Thành, Lão Mộc phi nhanh ra Dốc Dài, lúc này có rất đông người đang ở đó và cả công an đang khám nghiệm hiện trường.
Nhìn thi thể vợ, nhìn hiện trường nơi vợ té ngã và lão cứ thắc mắc trong đầu; sao vợ lão lại tự dưng bước ra rìa mép đá để rồi rơi xuống Khe Ma? Tại sao chiếc gùi cõng hàng lại được đặt ngay chỗ đất bằng hướng xuống phía Khe Ma mà không phải là một gờ đất cao để dễ mang vào khi di chuyển? Nếu vợ lão đi vệ sinh, thì chiếc gùi phải được đặt phía bên bờ cao chứ không ai đặt phía mảnh đất bằng phía khe núi. Và chẳng ai, kể cả cánh đàn ông đủ can đảm bước ra rìa mép dốc để nhìn xuống Khe Ma nữa là vợ lão. Có rất nhiều điều quay cuồng, có rất nhiều câu hỏi nhưng lão không tài nào giải thích được!
Những ngày sau đó, lão chỉ biết ôm con rồi ngồi khóc thương một mình!
Kết luận điều tra cho lão biết: vợ lão bị té ngã do trượt chân. Tác động ngoại lực dẫn đến tử vong là do khi bị té ngã đầu đập vào vách đá nhọn, phù hợp với hiện trường và những chấn thương gây nên. Không có sự xô xát hay bất kì dấu viết nào gây ra tác động từ người khác dẫn đến nguyên nhân tử vong.
Kiên, một cán bộ điều tra, đặt tay lên vai lão và an ủi, chúng tôi đã làm hết sức, nhưng những dấu vết tại hiện trường hoàn toàn phù hợp qua công tác khám nghiệm. Ước gì... những cây cổ thụ kia biết nói thì hay biết mấy.
Riêng lão, lão không tin vợ mình tự bước ra rìa đá để rồi trượt ngã xuống khe. Dù không tin, nhưng lão không thể làm gì khác hơn.
Lo ma chay cho vợ xong, lão trở lại với công việc gác rừng và chăm sóc cô con gái nhỏ.
Ơn Trời! Đứa con gái ấy lại chẳng hề bị ốm đau hay bệnh tật. Chỉ cần có chén cơm, có chút mắm là nó ăn rất khỏe và lớn nhanh mà chẳng cần thêm bất cứ một loại thuốc bổ nào.
Một buổi chiều mùa hè, lão mộc đang đi tuần rừng ở đồi chò đá, bất ngờ một mùi xác thối xộc vào mũi. Theo phản ứng của mình, lão nép vào gốc cây chò và đưa ngọn mác về phía trước. Sau một hồi không nghe động tĩnh, nhưng mùi xác thối vẫn bay tới từ một hướng nên lão cầm cây mác từ từ lui dần khỏi nơi đó.
Theo kinh nghiệm của một sống giữa rừng lâu năm lão đoán, đó là xác chết của một con thú, nhưng không biết là do bị bọn săn trộm đặt bẫy, hay là xác con mồi do thú ăn thịt còn bỏ dở. Mấy tuần trước lão có nghe tiếng cọp gầm từ phía Khe Đoát hay còn gọi là Khe Ông Khái , nên lão chọn cách rút lui để ngày mai tính tiếp.
Sáng hôm sau, với cây mác cùng khẩu súng CKC của lâm trường, lão Mộc trở lại đồi chò đá để tìm hiểu kĩ về nơi phát ra mùi xác thối.
Hôm nay, mùi xác thối nồng nặc hơn. Vì thế lão đoán đó là xác động vật đã thối rữa. Khi đến nơi, trước mắt lão là xác một con cọp cái đã chết trương sình nằm ngay gốc một cây chò đá, bên cạnh cây chò là một cái hang đá tự nhiên. Bật chiếc đèn pin kẹp dọc cùng nòng súng CKC, lão lên đạn, tay phải đặt lên cò súng hướng mũi súng theo ánh đèn pin quét vào trong hang. Lão thấy một con cọp con còn rất nhỏ đang nằm xìu trong đó.
Lão cởi khăn trên cổ lót vào trong chiếc gùi được đan bằng mây, sau đó nhẹ nhàng bế con cọp con bỏ vào rồi nhanh chân rời khỏi đồi chò.
Lão đoán con cọp mẹ bị bọn săn trộm bắn, nhưng nó cố gắng bỏ chạy về hang và chết do mất máu. Việc này chỉ báo với già làng C’lâu Nhum và thầy giáo Thành để đào mộ chôn con cọp. Vì với phong tục của người dân ở đây, nếu lập mộ (ping) để chôn con cọp thì vùng đất đó sẽ được bình yên vì đã được Ông Hổ bảo vệ.
Việc này cần phải làm nhanh, nếu không bọn săn trộm sẽ theo dấu mà đi tìm. Và với bọn đó, bộ xương mới là thứ chúng cần.
Ngày hôm sau, Lão Mộc với hai cha con già làng C’lâu Nhum, thầy giáo Thành cùng mang cuốc, xẻng lên đào hố chôn xác con cọp mẹ. Sau khi chôn xong, già làng C’lâu Nhum đọc lời khấn nguyện để Ông Hổ phù hộ cho cả làng được bình yên, mạnh khỏe.
Họ rời khỏi rừng chò, và chuyện Ping Ông Hổ chỉ có bốn con người ấy biết.
Những ngày đầu, Lão Mộc phải mua sữa bò để pha cho con cọp con uống. Lão lấy thịt khô nướng lên rồi xé nhỏ cho nó ăn. Tiếp đến là lão trộn cơm với cá, hoặc bất cứ thứ gì mà hai cha con ăn hàng ngày và cho nó ăn cùng.
Lão đặt tên con cọp con là Chò Đá, do lão nhặt được nó ở hang đồi Chò Đá.
Chẳng mấy chốc con Chò Đá lớn rất nhanh. Và câu chuyện nhà Lão Mộc nuôi cọp con đã bay đi khắp làng. Chỉ hơn 06 tháng, con Chò Đá đã nặng hơn 30 kg và nó theo chân Lão Mộc vào rừng mỗi ngày.
Hơn hai tuổi, con Chò Đá đã là một con cọp trưởng thành nặng hơn 100kg. Mặc dù là nuôi nó từ nhỏ, nhưng Lão Mộc hiểu bản năng của loài thú sẽ rất khó để kiểm soát. Lão rất sợ khi nhìn cô con gái mỗi khi đi học về là véo tai, vuốt đầu nó giống như một con cún con. Dù giữa con gái lão và con Chò Đá chẳng khác gì người ta chơi với con mèo cưng của mình.
Được một cái là mỗi khi vào rừng đi tuần, Lão Mộc thường mang con Chò Đá đi theo. Chính nhờ tiếng gầm của nó mà những cánh rừng Pơ Mu, Chò đá, Chò Chỉ, Rừng Gõ Đõ, Rừng Lim Xanh được bảo vệ. Bọn lâm tặc quanh vùng không dám bén mảng tới.
Một hôm thầy giáo Thành và già làng C’lâu Nhum với dáng vẻ hấp tấp chạy tới nhà Lão Mộc báo tin, đó là con trai già làng C’lâu Nhum làm ở ngoài huyện gọi điện về cho biết: Tuần sau, đoàn cán bộ ở huyện sẽ về lập biên bản Lão Mộc về tội nuôi, nhốt động vật hoang dã trái phép. Còn số phận con Chò Đá thì không biết được sẽ như thế nào.
Nghe vậy, Lão Mộc liền bảo: Thôi thì thả nó về rừng vậy. Dù sao nó cũng đã trưởng thành nên phải thả nó về với tự nhiên.
Nói là làm. Sáng hôm sau già làng C’lâu Nhum chuẩn bị một con gà, dĩa xôi cùng một số lễ vật. Đi cùng Lão Mộc là thầy giáo Thành, trưởng thôn A lăng Phước, nữ bí thư chi bộ thôn Z’râm Lan và rất nhiều người dân trong làng cùng đi.
Họ bắt đầu tới nhà Gươl để làm lễ cúng bái, sau đó đi vào Đồi Chò Đá, ngay chỗ cái hang đá nơi Lão Mộc nhặt được nó.
Tại đây, già làng C’lâu Nhum lại tiếp tục đặt lễ để cúng tạ thần rừng, cúng thần hổ rồi bảo Lão Mộc thả con Chò Đá. Lão Mộc nhẹ nhàng lấy tay xoa đầu nó, vuốt lông cổ nó thì thầm một hồi rồi giơ tay vỗ vào mông nó ba cái kèm câu: Ta nhặt được mi ở đây. Ta đã cứu mi ở đây. Ta đã nuôi mi lớn, bây giờ ta thả mi về lại với núi rừng, mi hãy nhớ: không được làm hại người dân làng Len. Không được làm hại gia súc, gia cầm của người làng Len.
Những cánh rừng này là của mi, mi phải bảo vệ nó.
Con Chò Đá gầm lên ba tiếng, nó quay đầu nhìn Lão Mộc rồi gầm một tiếng nữa và phóng vào rừng.
Chuyện Lão Mộc thả con Chò Đá đã được lập biên bản với sự chứng thực của tất cả mọi người.
Tuần sau, đoàn cán bộ huyện về và được thông báo đầy đủ. Mọi người chẳng ai nói gì ngoài thằng Tuấn Béo là đội trưởng bảo vệ rừng, là sếp phụ trách trực tiếp của Lão Mộc. Nó cứ hằn học rồi truy vấn đủ kiểu.
Câu chuyện thả cọp về rừng của Lão Mộc lại một lần nữa xôn xao các bản làng dưới chân dải Trường Sơn. Bọn lâm tặc thì thầm to nhỏ, bọn săn trộm thì chỉ trỏ về phía cánh rừng già. Còn Lão Mộc thì vẫn cứ tiếp tục với công việc của mình. Lâu dần, chẳng ai còn nhớ là Lão Mộc làng Len đã từng nuôi một con cọp.
Già làng C’lâu Nhum đã già hơn với đôi mắt mờ, chân yếu. Thầy giáo Thành cũng đã đến tuổi nghỉ hưu, còn Lão Mộc cũng nghỉ việc gác rừng và sống với những đồng tiền trợ cấp, cộng với việc chăn nuôi heo, gà và làm thêm mấy sào lúa nước.
Một hôm đi chợ ở dưới huyện về, lão phát hiện có nhiều vết bánh xe tải loại nặng cách cổng làng hơn cây số. Giấu chiếc xe máy cà tàng vào bụi, lão phát hiện một con đường đầy vết bánh xe Zin chạy vào rừng Pơ Mu. Lão biết, bọn lâm tặc đã tàn sát cánh rừng gỗ pơ mu đó rồi.
Lão Mộc về trao đổi với thầy giáo Thành, sau đó nhờ thầy giáo Thành viết đơn tố cáo gửi đến các cơ quan báo chí, đài truyền hình và các cấp lãnh đạo.
Câu chuyện được đưa lên báo chí, cơ quan điều tra vào cuộc và cái kết là hàng loạt cán bộ bảo vệ rừng nhúng chàm, trong đó thằng Tuấn Béo, sếp cũ của lão lại là thằng cầm đầu. Những tay đầu nậu gỗ và bọn lâm tặc bị bắt, còn cánh rừng pơ mu thì cũng chẳng còn gì!
Cả bọn bị đi tù, làng Len lại trở về với những tháng ngày yên bình vốn có.
Thời gian trôi, cô con gái của Lão Mộc giờ đã trở thành cô nữ sinh trung học của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Không những thế, con gái lão còn là hoa khôi của cả trường, lại hát hay và rất có khiếu văn nghệ. Lão Mộc vui lắm!
Lão mơ ước con gái lão trở thành cô giáo, để sau này trở lại làng Len để dạy các em. Trở thành một người như thầy giáo Thành, quê ở vùng xuôi nhưng đã gắn bó cả đời với ngôi làng ở chân dải Trường Sơn này. Nhờ có những người như thầy giáo Thành mà con gái lão, con trai già làng C’lâu Nhum và rất nhiều thanh niên khác được học hành, trở thành người có ích.
Hôm qua con gái Lão Mộc về và báo với lão là đã đậu trường đại học sư phạm. Ngày mai, các thầy cô giáo ở trường và bạn bè sẽ về tại nhà để chúc mừng nó, nên nó xin lão làm bữa cơm đãi các thầy cô và bạn bè.
Nghe con gái nói, Lão Mộc nhảy tưng lên như điện giật vì quá sung sướng. Lão vội chạy sang nhà thầy giáo Thành, nhà già làng C’lâu Nhum, nhà thôn trưởng để báo tin và mới họ mai sang nhà dùng cơm. Sẵn tiện, lão nhờ bí thư chi bộ thôn Z’râm Lan nhờ một số chị em tới hỗ trợ việc nấu nướng.
Vui với lão, thầy giáo Thành khui chai rượu chuối hột rót ra hai cái ly để hai người cùng cạn. Hết hai ly, thầy giáo Thành lại rót thêm hai ly nữa...
Lúc này ở nhà, Riah Phong Lan con gái của Lão Mộc đang dọn dẹp nhà cửa để mai đón thầy cô và bạn bè. Bất ngờ cánh cửa bật mở, tưởng cha về nên Riah Phong Lan từ nhà sau chạy ra, trước mặt cô bé là gã Tuấn Béo và sáu tên lâm tặc mặt mũi bặm trợn, mình đầy xăm trổ và nồng nặc mùi rượu.
Gã Tuấn Béo cười hềnh hệch tiến tới, Riah Phong Lan vội chụp điện thoại để gọi cho cha mình nhưng gã Tuấn Béo nhanh tay hơn và chộp lấy, đập vỡ tan tành.
Gã cười nham nhở vảo bảo: thằng cha mi mô rồi? Ờ mà không sao, chặp nữa cha mi về bọn tau cũng giết. Chừ tau dớt con gái hấn trước đã. Mi có biết vì sao con mẹ mi bị té và chết không? Đó là do nó bỏ chạy ra ghềnh đá.
Hôm đó tao chờ mẹ mi ở đỉnh Dốc Dài, tau chỉ muốn được thỏa mãn một chút thôi mà. Nhưng mẹ mi không cho tau, nó quăng gùi xuống đất rồi bỏ chạy ra phía ghềnh đá, chẳng may trượt chân, té ngã nên bị chết. Chứ tau có làm chi đâu.
Còn thằng cha mi đã nghỉ rồi, còn bày đặt làm đơn tố cáo hại tau đi tù. Vợ tau bán nhà, lấy hết tiền theo trai. Hai đứa con tau thì bỏ học, lang thang ở bãi vàng rồi nghiện ma túy. Một đứa thì chết rồi, còn một đứa cũng sắp chết.
Mọi thứ do thằng cha mi và thằng thầy giáo Thành mà ra. Hôm nay bọn tau giết cha mi, giết thằng thầy giáo Thành sau đó mang sang đây để rồi đốt nhà mi. Hai thằng già say rượu, do say nên để lửa cháy lan, rồi gây cháy nhà nên chết. Ai điều tra ra. Như tau đòi hiếp mẹ mi đó, có ai biết đâu!
Nhưng tau chưa hiếp được mẹ mi, còn mi thì... Nói tới đó thằng Tuấn Béo cười khùng khục, cả bọn lâm tặc cũng cười theo.
Con Riah Phong Lan định nhảy ra ngoài để chạy, nhưng một thằng trong bọn đã chộp được. Thằng Tuấn Béo liền vồ lấy và đưa tay xé toạc chiếc áo mà con bé đang mặc. Đôi mặt đục ngầu, gương mặt đỏ gay với mùi rượu nồng nặc, thằng Tuấn Béo đưa cái miệng nham nhở vào ngực con bé.
Trong cơn hoảng loạn, con bé Riah Phong Lan thét lên: WOOOOO... WOOOOO... WOOOOOO... Chò Đá ơi... cứu chị...!
Bất ngờ, một tiếng gầm vang rền từ phía bìa rừng. Thằng Tuấn Béo giật mình buông tay ra khỏi người con bé rồi quay ra ngoài. Nó chỉ kịp nhìn thấy một cái bóng vằn vện lao vào và cổ họng hắn đã bị cắn đứt lìa.
Sáu tên lâm tặc còn lại bỏ chạy nhưng chẳng có đứa nào thoát. Cứ sau mỗi tiếng gầm là một cái tát và cổ họng một đứa bị đứt lìa. Nghe tiếng cọp gầm ở phía nhà mình, Lão Mộc, thầy giáo Thành, già làng C’lâu Nhum cùng rất nhiều trai tráng vội chạy về, trước mắt là một cảnh tượng ghê rợn.
Con Chò Đá đứng sát bìa rừng gầm vang trời. Xác thằng Tuấn Béo và mấy thằng lâm tặc bị cắn đứt cổ nằm vương vãi từ trong nhà ra tới bìa rừng. Lão Mộc lao vào nhà, con bé Riah Phong Lan ôm cha khóc ngất.
Nữ bí thư chi bộ thôn Z’râm Lan ôm con bé, dìu vào phòng và lấy áo mặc cho nó. Mặc áo xong, con bé chạy ra ngoài hướng về con Chò Đá vừa khóc, vừa nói lời cảm ơn với nó. Không có sự xuất hiện của nó, không chỉ con bé Riah Phong Lan, mà cả lão Mộc, thầy giáo Thành cũng chưa chắc đã toàn mạng.
Làng Len một buổi chiều chuyển động và ám ảnh!
Đã khuya rồi nhưng Làng Len vẫn còn chưa ngủ.
Cán bộ điều tra, pháp y, viện kiểm sát tất bật với công tác khám nghiệm, lấy lời khai...v.v..
Cánh báo chí được dịp khai thác, đăng tải một câu chuyện có thật đầy ly kì , hấp dẫn.
Không chỉ với Làng Len, mà ở các ngôi làng chung quanh nhà nhà thì thầm, họ làm gà, nấu xôi cúng Ông Hổ khắp làng. Họ cầu xin được Ông Hổ bảo vệ, che chở như đã làm với gia đình Lão Mộc, với cô bé Riah Phong Lan.
Những ngôi làng dưới chân dải Trường Sơn, nhiều đêm không ngủ.
Nghe lời già làng C’lâu Nhum, Lão Mộc đành đốt ngôi nhà của mình. Theo phong tục, gã Tuấn Béo và sáu tên lâm tặc hung ác đã bị con Chò Đá vồ chết. Bọn chúng chết vì “đường rừng” nên hồn ma trở nên bám víu trong ngôi nhà đó.
Và với kẻ ác như bọn nó thì không đáng có một chỗ để dung thân, dù là linh hồn nên già làng C’lâu Nhum bảo Lão Mộc nên đốt bỏ ngôi nhà.
Làng Len, một ngày đầy tiếc nuối với cha con Lão Mộc!
Thời gian trôi nhanh, Làng Len bây giờ đã trở nên một vùng sầm uất hơn với những tuyến đường xương cá đi qua. Ngay trung tâm làng là một ngôi trường khang trang, là điểm trường của xã để học sinh từ các bản làng xung quanh theo học.
Đang giờ ra chơi, cô giáo trẻ Riah Phong Lan đang chấm bài thì nghe tiếng học trò gọi tên mình í ới. Mở của bước ra ngoài, Riah Phong Lan thấy người sĩ quan trẻ của Đồn biên phòng đang cầm trên tay bó hoa đứng phía ngoài cổng trường.
Riah Phong Lan mỉm cười, phía trên là bầu trời trong xanh với những tia nắng nhẹ. Phía ngoài cổng trường không chỉ là một người, không chỉ là bó hoa mà còn là cả những mùa xuân!
NDHA
---
Đọc thêm những thông tin mới nhất về gowin99 nông nghiệp, phát triển nông thôn và tình hình kinh tế, gowin99 , văn học nghệ thuật trên Tạp chí điện tử Nông thôn và Phát triển -
Truyện ngắn của Nguyễn Đặng Hà Anh
Link nội dung: //revcat.net/con-cho-da-a10559.html