link tải gowin99 mới nhất

Chiều biên giới (Truyện ngắn)

Chúng ta sắp kỷ niệm 43 năm ngày 17/2/1979 chiến tranh biên giới phía bắc. Tôi không được chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc kiên cường và ác liệt của Quân dân ta tháng 2 năm 1979, nhưng sau đó năm 1982-1983 ở mặt trận Lạng Sơn và 1987-1988 ở mặt trận Cao Bằng đã được tham gia nên đã chứng kiến bao sự gian khổ hi sinh của bộ đội ta.

bien-gioi-1644639104.jpg

Ảnh trên MXH chỉ có tính minh họa.

 

Cũng phải nói rằng chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc lúc này đã khác trước: đằng sau những điểm tựa, chốt tiền tiêu của bộ đội ta là hậu phương, là môi trường hòa bình nên không phải ai cũng hiểu về gian khổ hi sinh của người lính; đặc biệt là mối quan hệ của người lính với hậu phương. Nhưng trong chiến tranh ác liệt, trong điều kiện khó khăn gian khó người lính vẫn lạc quan, tình yêu vẫn nảy nở sinh hoa kết trái. Với ý nghiã đó, tôi xin gửi tới các đồng đội và bạn bè truyện ngắn“ Chiều biên giới“.

* * *

Sáng chủ nhật, chính uỷ trung đoàn Trần Nam ngồi uống trà một mình, đang mơ màng thả hồn cùng với nắng gió của miền trung du thì trợ lý tuyên huấn Lê Khôi đập cửa ùa vào.

- Xin lỗi chính uỷ, chính uỷ mở tivi ngay, đang truyền hình trực tiếp lễ trao giải.

Vừa nói vừa thở, Lê Khôi bật tivi chương trình quân đội nhân dân. Trên màn ảnh đúng lúc đang diễn ra buổi tường thuật trực tiếplễ trao giải thưởng. Trần Nam dán mắt ngay vào màn ảnh và kịp nhận ra vợ mình mặc áo dài đỏ đứng giữa, đồng chí phó chủ nhiệm tổng cục chính trị đang tặng hoa.

-Chị Kim Dung kìa.Ôi, xinh quá.

-Ơ kìa, cả Hồng Nhung lên tặng hoa mẹ nữa chứ.

Lê Khôi xuýt soa. Khi Trần Nam đang còn luyến tiếc vì sự việc diễn ra nhanh chóng quá thì Vũ Dũng lại reo lên:

- Chính uỷ xem kìa. Chị nhà mình đang trả lời phỏng vấn.Tất cả lại nhìn lên màn hình, nín thở.

- Chị cho biết cảm tưởng của mình khi nhận giải đặc biệt của cuộc thi vẽ về đề tài chiến tranh?

-Tôi cũng không tin rằng mình lại có được vinh dự lớn lao này.Tôi vẽ bức tranh này đã hơn hai mươi năm rồi, từ sau khi xảy ra chiến tranh biên giới. Không biết nói gì, tôi xúc động quá. Cám ơn những người lính, những người ngày đêm âm thầm hy sinh vì Tổ quốc…Đặc biệt tôi xin cám ơn thế hệ những người lính thời kỳ chiến tranh biên giới. Họ chính là cội nguồn cảm hứng sáng tác của tôi.

Một thoáng ngỡ ngàng. Trần Nam xúc động khi nghe tiếng nói thân quen của vợ.

Màn hình chuyển qua những hình ảnh khác. Đến lúc Lê Khôi và Vũ Dũng bắt tay chúc mừng, chào ra về rồi mà chính uỷ Trần Nam vẫn chưa hết bâng khuâng. Chỉ còn lại một mình, anh bồi hồi nhớ lại câu chuyện xảy ra từ hơn hai mươi năm về trước.

* * *

Chuyện xảy ra từ lần đi phép năm ấy, khi mà cuộc chiến tranh biên giới tạm lắng lại…Chạy qua “cửa tử” tôi nghỉ lấy sức rồi trèo dốc “tắc thở”, leo đèo “tắt sáng”. Đây là những địa danh do lính đặt tên. Trước kia, qua đèo này cây cối um tùm không có cả ánh mặt trời. Sau này pháo của địch đã cày xới, phát quang, đèo “tắt sáng” chỉ còn là một kỉ niệm. Rồi luồn lách qua hơn chục con suối, cánh rừng mới ra được đường lớn. Đi trên đường quốc lộ, người tôi nhẹ tênh tênh, lâng lâng. May quá, nhờ được chiếc xe vận tải của sư đoàn về thị xã Hà Giang, từ đây tôi mua vé xe về Hà Nội.

Đến Hà Nội thì đã muộn, chật vật lắm tôi mới mua được vé chuyến xe đi Thái Bình vào 9 giờ sáng hôm sau. Đành ngủ đêm tại bến xe. Lính chốt đã từng ngủ trong hầm ẩm ướt ngái nồng mùi đất, đã từng đồng đội nằm úp thìa trên sạp nứa trong lều cỏ gianh chống tuềnh chống toàng lộng gió nơi biên thuỳ, trên độ cao hơn nghìn mét, mùa hè cũng phải đắp chăn, mùa đông thì khỏi phải nói, nước đóng thành lớp băng trên mái nhà như tấm kính trắng. Vậy mà tôi đâu có ngán. Thế mà nằm vạ vật ở bến xe giữa thủ đô một đêm mà khiếp. Tiếng ồn ào đủ loại của xe cộ, tiếng người trò chuyện cãi vã, ánh điện vàng khè nhức mắt và mùi hôi hám nồng nực đủ loại trong không khí oi ả ngột ngạt của đêm hè làm tôi không sao ngủ được. Suốt đêm cứ nằm trằn trọc, lơ mơ. Sáng dậy người đau như dần, mệt rã rời. “Không sao, sớm muộn thì hôm nay cũng được gặp mẹ”. Tôi cười một mình rồi mua một chậu nước rửa mặt, điểm tâm một bát phở nóng, uống chén trà và hút điều thuốc.

Tôi tha thẩn dạo phố. “Còn hai tiếng nữa xe mới chạy, vội gì. Với lại mấy khi lính có dịp về thủ đô”. Tôi ngó nghiêng, dỏng tai, nghển cổ để nhìn, để ngắm, để nghe. Chà, sao mà đông người thế không biết. Người ta bảo Hà Nội là thành phố của xe đạp quả không sai tí nào. Người và xe đi lại tấp lập, ồn ào. Tôi có cảm giác dường như mọi người đổ cả ra đường để mua sắm, chơi bời. Khắp nơi rực rỡ cờ hoa. Một biểu ngữ lớn căng ngang đường: “ Nhiệt liệt chào mừng thủ tướng Ấn Độ thăm Việt Nam”. Qua phố khác lại thấy bảng chữ to đỏ chói: “Nhiệt liệt chào mừng đội bóng trẻ Liên Xô”…Té ra đã hai năm sống ở biên giới, phía trước là kẻ thù tôi đâu có được thấy cảnh thanh bình và vui vẻ như hôm nay. Nhịp điệu cuộc sống sôi động làm sao. Bầu không khí náo nhiệt tưng bừng của thủ đô đang thấm vào da thịt tôi. Tôi ngắm không chán mắt điệu nhảy chân sáo cùng với nụ cười vô tư thơ ngây của các em nhỏ, vẻ mặt phương phi béo tốt của những ông thợ may, những bà hàng vải, vẻ hào phóng bất cần của mấy thanh niên phóng xe vù vù trên đường phố…

Trái tim reo vui, người tôi lâng lâng rạo rực. Tôi hoà vào dòng người và bị nó cuốn theo. Loanh quanh thế nào tôi đã có mặt trước công viên. “ Phải vào thăm thú một chút mới được, cho thoải mái cái đầu và bồi bổ cái mắt chứ”. Tôi tự ban cho mình phần thưởng này để bù vào cái giá đã qua một đêm mất ngủ.

Một buổi sáng đẹp trời, công viên dường như đã sẵn sàng vui vẻ đón chào một ngày mới. Những tay thợ ảnh đang tất tả dọn đồ nghề chuẩn bị một ngày chủ nhật làm ăn may mắn. Một cô giáo dẫn đoàn trẻ mẫu giáo đang ùa vào riu rít như một bầy chim non. Còn kia, đôi trai gái khoác tay nhau, vừa đi vừa trò chuyện, tiếng cười khúc khích.

Tôi dạo một vòng trong công viên, rồi dừng lại ở chiếc ghế đá, dưới một tán cây lá loà xoà ngay sát dưới mép nước hồ, ngồi thoải mái chiêm ngưỡng khung cảnh xung quanh. Một không gian êm ả, mát mẻ cây cối xanh tươi. Những cây xà cừ xanh tốt, cao vút sum suê toả bóng vươn cành rồi đến những dặng trắc bạch diệp xanh đen xếp hàng thẳng tắp trên thảm cỏ xanh mướt như nhung. Mặt trời lấp ló và nắng gió ban mai làm xôn xao sắc lá; ánh sáng lọc qua vòm lá chiếu trên thảm cỏ loang loáng, long lanh những giọt sương mai. Không khí thanh khiết trong veo. Một mạng nhện treo lơ lửng, ánh sáng chiếu vào những sợi tơ mảnh vàng óng. Chú nhện con toàn thân trong suốt như đang thiêm thiếp giấc nồng trong một cung điện nguy nga, mỹ lệ, thỉnh thoảng làn gió nhẹ xao động làm cung điện mỏng manh ấy lung linh huyền ảo, cứ rung rinh, rung rinh…

Mắt tôi như nhoà đi, đầu ong ong hư hư thực thực. Những tiếng nổ ầm ầm chát chúa, những đoạn hào nham nhở, hang đá xập đổ thành vôi, bụi khói khét lẹt. Cây xanh bị phạt ngang thân, trốc dễ, đất đai bị băm nát, cày xới tung lên. Chỉ còn những người lính, con mắt đỏ vằn lên cảnh giác lùng sục từng bụi cây, khe đá tìm một dấu hiệu khả nghi vì kẻ địch có thể liều mạng đột kích sau mỗi trận pháo. Cả tiểu đội tôi vẫn bám trụ: Thằng Sơn, thằng Quân bị phù vì ăn gạo hẩm, thiếu muối, thiếu rau; thằng Lạc sốt rét lịm đi trong hốc đá, một quả cối của địch bùng lên, nó bật dậy nhanh như cắt cầm súng chiến đấu. Thằng Tuệ bị trúng đạn giữa đường phân thủy, ngay sát cột mốc lại gượng dậy, kiệt sức lăn xuống suối Ngọc Lệ. Máu nó loang đỏ cả dòng suối…

“Mời chú ăn kem, kem sữa đặc biệt năm hào một que”.Thằng bé bán kem làm tôi bừng tỉnh. Nó cười nhăn nhó mời mọc. Thấy tôi im lặng đến lạ lùng nó vội lảng đi chỗ khác. Xung quanh mới yên ả, thanh bình làm sao. Cây xanh, thảm cỏ, hồ nước và mạng nhện lơ lửng ngay trước mắt. Nhưng kìa, chú nhện vàng như vừa tỉnh giấc điệp. Nó giơ cái càng mảnh mai lên dường như để nghe ngóng và bằng động tác kì lạ của con vật, hai mắt nó nhấp nháy liên tục, không hiểu sao cả mạng nhện cứ rung rinh, rung rinh…

Tôi cứ ngắm hoài con nhện vàng và suy nghĩ mông lung. Bao nhiêu thời gian trôi qua, tôi cũng chẳng biết nữa. Bỗng có tiếng cười nói, tiếng chân người thậm thịch, mấy thanh niên qua trước mặt tôi còn ngoảnh lại xuýt xoa: “Cô em kháu qúa”.Thì ra ngay bên phải, cách tôi không xa có một thiếu nữ đang chăm chú vẽ. May sao lúc này tôi đang ngồi ở cự ly tốt nhất, theo ngôn ngữ của lính trinh sát, từ đó có thể thoả thê ngắm nhìn vẻ đẹp tự nhiên người thiếu nữ phô diễn trọn vẹn nhất. Nàng còn rất trẻ, diện quần côn trắng, áo đuôi tôm đỏ mỏng tang đang cúi người trên giá vẽ. Tôi như thấy mớ tóc quăn bồng lên của nàng đang rung rinh nhảy múa rất sinh động. Mớ tóc rung lên như có hồn ấy, nắng ban mai chiếu vào làm thành một bó hoa lửa rực rỡ. Khi nàng ngửng đầu lên, một khuôn mặt đẹp mê hồn. Trời ơi, chưa bao giờ tôi được nhìn thấy một gương mặt dịu dàng thánh thiện đến thế. Hai cánh mũi cao xinh xinh, cái miệng tròn thành tú với làn môi đỏ mịn màng vẽ một nét đẹp kiêu sa bất giác làm tôi thẹn thùng xấu hổ. Đôi mắt thăm thẳm mơ màng như đang toả sáng làm cho gương mặt nàng càng trở lên quyến rũ mê hồn, vừa trẻ trung tươi mát, sinh động lại có gì đó rất đỗi thân thuộc, ngọt ngào đằm thắm làm sao. Sự ngây thơ dịu dàng đến thánh thiện vẫn không dấu được cảm xúc trinh nữ còn e ấp mà luôn bừng sáng trên khuôn mặt.

Tôi ngắm nàng đến mê mẩn tâm thần. Trong khoảnh khắc, khung cảnh thiên nhiên và con người đẹp tựa một bức tranh còn mới mẻ tinh khôi, như một bông hồng nhung hé nở đón ánh bình minh. “Bông hồng nhung” , “ hình dung kì quặc của tôi là từ đâu vậy? Có phải tôi đã từng chứng kiến những trận pháo kéo dài của kẻ thù làm cho cảnh quan bỗng chốc thay đổi như sau một trận động đất. Đất biến thành cát bụi, đá biến thành vôi, cây cối bị băm nát, thui cháy… đến con giun con dế không sống được. Chẳng có gì là dịu dàng tươi mát dưới làn bom đạn. Lúc ấy tôi thoáng mơ đến bóng hình một người con gái, một bông hồng nhung trong buổi bình minh”? Ngây ngất trong cảm xúc mới lạ bồng bềnh ấy, tôi đến bên nàng thốt lên: “Ôi đẹp quá, bông hồng nhung”. Người tôi run bắn lên tưởng như đất dưới chân mình đang sụt lở rào rào. Nàng đang cúi đầu trên giá vẽ, nghe tôi nói bỗng giật mình ngửng đầu lên. Một thoáng ngỡ ngàng , rồi đôi mắt đen mở to lộ rõ sự ngạc nhiên vui sướng, bỗng nàng kêu lên đầy vẻ bất ngờ, lạc cả giọng: “Trời ơi, sao lại thế này, anh…anh ơi…”. Còn tôi nhìn nàng trân trân không nói nên lời, lưỡi như cứng lại, người trơ ra như hoá đá. Nàng nhìn tôi không chớp mắt, miệng lầm bầm câu gì nghe không rõ, bút vẽ tuột khỏi tay không biết. Đột nhiên nàng bỏ chạy, như tôi là ma quỷ hiện hình mang lại cho nàng điều gì khủng khiếp lắm. Bất giác tôi chạy theo, như trò chơi đuổi bắt trong một giấc mơ vậy. Khi tôi sắp tóm được thì nàng đột ngột dừng lại, nhìn tôi đăm đắm ánh mắt vừa lộ vẻ sung sướng vừa ánh lên sự kinh hoàng. Tôi vội lúng túng thanh minh: “Cô đừng sợ, xin lỗi, đáng ra tôi không nói với cô như vậy. Tôi vừa từ biên giới trở về …”. Nàng lắc đầu lia lịa: “Không, không, anh không có lỗi…chỉ có điều anh, anh-giống-đến-lạ lùng...” Vẻ mặt và giọng nói của nàng thật chân thành và những tiếng sau cùng nhấn mạnh giành giọt như một câu hỏi còn bỏ lửng. Nhìn nàng bối rối, xúc động tôi lại tự trách mình : “Tại mày đấy, bộ quân phục lấm lem bụi đường, khuôn mặt xanh xám vì sốt rét đã làm người ta sợ. Thật xấu hổ, không có kẽ nào mà chui xuống đất cho xong”. Tôi đau khổ căm thù bản thân mình. Khi định thần lại thì thật lạ thay, nàng đã biến đi đâu mất rồi. Cả cái giá vẽ cũng không cánh mà bay…

* * *

Đây là lần phép đặc biệt trong đời quân ngũ của tôi. Ở nhà mấy ngày đầu, tôi vui như con trẻ. Đã xa nhà, xa quê, xa mẹ hai năm rồi còn gì. Tôi luôn nói cười, đi thăm bà con hàng xóm và kể chuyện chiến đấu ở biên giới cho mọi người nghe. Khi chỉ còn lại hai mẹ con, mẹ ôn tồn nói:

- Ở biên giới về, gian nan thế, sống chết trong gang tấc, ăn uống kham khổ, ngã nước, sốt rét thế mà con cứ hơn hớn cười như đi ăn cỗ về là cớ làm sao vậy?

Tôi ôm mẹ vào lòng, nũng nịu:

- Cũng cực lắm, ai thích thú với sự gian lao hả mẹ. Vì nhiệm vụ của người lính. Mẹ hãy hiểu cho con.

Mẹ cười:

- Cha bố nhà anh, mẹ không hiểu anh thì còn ai hiểu được anh nữa. Giống hệt bố anh, cứ đi biền biệt, chẳng thèm ỏ ê đến nhà cửa vợ con. Lần này, xem có đám nào tìm hiểu đi, tôi cưới cho.

Không hiểu sao, tôi vội vã cắt ngay lời mẹ:

- Không, con còn trẻ chán, bây giờ đất nước thống nhất rồi, không như hồi bố con ở Trường Sơn. Chẳng gì phải vội. Tôi ngước nhìn ảnh bố tôi trên bàn thờ, nhìn mẹ tôi ái ngại:

- Thời bình mà vẫn cực lắm mẹ ạ. Giờ người ta chỉ lo làm giầu, lao vào làm kinh tế như điên ấy. Có biết đâu ở biên giới máu vẫn đổ, người lính vẫn gian khổ hi sinh…

Mẹ cũng ngước nhìn lên bàn thờ, giọng như trầm hẳn xuống:

- Trọng trách của các con là to lớn lắm đấy, mẹ hiểu chứ. Không được học hành nhiều nhưng mẹ cứ nghĩ thời nào thì thời, những người lính như con là cực lắm, cần lắm. Muốn yên ấm, hạnh phúc, muốn làm giầu thì phải có người bảo vệ, giữ gìn chứ. Không có ai bảo vệ, giữ gìn thì công trình, sự nghiệp xây dựng bấy lâu có thể bỗng chốc tan thành mây khói. Ví như nhà giàu mà không lo coi giữ, nó cướp một đêm là trắng tay, nhà cao cửa rộng mà không đề phòng chỉ cần một trận hoả hoạn thì tất cả thành tro bụi. Mẹ nghĩ chuyện quốc gia đại sự cũng như thế.

Trò chuyện với mẹ xa gần cốt sao cũng để mẹ quên đi chuyện vợ con của tôi. Mẹ đâu có biết, vừa qua tôi đã gặp chuyện thật lạ lùng, nó đã làm tôi thay đổi. Dường như toàn bộ tâm trí của tôi chỉ tập trung vào hình ảnh người thiếu nữ gặp ở công viên hôm nào. Tôi nhủ mìnhchớ mơ mộng hão huyền nhưng thật kỳ lạ thay càng cố quên đi thì tôi lại càng hay nghĩ tới. Lúc nào tôi cũng cảm thấy có nàng ở bên: ở đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái, ở khắp mọi nơi, trước mắt tôi, trong không gian tôi sống, trong bầu không khí mà tôi đang hít thở. Trí tưởng tượng của tôi đựơc dịp hình dung thêm bao điều tốt đẹp về nàng. Lạ thay, ấn tượng cuối cùng về nàng lại là sự liên tưởng đến một bông hồng nhung trong buổi bình minh.

Ngày trả phép, tôi quyết định quay lại công viên để tìm nàng, mong gặp lại nàng một lần nữa. Tôi lại đến nơi ấy, hỏi thăm bằng những lời vu vơ: “Một cô hoạ sĩ trẻ mặc áo đỏ, quần côn trắng”… Họ đều lắc đầu, có người nhìn tôi từ đầu đến chân vẻ ái ngại. Đang buồn và thất vọng thì có một anh chàng họa sĩ trẻ đi đến, loay hoay tìm nơi đặt giá vẽ. Số tôi còn may, khi vừa lặp lại cái địa chỉ vu vơ từ sáng đến giờ thì anh ta cười: “Thế thì đúng là Kim Dung rồi. Cô ấy học cùng với tôi, ở nhà A phòng 301 khu tập thể Kim Liên”.

Mừng run bắn lên như người bắt được vàng, tôi cảm ơn người họa sĩ rồi hỏi đường đi ngay. Chuyện đời thật là lạ: ý nghĩ trong đầu, dũng cảm và quyết tâm to lớn là thế mà khi vừa chạm vào thực tế lại tan biến đâu hết cả. Tôi do dự, phân vân mãi khi đứng trước dãy nhà 4 tầng. Người ta chỉ cho tôi phải đi tiếp qua cầu thang lên tầng 3, rẽ trái…

Hai năm ở chốt, trên cao điểm hơn nghìn mét, hàng ngày phải leo lên leo xuống hàng nghìn bậc tôi cũng không ngại ngùng gì, nay vượt qua cái cầu thang có vài chục bậc mà khó khăn làm sao. Thú thực, hết một nhịp tôi đã phải dừng lại để thở. Đâu phải thành phố thiếu không khí, đâu phải tôi mệt mà tại vì tôi hồi hộp quá, tim cứ đập loạn xạ liên hồi. Nhưng rồi tôi cũng dừng lại ở trước cửaphòng 301. Cánh cửa xanh và những con số đỏ thắm cứ nhảy nhót ở trước mặt. Những con số đang nhòa dần đi. Không biết lên trời và gõ cửa nhà trời như thế nào, còn bây giờ đứng trước hai cánh cửa màu xanh đóng im ỉm này mà người tôi cứ phập phồng, nôn nao, trống ngực đánh thình thịch. Cố trấn tĩnh lại và lấy hết can đảm, tôi gõ ba tiếng dứt khoát vào cánh cửa ấy. Im lặng. Không khí xung quanh tưởng như đông lại. Nhưng kìa, có tiếng dép loẹt quẹt đi ra. Tim tôi đứng lại. Trời ơi, tôi nhận ngay ra người thiếu nữ hôm ấy cùng với niềm vui sướng và nỗi kinh hoàng trong ánh mắt của nàng. Người tôi như đang bồng bềnh trong một cảm giác mát mẻ, mềm mại, thoang thoảng mùi da thịt con gái. Hơi thở ấm áp phả vào tai và những mớ tóc loà xoà ở cổ, cả cái gì ươn ướt như nước mắt trên má tôi. Đôi vai nhỏ của nàng rung lên trong tiếng thì thầm đứt quãng. “ Anh, anh ơi, em mong anh quá, chỉ sợ không bao giờ còn gặp được anh”.

Nàng buông tôi ra ngượng ngùng xấu hổ, cả hai đều không biết rằng bằng cách nào mà chúng tôi đang ở trong vòng tay nhau. Nàng mời tôi vào trong nhà. Hôm nay, nàng mặc đồ màu hồng dìu dịu. Hai bàn tay với những ngón búp măng trắng muốt để dọc trên đùi. Vẻ e thẹn, dường như nàng muốn dấu mình đi. Cái vẻ rực rỡ kiêu sa của nàng hôm nào biến đâu mất nhường chỗ cho vẻ duyên dáng, bình dị và thanh tao. Nhưng nàng càng dấu đi thì nó càng biểu hiện và khi nàng ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mặt tôi như muốn hỏi “có phải thật anh đang ở trước mắt hay không”, thì lúc ấy vẻ đẹp của nàng lại rực rỡ và kiêu sa lạ thường. Tôi nóng bừng cả người, lại nghe thấy tiếng nàng thì thầm một mình: “Ôi, anh giống đến kì lạ”. Hình như đã qua sự choáng ngợp, có gì đó bí ẩn, lờ mờ đã sáng ra, không còn do dự nữa, nàng nói với tôi: “ Anh, anh hãy xem cái này”. Nàng nói và chỉ tay vào bức tranh trước mặt.Đến lượt tôi ngạc nhiên và sửng sốt, không tin vào mắt mình nữa. “ Sao lại thế này, sao mình lại ở đây, mình vừa ở trong bức tranh kia đi ra hay mình đã tan biến nhập vào bức tranh”?. Núi rừng chập chùng một màu xanh kéo dài xa tít tắp. Một vài ngôi sao nhỏ li ti, nhấp nháy như bạc, vừa gần gũi, vừa xa xăm. Một dải hồng loé lên những tia tím hình nan quạt phía trên quả núi xanh thẫm. Sương chiều như sữa đang đổ xuống thung lũng. Và những sợi khói mảnh màu lam bảng lảng, ngoằn nghèo bay lên từ các bản thổi cơm chiều… Người lính nổi bật trên phông cảnh huyền diệu đó của buổi chiều hoàng hôn. Trời lộng gió, áo quần anh bay phần phật, tay nắm chặt báng súng, khuôn mặt rám nắng rực lên trong ráng chiều và ánh mắt toát lên vẻ cương nghị, niềm hy vọng, nhớ nhung như đang phóng về phía trước. Mấy người lính khác đang leo lên núi, bên cạnh một lán gianh lúp xúp…

Ngắm bức tranh mà tôi hoang mang. “Lẽ nào lại như vậy? Hay là mình đang ở trên biên giới vào một buổi hoàng hôn, sau trận chiến đấu, nhớ nhà, nhớ mẹ”? Tôi bấm mạnh vào tay mình, vẫn đau rát và Kim Dung đang ở bên cạnh tôi, ánh mắt, giọng nói của nàng và cả hơi thở không đều của nàng mà tôi nghe rất rõ, cả căn phòng sạch sẽ mát mẻ và cái quạt trần đang quay tít kia… là bằng chứng tôi đang ở đây, kia chỉ là bức tranh mà thôi. Dường như Kim Dung đoán được băn khoăn của tôi, nàng thản nhiên nói:“Em vẽ đấy”. “ Ôi, đẹp quá. Nhưng tôi thật không hiểu”. Tôi thốt lên, giọng vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng.

“Em cũng vậy. Em cũng không ngờ. Em đã từng lên biên giới trong đợt đi thực tế năm ngoái. Em đã nắm bắt được cái gì đó và ấp ủ vẽ một bức tranh về người lính biên cương. Buồn thay, cứ cầm bút vẽ thì bao nhiêu hình dung đẹp đẽ lại tan biến hết. Em đau khổ đến tuyệt vọng. May sao điều kì diệu đã xảy ra, anh đến, em được gặp anh. Anh giống hệt với người mà bấy lâu nay em vẫn mơ tưởng khao khát được vẽ ra. Anh có tin không? Anh có tin vào điều kỳ diệu không? Nếu trong cuộc đời có những khoảnh khắc sống mãi cùng với thời gian thì đó chính là những giấy phút mà em gặp anh ở công viên hôm ấy”.

Tôi nhìn vào ánh mắt tràn đầy niềm tin của nàng. Nàng nói tiếp, giọng trong trẻo, ấm áp nhưng vẫn còn xúc động:“Ngay chiều hôm đó, em đã vẽ xong bức tranh này. Em như vẽ trong mơ, trong một cảm xúc dâng trào. Một tuần nay, ngày nào em cũng tha thẩn ở công viên, ra nơi ấy để tìm anh mà không thấy. Anh đã biến mất không để lại một dấu vết gì, em nghĩ mọi chuyện chỉ là một giấc mơ, cho đến khi gặp lại anh thì em tin rằng đó là sự thật. Thật hạnh phúc biết bao, em đã vẽ giống anh đến lạ lùng. Biết đâu lần đi thực tế trên biên giới em đã từng gặp anh ?”.

Tôi mỉm cưòi như một sự thú nhận với nàng cái điều mà tôi không dám chắc. “Lẽ nào lại như vậy”? Lý trí mách bảo rằng tôi chưa một lần gặp nàng ở trên biên giới. Còn trái tim đa cảm của tôi, nó đang bồi hồi rạo rực như những đợt sóng trào lên ở trong lồng ngực thì nói rằng: “ Hãy cứ tin đi, biết đâu ta đã gặp nàng từ kiếp trước. Đó là điều kì diệu ở trên đời”.

* * *

Chính uỷ Trần Nam dường như chưa hết bồi hồi xúc động. Đã hai tuần nay anh được Kim Dung báo tin bức tranh “Chiều biên giới” tham gia dự cuộc thi vẽ về đề tài chiến tranh biên giới đã đoạt giải đặc biệt. Đã biết rồi nhưng sự thật vẫn có sức tác động mạnh mẽ, lay động tâm hồn anh, khơi dậy kí ức từ trong sâu thẳm mà cuộc sống hiện tại với bao công việc của trung đoàn mà anh là chính uỷ và với cương vị là chủ gia đình khi anh đã ngoài bốn mươi tuổi đè nặng. “ Chà, cuộc sống trôi nhanh thế. Loáng một cái đã hơn hai mươi năm rồi. Gặp gỡ. Tình yêu. Đi học sĩ quan. Lấy vợ. Rồi Hồng Nhung ra đời…”. Anh cười một mình. “ Đã hơn hai mươi năm rồi, có điều mà không ai biết, kể cả Ban giám khảo, là bức tranh “Chiều biên giới” được giải hôm nay chính là bài thi tốt nghiệp ra trường của Kim Dung với cái tên là Mặt trời và bông hồng nhung. Ngày ấy, các thầy giáo mặc dù cho điểm ưu cho bức tranh nhưng cũng không biết được vì sao tác giả của nó lại đặt một cái tên như vậy. Còn anh, anh biết rõ điều bí ẩn này, biết rõ từ trong sâu thẳm tâm hồn, anh vẫn lưu giữ hình ảnh của nàng, một bông hồng nhung dưới ánh bình minh, và lời nàng vẫn còn văng vẳng bên tai “ chỉ có dưới ánh mặt trời, bông hồng nhung mới nở, khoe sắc rực rỡ và ngát hương”.

Trái Tim Người Lính

NGUYỄN ĐÌNH GẤM

Link nội dung: //revcat.net/chieu-bien-gioi-truyen-ngan-a10546.html

程序发生错误,错误消息:System.IO.IOException: 文件或目录损坏且无法读取。 在 System.IO.__Error.WinIOError(Int32 errorCode, String maybeFullPath) 在 System.IO.FileStream.Init(String path, FileMode mode, FileAccess access, Int32 rights, Boolean useRights, FileShare share, Int32 bufferSize, FileOptions options, SECURITY_ATTRIBUTES secAttrs, String msgPath, Boolean bFromProxy, Boolean useLongPath, Boolean checkHost) 在 System.IO.FileStream..ctor(String path, FileMode mode, FileAccess access, FileShare share, Int32 bufferSize, FileOptions options) 在 SuperGroup.Core.Start.FileNotFoundHandle.d__2.＀⬀() --- 引发异常的上一位置中堆栈跟踪的末尾 --- 在 System.Runtime.ExceptionServices.ExceptionDispatchInfo.Throw() 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.HandleNonSuccessAndDebuggerNotification(Task task) 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.GetResult() 在 SuperGroup.Core.Start.FileNotFoundHandle.d__1.＀伀() --- 引发异常的上一位置中堆栈跟踪的末尾 --- 在 System.Runtime.ExceptionServices.ExceptionDispatchInfo.Throw() 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.HandleNonSuccessAndDebuggerNotification(Task task) 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.GetResult() 在 SuperGroup.Core.Bootstrapper.d__18.＀ꠀ()