Thích nghe những hồi chuông âm vang như gọi những người con mau trở về nhà. Thích những bài thánh ca mượt mà đem đến cho người thưởng thức một tâm trạng nhẹ nhàng lâng lâng như vừa hớp một ly rượu vang thứ thiệt. Đó là cảm giác về Giáng sinh khi tôi còn học trung học
Khi vào đại học, đến mùa Giáng sinh chúng tôi không được ra ngoài. Lớp Toán của tôi chỉ có 5 nữ ở nội trú, phòng tôi có ba người. Chiều 24/12 ba chúng tôi bàn bạc cách trốn ra ngoài đi Noel. Chúng tôi xuống nhà ăn sớm ăn cơm trước, khoảng 5 giờ chiều chúng tôi dzọt ra ngoài, vì khoảng 7 giờ khoá cổng. Chúng tôi đi dạo các nhà thờ và vào quỳ dưới Thánh đường để được ngậm Bánh Thánh. Lần đầu tiên được ngậm Bánh tôi rất thích vì tan nhanh trong miệng. Tôi nghĩ hạnh phúc đến với con người tan nhanh vậy sao!
Vui chơi thoả thích ngoảnh đi ngoảnh lại 12 giờ đêm, chúng tôi vội vã về trường, vừa đến cổng thì thấy “ cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá”. Hai bạn đi cùng rất sợ, nếu nhà trường phát hiện thì sẽ bị đạo đức yếu và phạt lao động 1 năm hoặc trả về địa phương thì cuộc đời sau này có mà ăn cám thay vì ăn củ mì.
Thời đó sinh viên yêu nhau mà bị cờ đỏ phát hiện là bị kiểm điểm nếu “yêu nhẹ”, bị đuổi học nếu “yêu nặng”. Mức độ nặng, nhẹ Trời cũng không biết mà cờ đỏ biết...
Trước tình hình chỉ mành treo chuông đó, tôi nảy sinh sáng kiến “ lông kẻo”, hai bạn tôi mặt xanh lè lắc đầu nguầy nguậy: không được! Không được. Tôi phải làm mẫu, quan sát xung quanh và nhìn vào phòng bảo vệ không động tĩnh ( chắc không thu được kết quả gì nên bảo vệ ngủ rồi). Tôi leo nhanh lên cổng sắt đến đỉnh cổng và leo xuống phải ngược lại và chạy nhanh núp lùm, ra lệnh hai bạn tiếp tục. Một bạn thoát được nhưng bạn còn lại run sợ quá rơi tự do xuống đất cái ịch, bạn đang lòm còm ngồi dậy, thì lúc đó nghe tiếng động bảo vệ chạy ra lập tức bạn tôi bị bắt và bị tra khảo, những câu hỏi mang màu sắc chính trị được đặt ta: có biết đi chơi Noel là vi phạm đạo đức của người sinh viên không, còn vượt cổng là vi phạm tác phong của SV sư phạm, còn dối trá vi phạm đến đạo đức nhà giáo tương lai... Đang núp lùm mà nghe bảo vệ giáo huấn bạn mình vừa lo, vừa sợ.. nghe tiếng quát: Cô đi với ai? Khai ra tôi tha vì thành thật, không khai tôi báo với khoa Toán. Lúc đầu bạn tôi không khai, nhung do bị doạ nạt, bứt cung nên bạn tôi không chịu nổi phải đành “ nhất quyết không khai hai bạn ở trong lùm cây”. Bảo vệ cầm đèn pin quét cái rẹt chiếu thẳng vào hai chúng tôi và hô to: đứng dậy! Vào viết bảng tường thuật. Tôi vừa viết vừa lẩm bẩm: “ cầu Chúa che chở cho chúng con! Chúa lòng lành soi sáng...”. Viết xong chúng tôi khóc lóc van xin , chiêu cuối cùng của bọn con gái chúng tôi. Kết quả không ngờ, chúng tôi được tha. Đúng là sức mạnh của “ nước mắt con gái”. Giờ tôi mới biết, giá như sử dụng chiêu này thay vì nuốt nước mắt vào trong thì sẽ “thắng” bao nhiêu trận rồi. Vì theo tôi lkhóc là dấu hiệu cho sự bất lực của tâm hồn trong việc kìm nén cảm xúc và duy trì mệnh lệnh với bản thân.
Được tha chúng tôi chạy như bay về phòng, và chúng tôi đều nghĩ: khi có niềm tin thì Chúa ở trong lòng mỗi chúng ta, Chúa ở mọi nơi giúp đỡ người khốn khổ.
LẦN ĐI NOEL ĐẦU TIÊN CỦA TÔI ĐẦY ẤN TƯỢNG. SAU LẦN ĐÓN GIÁNG SINH NÀY, TÔI TỚI THƯ VIỆN ĐỌC: “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCullough
“Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và hoạ mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được.Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy”....
Theo Chuyện Quê
Huynh Thuy
Link nội dung: //revcat.net/chung-toi-di-noel-a10467.html