Thằng bé chạy tung tăng trên phố. Hôm nay nó kiếm được thật là nhiều, giá mà ngày nào cũng được như vậy... đêm giao thừa năm nay, nó mua được một cái bánh chưng và kiếm được vài ngọn nến giấu ở trong “cái ổ” dưới gầm cầu. Chỉ còn mấy tiếng nữa là năm mới rồi. Thành phố dạo này thật là vắng vẻ và yên tĩnh.
Mấy hôm trước, người ta đổ hết về quê, khiến mọi con đường đều ùn tắc. Nhưng đó là lúc nó kiếm được nhiều tiền hơn cả. Nó cẩn thận để tiền tích góp được cho vào một chiếc túi vải, buộc lại bằng dây dù, thắt nút vào con đỉa quần rồi lại đút vào chiếc túi mới. Mấy ngày Tết chạy đôn chạy đáo nhưng nó cũng thật vui vì kiếm được nhiều tiền.
Phịch... nó ngồi bệt xuống vỉa hè gầm cầu, đế bộ đồ nghề đánh giày qua một bên, rồi lần mò lôi chỗ tiền vừa kiếm được ra, xếp thành từng loại và vuốt cho phẳng, nó lẩm bẩm:
- Đủ tiền mua xe đạp rồi...
Nó ngước nhìn lên...
Đêm giao thừa, ai nấy đều ăn mặc chỉn chu, lác đác có mấy chiếc xe sang trọng lướt qua. Nó tự nhủ:
- Hôm nay chắc mấy cái công - te - nơ không làm phiền nữa...
Vừa dứt lời thì có tiếng ai đó bất giác kêu lên, rồi có tiếng rồ ga của một chiếc xe máy. Chạy vội tới, nó thấy một ông lão đang ngồi trên mặt đất, đưa tay ôm chân, bên cạnh đó là chiếc xe đạp, bánh xe quay tròn.
- Để cháu giúp!
Nó lật đật đỡ ông lão về vỉa hè, nó dựng lại chiếc xe đạp của ông rồi nó hỏi với vẻ lo lắng:
- Nhà ông ở đâu?
Ông lão cố nhịn đau:
- Ở gần thôi...
Rồi ông băn khoăn hỏi:
- Cháu giúp lão nhé?
- Vâng!
Rồi nó chỉ tay qua cái ô:
- Ông vào chỗ cháu ngủ cái đã.
Ông lão quay qua, chợt nín lặng, rồi gật đầu...
Hỏi địa chỉ rồi, nó chạy vụt đi
Bác tài điều khiển chiếc xe lao vút đi để kịp đón giao thừa. Sau xe, một cặp vợ chồng ăn mặc sang trọng đang ngồi ngắm đường phố. Người phụ nữ nhìn lướt qua ánh đèn pha lấp lánh, khẽ giọng:
- Thành phố bây giờ khác anh nhỉ?
Người đàn ông trầm tư, ngã lưng về phía sau, thở dài:
- Mình đi 20 năm rồi còn gì.
Người phụ nữ tiếp lời:
- Ba chắc cũng già đi nhiều. Em chưa hiểu được vì sao ba cứ nhất quyết không chịu đi qua đó ở cùng vợ chồng mình.
Liếc nhìn vợ đăm chiêu, người đàn ông nhẹ giọng:
- Ba có lý do mà. Có nhiều điều có thể em sẽ không hiểu. Cuộc sống sung túc đôi khi không phải là tất cả.
Người phụ nữ cau mày:
- Anh giống ba, đến giờ em vẫn chưa hiểu, nơi đây thì có gì mà lưu luyến.
Người đàn ông nói:
- Có những điều em cần phải có cơ hội để cảm nhận bằng trái tim, nó rất giản dị, nhưng lại hàm chứa hạnh phúc.... ước gì anh có thể nói để em hiểu...
Người đàn ông lặng nhìn con phố, con đường vắng vẻ mà thời học sinh anh vẫn hay đi qua giờ đã mọc lên những căn biệt thự sang trọng. Anh đưa tay lên liếc nhìn đồng hồ...
Kít... chiếc xe đột ngột phanh gấp rồi quẹo sang một bên, đâm vào vỉa hè. Bác tài nỗi nóng rít lên:
- Mày đi đứng thế à ?
Người đàn ông đặt tay lên vai bác tài:
- Bác Tân à... bình tĩnh !
Nói rồi anh vội xuống xe. Đầu chiếc xe hơi bị móp một chút. Trên đường, một thằng bé đang xanh mặt từ từ đứng dậy:
- Cháu...cháu... xin lỗi ạ...
Người phụ nữ xuống xe, lạnh lùng nói:
- Xin lỗi thì có tác dụng gì.
Nói rồi cô rút điện thoại ra.
Người đàn ông lặng nhìn cậu bé rồi quay sang nói:
- Thôi em, xe nhà, mà sắp đến giao thừa rồi, ba đang đợi.
Rồi anh quay sang thằng bé:
- Nhà cháu ở đâu?
Nó rụt rè chỉ tay về phía gầm cầu:
- Ở kia ạ!
Mặt tái nhợt, thằng bé run run moi chiếc túi ra, cởi nút thắt, cầm cả mớ tiền được xếp ngay ngắn, ấp úng nói:
- Cháu... cháu chỉ có ngần này thôi. Van xin cô chú đừng báo công an. Họ tới thì cháu mất chỗ ngủ...
Người đàn ông nhìn thằng bé sâu hơn:
- Chúng ta về chỗ cháu ngủ đã...
Nói rồi anh quay qua dặn bác tài chờ xe.
Thằng bé dẫn người đàn ông đi, người phụ nữ níu tay anh, vẻ khó hiểu. Ba bóng người bước về phía cuối gầm cầu.
Tới gần chỉ mấy khối bê tông chặn lại, thằng bé luống cuống chui vào trước, nói nhỏ với ai đó:
- Ông ơi, cháu xin lỗi...
Nói rồi nó moi ra một cây nến và cái bao diêm. Ánh nến từ từ sáng lên, người đàn ông chợt nheo mắt, rồi kêu lên ngạc nhiên:
- Ba! Sao lại thế này?
Người phụ nữ chạy tới:
- Chân ba sao thế này?
Ông lão nhìn hai con, từ từ nói:
- Ba đi viết chữ về, bị đụng xe. Nhờ thằng bé về nhà báo. Hai con đã về rồi à? Bác Tân đâu?
Nói rồi ông lão liếc nhìn qua thằng bé:
- Cháu ổn chứ?
Nó gật gật đầu.
Gió lạnh, hương hoa sữa thoảng qua, và bất chợt những làn pháo hoa bắn lên, báo hiệu thời khắc giao thừa đến.
Ông lão trầm tư, ngoảnh sang hai con nhẹ nhàng nói:
- Tết cổ truyền, đêm giao thừa, gia đình sum họp mà chúng ta ở đây cũng là ba thế hệ rồi.
Thằng bé như chợt nhớ ra điều gì, luống cuống mò từ trong góc một lon côca, hai cái cốc, một chiếc bát và một chiếc bánh chưng, lí nhí nói:
- Cháu chỉ có ngần này thôi.
Bốn người ngồi nhìn nhau trong khoảng khắc đó, dưới bầu trời lung linh rực sáng pháo hoa. Người phụ nữ nghẹn ngào mở lời:
- Ba, con đã hiểu, cái Tết này thật là ý nghĩa...
Nói rồi, cô đưa tay ra kéo thằng bé:
- Con về ở với cô chú nhé?
Thằng bé lặng đi...
Ông lão nhìn con dâu hồi lâu, rồi gật gù mỉm cười:
- Cuối cùng ba cũng có cháu đích tôn rồi !...
Bầu trời đêm giao thừa rực sáng hẳn lên với tình người, với những màn pháo hoa lung linh huyền ảo và tiếng hát của cô ca sĩ nào đó cất lên ngọt ngào và tha thiết:
"Em ơi mùa xuân đến rồi đó"...
Cả bốn người lặng nhìn nhau, gương mặt sáng bừng, rạng rỡ...
Chuyện làng quê
Ngư dân Nguyễn Sinh (Tình Biển)
Link nội dung: //revcat.net/khoanh-khac-dem-giao-thua-a10323.html