Vậy mà không, đây mới lần đầu đối với tôi - một cựu chiến binh đã từng vượt cả dãy Trường Sơn! Lạ vậy, và thật có lỗi với Hà Giang, với Vị Xuyên, với các đồng đội đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất địa đầu.
Tôi được Ngọc Dũng, K15 Vật lý, ĐHTH Hà Nội tặng một chiếc mũ tai bèo được mang từ tp. Hồ Chí Minh. Chiếc mũ kỷ niệm của các ccb thành cổ Quảng Trị. Tôi là ccb của miền Đông Nam Bộ, có vẻ không xứng đáng đội chiếc mũ của ccb chảo lửa Quảng Trị lắm nhưng tôi thích có nó. Ngọc Dũng chắc cũng lưu luyến chiếc mũ khi đưa nó cho tôi, kỷ niệm nhiều khi giá trị vượt khỏi tiền bạc. Để kỷ niệm giây phút trao nhận kỷ vật ấy, tôi đội mũ và chụp chung với Ngọc Dũng bên cạnh biển hiệu của trường đại học khoa học tự nhiên. Tôi đã gửi bức ảnh cho Ngọc Dũng để thỉnh thoảng Ngọc Dũng ngắm ảnh cho đỡ tiếc đã tặng mũ quý cho tôi.
Chuyến hành hương đi Hà Giang của các cựu sinh viên khoa vật lý K15 và những người bạn bắt đầu từ cổng trường đại học khoa học tự nhiên. Xuất phát đi đâu cũng từ cổng trường cũ gần như thành truyền thống của các lứa sinh viên các trường đại học ở Hà Nội và tôi nghĩ các nơi khác cũng vậy.
Xe đi qua Nghĩa trang Vị Xuyên, cảm giác sự khốc liệt của chiến tranh trở lại trong tôi và những ccb sinh viên ngồi trên xe. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra thì lứa ccb sv thời kỳ chống Mỹ chúng tôi cũng vừa tốt nghiệp đại học, chúng tôi sẵn sàng tái ngũ theo lệnh tổng động viên của chủ tịch nước. Nhưng rồi các ccb chúng tôi hầu hết không được tái ngũ do quân bành trướng Trung Quốc đã rút khỏi hầu hết các vùng đất mà chúng đã lấn chiếm của Việt Nam. Chỉ có mặt trận Vị Xuyên vẫn tiếp tục có máu đổ của tuổi trẻ Việt Nam đến tận mười năm sau. Do tin tức hồi đó không được thông báo rộng rãi nên hầu hết chúng ta không biết được hết sự hy sinh của các chiến sỹ và nhân dân Hà Giang trên mặt trận Vị Xuyên. Cậu hướng dẫn viên du lịch có lẽ kém hiểu biết lại thích tạo ấn tượng cho khách nên đã nói sai ý nghĩa của sự hy sinh của bộ đội trên mặt trận Vị Xuyên. Cựu chiến chiến binh Vũ An Ninh lập tức chấn chỉnh ngay cậu hướng dẫn viên du lịch, hy vọng cậu ta không lặp lại lỗi đó khi thuyết minh cho các đoàn khách khác.
Cột mốc cây số không Hà Giang, mặc dù đã chuyển sang vị trí khác nhưng tôi vẫn hình dung ra bức ảnh người chiến binh vác khẩu B41, quỳ gối bên cột mốc cây số không Lạng Sơn hướng quả đạn về hướng quân bành trướng Trung Quốc. Chúng tôi có những bức ảnh bên cột mốc số không Hà Giang để khắc ghi những dấu ấn lịch sử không được quên đó.
Núi đôi Quản Bạ hay Núi Cô tiên với hai trái núi như hai bầu sữa mẹ tuyệt đẹp gắn với câu chuyện truyền thuyết đáng yêu của người H'mông (Mông). Một chàng trai người Mông tuấn tú có tài thổi kèn môi. Tiếng kèn của chàng trai Mông réo rắt, trầm bổng làm cho chim chóc trong rừng phải sà xuống, nhảy nhót xung quanh chàng. Tiên nữ Hoa Đào ở trên thượng giới vô tình bay ngang, đã bị tiếng đàn môi của chàng trai Mông cuốn hút. Nàng đã trốn Ngọc hoàng và quyết theo chàng trai người Mông làm vợ. Rồi nàng mang bầu và sinh ra cho chàng một cậu con trai kháu khỉnh. Ngọc hoàng phát hiện tiên nữ Hoa Đào đã lấy người trần thế liền cho các vị thần bắt nàng về trời mặc cho nàng tha thiết cầu xin. Thương chồng vất vả và sợ con thơ khát sữa mẹ nên nàng đã để hai bầu nhũ hoa lại cho con. Con trai nàng nhờ hai bầu vú mẹ mà khôn lớn, rồi sau đó hai bầu vú của nàng đã hóa thành hai ngọn núi và được đặt tên là núi đôi hay núi cô tiên. Câu chuyện thật hay vì khác với chuyện Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung của vua Hùng dưới xuôi. Chử Đồng Tử gặp may khi công chúa Tiên Dung tắm đúng chỗ Chử Đồng Tử vùi mình trong cát vì không có quần áo để mặc. Nước tắm của Tiên Dung làm trôi cát và Tiên Dung thấy mình trần của Chử Đồng Tử và Chử Đồng Tử cũng thấy Tiên Dung mình trần. Chỉ vì thấy nhau mình trần mà Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử. Chàng trai người Mông trong sự tích núi đôi thì bằng tài năng thổi kèn môi mà chinh phục được tiên nữ Hoa Đào - chàng trai người Mông thật đáng cho cánh đàn ông người Kinh nể phục. Hôm sau ở sạp bán hàng chân cột cờ Lũng Cú tôi nói chuyện với một cô giáo vừa trẻ vừa xinh người Nam Định. Cô gái trẻ nói chồng cô ấy cũng là người Mông thì tôi tin rằng chuyện núi đôi Quản Bạ không chỉ là truyền thuyết. Niềm tin đó của tôi được củng cố khi vào thăm dinh thự của Vua Mèo.
Chúng tôi gặp mấy cô bé học sinh trung học phổ thông người Mông cũng lên ngắm núi đôi. Tôi đề nghị các cô bé tạo nền cho các cô các chú. Các cô bé đều vui vẻ tạo dáng không chút miễn cưỡng. Để trả ơn các cô bé, tôi đã chụp tặng cả nhóm mấy bức ảnh hướng về núi đôi. Tôi thấy mấy bức ảnh đó đẹp và các cô bé chắc cũng thích vì thấy cười tít mắt khi tôi gửi ảnh qua zalo.
(Còn tiếp).
Trái tim người lính
Nguyen Van Noi
Link nội dung: //revcat.net/cau-chuyen-tinh-yeu-cua-anh-linh-sinh-vien-a10319.html