Đó là tập thơ in riêng thứ 11 của Nhà thơ Quang Hoài do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2020 mà tôi vừa được tác giả “Quý tặng …", nhân dịp đón Xuân mới.
Tập thơ xuất bản này gồm 45 bài - hầu hết là thơ tình, trong đó có một bài sáng tác năm 2015 (“Mùa em” tặng H.P.); hai bài sáng tác năm 2016 (“Vết Bình Khương”, “Mất sóng”); hai bài sáng tác năm 2017 ( “Máu Lạc Hồng”, “Ngày ấy… Gió và dòng sông”), còn lại 40 bài sáng tác trong hai năm 2018 -2019.
Đầu Xuân lộc đến sớm, được tặng sách là vinh hạnh lớn, tranh thủ đọc lướt qua, cảm nhận đầu tiên mà tôi bắt gặp là những xúc cảm chân thành, thấm đẫm tình yêu trong mỗi trang thơ của thi sĩ Quang Hoài. Bức tranh hiện thực bình dị được lọc qua tâm hồn thơm thảo của Quang Hoài thể hiện bằng những ý thơ mượt mà, giàu sức gợi tả, khiến người đọc cảm nhạn được bằng sự gần gũi đầy thương mến. Trong bài mở đầu “Bài ca chim gõ kiến”, bằng cảm xúc tự sự, Nhà thơ Quang Hoài bộc bạch:
…
“Ta là chim gõ kiến
cộc…cộc…cộc…
ta ca “Bài ca chim gõ kiến”
không ca bìm bịp, le le
cộc…cộc…cộc…
kiến đâu? kiến đâu?
bò ra…bò ra…
ta hoá kiếp các người
tái sinh màu xanh bất tận”.
Trong bài thơ “Dòng sông đỏ - sông người cuộn sóng Rồng bay” viết đêm 28-1-2018 tặng các cầu thủ U23 Việt Nam sau chiến thắng giành Huy chương bạc Cup bóng đá U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc), Nhà thơ Quang Hoài lại rạo rực xốn xang khi rừng người cầm băng rôn, cờ hoa như “Dòngsông đỏ - sông người” đổ ra đường đón các chiến binh Sao vàng, liền liên tưởng tới truyền thống con cháu “ Lạc Hồng”, “Thế nước” … “cuộn sóng Rồngbay” lần đầu tiên mang vinh quang về cho đất nước:
…
"Chiều đông
Mưa phùn giá rét
Anh hoà vào dòng người
Dòng máu Lạc Hồng
Chảy… chảy… chảy…
Dòng sông đỏ - sông người
Phấp phơi sao vàng
Cuộn sóng Rồng bay
Phù sa đỏ đổ vào lịch sử…
Ơi, các em… các em U23
Đâu chỉ là bóng đá
Thế nước - thế người giữa thời hội nhập
Dòng sông đỏ - sông người cuộn sóng Rồng bay!".
Ngẫm nghĩ về tài năng của Nhà thơ cao niên này, tôi chợt nhớ Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nhận định về thơ Quang Hoài khi xuất bản tập thơ thứ sáu “Chớp lửa đường cong” (Nxb. Văn học, 2009): “Quang Hoài là ai? Đó là một cây bút đa tài. Điều này thì khỏi phải bàn. Quang Hoài làm thơ, viết văn, viết bình luận văn học, soạn các sách chuyên đề… Nhưng trước hết, anh là một thi sĩ. Quang Hoài có thơ in trên các báo địa phương và Trung ương từ những năm Sáu mươi của… thế kỷ trước … Quang Hoài không chìm đắm vào những chất liệu bề bộn của hiện thực. Đời sống hiện thực phải lọc qua tâm hồn anh, lắng lại thành ký ức rồi mới ùa lên trang giấy. Thơ Quang Hoài là thế. Lối viết này đã chi phối toàn bộ các sáng tác của anh từ ngày đầu cầm bút cho đến tận bây giờ”. Trong tập thơ “Quả càng già càng chín ngọt thơm” thể hiện rất rõ điều đó. Bài “Sóng Quảng An”, Nhà thơ Quang Hoài bày tỏ:
"Gió lùa quán lá Quảng An
Bên em áo đỏ - đông tàn trước Xuân
Xuân bung nụ đợi đầu ghềnh
Đón sương mai giọt chồi anh đêm hàn
…
Quảng An sóng vỗ đêm thâu
Vỗ mòn bến khát, vỗ nhàu tình anh!".
Ở tập thơ “Quả càng già càng chín ngọt thơm”, Quang Hoài vẫn phát huy sở trường là thơ Lục bát một cách thuần thục như bài “Đêm suối Yến”, “Anhmơ về một bàn tay”, “Gửi em cô gái Thanh Sơn”… Ngoài ra còn có những tứ thơ mới và lạ, như bài “Đắng đót”: “Chỉ măng nhú đất vươn chồi/ Cho em đắng đót một đời thiếu anh…”; hoặc bài “Rồi ra…rồi cũng thế thôi”, hay bài “Ánh mắt phì nhiêu”… đã làm tươi tắn thêm thể thơ Lục bát:
"Xin em đừng có giả vờ
Yêu rồi còn cứ lập lờ chưa yêu
Mắt em thầm giấu bao điều
Nhìn anh ánh mắt phì nhiêu lạ kỳ".
Trong tập thơ mới xuất bản này, điều hiện lên một cách sinh động là tình yêu thơ Lục bát qua bài “Anh mơ về một bàn tay” (Tặng các em gái Mường Đ.Q.), tác giả dùng thủ pháp so sánh, khéo léo ngợi ca “bàn tay Tiên” của em gái Xứ Mường - tạo nên dấu ấn sâu sắc trong mối quan tâm không dứt của thơ Quang Hoài:
"Anh mơ về một bàn tay
Hương đồi, hương suối tan ngày nắng nung
Bàn tay mát đến vô cùng
Điều hoà, quạt điện cũng không là gì!
…
Bàn tay em - bàn tay Tiên
Bàn tay nhen lửa thắp lên miền trời
“Bàn tay là hoa của đời”
Của Mường, của bản, của người anh say…
Anh mơ về một bàn tay
Bàn tay – hoa của đất này: Mường em".
Đón Xuân Nhâm Dần, Đại tá - Nhà thơ Quang Hoài bước sang tuổi 77. Tuy đã vượt qua cái ngưỡng “tuổi xưa nay hiếm” nhưng tình yêu cuộc sống, quý trọng người thân, bạn bè, niềm say đắm thi ca của Nhà thơ Quang Hoài mỗi khi mùa Xuân về vẫn tuôn chảy, sung mãn như “trở lại thời đôi mươi, mười tám”. Có lẽ vì thế, Nhà thơ Quang Hoài đã lựa chọn “Quả càng già càng chín ngọt thơm” là ý và tít trong 1/45 bài thơ lần này làm tựa sách vừa được xuất bản để vận vào cái tuổi của mình:
"Có mê đắm nào bằng anh mê đắm em
Hồ Linh Đàm sao đầm đìa mặt sóng
Hoàng hôn buông gió hồ lồng lộng
Anh bên em đêm tím mặt hồ
Ta sát vai nhau trong tiếng sóng xô
Sóng da thịt cồn cào miền hoan lạc
Tóc em thơn ngào ngạt
Anh chìm trong hương em! …
Quả càng già càng chín ngọt thơm
Anh trở lại thời đôi mươi, mười tám
Lại ào ạt tận cùng sung mãn
Lại nhựa dâng dào dạt lên chồi…
Mùa Xuân… Mùa Xuân mến yêu ơi!
Đừng vội đi… Đừng vội đi xa ta nhé!
Đêm bên em hồ Linh Đàm phập phồng sóng trẻ
Sóng hồn anh trong sóng hồn em…".
Không những vậy, Nhà thơ Quang Hoài còn tỏ ra khoáng đạt trong thể thơ tự do với những liên tưởng phong phú trên nền cảm xúc vừa mạnh mẽ vừa phóng hoạt như bài “Những cánh chim” khi đến thăm Đền Hùng (Phú Thọ) mùa Thu 2019, “Máu Lạc Hồng” nhân cuộc gặp mặt lần thứ nhất các nhà văn hải ngoại cuối tháng 10-2017 tại Hà Nội với chủ đề “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”:
"Có kẻ địch nào “phân chia” được máu anh
Khi lòng ta hoà hợp
Xin chớ vô tình
Sau bốn cuộc chiến tranh
Bao bà mẹ cạn khô nước mắt
Bao người vợ ngóng chồng héo hắt…
Có kẻ địch nào “phân chia” được máu anh
Khi máu ta chung “gốc” máu Lạc Hồng".
Hoặc trong bài “Vết Bình Khương” viết cuối đông năm 2016 nhân chuyến về thăm Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá) - Di sản Văn hoá thế giới đã được UNESCO vinh danh, Nhà thơ Quang Hoài xúc động khi nghe câu chuyện nàng Bình Khương từ hơn 6 thế kỷ trước đã gieo mình vào đá chết theo chồng là Trần Cống Sinh, người được giao phụ trách việc xây dựng đoạn tường thành phía Đông cứ xây gần xong lại bị sụt lở. Trần Cống Sinh bị Hồ Quý Ly nghi ngờ có mưu làm phản, nên cố ý chậm trễ việc xây thành. Hồ Quý Ly đã ghép cho Trần Cống Sinh tội làm phản và sai người vùi thân vào tường thành cửa Đông. Tương truyền, nàng Bình Khương nghe tin chồng bị chôn sống liền tìm tới động An Tôn. Khi biết chồng đã chết, nàng quá đau đớn và uất hận đã đập đầu vào đá để kêu oan cho chồng. Cái chết của nàng Bình Khương là một trong những bí ẩn có sức ám ảnh ghê gớm, đã vén lên một phần quá trình kiến tạo toà thành đá, mà ngày nay, mỗi khi nhắc đến người ta không khỏi xót xa và cảm phục! Dân chúng trong vùng đã lập đền thờ nàng Bình Khương tại làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Trong ngôi đền thờ nàng Bình Khương quanh năm nghi ngút khói hương, có tảng đá còn in một vết lõm sâu và hai vết lõm nông là dấu tay và đầu của nàng đập vào vẫn được đặt ở vị trí trang trọng nhất, như một sự khẳng định về tấm gương tiết liệt còn ghi dấu trên đá ngàn năm không mòn. Đứng trước đền linh thiêng, Nhà thơ Quang Hoài đã trào dâng cảm xúc:
" Còn đây…
Còn đây…
Hình đầu trên đá…
Đá mềm hay đầu cứng?
Trơ nhân gian
Đá lõm hình đầu!
Thành đá hằn sâu
Vết Bình Khương
Máu rỉ ra từ đá! ".
Để khép lại cảm nhận về tập thơ “Quả càng già càng chín ngọt thơm”, xin dẫn tiếp ý kiến của Nhà thơ Trần Đăng Khoa về thơ Quang Hoài: “… Thơ Quang Hoài - một loại rượu đặc sản của riêng anh sẽ chinh phục được độc giả,làm say lòng độc giả mà không cần tôi phải quảng bá, vân vi”.
Nhân khai bút đầu Xuân Canh Tý, xin chúc Nhà thơ Quang Hoài bước sang năm mới cùng toàn gia luôn mạnh khoẻ, bút lực dồi dào, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, gặt hái thêm nhiều thành công trên bước đường sáng tác thơ văn, tiếp tục có thêm những tác phẩm mới phục vụ bạn đọc và công chúng.
V.X.B.
Link nội dung: //revcat.net/qua-cang-gia-cang-chin-ngot-thom-a10317.html