Năm 2018 khi đọc Trường ca PHỒN SINH của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu dày hơn 700 trang tôi cứ nghĩ, có lẽ đây là tập thơ giữ kỷ lục về số trang. Lúc đó có nhà phê bình bảo rằng đọc Phồn sinh phải là người khỏe lắm mới đủ sức bơi trong dòng sông chữ. Vậy mà lúc này đây, tôi trân trọng đón nhận “Lục bát mỗi ngày”, với 942 bài thơ, đương nhiên toàn trên sáu dưới tám, được tác giả viết ròng rã từ năm 2006 đến 2020. Hầu như ngày nào cũng có... thơ.
Thật chính xác khi có nhà phê bình nói: Đặng Vương Hưng là ông Hoàng lục bát, là người giữ lửa của hồn thơ dân tộc. Với gia tài thơ đồ sộ, nhiều bài thơ, câu thơ tài hoa đã thẩm thấu trong đời sống như ca dao, tục ngữ, thế nhưng Đặng Vương Hưng chỉ nhận mình là người hát rong, mong ước một điều thật giản dị: “Ước gì để được cho đời mấy câu”. Đây là bài thơ “Mỗi ngày” của ông:
Mỗi ngày viết mấy câu chơi
Nhặt đầy yêu thích, đánh rơi vui buồn
Mai sau nước chảy về nguồn
Nhớ nhau đọc lại sẽ luôn mỉm cười
Hoa tàn là bởi đã tươi
Kệ ai yêu ghét, kệ người khen chê
Ta mang theo chút bùa mê
Gửi đi xa lắm lời thề đang yêu…
2- Cùng chào đời với LỤC BÁT MỖI NGÀY là CỎ BẠC TRIỀN ĐÊ của thi sĩ Hồng Thanh Quang. Và thật kỳ lạ, ba tập thơ (999 bài) mang tên chung, có số trang cộng lại cũng gần 1400 trang. Thơ Quang không sắp xếp theo thời gian. Bài thơ mở đầu ở tập I là “Lời cầu nguyện mùa dịch Covid-19”: “Ừ thì dịch bệnh như phép thử/Như lời nhắc nhở luỵ nhân sinh/Nhưng xin hãy giữ cho tôi nhé/ Trong những hoang mang một chữ tình”. Bài thơ cuối cùng ở tập III là “Tự mình nhóm lửa”, viết ngày 30-5-2021, có hai câu thơ lóe sáng, như một tuyên ngôn của người bộ hành trong bất kể thời đại nào: “Rẽ ngang vào ngõ cụt?/Tự mở lối cùng đi”. Đến nay Hồng Thanh Quang đã in 16 tập thơ và văn xuôi, trong đó có ba tập thơ dịch. Nhiều fan hâm mộ thơ, nhất là thơ tình, cùng những bản tình ca say đắm, dạt dào được nhạc sĩ tài hoa Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang. Có nhà nghiên cứu xếp ông tương đương ông này ông kia của ta và của thế giới nữa. Nhưng người thơ chỉ nhận “Tôi là “Hồng Thanh Quang thứ nhất”. Vì theo ông “Là thi sĩ không thể nào đông đúc”:
Là thi sĩ, ai muốn làm thi sĩ
Nhưng tứ thơ cứ bám riết tim rồi…
Không phải chữ đó chính là máu ứa
Xin ông trời, chỉ một kiếp này thôi…
3- Năm 2018 trường ca PHỒN SINH của Nguyễn Linh Khiếu ra đời. “Quả bom thơ” làm rung chuyển thi đàn Việt Nam. Hơn 700 trang, những con sóng chữ cuồn cuộn thét gào. Ông bảo sau quyển này, ông sẽ viết tiếp hai trường ca nữa. Nhà thơ, Phó giáo sư, tiến sĩ triết học, bàn rằng, thơ là sự sống, mỗi sớm mai là một lên đường. Là thi sĩ nghĩa là không dừng lại. Cuối năm 2021, tập trường ca thứ hai, “quả bom” thơ thứ hai HOA LINH THẢO đã tiếp nối “Phồn sinh”. Ý tưởng trường ca này vụt hiện vào mùa xuân năm 2014 khi nhà thơ cùng đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam dự Lễ hội Ngôn ngữ và văn chương Kolkata tại Ấn Độ.
Trường ca có 68 đoạn thơ, gần 300 trang in, được tác giả viết từ năm 2014 đến 2021. Nhưng thật ra bài thơ “Hoa linh thảo” đã viết từ ngày 15-5-1995. Bài thơ đã được Báo Văn nghệ trao Giải thưởng trong cuộc thi thơ cùng năm. Hoa linh thảo là hoa của Khiếu, do Khiếu sáng tạo ra. Ông đã “gặp” nó trong một giấc mơ vào một đêm trăng khi còn nhỏ. Nó “thổn thức một miền cỏ thơm miên man châu thổ”. Nó “lấp lánh những trang thơ tưởng chừng không bao giờ có trên đời”. Cảm ơn thi sĩ Nguyễn Linh Khiếu đã cho chúng ta một “định nghĩa” về nhà thơ theo cách nghĩ, cách cảm sôi trào của ông:
Nhà thơ không đơn thuần là một nhà thơ
nhà thơ không đơn thuần là một con người
nhà thơ không đơn thuần là một núi năng lượng
nhà thơ không đơn thuần là một diễn ngôn
nhà thơ nghĩa là được trao độc quyền phát ngôn xứ sở của mình
nhà thơ là nhân danh xứ sở mình hát lên thông điệp Phồn sinh bất tử.
Xuân Phương, áp tết Nhâm Dần
H.Đ
Hải Đường
Link nội dung: //revcat.net/uoc-gi-de-duoc-cho-doi-may-cau-a10219.html