Lứa chúng tôi lúc ấy chỉ cần vài hào bạc lẻ, tung tăng từ đầu đến cuối chợ. Chỉ cần mua được mét pháo, vài chùm bóng "Thanh Dung", loại bóng từ Sài gòn mang ra là vui lắm rồi, hậu hĩnh nữa thì được ăn bát bún riêu, mà ăn xong quẹt mỏ vẫn thèm thuồng.
Cái sự thèm của một thời khốn khó, chả thể nào so sánh được với con trẻ ngày nay. "Vài hào lẻ", nói thì đơn giản, nhưng đấy là sự chắt bóp cả năm giời, bỏ ống nứa (ngày xưa ít có heo đất). Rồi cộng thêm vào gánh hàng Tết của mẹ, nếu mẹ có hứng chí cho thêm. Quê tôi chợ phiên vào ngày 1,4,6,9, thành thử phiên chợ cuối năm nhộn nhịp lắm, nó khác hẳn những phiên ngày thường. Năm nào cuối năm là 30 còn đỡ, nếu chỉ 29 ngày thì phiên chợ cuối trở nên vội vã hơn, vì người ta sắm sửa từ phiên chợ trước. Hàng hoá chẳng có nhiều, chủ yếu mua qua tem phiếu mậu dịch. Phiên chợ Tết vui, nhưng lớp trẻ chúng tôi chủ yếu chỉ là đi nhìn.
Bây giờ khác xưa nhiều quá.
Lớp trẻ chả có hứng thú gì, mà chính xác là họ không để ý đến chợ Tết. Hàng hoá chất đầy từ đầu ngõ, thậm chí thích thì mua online, người ta giao tận nhà, chẳng cần đi cho mất công.
Thôi thì thời nào theo thế ấy. Nhưng với lứa con trẻ như thế hệ chúng tôi, thì chợ Tết vẫn là món quà Trời ban, mà mỗi năm được tiếp cận một lần.
Biên Hòa
Ngày ngồi nhớ Tết xưa.
Theo Chuyện Làng quê
Đỗ Đức Thắng
Link nội dung: //revcat.net/cho-tet-que-xua-a10084.html