Vì bố tôi chỉ có một ông em trai nên nếu không có gì trục trặc, chắc chắn tôi sẽ chỉ có một và chỉ một bà thím thôi. Song, anh em chúng tôi lại gọi thím bằng cô, “Cô Hà,” và cái danh xưng đó đã theo bà đi suốt cuộc đời. Cũng không hiểu tại sao chúng tôi lại gọi bà như thế. Một phần dường như đây là cách gọi của những người theo kháng chiến về tiếp quản Thủ Đô chăng. Song cũng có lẽ vì với chúng tôi, ngay từ ban đầu bà được gọi là cô, cô giáo vườn trẻ hay cô nuôi dạy trẻ theo cách nói bây giờ.
Hồi mới tiếp quản Thủ Đô Trường Đại học Y Dược Hà Nội có một khu tập thể ở số nhà 5 Đinh Lễ. (Từ trong kí ức sâu thẳm, chúng tôi vẫn tưởng đấy là phố Đinh Lê, vì tên phố ghi như thế.) Đấy là một tòa nhà lớn, nằm giữa hai phố Đinh Lễ và Tràng Tiền. Nhà gồm rất nhiều phòng lớn nhỏ bao quanh một khoảnh sân. Khoảnh sân ấy có hai cây cọ lớn, không biết trồng từ bao giờ. Lúc chúng tôi ở đấy, cây đã cao vượt lên trên cái sân thượng đang làm dở dang khi đó.
Chúng tôi chủ yếu ở tầng hai, còn tầng một thì một phần dành cho gia chủ, tập thể chỉ gồm một nhà ăn, cái sân và hai phòng trông ra phố Đinh Lễ, còn phía Tràng Tiền là của một cơ quan khác, cũng thuộc ngành y tế. Tầng hai lại có thêm một khoảnh sân nữa, khá lớn. Đấy là nơi lũ trẻ chúng tôi đùa chơi suốt ngày. Nhất là khi trời mưa to, nước dềnh lên, đấy sẽ là con sông hay bể bơi, tùy óc tưởng tượng từng đứa. Song nói gì thì nói cái sân trên tầng hai ấy được công nhận là nơi tắm lí tưởng của lũ trẻ “nghịch hết cấp” chúng tôi, khi có những cơn mưa vần vũ.
Tập thể có một vườn trẻ, lớn nhỏ đến vài chục đứa, trong đó mới chỉ một hai anh lớn “đi học,” còn thì đều được trông coi ở đấy cả. Và đấy cũng là nơi lần đầu tôi gặp cô. Tôi nhớ, lúc mới gặp cô còn trẻ lắm dù lũ trẻ con chúng tôi hồi đó không có khái niệm về tuổi tác của các bà, các cô ở vườn trẻ. Lũ chúng tôi bị thu hút và cũng hãnh diện bởi khuôn mặt dịu dàng, trắng hồng, phải nói là đẹp của cô. Cũng bởi giọng nói miền trong là lạ, âm ấm, mà sau tôi mới biết đó là giọng Đồng Hới, Quảng Bình. Nhất là khi có đứa ngã, hay bị đứt tay. Chỉ nghe cô dịu dàng “xơ miên, xơ miên” mấy câu là đứa nào cũng ngẩn ra, im bặt, quên cả khóc. Sau mới biết, cái xơ miên ấy hóa ra là thôi miên.
Một lần, cô dẫn lũ chúng tôi đi chơi Bờ Hồ, cách gọi tắt hồ Hoàn Kiếm của người Hà Nội thủa ấy. Chúng tôi loanh quanh lên cầu Thê Húc, cây cầu đỏ chót bằng gỗ, vào tận đền Ngọc Sơn, rồi cuối cùng tản ra vườn hoa chơi. Thực ra đó là một quần thể hai vườn hoa, Chí Linh và Diên Hồng, mà chúng tôi thường gọi là “vườn hoa Con Cóc,” vì có mấy con cóc biết phun nước ở đấy.
Chơi chán, cả lũ lẻ tẻ rủ nhau về, nhà quá gần. Thế là cô Hà bị bỏ lại, lạc giữa vườn hoa, “mất công” mấy chú trẻ tuổi trong tập thể phải chia nhau đi tìm. Đấy là một sự kiện lớn của lũ trẻ chúng tôi ở 5 Đinh Lễ.
(Còn tiếp)
Theo Trái tim người lính
Trịnh Xuân Tiến
Link nội dung: //revcat.net/thim-toi-pham-ngan-ha-a10076.html