Ông là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh thời Chính quyền Sài Gòn trước ngày 30-4-1975. Ông sinh năm 1924 tại xã Phú Phong (H.Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho; nay thuộc tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình trí thức.
NGƯỜI NỘI TUYẾN HOÀN HẢO
Cuộc đời hoạt động gắn với những câu chuyện như huyền thoại của ông Nguyễn Hữu Hạnh: “Sống giữa muôn trùng kẻ thù, làm đến chức quyền Tổng tham mưu trưởng mà đến tận ngày hòa bình thống nhất rồi, kẻ thù mới biết ông cụ là người gắn bó với cách mạng!”.
Sở dĩ cuộc đời của nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh lại gần với những huyền thoại bởi rất ít người có thể nghĩ rằng một vị Quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội của chế độ Việt Nam Cộng hòa lại là “Cơ sở nội tuyến của Trung ương cục”.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh đã tạo cho mình một vỏ bọc rất hoàn hảo và có thể nói Trung ương cục đã “nuôi quân 10 năm để dùng trong một giờ”.
Trong nhiều lần đối mặt với lực lượng Quân Giải phóng, ông thường lệnh cho binh lính đánh ở thế giằng co mà không tiến chiếm mục tiêu. Khi Quân Giải phóng rút, ông cũng ra lệnh thu quân, không đánh tiếp. Các cố vấn Mỹ mỉa mai gọi ông là “Tư lệnh thận trọng”, “Tư lệnh không bao giờ chiếm mục tiêu”.
TƯ LỆNH KHÔNG BAO GIỜ CHIẾM MỤC TIÊU
Năm 1945, tốt nghiệp tú tài, ông vào học Trường Võ bị địa phương Nam Việt Vũng Tàu, tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy, được điều làm trung đội trưởng một đơn vị bộ binh, dưới quyền thiếu úy - Đại đội trưởng Dương Văn Minh. Mối quan hệ này trở nên thân tình giữa hai người và có nhiều ảnh hưởng về sau.
Trong nhiều lần đối mặt với lực lượng Quân Giải phóng, ông thường lệnh cho binh lính đánh ở thế giằng co mà không tiến chiếm mục tiêu. Khi Quân Giải phóng rút, ông cũng ra lệnh thu quân, không đánh tiếp. Các cố vấn Mỹ mỉa mai gọi ông là “Tư lệnh thận trọng”, “Tư lệnh không bao giờ chiếm mục tiêu”.
ĐÁM TANG ĐẶC BIỆT VÀ NGƯỜI MANG BÍ SỐ S7 - SAO MAI
Tháng 10-1963, tại xã Phú Phong (H.Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) diễn ra một đám tang rất đặc biệt. Người quá cố là ông Nguyễn Hữu Điệt (cha ruột đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn IV, Vùng 4 chiến thuật Nguyễn Hữu Hạnh). Trước khi nhắm mắt, ông Điệt trăn trối ước nguyện được chôn cất ở quê, bên cạnh phần mộ tổ tiên.
Đây là điều rất khó khăn đối với ông Hạnh, vì phần mộ tổ tiên nằm trong vùng Mặt trận Giải phóng kiểm soát. Ông quyết định thương lượng với Mặt trận Giải phóng xã Phú Phong, xin được an táng cha. Chính quyền xã Phú Phong đồng ý, với điều kiện hai bên phải ngừng bắn trong 3 ngày. Đám tang diễn ra suôn sẻ, hai bên tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn.
Ba ngày sau, ông Hạnh bày tỏ nguyện vọng được đến thăm mộ cha bằng trực thăng. Lực lượng cách mạng đồng ý, với điều kiện ông đi một mình. Ông Hạnh thực hiện đúng giao ước và trở về Cần Thơ bình yên.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh trở thành mối quan tâm số một của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Nhiệm vụ tiếp cận, vận động được giao cho ông Nguyễn Tấn Thành (họ hàng với ông Hạnh). Ông Thành đã hai lần bị địch bắt, nhưng được ông Hạnh tìm cách cứu thoát. Ông Thành đã tác động, hướng ông Hạnh đứng về phía cách mạng.
Từ đây, ông Hạnh mang mật danh S7 - Sao Mai cho tới ngày 30-4-1975, không bị lộ. Từ khi hợp tác với cách mạng, không những thực hiện những yêu cầu của Trung ương Cục miền Nam, ông Hạnh còn tự giác ứng phó trong mọi tình huống, không để điều gì bất lợi xảy ra cho nhân dân, cho cách mạng.
ĐIỆP VỤ “BIG MINH”
Đầu tháng 11-1963, cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm xảy ra, Đại tá Hạnh ngấm ngầm ủng hộ bạn thân là Tướng Dương Văn Minh, hỗ trợ Đại tá Nguyễn Hữu Có chiếm vị trí chỉ huy Sư đoàn 7 Bộ binh, thuyết phục Tướng Huỳnh Văn Cao án binh bất động không cho lực lượng Quân đoàn 4 về giải cứu, góp phần làm nên thắng lợi cuộc đảo chính anh em nhà Ngô Đình Diệm.
Năm 1969, Đại tá Hạnh được điều động trở lại Miền Tây làm Phó Tư lệnh, đến năm 1970 được phong hàm Chuẩn tướng. Do là thân hữu của Tướng Minh "Lớn" nên sự nghiệp của Đại tá Hạnh vấp phải rất nhiều trở ngại, không hợp gu với Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu và ngụy đội VNCH Đệ nhị.
Chính vì vậy, từ chức Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 năm 1972, ông bị chuyển ra làm Chánh Thanh tra Quân đoàn I tại Đà Nẵng. Bất ngờ vào ngày 15-5-1974, lúc đó 48 tuổi, Chuẩn tướng trẻ Nguyễn Hữu Hạnh nhận quyết định về nghỉ hưu do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký, viện lý do đã phục vụ trong quân đội quá thời hạn 20 năm.
Trong chính trường Sài Gòn lúc bấy giờ ai cũng biết, Tổng thống Thiệu đang tiến hành loại dần phe cánh của Tướng Dương Văn Minh và giới Quân đội thân Pháp. Đây cũng là thời gian quân đội Mỹ đã rút khỏi Miền Nam Việt Nam, chỉ còn lại đội ngũ cố vấn CIA…
Thiệu không ưa gì Mỹ, nhưng khó thoát khỏi thế kẹt của vòng kim cô nên vùng vẫy như cá mắc lưới trên trường chính trị, ngoại giao tìm lối thoát mới. Hơn nữa, tình hình chiến sự trên các chiến trường đang diễn ra rất ác liệt, thế thắng đang thuộc về Quân giải phóng Miền Nam, chính trường Sài Gòn đang rung chuyển, lung lay từng ngày.
Tuy đã tiếp cận với Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh từ những năm đầu 1960 nhưng Mặt trận giải phóng chưa hình thành và giao phó một nhiệm vụ gì cụ thể. Theo mưu lược người xưa, nuôi quân 10 năm dùng trong 1 giờ… đang lộ dần, lộ dần từ ngày khi Chuẩn tướng trẻ bị cho "về vườn".
Những ngày cuối tháng 4-1975, các cánh quân giải phóng Miền Nam đang dần xiết vòng vây tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Đồng chí Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng chỉ đạo bằng mọi giá phải đưa Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trở về Sài Gòn để gặp Tổng thống Dương Văn Minh trước ngày nhậm chức Tổng thống từ tay Tổng thống Trần Văn Hương.
Mọi công việc đã được sắp đặt và bố trí chặt chẽ trước và ngay trong giờ khắc lịch sử đến. Tổng thống Dương Văn Minh phân công Chuẩn tướng Hạnh làm phụ tá cho tân Tổng Tham mưu trưởng là Trung tướng Vĩnh Lộc (1923-2009). Nguyễn Phước Vĩnh Lộc là dòng dõi hoàng tộc, anh em với vua Bảo Đại nhậm chức Tham mưu trưởng ngụy quân VNCH ngày 29-4-1975, đã tuyên bố hùng hồn kêu gọi quân đội tử thủ bảo vệ Sài Gòn bằng mọi giá. Nhưng rạng sáng ngày 30-4-1975, Trung tướng Vĩnh Lộc đã thoát ra biển bằng tàu chiến trên bến Bạch Đằng.
Lúc này, không ai khác hơn Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, thay ghế Tổng Tham mưu trưởng, là một trong hai vị tướng cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn đứng bên cạnh Đại tướng, Tổng thống Dương Văn Minh suốt mấy giờ lịch sử sang trang…
Chính ông đã ra lệnh cho quân đội Sài Gòn bỏ súng đầu hàng theo lệnh Tổng thống, tránh đổ máu vô ích trong cuộc hòa hợp dân tộc, bàn giao chính quyền. Và điều kỳ diệu đó đã diễn ra trong Dinh Độc lập vào trưa ngày 30-4-1975.
Có những thời khắc lịch sử không thể diễn tả bằng hai chữ "nếu như"… Chiều chủ nhật 29-4 phụ tá Hạnh chính thức ngồi vào ghế chỉ huy Bộ tổng Tham mưu. Thông qua bác họ Nguyễn Tấn Thành (bí danh Tám “vô tư”), Chuẩn tướng Hạnh đã có thể hình dung toàn bộ cục diện chiến trường và chính trường lúc này cần có những quyết định ra sao.
Lúc này, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3, đang đóng quân tại Biên Hòa còn rất hung hăng khi còn trong tay 3 Sư đoàn thiện chiến và nhiều Lữ đoàn phối hợp. Tướng Toàn từng đề nghị Tổng Tham mưu Cao Văn Viên nhờ Mỹ điều B52 ném bom chặn quân Việt cộng ngay cửa ngõ Sài Gòn. Nay, lại đề nghị chuyển Bộ Chỉ huy về căn cứ thiết giáp ở Gò Vấp, gần sân bay Tân Sơn Nhất.
Phụ tá Hạnh không chấp thuận mà lấp lửng trả lời: nếu đến chiều 29-4 tướng Lộc không trả lời thì cứ làm như thế, như thế. Sự thật, Chuẩn tướng Hạnh không hề báo cáo với tân Tổng Tham mưu Vĩnh Lộc và rạng sáng hôm sau thì ông này đã tìm đường chuồn ra biển. Tiếp đến là tối 29-4, tướng bại trận Xuân Lộc là Lê Minh Đảo xin lui về Tân Vạn, bên này sông Đồng Nai để cố thủ, Chuẩn tướng Hạnh đọc được ý đồ hèn nhát của tên này khi rút về cận Sài Gòn để tháo chạy.
Tướng bại trận còn xin phá sập cầu Đồng Nai ngăn chặn quân giải phóng, Chuẩn tướng Hạnh rùng mình, ra lệnh không được phá cầu vì lấy cớ còn cơ động, phản công. Khi nào cần có thể điều không quân ném bom chặn đường. Ông đã tìm mọi cách xé lẻ những lực lượng quân tử thủ ra thành nhiều mảnh nhỏ, để dồn ép Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền vào thế phải đầu hàng.
Lúc này, hai cái gai nhọn là tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 và Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô là những kẻ hiếu chiến nhất thề sinh tử bảo vệ Sài Gòn. Nhưng tất cả đã bị vô hiệu hóa, khi Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng gần trưa 30-4. Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát, cùng tướng Phạm Văn Phú kẻ để mất Buôn Ma Thuột. Tư Lệnh Hải quân Diệp Quang Thủy tự sát, còn tướng Vĩnh Lộc chạy tháo thân…
Nắm được ý cua tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh là “không chống cự”, lại được chỉ đạo của Ban Binh vận nên ông Hạnh điều binh khiển tướng theo ý mình.
Thời điểm này là gần 12 năm ông Hạnh thầm lặng đợi chờ. Ông Hạnh đề nghị Dương Văn Minh :
“Tình hình này, Tổng thống cần quyết định ngay, trì hoãn chỉ có hại. Về quân sự thì không thể làm gì được nữa rồi”. Tất cả các ý định ngăn chặn đường tiến công của Quân Giải phóng vào Sài Gòn trong ngày 29-4-1975, đều bị ông Hạnh “vô hiệu hóa” bằng lệnh “án binh bất động”.
Ông Hạnh tiếp tục tác động tinh thần và tham mưu cho Dương Văn Minh. Ngày 29-4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Giám đốc Nha cảnh sát đô thành Triệu Quốc Mạnh thả tù binh chính trị; gửi công văn yêu cầu Đại sứ Mỹ Martin cho Cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ (DAO) rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng để giải quyết hòa bình ở Việt Nam.
Đến 9 giờ ngày 30-4-1975, Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.
Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cũng thảo một Nhật lệnh yêu cầu tướng, tá và binh sĩ chế độ ngụy quyền Sài Gòn thi hành lệnh của Tổng thống ngay tức khắc.
Rồi cũng đến 11 giờ 30 ngày 30-4-1975... Và ông Nguyễn Hữu Hạnh, bí số S7- Sao Mai đã hoàn thành nhiệm vụ.
Sau năm 1975, ông Hạnh được cử giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Nhân dân bảo trợ nhà trường, sau được bầu làm Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam với tư cách là nhân sĩ yêu nước. Ông đã sống trọn một đời không hổ thẹn với nghĩa khí và lòng yêu nước truyền thống của dòng tộc, của một người Việt Nam.
Ông mất ngày 29/9/2019 hưởng thọ 96 tuổi.
Đến viếng ông có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung, gia đình nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng gửi vòng hoa đến viếng,…
Trong sổ tang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: “Anh Nguyễn Hữu Hạnh kính mến! Vô cùng thương tiếc Anh. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ những đóng góp quan trọng của Anh trong những ngày tháng sục sôi của cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất Tổ quốc. Xin vĩnh biệt Anh!”.
Nguồn: Tổng hợp
Theo Trái tim người lính
Theo Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ