Thực ra lúc bay, tôi bị hoảng vì với máy bay MIG-21, tôi chưa được bay với những động tác cử động manh như thế bao giờ, nhất là ở độ cao thấp. Những động tác nhào lộn như thế tôi chỉ biết khi bay L-29 năm thứ 2. Lúc đó giáo viên tôi là trung úy còn trẻ. Khi bay với tôi bài bay nhào lộn phức tạp, ông tranh thủ tập thêm để chuẩn bị tham gia thi kiện tướng thể thao đoàn Liên bang. Nhưng vì trên máy bay L-29 tốc độ chậm, hơn nữa độ cao cao hơn, nên còn yên tâm xem thầy lái. Chứ MIG-21 tốc độ nhanh ở độ cao thấp bảo bình tĩnh sao được.
Chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Tổ quốc tuy chưa đạt được mục đích là xem địa điểm trong không vực. Nhưng qua chuyến bay này, tôi được biết thêm khả năng cơ động của máy bay MIG-21 như thế nào ở độ cao cực thấp. Nó đã kích thích tôi trong tập bay để nâng cao trình độ, đáp ứng với yêu cầu của không chiến với phi công Mỹ sau này.
Vì là sau chuyến bay đầu tiên hạ cánh, nên xe dầu, xe khí đến ngay và loáng một cái đã nạp xong dầu đốt và khí nén, xe điện cũng đến kịp thời. Tất cả đã chuẩn bị xong, thầy liền bảo: “Thảo đâu lên máy bay”. Tôi nhìn chẳng thấy Thảo đâu, chỉ thấy Đặng Văn Đình đứng cạnh. Tôi liền bảo với Đình là vào khu huấn luyện gọi Thảo ra bay. Một lúc sau Đình chạy ra bảo không thấy Thảo trong đó. Khoảng vài phút sau thì tôi thấy Thảo đang lững thững đi từ khu trực chiến về. Tôi liền gọi Thảo. Mọi người đều đồng thanh gọi to cho Thảo nghe và ra ký hiện cho Thảo chạy nhanh để đi bay. Khi gần đến nơi, Thảo mới hiểu mọi người thúc giục mình đi bay. Thảo liền giơ tay lên gõ gõ vào đồng hồ và bảo còn sớm mà. Mọi người đều bảo máy bay chuẩn bị xong rồi, thầy giáo đang chờ, vào lấy đồ bay ra bay nhanh lên. Thảo định chạy vào khu huấn luyện thì tôi bảo thôi lấy đồ bay của tôi mà bay để thầy giáo khỏi phải chờ. Vì tôi và Thảo cỡ người bằng nhau, chỉ khác là Thảo đi giày cỡ nhỏ, còn tôi đi giày cỡ to. Giày và quần áo Thảo đã mặc sẵn, Thảo mặc quần kháng áp của tôi vừa khít. Thế là Thảo dùng toàn bộ đồ bay của tôi để bay. Tôi chỉ lấy lại mỗi khẩu súng ngắn K-59 mà tôi vừa lấy ra ở túi ngực của mình. Sau đó Thảo và thầy lên máy bay. Tôi và Đình vào khu huấn luyện. Vừa đi tôi vừa kể chuyện chuyến bay vô kỷ luật của mình và dặn Đình không được nói với ai về chuyến bay đó. Vì bài bay của tôi là bài địa hình và nhào lộn đơn giản, độ cao từ 2000-6000m. Trong khu huấn luyện, tôi cất khẩu súng ngắn vào thùng bay, sau đó lên chòi chỉ huy để xem, vì tôi hết nhiệm vụ trong ngày. Chòi chỉ huy cách khu huấn luyện không xa. Khi tôi lên đến chòi thì nghe tiếng Thảo báo cáo xin lên đường băng. Sau khi dừng lại trên đường bang, Thảo xin cất cánh. Chỉ huy cho Thảo cất cánh vào không vực Thái Nguyên, đúng không vực mà tôi vừa bay chuyến trước. Thảo báo cáo nghe tốt và thực hiện cất cánh. Chỉ huy bay tiếp tục chỉ huy các máy bay khác theo kế hoạch. Một lúc sau, tôi không nhớ bao nhiêu phút, nghe Thảo báo cáo không vực hiện tại của Thảo. Công tác xong xin độ cao về đài. Chỉ huy cho Thảo về đài độ cao 2000m. Thảo báo cáo nghe tốt 2000. Chỉ huy cho Thảo về đài độ cao 800 m. Một lúc sau không thấy Thảo báo cáo gì. Chỉ huy hỏi vị trí của Thảo và đã nhìn thấy sân bay chưa, nhưng không thấy Thảo trả lời. Chỉ huy ra lệnh dừng bay và báo cáo Sở chỉ huy Trung đoàn về tình hình chuyến bay mất liên lạc. Chờ mãi chẳng thấy máy bay về. Dự đoán máy bay bị hỏng. Máy liên lạc được loại bỏ, vì đã quá thời gian khả năng hoạt động của máy bay ở trên không. Chỉ huy bay ra lệnh rút quân về đơn vị. Một ngày buồn không tả xiết. Khi về, tôi xách thùng bay rỗng của mình nhẹ tênh, nhưng lòng nặng trĩu, không biết thầy và bạn của mình ra sao, có nhảy dù được không?. Mọi người cùng cầu mong cho thầy trò Thảo nhảy dù thành công.
Đội tìm cứu đã được triển khai ngay theo phương án đã có. Sau đó, Trung đoàn và cấp trên đã triển khai tổ chức nhiều đội tìm cứu, đi các khu vực khác nhau để tìm, nhưng mãi chẳng có tin tức gì về hai phi công cả. Chúng tôi lòng như lửa đốt, nhưng chẳng làm được gì. Những ngày sau đó là những buổi rút kinh nghiệm, dự đoán nguyên nhân và dự đoán khu vực bị nạn đề tìm cứu. Sau mấy ngày rút kinh nghiệm bay, là những buổi ôn tập các tình huống xử lý bất trắc khi bay. Ngóng chờ tin tức các đội tìm cứu, nhưng mãi chẳng có tin tức gì. Lúc đó, chúng tôi còn là lính bay, nên những thông tin chúng tôi có được không nhiều. Hơn chục ngày sau, đơn vị tổ chức lễ truy điệu, cũng có bàn thờ, phông màn. Anh em trong đoàn chúng tôi làm tiêu binh. Mỗi lần 4 người, thời gian khoảng 30 phút, cứ thế thay nhau đứng im lặng một ngày trời. Lúc ấy, mùa hè rồi nhung đội tiêu binh chúng tôi phải mặc áo 4 túi mùa đông của sĩ quan mặc dù chỉ là hạ sĩ, binh nhất, binh nhì. Đứng trong hội trường rộng mênh mông, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy nóng bức, vì không có quạt điện. Tất cả đều cố gắng chịu đựng để buổi lễ được diễn ra trang nghiêm.
Hơn một tháng sau, cũng chẳng có tin tức gì. Các đội tìm cứu cùng với dân quân các địa phương nghi ngờ có máy bay rơi, vẫn tiếp tục đi tìm cứu. Còn chúng tôi lại phải ổn định tư tưởng và tiếp tục chuẩn bị để bay.
Chúng tôi có rất nhiều chuyện đáng kể, tại sao tôi kể lại chuyện không vui này. Chả là từ tháng 4 năm 2018, trên mạng gowin99 nói rất nhiều về chuyến bay ấy. Kể ra thì rất dài dòng và không cần thiết vì trang mạng đã viết rồi. Ai muốn biết chi tiết thì cứ tìm trong google và tìm trang “Tìm thấy máy bay rơi ở Tam Đảo 47 năm về trước”. Trong đó viết rất nhiều, nhưng tôi chỉ nêu lên bài viết về “Hành trình tìm chiếc máy bay rơi trên đỉnh Tam Đảo 47 năm về trước” trên báo dantri.com.vn và một số bài bình luận.
Ông Nguyễn Nam là người đầu tiên đưa lên mạng câu chuyện của Anna Poyarkova là cháu nội của Đại úy Poyarkov Iuri Nikolaevich. Cháu muốn biết rõ: Điều gì đã xảy ra với Đại úy Poyarkov? Ông mất tích trong hoàn cảnh nào? Tại sao không tìm ra chiếc máy bay rơi và thi thể của phi công?
Câu hỏi 1 và 2 tôi đã trình bày như đã kể. Những gì tôi viết ra chỉ là diễn biến qua đàm thoại của chỉ huy bay và phi công với độ chính xác và trung thực cao, vì tôi là người ngồi xem chỉ huy chuyến bay này từ đầu đến cuối. Đã 50 năm rồi anh Kính và kíp chỉ huy hôm ấy có thể không nhớ về công việc và thời gian, nhưng riêng tôi không bao giờ quên. Nó cứ canh cánh trong tôi suốt 50 năm qua mỗi khi hồi tưởng lại cuộc đời bay của mình. Nó cứ day dứt trong tôi bởi lẽ chúng tôi cùng tổ bay, cùng thầy, cùng máy bay mà tôi vừa bay xong. Còn cụ thể chuyện gì đã xảy ra khi bay thì chỉ có hai thầy trò Thảo biết được.
Còn câu hỏi thứ 3 là: Tại sao không tìm thấy chiếc máy bay rơi và thi thể của phi công? Vấn đề này không thể chỉ một vài câu, một vài trang giấy mà nói hết được. Tôi chỉ nêu lên một số dữ liệu để mọi người suy đoán.
Như trang mạng đã viết: duyên cớ nào tìm thấy mảnh vỡ của chiếc máy bay rơi ở độ cao 1200m trên sườn Đông Bắc dãy núi Tam Đảo, khu vực giáp ranh giữa xã Hoằng Nông và xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Việc tìm ra những mảnh vỡ trên là do dân địa phương trong lúc đi rừng vô tình phát hiện ra, chứ không phải đi tìm khi máy bay bị nạn. Sau khi đọc được thông tin này, tôi mở bản đồ ra xem và nhờ có bản đồ vệ tinh, tôi xác định vị trí 2 xã nêu trên mà không cần đến nơi, tôi xác định được khu vực máy bay rơi. Đồng thời tôi vô cùng ngạc nhiên và không hiểu vì sao chỉ huy bay cho Thảo vào không vực Thái Nguyên? Khi bay về mất liên lạc, bây giờ lại tìm ra máy bay rơi ở tận cuối dãy Tam Đảo, gần phía Sơn dương. Điều này không ai ngờ tới, vì bay lệch không vực quá xa khoảng 40km. Nếu hôm đó thời tiết nhiều mây thì có thể. Nhưng thời tiết hôm ấy tốt, dãy núi Tam Đảo nhìn thấy rõ. Những phi công khác bay đợt đầu hôm đó đều xác định như vậy. Chúng tôi phán đoán có thể máy bay bị trục trặc kỹ thuật nên rơi và nơi rơi chỉ có trong rừng mới không ai biết. Đại ngàn khó tìm, chỉ có dãy núi Tam Đảo, vị trí rơi vào khoảng nửa dãy núi Tam Đảo trở lại phía sân bay. Chính vì vị trí máy bay rơi không ai ngờ tới đó, nên việc đi tìm không thấy là tất nhiên.
Trên mạng, Tiến sỹ Lê Anh có viết: Anh đã gặp nhiều người và vị trí thông tin thu lượm được. Dựa trên những tính toán logic, Tiến sỹ Lê Anh đã dựng lại hành trình bay của chiếc MIG-21 vào ngày xảy ra tai nạn. Tôi đã đọc bài viết của Tiến sỹ Lê Anh và tôi nói rằng những gì anh viết về chuyến bay chỉ là phán đoán. Đã tính toán phải có số liệu, vậy số liệu của anh có là gì? Lấy ở đâu ra? Trong khi phi công đã mất, hộp đen không tìm thấy. Khi đã không có số liệu trong hộp đen, chúng ta chẳng nói được điều gì. Trên mạng, một số người còn chỉ trích Chính phủ và quân đội đã không tìm kiếm, quá thờ ơ và vô cảm với đồng chí đồng đội…
Mọi người không biết rằng trong không quân, người chỉ huy phải là phi công nên họ hiểu hơn ai hết là phải nhanh chóng, khẩn trương tìm cứu phi công khi gặp nạn như thế nào. Trong đội ngũ phi công chúng tôi, từ chỉ huy các cấp, từ lớp trước đến lớp sau tình cảm của chúng tôi như anh em ruột thịt. Đừng phê phán chúng tôi như vậy, oan cho chúng tôi.
Lúc đó, chúng tôi đã làm hết khả năng của mình, nhưng chưa tìm cứu được phi công có rất nhiều nguyên nhân. Trong khuôn khổ bài viết, không thể trình bày dài được, chỉ khuyên là khi nhận định, đánh giá về cái gì đó cũng nên chú ý về thực tế khách quan. Điều kiện mọi mặt của năm 1971 khác nhiều lắm so với bây giờ. Chúng ta đang sống ở thời kỳ công nghệ 4.0, thế mà nhiều thứ chưa đáp ứng được so với nhu cầu cuộc sống. Còn năm 1971 thời kỳ mà đế quốc Mỹ muốn đưa chúng ta về thời kỳ đồ đá, nên lúc đó chúng tôi khó khăn thiếu thốn trăm bề. Nói như vậy để mọi người tự suy xét. Chúng ta nên biết rằng đi tìm máy bay rơi xuống biển có khó khăn riêng, khi máy bay rơi vào khu vực rừng núi hiểm trở, rậm rạp cũng có khó khăn riêng. Đến máy bay MH 370 của hàng không Ma-lai-xia mất tích, cả thế giới tập trung đi tìm với các phương tiện hiện đại như bây giờ mà mấy năm nay đã thấy đâu. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng tôi không có thiếu sót. Chúng tôi có thiếu sót khuyết điểm, nhưng thiếu sót cụ thể là gì thì xin thưa việc nhà binh không phải lúc nào và chỗ nào cũng nói được, mong được cảm thông.
Quay lại câu chuyện về chiếc máy bay MIG-21, mới đầu khi đọc tin ở trên mạng tôi còn nghi ngờ xác máy bay này chưa chắc đã phải là chiếc MIG-21. Vì trong rừng dãy Tam Đảo không phải chỉ có một chiếc máy bay rơi mà còn có các cái khác nữa. Trong đó có máy bay ta và máy bay Mỹ rơi trong chiến tranh. Tôi là người ít sử dụng mạng để xem tin mà chủ yếu là để tìm hiểu về kỹ thuật. Việc tôi biết được tin tìm thấy máy bay rơi ở Tam Đảo là do tình cờ. Khi tôi biết được tin này thì công việc tìm kiếm đã xong rồi. Tôi tiếc mãi là không được biết được sớm hơn. Nếu biết sớm tôi đã xung phong tham gia với đội tìm kiếm.
Sau khi các di vật đưa về tỉnh đội Thái Nguyên và xác định không có yếu tố xương người thì có 2 cán bộ quân đội ở Phòng trinh sát quân chủng phòng không-không quân đến nhà riêng gặp tôi. Các đồng chí ấy tỏ ra nghi ngờ chiếc đế giày không phải của phi công. Các đồng chí ấy bảo rằng thời kỳ đó phi công ta toàn dùng đồ của Liên Xô mà chiếc đế giày này là của loại giày sỹ quan Việt Nam. Sau khi xem xét ký chiếc đế giày, tôi có trình bày rằng: Khi chúng tôi mới về, đơn vị cấp cho chúng tôi mỗi người 2 đôi giày. Một đôi thấp cổ để đi hàng ngày, một đôi cao cổ để đi bay do Việt Nam sản xuất. Chiếc đế giày tôi đang xem đúng là kiểu giày chúng tôi đi thời đó. Nó có cỡ số 38 đúng cỡ số giày của Thảo. Đế đúc chữ số còn rất sắc nét, chữ số nổi và ta-lông chống trơn chưa mòn, vì chúng tôi mới đi được mấy ngày khi tập buồng lái ngoài sân bay. Với chiếc đế giày này, tôi tin đến 99% chỗ máy bay rơi này là của Thảo và thầy giáo tôi, xóa đi các nghi ngờ của tôi trước kia.
Đã 50 năm rồi khi ngồi viết lại câu chuyện không vui này, tôi lại càng nhớ bạn, nhớ thầy, nhớ chuyến bay định mệnh đó, chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Tổ quốc cùng với thầy, làm tôi hú vía. Tôi vẫn thầm cảm ơn thầy, vì chuyến bay đầu tiên đó đã kích thích tôi luyện tập. Sau này trong khi bay, tôi cũng trải qua nhiều lần suýt chết. Qua mỗi lần như vậy, lại thấy mình trưởng thành hơn. Khi học bay ở Liên Xô, thầy giáo bay của tôi có nói: Không có phiêu lưu, mạo hiểm thì không có kinh nghiệm xử lý trong các tính huống khẩn cấp khi gặp phải. Tôi nhận thấy câu nói đó đúng với tất cả các phi công trên thế giới. Có lẽ vì vậy, trên chuyến bay đầu tiên, thầy tôi đã dạy tôi bài bay khó như thế.
Cho đến bây giờ, hài cốt của thầy giáo và bạn tôi vẫn chưa tìm thấy để đưa về cho người thân của họ. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã quyết định thôi không tìm kiếm thêm nữa để gia đình người thân của hai phi công khỏi thấp thỏm chờ mong. Chẳng biết làm gì bây giờ, chúng tôi cũng đã trên 70 tuổi cả rồi, lực bất tòng tâm, chỉ còn biết cầu chúc cho linh hồn của thầy giáo và bạn tôi được siêu thoát. Hình ảnh của thầy giáo và bạn tôi luôn trong tâm trí tôi suốt đời.
T.N.
Trái tim người lính